Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX: HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THIỀN

Lịch sử còn ghi mãi tâm nguyện cao cả của Hòa Thượng Đồng, rạng danh trong phong trào chấn hưng Phật giáo và còn mãi với phong trào cách mạng kháng Pháp. Ngài cũng là người gây dựng nhiều hoạt động từ thiện cứu đời - giúp đời, như lần đầu tiên có trại trẻ mồ côi, tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá, nuôi ăn từ hai trăm đến ba trăm người trong thời gian ngắn...

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành

------------------------------

HÒA THƯỢNG
THÍCH TRÍ THIỀN
(1882 - 1943)

Hòa thượng thế danh NGUYỄN VĂN ĐỒNG, pháp danh Trí Thiền, pháp hiệu Hồng Nguyện, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, (nay là tỉnh Kiên Giang), trong một gia đình nông dân. Thân phụ là Cụ Nguyễn Văn Trinh, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Trường. Hai ông bà chính gốc từ Cái Dầu xứ Cao Lãnh đến đây lập nghiệp, sinh hạ năm người con. Ngài là con út.

Năm Nhâm Tý (1912) lúc 30 tuổi, Ngài xuất gia đầu Phật, làm đệ tử Hòa thượng Vĩnh Thùy ở chùa Thập Phương. Nhờ bản tính cương trực, chí hướng đại hùng, chẳng bao lâu đạo nghiệp của Ngài càng thêm sáng tỏ. Năm nào Ngài cũng vào hạ tu học trau giồi giới đức, năm nay tỉnh này, năm sau tỉnh khác. Đạo tràng nào cũng có Ngài tham dự. Ngoài thời gian kiết hạ an cư, mỗi năm Ngài thường vào tịnh thất cấm túc tham thiền, trường trai khổ hạnh. Bởi đạo nghiệp tinh chuyên nên người đời đều cảm đức của Ngài. Người mộ Phật đến xin quy y thọ giới với Ngài rất đông.

Năm 1915 do cảm mến đạo hạnh của Ngài, bà Dương Thị Oán cúng cho Ngài ngôi chùa cũ được Sắc Tứ từ thời vua Gia Long. Ngài khuyến giáo thập phương tín hữu đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa, từ mái tranh vách lá thành một cảnh già lam khang trang tráng lệ, và đổi tên là chùa Tam Bảo. Mấy năm sau, trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài còn tạo dựng thêm được nhiều ngôi chùa khác như Tam Bảo Hòa Thanh Tự ở Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phước Tự ở Tà Niên, Bửu Hưng Tự ở Cầu Cà, Bờ He, Gò Đất, Phước Hưng Tự ở Ngăn Gừa , Tam Bảo Từ Tôn Tự ở Sóc Xoài, Tam Bảo Kỳ Viên Tự ở Hòn Quéo, Tam Bảo Long Sơn Tự ở Hòn Đất.

Ngài cũng là người tha thiết với công cuộc chấn hưng Phật giáo, đã nhiệt tình ủng hộ và khích lệ Hòa thượng Khánh Hòa trong công tác này. Ngày 26-8-1931, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học được chính thức thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn gần chợ Cầu Muối (Sài Gòn). Ngài được mời làm cố vấn cho hội cùng với Hòa thượng Huệ Định. Năm ấy Ngài 50 tuổi. Trong thời gian hoạt động cho hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Ngài quen biết một nhà sư trẻ tuổi, có tư tưởng cấp tiến là thiền sư Thiện Chiếu. Ngài đã chịu ảnh hưởng nhiều của vị sư này.

Sau khi hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học bị lực cản của Ông Trần Nguyên Chấn, không khai giảng được Thích học đường, các vị Hòa thượng uy tín ( như Thiền Sư Khánh Hòa, Thiện Chiếu v.v...) của hội lần lượt bỏ về chùa ở các tỉnh để tìm phương thành lập các hội khác. Ngài cũng trở về chùa Sắc Tứ Tam Bảo ở Rạch Giá.

Sư Thiện Chiếu không đồng tình với chủ trương bảo thủ của các Hòa thượng trong hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trong ban biên tập báo Pháp Âm, báo Từ Bi Âm, đã đi khắp các chùa để tìm đồng chí, nhưng không nơi nào toại nguyện cả. Năm 1936, Sư xuống Rạch Giá tìm gặp Ngài, người mà Sư thấy có nhiều tư tưởng tiến bộ. Qua trao đổi, hai vị tỏ ra tâm đầu ý hợp, Ngài đồng ý thành lập hội Phật Học Kiêm Tế vào ngày 23-3-1937, và đầu năm 1938 cho xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Ngài lãnh nhiệm vụ Chánh Tổng Lý của hội và tu sĩ Phan Thanh Hòa làm Chủ bút tạp chí.

Với tên gọi Phật Học Kiêm Tế cùng với tạp chí Tiến Hóa - cơ quan ngôn luận của hội, tổ chức này hoàn toàn là một tổ chức “cách mạng” trong Phật giáo. Tên Phật Học Kiêm Tế được giải thích như sau : “Đây không phải là một cái hội chỉ để học Phật, mà còn là một cái hội để thực hành kinh bang tế thế nữa”. Cụ thể hóa tôn chỉ đó, hội đã tổ chức ba lớp học miễn phí cho con em nhà nghèo quanh vùng, nhà chùa trả lương cho giáo viên. Hội còn lập ra phòng thuốc phước thiện và bệnh xá cho bệnh nhân nằm điều trị. Lần đầu tiên trong cả nước, hội lập ra một viện mồ côi ngay tại chùa. Ngoài ra hội còn tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá, nuôi ăn từ hai trăm đến ba trăm người trong thời gian ngắn.

Chính do những tư tưởng tiến bộ như thế, mà chùa Tam Bảo đã trở thành nơi lui tới của các cán bộ cách mạng, làm nơi chế tạo vũ khí, in truyền đơn chống chế độ thực dân Pháp.

Ngài cũng thường hay qua lại một số chùa trên đất Campuchia và Thái Lan để trao đổi đạo pháp với các vị sư sãi các xứ này. Năm nào các chùa có mở trường Hương, trường Kỳ, Ngài thường được mời Chứng minh. Phật sự khắp các tỉnh như Sài gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Châu Đốc v.v..Ngài đều tham gia .

Để giúp hội Phật Học Kiêm Tế và báo Tiến Hóa có phương tiện hoạt động, trong phiên họp ngày 20-3-1938 của hội, Ngài đã hiến tài sản của chùa gồm có chùa chiền, ruộng vườn, và số tiền mặt tổng cộng 19.973 đồng (vào thời điểm năm 1938 đó là số tiền lớn ) cho hội, sau khi được bổn đạo của chùa đồng ý.

Cuối năm 1939, do tên Tư Chà làm nội gián, cơ sở cách mạng ở chùa Tam Bảo vị vỡ. Chùa bị mật thám Pháp khám xét. Tài liệu, truyền đơn và lựu đạn bị tịch thu. Hòa thượng Trí Thiền, Đại đức Thiện Ân tục danh Trần Văn Thâu và nhiều người khác bị bắt. Ngài và Đại đức Thiện Ân bị chúng giải lên Sài Gòn, đưa ra tòa xét xử. Đại đức Thiện Ân bị kết án tử hình, còn Ngài bị 5 năm biệt xứ lưu đày Côn Đảo. Lúc ở trong tù, Ngài nói với ông Lê Hoàng Minh, tức Ông Ký ở Nhị Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho rằng “Ông còn nhỏ, sau này được thả ra, còn hoạt động được. Còn tôi già rồi, kỳ này ra Côn Đảo, chắc chết”.

Đúng vậy, ra Côn Đảo, Ngài bị giam trong phòng cấm cố, Ngài tuyệt thực mấy ngày liền đến kiệt sức để phản đối chế độ lao tù hà khắc. Ngày 26-6-1943 (Quí Mùi) Ngài viên tịch, hưởng thọ 61 tuổi đời, 30 tuổi hạ.

Từ lúc Ngài bị bắt, chùa Tam Bảo bị đóng cửa, không ai được lui tới. Sau Cách mạng tháng tám, chùa mới được mở cửa lại. Tăng tín đồ Phật tử và nhân dân tổ chức một lễ cầu siêu lớn tại chùa để cầu nguyện cho Ngài và các đồng chí của Ngài đã chết vì đạo pháp và dân tộc. Lịch sử còn ghi mãi tâm nguyện cao cả của Hòa Thượng Đồng, rạng danh trong phong trào chấn hưng Phật giáo và còn mãi với phong trào cách mạng kháng Pháp.

Nguồn Thư viện Hoa sen

Sưu tầm và trình bày Thanh Tịnh Lưu Ly