Cậu bé chăn trâu thảnh thơi (phần 2)

Bài chia sẻ của Thầy Pháp Cơ

(....tiếp theo kỳ trước)

Kỷ niệm đẹp thì tương lai đẹp

caubechantrau1.JPGKhi đến một trung tâm tu học hay là một không gian nào đó mà mình cảm thấy yêu thích, mình thấy tâm mình nó bay nhẹ nhàng thong thả như một con hạc và mình thấy mình không cần làm một cái gì quan trọng hết. Lúc đó tâm thức mình đã có sự buông thư, có sự lắng dịu và mình thưởng thức được sự sống chung quanh mình và đồng thời chánh niệm được phát khởi. Cũng giống như khi mình đến một trung tâm tu học như ở đây, mình đã bỏ lại sau lưng những khó khăn, lo phiền và công việc của mình. Nhưng khi mới đến đây tâm thức mình chưa lắng xuống liền vì mình còn mang ít nhiều quá khứ trong đầu, những hình ảnh phố thị vẫn còn chạy theo trong đầu của mình. Cho nên mình phải làm thong thả, đi thong thả và nhẹ nhàng như một con hạc đang bay. Mình đi thiền hành để chế tác chánh niệm trong tâm của mình; mình đi từng bước, từng bước như vậy và để hết lòng mình vào hơi thở và việc tiếp xúc với sự sống chung quanh. Nếu trong tâm mình vẫn còn đôi chút âu lo, phiền muộn còn ứ đọng thì cũng đừng quan tâm quá, cứ để cho nó thong thả, nhẹ nhàng rồi nó sẽ qua. Mình cứ đi thiền hành thong thả từng bước và theo dõi hơi thở như vậy một lúc cho đến khi hơi thở trở nên nhẹ và trong hơn, mình cảm thấy tâm mình cũng nhẹ và trong hơn. Khi mới bắt đầu thiền hành thì hơi thở nghe nặng nề, trầm đục, nhưng sau một hồi theo dõi hơi thở có ý thức thì hơi thở dần dần trở nên nhẹ nhàng và trong như cánh hạc bay qua. Lúc đó chánh niệm thấm từ từ vào tâm và làm cho người mình buông thư và cái phố thị cũng từ từ lắng xuống.

Thơ cụ Nguyễn Du có câu:

“Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”

Mỗi lần mình tới một nơi mình thích, như tu viện này chẳng hạn, mình không cần gặp cho được vị trụ trì hay một thầy nào đó... Bởi vì mình tới đây là cơ hội để mình hưởng cái không gian của mình. Cái quan trọng trong lòng mình là cái không gian, và cái đó nó làm nên sự tu học và cái phước đức của mình. Công đức của mình có được là nhờ sự thực tập của mình. Mình phải có cái tính lặng lẽ như con hạc và sự trầm lắng thì chánh niệm mới dễ phát khởi. Nếu lúc nào mình đến chùa mình cũng chỉ muốn hỏi chuyện xây tháp hoặc quyên tiền và mình luôn bị cuốn theo, tâm mình loạn lên thì uổng cho mình quá!  Con thấy trong chúng của mình có một vị thực tập rất giỏi, đó là chú Thắng. Khi chú tới, chú thong thả như hạc bay, chú tiếp xúc với cây cối, thằn lằn rắn mối, rồi thấy cái cây nào cần sửa thì chú sửa, thấy thùng rác bay ngả nghiêng thì chú lượm rồi để lại ngay ngắn, và tất cả mọi việc mình đều làm trong chánh niệm. Điều này quan trọng lắm. Mình thường muốn gặp những vị thầy để bàn những chuyện lớn, mình nghĩ là phải làm những việc lớn mới là tu còn việc nhỏ không quan trọng, nhưng chưa chắc đâu!

Hồi đó con có ở một ngôi chùa, và tình cờ học được trong Kinh Địa Tạng một câu mà con rất thích: “Có thiện nam tử, thiện nữ nhân, vị nào làm một việc nhỏ như một giọt nước, một sợi lông, một hạt bụi, mà ở trong Phật pháp mà làm thì công đức ấy không thể nghĩ bàn”, có nghĩa là nó rộng lớn không thể nói được, không thể tả được, trong khi đó thì hạt bụi nhỏ, nhỏ lắm. Cho nên khi tâm mình yên lặng và làm việc trong chánh niệm, tức là “ở trong Phật pháp mà làm”. Nghĩa là ở trong chánh niệm, mình học về Bụt, học Pháp của Bụt, xong mình làm những việc giống như lời Bụt dạy. Khi mình “Thở vào, mình biết mình đang thở vào; thở ra mình biết mình đang thở ra”, cái đó là ở trong Phật pháp mà làm. Sư cô Đẳng Nghiêm thường mời năm vị ở lại để giúp sắp bồ đoàn, tọa cụ. Khi mình sắp bồ đoàn, cái tay mình nâng nó lên và đặt xuống trên tọa cụ một cách ngay ngắn và tròn trĩnh, và mình thấy làm cái này là làm cho chính mình, mình làm cho mọi người ở đây có hạnh phúc là mình cũng đã có phần trong đó. Mình làm trong chánh niệm thì đó là làm trong Phật pháp. Cũng vậy, nếu với cái tâm thức đó mà làm, không có sự so đo phải làm công việc lớn mới có phước đức, thì tuy mình làm một việc nhỏ như hạt bụi, nhưng  nó rộng lớn không thể tưởng tượng được, cho nên mới nói là “bất khả thuyết”, không thể nói được. Ngược lại nếu không phải trong Phật pháp mà làm thì dù lớn nhỏ gì, phước đức cũng chẳng được bao nhiêu. Ví dụ, nếu mình muốn quyên tiền xây một mái thiền đường, mình nghĩ nó quan trọng hơn, và khi xây mái thiền đường xong thì mình muốn để tên của mình trên đó để cho mọi người biết cái tên của mình và nếu không ai công nhận cái tên của mình thì mình rất là buồn. Cái đó cũng có phước đức, nhưng chắc chỉ bằng cái kẹo hồ lô thôi.

Nhưng nếu những người biết ở trong Phật pháp mà làm thì khác hơn nhiều. Nó cũng từ cái gốc ở chánh niệm mà có, khi mình có chánh niệm thì mình mới làm được những chuyện đó. Tại vì với chánh niệm, mình biết giúp mình làm những việc đúng với sự sống, đúng với những gì đang xảy ra, và mình đang làm bằng sự sống của chính mình. Đó sẽ là những kỷ niệm đi theo mình, theo suốt cuộc đời của mình. Con mời đại chúng quán tưởng là mình đang có một người bạn và mình đưa người bạn mình đi ra trạm xe lửa. Mình ý thức là người bạn này mình rất quý, không biết chừng nào mình mới gặp lại. Khi mình đi tiễn, cả tâm ý của mình chỉ biết có người bạn của mình thôi, và những người đi qua đi lại, kẻ áo xanh, người áo đỏ hoặc cái gì khác mình cũng không để ý đến. Khi người bạn lên tàu, mình chờ đến lúc bàn tay mình chào bắt tay bạn, và con tàu dần chạy xa hun hút rồi mà mắt mình vẫn dõi theo, cho đến khi xa không thấy được thì mình mới trở về. Cái kỷ niệm đó nó đi theo mình cả đời. Nó có được là do “niệm”. Niệm có nghĩa là tâm mình có ý thức về một hiện tượng nào đó đang xảy ra, và cái ý thức đó nó đem lại cái thấy sâu sắc trong sự sống của mình. Cái đó chính là cái kỷ niệm của mình. Nó có thể dẫn mình đi tới tương lai, và nếu mình có những kỷ niệm đẹp thì tương lai của mình sẽ được vui và đẹp.

Cũng giống như vậy, khi mình tới được đây, mình đem theo cái tâm thức muốn thực tập hết lòng, muốn được đi trên đất rất thong thả… Đó là một chuyện mình làm rất sâu sắc trong lòng của mình, và nó sẽ là cái kỷ niệm của mình. Cho nên khi ngồi ăn chung với đại chúng, mình cũng hết lòng, mình không nói chuyện, mình ngồi cho ngay thẳng, mình để cho tâm thong thả, và nghe tiếng chuông thì mình dừng lại để thở; mình biết trân quý thức ăn như những tặng phẩm của đất trời, như những gì mình đang được nghe trong Năm Lời Quán Nguyện trước mỗi bữa ăn. Ý thức rằng thức ăn không phải tự nhiên mà có, cho nên mình ăn với sự trân quý. Mình đem hết tấm lòng mình để ăn một buổi ăn thôi là mình đã có được sự biết ơn sâu xa ở trong lòng. Nó sẽ trở thành một quá khứ đẹp, dù chỉ là một bữa ăn. Lâu lâu mình mới có cơ hội được ăn chung với mọi người chứ đâu phải lúc nào cũng có. Khi mình đi chung với mọi người thì tâm thức của mình cũng thực tập hết lòng giống như là mình đi đưa tiễn một người bạn vậy, tại vì mình biết cơ hội này không phải lúc nào mình cũng có được. Điều đó giúp mình thấy sự sống rất là gần gũi với mình.

Liên hệ người người

caubechantru2.JPGKhi mình thấy có sự sống, có niềm vui thì sự liên hệ giữa mình và người rất gần gũi, và cái khả năng đó làm cho mình tiếp xúc được với mọi người rất dễ dàng; nó làm cho mình có được tình người. Mình mà xa cách với con người là tại sự sống của mình không có gần gũi với mình nhiều, tức là mình không hiểu nhiều về sự sống. Con người là một phần của sự sống và mình gần với con người nhiều nhất. Mình thường nói mình sống với thiên nhiên, nhưng thật ra mình sống với thiên nhiên được bao nhiêu? Mình về nhà sống với người thân thì nhiều. Nhưng mình sống như thế nào? Cho nên nếu mình nói mình đi tìm thiên nhiên và xa con người là một điều rất là trật, vì con người là một phần của thiên nhiên.

Nếu mình sống không hòa đồng và hạnh phúc được với con người  mình muốn đi tìm thiên nhiên để mà sống, đó cũng là một điều lạ! Nhưng khi mình tiếp xúc được và mình sống hết lòng với mọi người trong mọi hành xử thì nó mang cho mình một cái thấy sâu sắc ở trong sự sống. Mình tiếp xúc với con người rất là dễ và con người đưa đến cho mình nhiều hạnh phúc lắm. Khi có nhiều phiền lo trong con người mình, khi không hiểu được những tâm hành của mình thì những cái như buồn giận nó làm cho mình khổ đau nhiều, cho nên mình nghĩ là con người làm cho mình khổ đau, nhưng cái gốc là tại vì tâm thức của mình không gần, không cảm được sự sống, và không hiểu được sự sống.

Mình có thể rất giỏi về những lãnh vực chuyên môn nào đó, nhưng những tâm hành và những con người sống cạnh bên mình thì mình lại không có thời gian để quan sát và học hỏi. Vì thế cho nên mình không hiểu nhiều, và mình có nhiều sự chia cách giữa mình với con người, với sự sống. Khi mình có chánh niệm và sống hết lòng, thì từ từ mình có thể ngồi với một người, trò chuyện với người đó, một lần hoặc hai lần gì đó, và lòng mình mở ra; dù mình không nói gì hết, mình chỉ nghe người đó nói, hoặc là mình nói và người đó chỉ ngồi đó thôi, nhưng nó làm cho lòng của mình thoải mái và hạnh phúc lắm. Quý vị làm thử đi. Cái đó mang cho mình niềm vui và mình thấy con người quý với mình lắm. Bản thân con thì con rất cám ơn trong đời sống của con có những người thân mà con rất quý và những người thân đó cũng rất quý con. Cho nên khi mình gặp, mình ngồi, mình uống trà hay là mình trò chuyện gì đó, trong một giây phút nào đó, mình thấy tất cả những cái đó là kỷ niệm nó nuôi dưỡng mình và làm cho mình đi tới, không thấy cô đơn.

Học từ kinh nghiệm

Có lúc mình xa cách tâm thức của mình, mình không quản thúc được cái giận hờn trong con người của mình. Nhưng khi có được chánh niệm và có sự sống thì giống như mình đã có con trâu ven bầy, nó có cái khả năng ven cái giận hờn và mình gom nó lại, khi nó lên trên mặt ý thức của mình, mình quản thúc rất dễ. Người chăn trâu, khi có con trâu quậy phá thì họ thường thả một cọng dây dài khoảng chừng mười thước, gọi là “dây dàm”. Cọng dây dàm là cọng dây rút lại và kéo lại. Người chăn trâu biết được con trâu nào thường hay quậy phá và mình phải để ý, để khi nó chạy thì mình chạy theo nắm sợi dây dàm và giựt nó lại. Không phải giựt là nó đứng lại liền mà đôi khi nó mang mình chạy xa lắm. Người có kinh nghiệm sẽ chùng sợi dây đó, xong giựt một cái rồi chùng lại, rồi giựt một cái,… họ giựt nhiều lần như vậy, cái lỗ mũi của con trâu sẽ đau. Khi mình chùng lại sợi dây dàm, con trâu đang có cái trớn chạy tới thì mình giựt một cái và khi mình giựt năm bảy lần thì nó chùng lại, từ từ mình bắt được nó.

Cũng như vậy, khi mình có cái giận, cái lo cái buồn và mình lấy ý thức chánh niệm để nhận diện và ôm ấp nó thì không phải là nó dừng lại liền mà nó vẫn sẽ chạy, vì nó quá mạnh trong ý thức của mình. Lúc đó mình không nên cố gắng nhiếp tâm mạnh quá. Chữ “nhiếp” trong thiền đối với chữ “xả”. Khi mình biết được đang có một đối tượng tâm hành quá căng thẳng trong mình thì mình nên chỉ để ý đến nó khoảng chừng sáu bảy chục phần trăm thôi. Vì nếu mình cố hết sức ghìm giữ đối tượng lại, nhưng nếu đối tượng đó vẫn tiếp tục chạy thì tự động mình có cảm giác như bất lực, và cái tâm nó càng loạn lên. Cho nên mình chỉ cần chạm lên, mình biết được cái giận giữ hay cái buồn phiền đang có mặt, mình chạm vào nó khoảng sáu bảy chục phần trăm thôi, còn 40% hay 30% còn lại mình để cho con người mình thong thả và thoải mái, để tiếp xúc với những điều kiện tốt lành đang có. Trạng thái đó là trạng thái chùng vừa phải và cái tâm mình nó chùng lại từ từ. Có lúc mình nhiếp rất mạnh, nhiếp 100% vô trong cái giận, và mình thấy đây là cái giận rất rõ ràng. Lúc đó chánh niệm của mình rất mạnh, ôm cái giận trọn vẹn và nó lắng xuống ngay. Nhưng một khi nó vẫn còn chạy thì mình cứ để nhè nhẹ trên nó thôi, đừng có nhiếp 100%, chỉ 50 hay 60% thôi, còn 50 hay 40% còn lại để cho nó thong thả và chánh niệm sẽ ôm nó từ từ. Giống như con trâu, nó sẽ ngừng lại từ từ. Quan trọng là ở sự kiên nhẫn.

“Xả” tức là không giữ, xả tức là không theo 100%, không theo bên nào hết. Lúc xả thì tâm mình thong thả như mình đang lùa trâu ra một đồng trống, không có một đối tượng nào để 51 tâm hành chạy theo. Lúc đó là một khoảng trống và tâm mình thong thả. Khi tâm mình nhiếp được cái đối tượng giận rồi thì từ từ cái giận nó sẽ gom lại, và từ từ nhập lại thành một với tâm hành chánh niệm. Khi có con trâu quậy phá thì mình đem con trâu ven bầy gom con trâu quậy phá, gom từ từ thì tự nhiên bầy trâu sẽ hợp trở lại. Những cái đó khi nói về tâm thức, đều là chánh niệm hết. Khi mình gom cái tâm thức giận hờn, và nó được chánh niệm ôm ấp thì cái giận hờn lắng dịu và nó trở thành năng lượng chánh niệm. Giống như nước và sữa, khi mình mới bỏ vô thì mình thấy có nước có sữa, nhưng nếu quậy một hồi thì nó trở thành một. Nhưng nó cũng có thể đi ngược chiều trở lại nếu chánh niệm của mình quá yếu và cái giận nó mạnh và mình không gom lại được thì cái niệm từ từ trở thành cái động và cả người mình toàn là giận, cả một cái tâm thức mình là giận hết. Cho nên khi mình thực hành tinh chuyên và ôm ấp được cái giận cái buồn, thì cùng một cách đó mình cũng ôm ấp được tất cả những tâm hành khác như ganh tỵ, ghét thương,v.v.. Trong sự thực tập, mình bắt đầu với sự nhận diện đơn thuần, tức là mình thấy cái tâm hành và nhận diện, gọi đúng tên nó khi nó vừa đi lên. Cũng với chánh niệm, mình từ từ ôm ấp nó, thấy được cái tâm mình lắng dịu, thấy được tất cả toàn là niệm, và khi thấy tất cả chiều sâu của cái sự giận hờn thì mình bật được cái gốc của nó, đó  gọi là chuyển hóa. Người chăn trâu và người tu thiền cũng giống nhau, cho nên trong thiền môn, người ta gọi người tu thiền là người chăn trâu, chăn cái tâm trâu của mình.

Cái căn bản thì mình lại thiếu

buocchanThay.JPGThưa đại chúng, khi mình mà chăn trâu không giỏi, mình chăm sóc không giỏi và mình để trâu mình phá hoại lúa, thóc, khoai sắn, thì lúc đó mình sẽ ra bờ sông mình nằm mình khóc, tại vì trâu mình nó ăn thóc ăn lúa phá hoại mà mình không biết phải làm sao. Khi đó mình mới chạy đi tìm một vị mà mình quý trọng, mình than thở, “trâu tui nó phá quá và giờ không biết làm sao, xin ông giúp tui với”, và khi đó mình chắc lưỡi than giống như con thằn lằn, và vái vị đó dạy cách cho mình phải làm gì.

Quý vị có biết tại sao người ta thường nói “than như con thằn lằn” không? Có một câu chuyện như thế này: Có một vị đó rất giàu có, cái gì cũng biết hết, giàu về ý niệm, giàu về kiến thức và giàu về của cải, vị đó tên là ông Hống. Một hôm ông Hống cảm thấy rất hạnh phúc, rất đầy đủ và nói rằng nếu ai có cái gì mà tôi không có thì tôi sẽ đem tất cả những gì tôi có cho người đó. Hôm đó có một người nông dân, rất bình dân, đem tới một cái mẻ kho. Mẻ kho là cái mà nhà nào cũng có, cũ kỹ, ngày nào cũng kho nên nó rất xấu và đen. Ông nhà giàu thì cái gì cũng làm bằng vàng, bằng bạc, bằng i-nốc, bằng đồng chứ làm gì có cái mẻ kho xấu xí như vậy! Ông nhà giàu xem lại tài sản và không thấy có cái mẻ kho nào nên ông ta đem tất cả những gì ông có để tặng cho người nông dân và khen: “Anh có những cái rất đơn giản nhưng lại thiết thực và cần thiết cho đời sống; còn tôi, có nhiều cái tôi cảm thấy nó cao quý nó mầu nhiệm nhưng cái căn bản tôi không có, cho nên những cái gì tôi có tôi sẽ tặng cho anh”. Nhưng khi tặng xong, ông buồn và tiếc vì sự mất mát quá lớn nên vài ngày sau ông chết. Ông chết và đầu thai thành con thằn lằn và lúc nào nó cũng cứ than, cứ chắc lưỡi. Ở quê khi thấy có người hay tự khoe mình giỏi mình hay thì người ta thường phê bình:

“Ông Hống còn thiếu mẻ kho

Mày hay là mấy, miệng to làm gì!”

Tức là ông Hống, ông hay ông giỏi như vậy nhưng những cái căn bản ông không có, và câu chuyện này rất hay. Nhiều khi mình thấy mình có những cái hay, mình thấy mình rất đầy đủ, mình cảm thấy rất thỏa mãn, nhưng những cái rất căn bản thì mình không có. Giống như một đời sống có chánh niệm để mình ý thức được một sự sống đang gần gũi với mình, và mình “đang là” thì mình lại không biết. Cái đau khổ và cái khó khăn của mình nó phát xuất từ đó nhiều lắm. Tại vì mình biết những cái xa hơn sự sống mình đang có và mình tự hào với cái mình có, nhưng cái căn bản thì mình lại thiếu. Khi mình thấy được người của mình yếu kém chỗ nào thì nên bồi đắp phần đó. Bản thân con thuộc loại nông dân nên con quý và học hỏi từ những cái căn bản, sống gần gũi với mọi vật với thiên nhiên và mình biết mình đang là. Nó giúp mình nhiều lắm, mình đừng có như ông Hống, lúc nào cũng chấp mình giỏi nhưng lại thiếu một cái mẻ kho, để phải làm con thằn lằn thì tội lắm. Nếu mình là người chăn trâu giỏi thì mình sẽ không than như con thằn lằn. Còn nếu mình chăn trâu không xong, nghĩa là học hỏi và điều phục tâm mình không xong để cho những con trâu giận hờn phiền não nó chạy nó phá mùa màng, khoai sắn lung tung thì lúc đó mình phải ra bờ sông mà khóc lóc và chắc lưỡi như con thằn lằn.