Giao Lưu Văn Hóa Ấn Việt Qua Huyền Thoại Man Nương

đại tạng kinh việt namVùng đất gốc đồng bằng Bắc bộ, nhất là khu vực giữa sông Hồng và sông Đuống được người Việt cổ khai thác rất sớm. Từ trước công nguyên rất lâu, cư dân ở đây đã thuần hoá lúa nước, trồng hoa mùa như các loại đậu và dây leo bầu bí, cũng trồng Dâu nuôi tằm lấy tơ. Họ sống nhờ đất, tôn đất làm Mẹ, nhưng đất sinh hoa lợi phải nhờ trời cho mưa nắng thuận hoà. Đất trời hoà hợp cho nước để con người sinh sống. Gốc của nước là mưa, mà tiên đề và đồng thời với mưa là mây và sấm, chớp, vì vậy ...Ở đây, Tượng Phật mờ nhạt và dạt ra xunh quanh, để dành vị trí trang trọng nhất, trung tâm nhất cho Tượng trong bộ Tứ Pháp. Các Tượng này đều cao to hơn người thực, thống nhất một quy cách tạo hình, ngồi Thiền giơ ra bàn tay có viên ngọc như ban phép màu, khuôn mặt nữ tính có dáng dấp nét đẹp Ấn Độ duy lý, toàn thân sơn màu nâu thẫm là hoà trộn của máu đỏ biểu hiện sức sống với mây đen biểu hiện bầu trời vần vũ sắp mưa to, tạo sự thâm nghiêm gây niềm kính cẩn.

Giao Lưu Văn Hóa Ấn Việt Qua Huyền Thoại Man Nương

Chu Quang Trứ

Vùng đất gốc đồng bằng Bắc bộ, nhất là khu vực giữa sông Hồng và sông Đuống được người Việt cổ khai thác rất sớm. Từ trước công nguyên rất lâu, cư dân ở đây đã thuần hoá lúa nước, trồng hoa mùa như các loại đậu và dây leo bầu bí, cũng trồng Dâu nuôi tằm lấy tơ. Họ sống nhờ đất, tôn đất làm Mẹ, nhưng đất sinh hoa lợi phải nhờ trời cho mưa nắng thuận hoà. Đất trời hoà hợp cho nước để con người sinh sống. Gốc của nước là mưa, mà tiên đề và đồng thời với mưa là mây và sấm, chớp, vì vậy trong tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt cổ (và sau đấy được người Việt tiếp nhận và duy trì) thật khái quát với người sống là các mẫu Địa, mẫu Thiên và mẫu Thoả (tức là thuỷ), (lại thêm mẫu thượng ngàn coi miền rừng cho linh hồn người chết trú ngụ) được thờ phổ biến ở điện Mẫu bên cạnh điện Phật trong các Chùa ngoài Bắc. Và nhiều Chùa trong vùng nông nghiệp gốc còn thờ các nữ thần nước, Mây, Sấm va Chớp.

Vùng Kinh tế phồn thịnh cũng là vùng văn hoá phồn vinh và sớm là trung tâm chính trị khi có nhà nước. Chính quyền nhà Thục đóng đô ở Cổ Loa, tiếp theo chính quyền đô hộ phương Bắc đóng trụ sở ở Liên Lâu rồi Long Biên, Tống Bình tức Đại La (sau là Thăng Long của Đại Việt và Hà Nội của chúng ta )…nói chung sự chuyển dịch quanh hai triền sông Đuống. Trên đường thuỷ thông thương Ấn Hoa, các thuyền cổ đi men bờ biển thường ghé đất liền và tìm đến các trung tâm văn hoá chính trị. Nhiều sư Tăng Ấn Độ đã theo thương thuyền đến Luy Lâu và truyền bá đạo Phật trước tiên ở đây.Vậy là sự gặp gỡ văn hoá Việt Ấn đã hội tụ tại đây và từ đây toả sáng. Các thần của người nông dân Việt cổ được Phật hoá và nghi bằng văn tự Hán thành các tên Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Chính tại Luy Lâu xưa tức vùng Dâu (Thuận Thành Hà Bắc) có đầy đủ bốn Chùa Tứ Pháp mà dân gian gọi nôm là Chùa Dâu, Đậu, Dàn, Tướng. Và từ ấy dịch xuống phía Nam một chút là vùng Thái Lạc (Mỹ Văn Hải Hưng) cũng đủ bốn Chùa Tứ Pháp, lại vượt sông Đuống lên bờ Bắc là Chùa Pháp Vân tức Chùa Nành (Gia Lâm Hà Nội), và vượt sông Hồng sang hữu ngạn cũng lại Chùa Pháp Vân tức Chùa Đậu (Thương Tín, Hà Sơn Bình). Các tên nôm của Chùa trong hệ thống Tứ Pháp đã xác định một vùng nông nghiểp trù phú (Nành cũng là tên một loại đậu để làm tương). Các Chùa trên đều lưu hành câu chuyện nàng Man Nương với sư Khâu Đà La mà sau này được viết thành truyện thơ “Cổ Châu Phật Bản Hành” in thành sách. Chúng tôi muốn qua chuyện này tìm hiểu cuộc tiếp biến văn hoá Việt Ấn, nên dù nhiều người đã thuộc, cũng xin tóm tắt như một toát yếu.

Thuở ấy vào thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ II). Sư Khâu Đà La từ Ấn Độ sang rừng Mã Mang trên núi Non Tiên (tức núi Nguyệt Hằng, núi Chè) bờ Bắc sông Đuống, lập am thờ Phật dưới gốc cây đa. Còn làng Mãn Xá ở bờ nam sông Đuống có gia đình ông bà Tu Định sinh một người con gái gọi là Man Nương, lớn lên cho thụ giáo Khâu Đà La. Một tối sư tụng Kinh muộn, Man Nương nằm chơi ở hiên rồi ngủ thiếp mất, khi Khâu Đà La về phòng phải bước qua người nàng. Từ đó nàng mang thai, đủ 14 tháng thì sinh một bé gái. Theo lời cha, Man Nương ẵm con sang rừng Mã Mang trả cho Khâu Đà La. Sư đọc thần chú, cây dung thụ (cây Dâu) lớn nhất rừng nứt làm đôi cho sư đặt hài nhi vào, sau đó cây khép lại và nở hoa.

Thời gian trôi đi, một năm mưa gió làm cây dung thụ đổ, trôi xuống sông Đuống rồi vào sông Dâu, đến trước trụ sở Luy Lâu thì quẩn lại. Bao binh lính kéo vào không được, vừa lúc Man Nương ra sông nàng chỉ ném dải yếm ra là nôi vào được cây vào. Đêm ấy, trong trụ sở, Sĩ nhiếp được báo mộng tạc cây gỗ quý làm bốn pho tượng để thờ. Tốp thợ chạm được giao cắt cây dung thụ làm bốn khúc, khi tạc khúc gốc rùi va phải hòn đá nên đã quẳng xuống sông, còn gỗ tạc thành bốn pho tượng mẫu. Khi rước pho thứ nhất vào Chùa Dâu bỗng có mây ngũ sắc, bèn đặt tên Tượng là Pháp Vân; rước pho thứ hai vào Chùa Đậu thì có mưa, bèn gọi tượng là Pháp Vũ; rước pho thứ ba vào Chùa Tướng thì có sấm, đặt tên tượng là Pháp Lôi; rước pho cuối vào Chùa Dàn thì có chớp, đặt tên tượng là Pháp Điện.

Đến Chùa Dâu, không thể rước được pho Pháp Vân lên tòa sen. Hỏi ra biết khúc gỗ tạc Tượng Pháp Vân có hòn đá bị mất. Bao nhiêu thợ xuống sông không lặn được, khi Man Nương ra đến thì hòn đá nổi lên và toả sáng, được mang về thờ cùng với Tượng gọi là Thạch quang. Lễ an vị Tượng Tứ Pháp tổ chức trọng thể và mở đầu lệ hàng năm hội Phật đản ở các Chùa trên. Truyền rằng Tứ Pháp rất linh nghiệm, luôn làm mưa gió thuận hoà, những khi dân cầu mưa, cầu tạnh đều ứng nghiệm, lại còn giúp nhà nước đánh thắng ngoại xâm…

Từ cốt lõi chuyện trên, qua lễ hội Tứ Pháp ta thấy một sự giao lưu văn hoá để tạo ra một thành tựu văn hoá mới dân tộc cao hơn. Ở đây, khởi đầu có nền văn hoá bản địa mang tính nông nghiệp, thuần hậu, gắn với yếu tố nữ mà nhân hoá thành Man Nương người con gái trong trắng, tinh khiêt, chăm làm, chất phát. Và rồi một nền văn hoá Ấn Độ mầu nhiệm, cao sang đã du nhập hoà bình và được dân sở tại tự giác tin theo, nhân hoá thành Khâu Đà La. Trong cuộc gặp gỡ Việt Ấn, văn hoá Việt như thụ động đi theo như tiểu hầu sư, nhưng qua đó đã khai thác và tiếp nhận những yếu tố cao đẹp, để tự nâng dần nên mức phong phú; còn văn hoá Ấn trụ được rồi thì chủ động phát quang, toả sáng, thâm nhập sâu dần vào tín ngưỡng bản địa. Từ cuộc gặp gỡ ấy, cả hai đều thiện tâm gắn bó, để trong văn hoá Việt hình thành một gương mặt mới, mà ngay khi còn thai nghén với 14 tháng đã báo hiệu một sự khác thường, thiêng liêng, cao quý… nhưng khi ra đời vẫn cần văn hoá Ấn làm bờ đỡ và biết khai thác sức mạnh diệu kỳ của bản địa để nuôi dưỡng. Sức linh diệu ấy là cây Dâu mà nhân gian còn tin đủ khả năng tiêu trừ những hắc ám, như ánh mặt trời xua tan đêm tối (mà về sau này các Thầy cúng đều dùng que Dâu để đánh ma, và nước Nhật là nước hàng ngày thấy mặt trời nhất còn gọi Phù Tang “tang” là cây Dâu).

Được sự nuôi dưỡng tích cực, gương mặt văn hoá mới đã kết đọng, đanh chắc, tích tụ mọi khí thiêng thành đá, và có thể toả sáng, rạng rỡ, diệu kỳ. Ta nhớ qua đây, tục thờ đá của dân tộc, đá là nơi trú ngụ của các linh hồn “cậu” và “cô” mà các bà hiếm con vẫn đến xoa để cầu tự, là chất liệu làm bia mộ cho hồn người chết nhập để con cháu thắp hương thờ, và vì thế tạc thành Tượng ở các lăng mộ, còn đặt cạnh những gốc cây thiêng (như cây đại mà khi rụng hết lá được xem là “cây mệnh” thờ ở các Chùa.)

Gương mặt văn hoá mới ấy tập trung mọi cái hay, cái đẹp, cái mầu, cái tốt của cả hai nền văn hoá, như kết quả của một cuộc tình duyên tự giác, hội tụ những yếu tố di truyền trội đẹp, trong đó văn hoá Mẹ đã vững vàng, chắc chắn mà văn minh Đông Sơn thuộc những thế kỷ trước công nguyên đến nay còn làm kinh ngạc mọi người nên đã cải tạo văn hoá Bố, tạo nên một thành tựu văn hoá cao hơn mình nhưng vẫn của mình, là mình. Tứ Pháp vẫn là những phép đảm bảo cho một nền văn hoá nông nghiệp lúa nước có đan xen hoa màu, đảm bảo cho cuộc sống của người dân được no ấn, thanh bình không bị ngoại xâm áp bức.

Các Chùa trong hệ thống Tứ Pháp thực chất là ngôi đền thờ nữ thần văn hoá bản địa. Ở đây, Tượng Phật mờ nhạt và dạt ra xunh quanh, để dành vị trí trang trọng nhất, trung tâm nhất cho Tượng trong bộ Tứ Pháp. Các Tượng này đều cao to hơn người thực, thống nhất một quy cách tạo hình, ngồi Thiền giơ ra bàn tay có viên ngọc như ban phép màu, khuôn mặt nữ tính có dáng dấp nét đẹp Ấn Độ duy lý, toàn thân sơn màu nâu thẫm là hoà trộn của máu đỏ biểu hiện sức sống với mây đen biểu hiện bầu trời vần vũ sắp mưa to, tạo sự thâm nghiêm gây niềm kính cẩn.

Truyền thuyết Tứ Pháp tìm nguồn gốc từ đầu công nguyên, ngay khi có sự du nhập của Phật giáo, được nuôi dưỡng suốt thời Bắc thuộc, đến kỷ nguyên độc lập phát sáng ở cả dựng nước (làm mưa gió thuận hoà) và giữ nước (chống giặc phương Bắc xâm lược). Nhiều Chùa trong hệ thống Tứ Pháp được dựng quy mô ở thời Trần mà nay còn dấu vết vật chất (như Chùa Dâu - Hà Bắc, Chùa Thái Lạc - Hải Hưng) và tu sửa suốt các thời sau. Còn Tượng Tứ Pháp đến nay, sớm nhất được tạc ở thời Mạc, thế kỷ XVI và tiếp theo là thời Lê trưng Hưng, thế kỷ XVI. Như vậy cả Chùa và Tượng về Tứ Pháp đều gắn với những giai đoạn nghệ thuật trở về với dân, thuộc về dân, trong sự nảy sinh và phát triển của mỹ thuật dân gian.

(Trích tập văn Phật Đản, PL. 2535- 1991)