Cá Tháng Tư (1-4) được xem là một ngày lễ của rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Vào ngày này, người ta được quyền nói dối để lừa gạt người khác mà không sợ bị giận. Trong khoảng chục năm trở lại đây, ngày “Cá tháng Tư” dần phổ biến ở Việt Nam, nhất là khi giới trẻ thấy thích thú vì được… nói dối.
Ảnh minh họa
Trong năm giới luật (ngũ giới) dành cho những người con Phật tại gia, giới thứ tư là “không nói dối”. Rất nhiều người Phật tử đồng ý rằng, giới này là giới khó thực hiện nhất. Vì lời nói thường quá nhỏ bé để khiến họ phải suy nghĩ về hậu quả khi nói ra sẽ như thế nào, hoặc có suy nghĩ nhưng thiếu cẩn trọng, cân nhắc. Phạm vi bài viết không bài luận đến việc nói dối là tốt hay xấu, vì bản chất của một vấn đề luôn có hai mặt đối lập. Nói dối để “lợi mình hại người” thì rõ ràng là xấu, và trong trường hợp còn lại, nói dối để “hại mình lợi người” thì có thể được xem là tốt. Tuy nhiên, lời nói dối, ở bất kì phía cạnh nào, đều kéo theo một hệ quả nhất định.
Chúng ta có ai không nói dối ? Tôi xin kể ra đây một vài trường hợp nói dối nghiêm trọng, để chúng ta xem mình có đã từng nói dối chưa nhé.
Chúng ta đã từng nói dối Phật. Là khi tụng kinh, chúng ta tụng “nhất thiết cung kính” mà có chắc thân tâm đều cung kính như đối trước Phật? Là khi “ngã tích sở tạo chư ác nghiệp, giai do vô thủy tham sân si, tòng thân khẩu ý chí sở sinh, nhất thiết ngã kim giai sám hối”, cách sám hối tốt nhất là không làm lại những việc ác trong quá khứ. Nhưng sám hối xong rồi mà tâm vẫn đầy rẫy tham, sân, si; thậm chí là một ý niệm để kìm nén “ba độc” ấy lại cũng không có, vậy có gọi là “nhất thiết ngã kim giai sám hối”? Rồi khi học kinh Vu Lan mà vẫn thù ghét cha mẹ, học kinh Địa Tạng mà vẫn không sợ nhân quả, như vậy có phải là nói dối Phật hay không?
Ảnh minh họa về ngày Cá tháng Tư
Chúng ta còn đang nói dối chính chúng ta. Khi nói dối, bạn nghĩ gì? “Nói dối một tí cũng chẳng… chết ai”, phải không? Hay tự nhủ “đây sẽ là lần nói dối… cuối cùng” và rồi bạn quên béng đã có bao nhiêu lần “cuối cùng” như thế. Cũng như vậy, bỏ lỡ một thời khóa công phu, thay vì sám hối và tự hứa sẽ kiên quyết hơn với “bệnh lười” thì bạn lại “AQ tinh thần” bằng câu nói, “không sao, sáng không công phu thì chiều công phu, hôm nay không thì còn ngày mai, lo gì”. Vâng, chính cái tâm không lo gì ấy, Đức Phật nói trong kinh Giáo Giới, “này La-Hầu-La, đối với ai biết mà nói dối, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm”. Đức Phật đang nói La-Hầu-La, nhưng thực ra Ngài đang nói chính chúng ta, “những người biết nói dối nên không có việc ác gì mà không làm” đấy bạn ạ!
Đừng nghĩ rằng, một lời nói, dù chỉ là nói đùa, thì vô hại. Không phải tự nhiên mà cha ông ta đã dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Không phải tự nhiên mà một trong những “điều kiện” để trở thành người quân tử, lại có “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời quân tử nói ra, xe bốn ngựa kéo đuổi không kịp). Nghiệp xuất phát từ tâm. Tâm tạo nghiệp qua thân, khẩu và ý. Vậy, “khẩu nghiệp” không phải là những lời nói thì là gì? Mong bạn đừng coi thường một lời nói, nghĩ rằng “lời nói gió bay”. Một cái cây đại thụ, có thể mọc lên từ một cái hạt bé nằm gọn trong lòng bàn tay. Nghiệp cũng như vậy! Một nhân nhỏ có thể tạo ra một nghiệp quả lớn. Chẳng thế mà Đức Phật đã nói, “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”.
Trong 32 tướng tốt và 80 tướng trang nghiêm của Phật, có nói “tướng lưỡi rộng dài”. Đây là biểu hiện của khẩu nghiệp thanh tịnh. Chúng ta, sở dĩ có “ngày nói dối”, thậm chí có cả một “đời nói dối”, nên tướng lưỡi đâu có trang nghiêm như vậy? Vậy nên, theo lời Phật dạy, giữ khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói thô ác, thay vào đó là những lời nói chân thật, hòa ái, thương yêu.
Mạnh Đức
Giác Ngộ