Vài Nét Về Bồ Đề Đạo Tràng

Bodhagaya.JPGBồ Đề Đạo Tràng nơi đức Phật thành đạo, vào năm 259 trước TL, đại đế A-dục đã đến viếng thăm và đảnh lễ Bồ-đề Đạo Tràng, ông là người đã cho xây dựng một ngôi đền thờ đầu tiên tại Thánh địa này. Ngôi Tháp Đại Giác hùng vĩ đã được xây dựng vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch. Nó được xây dựng trên nền Tháp cũ của ngôi Tháp A-dục và tòa Kim Cang vẫn giữ đúng vị trí nguyên thủy nơi Đức Phật ngồi chứng đắc chân lý.Ngôi đại Tháp đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52m (170 feet), mỗi một cạnh vuông là 15m (50 feet). Ngọn của Tháp có hình chóp nhọn vươn cao. Cổng vào ngày nay cũng như nguyên thủy nằm ở phía Đông. Mỗi 4 mặt của ngôi Tháp với những tầng Tháp nhỏ và có nhiều góc tường để đặt tượng. Mặt chính có cửa sổ (nhọn ở trên) được mở ra để ánh sáng vào phòng chính. Tầng thứ nhất của ngôi Tháp có những Tháp nhỏ ở mỗi bốn góc như là những mô hình thu nhỏ của Tháp chính. Ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch nung và được tô bằng một lớp thạch cao. Phía trước lối đi chính có một cổng vào được khắc chạm tinh xảo. Phía trước cổng vào có một ngôi Tháp nhỏ bằng đá xây rất cân xứng tỉ lệ. Căn phòng chính của ngôi đền nằm ở tầng trệt. Cửa ra vào được làm bằng đá.

Vài Nét Về Bồ Đề Đạo Tràng

Nguyên tác: Tiến sĩ D.C. Ahir

Thích Phước Chí dịch

Ngày nay, ngôi Tháp Đại Giác đã một lần nữa sống lại với sự viếng thăm của hàng triệu khách hành hương chiêm bái trên toàn thế giới. Thanh thế của Thánh địa được lớn mạnh như thuở vàng son của Phật giáo. Con số các Chùa chiền Tự viện của những nước Phật giáo trên thế giới Tăng lên rõ rệt tại Bồ-đề Đạo Tràng.

Khi Thái tử Sĩ-đạt-ta từ bỏ tất cả những dục lạc thế gian, rời bỏ hoàng cung đi tìm chân lý, Ngài đã có định hướng rõ ràng. Sau khi rời khỏi kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, Thái tử trở thành người hành khất và Ngài đã đi bộ suốt đoạn đường 643km (400 dặm) đến Rajagaha, nơi mà sau đó nổi tiếng là quê hương của những nhà triết học và những nhà tư tưởng lớn. Tại đó, Ngài đã lưu trú khá lâu trong Tu viện của đạo sư Alara Kalama. Không thỏa mãn với giáo lý ở đây, Ngài đã tìm đến đạo sư Uddaka Ramamputta và thực hành Thiền định. Chính bản thân Ngài cũng đã chứng đạt Thiền định như vị Thầy, nhưng Ngài chóng nhận ra rằng đây không phải là chân lý tối thượng.

Để tìm cầu chân lý tuyệt đối an tĩnh tâm hồn, Bồ-tát đã đi đến cánh rừng Uruvela Vana, cách đó khoảng 64 km (40 dặm), cùng với năm vị đạo sĩ mà Ngài đã từng gặp tại Ragajaha, bắt đầu thực hành phương pháp khổ hạnh. Bồ-tát đã thực hành những phương pháp Tự hành xác khắc nghiệt nhất trong sáu năm trời, nhưng vẫn không đạt được những gì mà Ngài mong mỏi. Nhận thấy sự vô ích của lối tu hành xác, Bồ-tát đã từ bỏ con đường tu hành khổ hạnh và nhận bát cơm của nàng Sujata, con gái của vị trưởng làng bên cạnh, Senani. Việc làm này của Sĩ-đạt-ta đã khiến cho năm người bạn tu hành khổ hạnh đã từ bỏ Ngài. Rồi từ đó, Bồ-tát đã một mình một bóng đi tìm chân lý.

Hồi phục lại sức khỏe sau khi dùng bát cơm của nàng Sujata, Bồ-tát nhận ra các phương pháp thực hành trước đây đều là sai lệch. Xác định mục đích, Ngài vượt sông đến một cội Bồ-đề, phía Tây của sông Ni Liên Thiền (Neranjara), hiện nay là sông Nilajan hay Lilajan về phía Nam khoảng 10 km của thành phố Gaya thuộc bang Bihar. Ngài ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề và phát nguyện không đứng dậy nếu không chứng đắc được chân lý tối thượng. Vào đêm trước khi Ngài chứng đắc Phật quả, Ma vương đã dùng những kỹ nữ xinh đẹp ca múa quyến rũ bằng nhiều cách để cản trở sự nỗ lực của Ngài. Nhưng mọi sự cản trở của Ma vương đều thất bại. Chúng biến mất trong sự bực tức. Sự kiện này được Tôn giả Avaghosha viết như sau:

"Suốt đêm ấy, vào canh thứ nhất Bồ-tát chứng được Túc Mạng minh, vào canh thứ hai Ngài chứng được Thiên Nhãn minh và vào canh cuối Ngài thấu hiểu đươc chân lý duyên sinh. Khi mặt trời mọc, Ngài đạt được toàn giác."

Trong tất cả những Thánh tích liên quan đến Đức Phật Gautama, Bồ-đề Đạo Tràng là nơi quan trọng nhất. Chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian để thấy rõ lịch sử truyền thống của Thánh địa này với những hình ảnh khổ hạnh và chứng đắc quả giác ngộ viên mãn của Đức Phật.

Vào năm 259 trước TL, đại đế A-dục đã đến viếng thăm và đảnh lễ Bồ-đề Đạo Tràng, và sau đó Bồ-đề Đạo Tràng đã thu hút hằng triệu tín đồ trở về chiêm bái không ngừng nghỉ suốt hơn 1500 năm. Rajendralal Mitra đã viết như sau:

"Không chỉ những hoàng gia từ các vùng của Ấn Độ mà còn những quốc gia khác thi nhau làm cho Bồ-đề Đạo Tràng ngày càng phát triển và tươi đẹp. Mỗi một nơi mà Đức Phật dừng chân hay thọ thức ăn, mỗi một ao nước mà Đức Phật đã tắm hay giặt giũ, mỗi một góc đường mà Ngài đã đi qua, hay những nơi mà Ngài đã tu tập khổ hạnh, Thiền định, đã một lần tạc vào đá và không có điều gì có thể làm mờ nhạt những dòng lịch sử kỷ niệm kỳ diệu này."

Vua A-dục đã cho xây dựng một ngôi đền thờ đầu tiên tại Thánh địa này. Sự mô tả ngôi đền của vua A-dục và những đền thờ khác tại Bồ-đề Đạo Tràng trong những năm 250 trước TL đã được tìm thấy trên một bản khắc phát hiện tại Tháp Bharhut ở Madhya Pradesh. Bản khắc cho thấy phía trước cội Bồ-đề là tòa Kim Cang với một chiếc lọng bên trên và những vòng hoa; tất cả nằm trong một đại sảnh. Xung quanh cội Bồ-đề là một vòng rào với cửa ra vào ở phía Đông.

Ngôi Tháp Đại Giác hùng vĩ đã được xây dựng vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch. Nó được xây dựng trên nền Tháp cũ của ngôi Tháp A-dục và tòa Kim Cang vẫn giữ đúng vị trí nguyên thủy nơi Đức Phật ngồi chứng đắc chân lý. Niên đại của ngôi Tháp được xác định bằng sự phát hiện ra những đồng tiền vàng trong số những di vật được chôn trước tòa Kim Cang cùng với một số những đồng tiền mang nhiều chứng tích của vua Huvishka. Ông Cunningham, người đã phát hiện ra nơi Thánh tích này vào năm 1871, đã tìm thấy ba tầng đất khác nhau ở nền Tháp tại phòng chính của tầng trệt. Lớp trên là lớp đá hoa cương, lớp giữa là lớp đá cát và lớp dưới là lớp thạch cao. Bên trong phòng này là một ngai vàng bằng đá Basan, mặt bằng đá xanh đặt trên một sàng đá hoa cương. Di chuyển sàng này, ông phát hiện một ngai vàng thứ hai ở phía sau ngai vàng đầu tiên cách bốn lớp thạch cao. Tiếp tục di chuyển những lớp thạch cao này ông phát hiện mỗt quả cầu tròn cứng bằng đất sét, bên trong chứa những di vật:

· Hai đồng tiền vàng trên một lá vàng bề mặt có đóng dấu của vua Kuvishka được kết nhau bằng một chiếc vòng.

· Năm đồng tiền bạc: Những đồng tiền có lỗ với hình người và bên cạnh là nhiều mảnh vỡ không hình dạng.

· 145 viên ngọc nhỏ đã bị đen qua thời gian.

Lại di chuyển toàn bộ lớp thạch cao trên mặt, ông bắt đầu phát hiện ngai vàng thứ ba phủ đầy cát đá ở phía sau ngai vàng thứ hai cũng cách bốn lớp thạch cao đúng như nó được khắc trong một bản khắc ở Tháp Bharhut và với những hình ảnh giác ngộ của Đức Phật Thích-ca (Bhagavato Sakamunino bodho).

Những bia đá thuộc triều đại Gupta và Scythian cũng đều ghi lại cách kiến trúc của ngôi Tháp Đại Giác là thuộc về triều đại Huvishka, vị vua thứ hai của triều đại Kushana, sau vua Ca-nị-sắc-ca (Kanishka).

Tượng Phật mạ vàng khổng lồ với ấn xúc địa ở bên trong phòng chính của Tháp Đại Giác được tạc vào khoảng năm 380 sau Tây lịch. Tượng Phật đặc biệt này tượng trưng cho sự kiện giác ngộ vĩ đại của Đức Phật.

Theo những bia đá được tìm thấy tại Bồ-đề Đạo Tràng, một Tu viện lớn với những đỉnh Tháp được bao quanh bởi một tường rào cao 9-12m (30-40 feet), được vua Megha Varna xây dựng. Vua này thuộc triều đại Siri Meghavana của Tích Lan vào năm 388 sau Tây lịch.

Người Miến đã trùng tu Tháp Đại Giác vào khoảng năm 450 sau Tây lịch. Vào năm 600 sau Tây lịch vua Brahmin của xứ Bengal, người rất thù nghịch với Phật giáo, đã chặt và đốt phá cội Bồ-đề. Hai mươi năm sau, năm 620 vị vua mộ đạo Phật, Raja Purna Varma đã phục sinh lại cội Bồ-đề và xây dựng một tường rào cao 7m (24 feet) để bảo vệ. Từ đó cội Bồ-đề không còn bị phá hủy.

Trước thế kỷ thứ 7, không có sách vở nào gọi ngôi Tháp tại Bồ-đề Đạo Tràng là Tháp Đại Giác (Mahabodhi). Trên bia đá của vua A-dục đã đề cập tên ngôi Tháp là Tháp Đại Định (Sambodhi). Ngài Pháp Hiển đã đến đây vào năm 409 sau TL nhưng tiếc thay Ngài không đề cập đến tên ngôi Tháp này trong bút ký của Ngài. Tuy nhiên, hai thế kỷ sau, tức thế kỷ thứ 7, Ngài Huyền Trang đã đến đây, thì lúc ấy ngôi Tháp được gọi là Tháp Đại Giác (Mahabodhi). Từ đó về sau Tháp Đại Giác đã đươc đề cập trên một số bia đá phát hiện tại Bồ-đề Đạo Tràng. Tên Tháp Đại Giác được đề cập lần cuối vào cuối thế kỷ 14.

Ngài Pháp Hiển, nhà chiêm bái đầu tiên của người Trung quốc, nói rằng: "Những ngôi Chùa được xây dựng khắp tất cả những nơi mà Đức Phật đã thực hành khổ hạnh và bảy tuần thất sau khi Ngài giác ngộ." Hơn nữa, Ngài còn nói: "Nơi Đức Phật chứng đắc được Phật quả, có 3 Tu viện mỗi nơi đều có Tăng sĩ cư trú và nhận được sự cúng dường rất đầy đủ của Phật tử. Những nơi chính mà Đức Phật đã đi qua khi Ngài còn tại thế và những nơi Thánh địa khác đều thực hành một nguyện ước chung của Phật giáo, thái độ cư xử hết sức nghiêm trang khi đi vào những nơi Thánh địa và kéo dài đến ngày nay." (ngày mà Ngài Pháp Hiển viếng thăm).

Ngài Huyền Trang, nhà chiêm bái thứ hai của Trung quốc, đến đây vào năm 637 sau Tây lịch đã thấy ngôi Tháp Đại Giác và những sân bãi rộng rãi xung quanh với 21 ngôi Tháp, 3 hồ nước (Buddha, Sakra, Muchilinda) và 6 Tu viện bao gồm cả Tu viện người Tích-lan với hơn 1000 Tăng sĩ. Ngài viết:

"Đi từ phía Tây Nam của ngọn đồi Pragbodhi chúng ta đến cội Bồ-đề. Cội Bồ-đề được bao quanh bởi một lớp rào bằng gạch cao và chắc chắn. Chiều dài từ Đông sang Tây, chiều ngang từ Nam sang Bắc. Đi vòng quanh khoảng 500 bước chân. Những loại cây quí hiếm và những tàng cây đầy hoa che mát như một tấm thảm hoa trên đất. Cổng chính ở phía Đông, đối diện với dòng sông Ni Liên Thiền. Cổng phía Nam mở ra là một vườn hoa. Hướng Tây đã bị phong tỏa. Cổng phía Bắc mở về hướng Tăng già lam Sangharsama. Trong vòng rào bao bọc có vô số những di tích nối liền nhau. Nơi này với những ngôi Tháp thì nơi khác với những Tu viện." "Khoảng giữa của khuôn viên được rào quanh là cội Bồ-đề và tòa Kim Cang, nơi Đức Phật chứng đắc Phật quả, còn được gọi là Bồ-đề Đạo Tràng (Bodhi manda)." "Cội Bồ-đề bên cạnh Kim Cang tòa như loại cây đa (Pippala). Ngày xưa, khi Đức Phật ngồi tọa Thiền dưới cây này, cao hằng chục mét. Mặc dù bị chặt phá nhiều lần nhưng cội Bồ-đề vẫn cao từ 12- 15 mét (40-50 feet). Đức Phật đã Thiền định dưới cội cây này mà chứng đắc trí tuệ tối thượng và do đó cây này còn được gọi là cây trí tuệ (Samyak Sambodhi). Hướng Đông cội Bồ-đề là một Tu viện cao khoảng 48-51 mét (160-170 feet). Quanh mặt nền có hơn 20 bước đi. Sàn nhà bằng đá xanh, tất cả những bục thờ đều có những hình ảnh khác nhau về Đức Phật. Bốn phía của tòa nhà đều có những hoa văn nghệ thuật độc đáo với hình ảnh của chư thiên và những chuổi trân châu. Tất cả được bao quanh bởi những cây A-mặc-la (Amalaka). Bên phải và trái của cổng ra vào có những hóc tường, bên trái với tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, bên phải là tượng Bồ-tát Đại Thế Chí được mạ bạc cao khoảng 3 mét (10 feet)."

Vua Meghavarna của Tích Lan đã xây dựng một Tu viện và được Ngài Huyền Trang mô tả như sau:

"Bên ngoài cổng, hướng Bắc cội Bồ-đề là Tu viện Mahabodhi Sangharama, do vua nước Tích Lan xây dựng. Tu viện này có 6 phòng lớn và những ngọn Tháp có thể quan sát cả 3 tầng nhà. Tăng sĩ của Tu viện này hơn cả ngàn người, họ nghiên cứu đại thừa thuộc trường phái Thượng Toạ (Sthavira). Họ nghiên cứu cẩn thận Luật tạng và phẩm hạnh rất thanh cao."

Gần ba thế kỷ sau khi Ngài Huyền Trang viếng thăm, Bồ-đề Đạo Tràng hầu như không có sửa đổi gì nhiều và cũng không có sự mở mang phát triển gì thêm. Chỉ vào năm 1010, vua Mahipala, vị vua nổi tiếng cùa triều đại Pala ở Bengal đã có vài thay đổi nhỏ. Vào những năm 1070, người Miến đã có có trùng tu và phục hồi lớn lại ngôi Tháp Đại Giác.

Vị vua Phật giáo Ấn Độ cuối cùng đã trang hoàng lại ngôi Tháp Đại Giác là vua Raja Asoka-Balla ở núi Siwalik của bang Punjab. Trên bia đá của ông có ghi rằng: "Trong thời giáo pháp suy tàn có sự ủng hộ của vua Asoka-Ballacủa xứ Sapadalaksa."

Với sự giúp đỡ của ông và một vị trưởng làng tại đó tên là Purusottama Simha, ngôi Tháp được phục hồi và vài tác phẩm nghệ thuật được sửa chữa dưới sự giám sát của một vị Tăng tên là Dharmaraksita. Một bia đá khác ghi vào năm 51 của triều đại Lakshamanasena ở Bengal hya vào năm 1157 của vua Asoka-Balla được tìm thấy tại Bồ-đề Đạo Tràng ghi:

"Sự tôn kính Đức Phật, vị đại sa-môn, người đã dạy những gì là cội nguồn của dòng suối đức hạnh và những gì làm cản trở đức hạnh. Đây là món quà thể hiện tinh thần mộ đạo của vua Asoka-Balla, một người ủng hộ trường phái đại thừa và là một Phật tử thuần thành của Phật giáo. Tất cả những công đức và trí tuệ mà tôi làm được xin nguyện hồi hướng công đức đầu tiên về cho Phụ-Mẫu và sau đó là cho tất cả chúng sanh."

Vào thời kỳ vua Asoka-Balla, công việc lễ nghi tại Già-lam này do một vị Thượng tọa người Tích Lan đảm trách. Hơn nữa, trên cùng bia đá vua Asoka-Balla ghi rằng:

"Hơn thế nữa tại Tháp Đại Giác, hằng ngày việc thờ phụng và dâng cúng nhang đèn được một vị Tăng sĩ đứng đầu Phật giáo Tích Lan đảm trách. Chỉ khi nào mặt trời và mặt trăng kia mất đi thì công việc này mới không còn."

Dharmasvamin, một vị chiêm bái người Tây Tạng, đảnh lễ Thánh tích vào năm 1234, đã tìm thấy môt Thiền viện hoang phế. Ngài viết:

"Còn lại chỉ 4 vị Tăng sĩ. Một vị nói: Thật là bất hạnh tất cả Tăng sĩ đã bỏ trốn vì sự khủng bố của quân đội Turushka. Họ đã phong tỏa cổng chính ở phía trước Tháp Đại Giác bằng gạch và thạch cao. Gần đó, họ xây một tượng khác để thay thế."

Khi Phật giáo suy tàn tại ấn Độ, người Miến đã đến và cứu ngôi Tháp Đại Giác thoát khỏi bàn tay phá hoại. Họ sửa chữa lại ngôi Tháp Đại Giác ít nhất 3 lần suốt từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15. Lần sửa chữa sau cùng là những năm 1472-1492.

Từ đó về sau, Bồ-đề Đạo Tràng đã bị quên lãng và ngôi Tháp Đại Giác ngày càng hoang phế. Với điều kiện thuận lợi về vị trí, ông Gosain Giri thuộc Ấn Độ giáo đã xây dựng môt ngôi đền Hindu tại Bồ-đề Đạo Tràng năm 1590. Sự có mặt của ngôi đền này đã làm cho Bồ-đề Đạo Tràng rơi vào tay những người không phải Phật tử và giai đoạn phi Phật giáo bắt đầu.

Vào năm 1811 tiến sĩ Buchanan Hamilton, một nhà khảo cổ học nổi tiếng, đến viếng thăm Bồ-đề Đạo Tràng, đã phát hiện ra ngôi Tháp Đại Giác trong tình trạng hoàn toàn đổ nát. Ông ghi lại trong bút ký như sau:

"Việc thờ cúng tại Bồ-đề Đạo Tràng do người Ấn giáo đảm nhiệm. Cách đó không lâu, họ xây dựng một cầu thang ở một phía của nền Tháp để có một lối đi khác với lối đi chính vào Tháp và một biểu tượng căm thù đức Phật."

Năm mươi năm sau, năm 1861, ông Cunningham đã gặp giáo hội Ấn giáo Mahant và những môn đồ tổ chức những nghi lễ phi Phật giáo tại Tháp Đại Giác. Hơn thế nữa, mặc dù tổ chức này tuyên bố Tháp Đại Giác và vùng đất quanh đấy là của riêng họ nhưng họ chưa từng bao giờ sửa sang lại ngôi Tháp lich sử này.

Năm 1875, Vua Mindan Min của Miến Điện đã can thiệp và được sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ và giáo hội Ấn giáo Mahant đã sửa sang lại ngôi Tháp Đại Giác bị hoang phế nhiều năm. Nhưng kỳ sửa chữa đầu tiên của người Miến diễn ra không đúng theo truyền thống nên chính phủ Ấn Độ đã quyết định bổ nhiệm ông J.D Beglar vào năm 1880 trùng tu lại hoàn toàn ngôi Tháp. Ông Cunningham và tiến sĩ Rajendra Lal Mitra cũng được cử làm cố vấn trong việc trùng tu. Công việc khôi phục đã được tiến hành dựa trên nền móng cũ của ngôi Già-lam nhỏ ngày xưa. Toàn bộ được trù tính và kế hoạch khôi phục như là ngôi Tháp đã tồn tại từ thời trung cổ và kế hoạch này có thể thực hiện được. Sự khôi phục và cải tiến lại ngôi Tháp hiện nay hầu hết chính xác từ bản mô phỏng của ngôi đền nguyên thủy. Công việc này rất phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nặng nề về kinh tế. Nhưng nó đã hoàn thành với sự tận tình hiếm có và sự hy sinh của ông Cunningham, ông R.L Mitra và ông Beglar.

Ngay sau khi được khôi phục, ngôi Tháp Đại Giác và vùng đất xung quanh vẫn tiếp tục thuộc về giáo hội Ấn giáo Mahant.

Ông Edwin Arnold, tác giả nổi tiếng trên thế giới với tác phẩm "Ánh Sáng Phương Đông" (The Light of Asia) đã diễn tả thái độ thờ ơ và nhẫn tâm trước sự bảo quản Thánh địa và việc làm của giáo hội Mahant. Sau đó ông đã công bố sự kiện này trên tạp chí Daily Telegraph ở Lodon mà ông là chủ bút của. Ông thống thiết kêu gọi:

"Quả thật, Phật giáo thế giới hầu như đã quên đi Thánh địa này và chỉ có biết đến những trung tâm tín ngưỡng như Mecca, Jerusalem của những Tôn giáo phương Đông. Khi tôi lưu lại Bồ-đề Đạo tràng cách đây mấy năm, tôi thật sự đau lòng khi thấy hàng ngàn những di sản cổ quí giá, những tảng đá có khắc chữ Sanskrit nằm ngổn ngang chồng đống quanh đây."

Sự vận động giành lấy lại quyền điều hành tại khu vực Tháp Đại Giác bắt đầu vào tháng giêng năm 1891 khi Anagarika Dharmapala đến đảnh lễ Thánh địa này. Do sự lãng quên mà nơi Đức Phật giác ngộ đã suy tàn đổ nát và rơi vào tay người Ấn giáo. Sau đó, ông kiên quyết từng bước ngăn chặn những việc làm của ngoại đạo tại Thánh địa này. Với tầm nhìn xa, bước đầu tiên, Ngài Dharmapala đã sáng lập ra "Hội Đại Giác Ngộ, Bồ-đề Đạo Tràng" (The Buddha Gaya Mahabodhi Society) vào ngày 31 tháng 5 năm 1891. Sau đó, ông đã thuyết phục 4 vị Tăng từ Tích Lan đến tại Bồ-đề Đạo Tràng vào tháng 7 năm 1891 và ở tại nhà nghĩ người Miến xây dựng trước đó vài năm. Bốn vị đó là:

1. Thượng tọa Dunuarla Chandajati,

2. Thượng tọa Matale Sumangala,

3. Thượng tọa Anuradhapura Pemmananda,

4. và Thượng tọa Galle Sudassana

Giáo hội Ấn giáo vẫn sở hữu toàn bộ khu vực Bồ-đề Đạo Tràng và họ phản đối về sự có mặt của những Tăng sĩ người Miến. Vào tháng 2 năm 1893 hai vị Tăng sĩ đã bị những người Ấn giáo đánh đập một cách tàn nhẫn. Hai năm sau, năm 1895 khi Dharmapala đang làm lễ an vị tượng Phật được người Nhật cúng, ở tầng trên của ngôi đền, thì Ngài đã bị những người Ấn giáo tấn công và ngăn cản. Tượng Phật đành phải được an vị nơi nhà nghĩ người Miến. Sau đó, giáo hội Ấn giáo tại Bồ-đề Đạo Tràng và vài tổ chức Ấn giáo khác đặc biệt là hiệp hội Ấn-Anh ở London cố gắng dời tượng Phật đi nơi khác nhưng chính phủ không đồng ý.

Năm 1906, họ yêu cầu trục xuất những vị Tăng sĩ Phật giáo ra khỏi khu vực Bồ-đề Đạo Tràng. Tín đồ Phật tử cũng yêu cầu và công khai tuyên bố quyền điều hành tại khu vực Tháp Đại Giác. Cuộc xung đột vẫn kéo dài cho đến sau khi Ấn Độ độc lập, chính phủ tại Bihar ban đạo luật quản lý khu vực Bồ-đề Đạo Tràng năm 1949. Năm 1952, chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban quản trị và giao cho ủy ban này điều hành quản lý khu vực Bồ-đề Đạo Tràng và những di sản khác. Ủy ban này gồm có 8 thành viên, 4 vị Ấn giáo và 4 vị Phật giáo với một vị quận trưởng Gaya làm chủ tịch. Chắc chắn rằng người Ấn giáo luôn nắm giữ những vị trí cao trong ủy ban do những điều khoản đặc biệt trong bản giao ước. Phần 3 của bản giao ước viết: "Vị quận trưởng của khu vực này do chính phủ bổ nhiệm sẽ mặc nhiên trở thành chủ tịch của ủy ban (trong giai đoạn vị này không theo Ấn giáo)"

Năm 1956, lễ tưởng niệm Phật Đản lần thứ 2500 (Buddha Jayanti) được Phật giáo quốc tế tổ chức. Chính phủ Ấn Độ dự tính tái tạo hồi phục lại những Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. Bồ-đề Đạo Tràng phải cần thời gian dài để sửa chữa lại ngôi Tháp Đại Giác và nới rộng các hàng rào. Vài khu vực quanh đền thờ được sử dụng. Vài ngôi nhà nhỏ được di dời và xung quanh được quét dọn sạch sẽ. Một con đường được mở rộng xung quanh đền thờ. Một viện bảo tàng nhỏ và những bia đá khắc nằm rải rác quanh ngôi đền được cất giữ và tái tạo. Những tiện nghi về điện nước và chỗ trọ cho khách hành hương được xây dựng.

Những năm gần đây, quang cảnh xung quannh ngôi Tháp Đại Giác được ủy ban quản lý cải thiện. Như một lối đi vào từ phía Đông với một khoảng trống thích hợp, một đường đá lát quanh Tháp và bức tường thêm vào cảnh yên bình của ngôi Tháp. Ngày nay, khách chiêm bái có thể cầu nguyện, lễ lạy đấng Đại Giác trong khung cảnh yên tĩnh và môi trường thanh tịnh. Sau đây chúng tôi xin điểm lược các di tích quan trọng tại Bồ-đề Đạo Tràng:

1) Ngôi Tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple)

Ngôi đại Tháp đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52m (170 feet), mỗi một cạnh vuông là 15m (50 feet). Ngọn của Tháp có hình chóp nhọn vươn cao. Cổng vào ngày nay cũng như nguyên thủy nằm ở phía Đông. Mỗi 4 mặt của ngôi Tháp với những tầng Tháp nhỏ và có nhiều góc tường để đặt tượng. Mặt chính có cửa sổ (nhọn ở trên) được mở ra để ánh sáng vào phòng chính. Tầng thứ nhất của ngôi Tháp có những Tháp nhỏ ở mỗi bốn góc như là những mô hình thu nhỏ của Tháp chính. Ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch nung và được tô bằng một lớp thạch cao. Phía trước lối đi chính có một cổng vào được khắc chạm tinh xảo. Phía trước cổng vào có một ngôi Tháp nhỏ bằng đá xây rất cân xứng tỉ lệ. Căn phòng chính của ngôi đền nằm ở tầng trệt. Cửa ra vào được làm bằng đá.

Tượng Phật lớn mạ vàng với ấn xúc địa tượng trưng cho sự kiện giác ngộ vĩ đại của Đức Phật, được đặt tại phòng chính của ngôi Tháp. Tầng trên có hai cầu thang bằng đá. Chúng ta có thể đi kinh hành vòng quanh ngôi Tháp. Tại 4 góc của tầng này có 4 ngọn Tháp nhỏ làm tăng thêm vẻ cân xứng tuyệt vời của toàn bộ cấu trúc. Hai ngọn Tháp ở phía Tây có điện thờ nhỏ với những hình tượng của Bồ-tát. Hai ngọn Tháp còn lại ở phía Đông với hai cầu thang và bên trong có hai tượng Phật to. Lan can dọc theo hành lan với vô số Tháp nhỏ được khắc chạm hết sức tinh xảo, những trháp ở phía Đông rất đẹp. Bên dưới ngọn Tháp chính ở tầng thứ nhất là một chánh điện rộng với một hình tượng Bồ-tát đặt trên một bệ thờ. Bên ngoài ngôi Tháp với vô số góc tường khắc chạm hình tượng Đức Phật và những loài vật. Hóc tường chính ở vách phía Tây có một tượng Phật rất đẹp hiếm có được mạ vàng do người Tây tạng. Có thể nhìn thấy ngôi Tháp đẹp nhất từ phía Bắc.

2) Cội Bồ-đề (Bodhi Tree)

Cội cây thiêng mà Thái tử Sĩ-đạt-ta đã ngồi và chứng đắc chân lý nằm ở phía Tây của ngôi Tháp Đại Giác. Lần viếng thăm cội Bồ-đề của vua A-dục được biết do những bia đá của Ngài và cũng được mô tả trên mặt cổng vào ở động Sanchi. Vua Sasanka, vị vua theo đạo Ấn đã chặt phá cội Bồ-đề vào thế kỷ thứ 6 sau TL nhưng may mắn thay một cây khác đã mọc lên ngay cội cây xưa. Cội cây này là cội cây mà Ngài Huyền Trang đã gặp vào năm 637 sau Tây lịch Trong quá trình khai quật vào năm 1870, cây Bồ-đề cũ đã ngã và một cây con được ông Cunningham trồng ngay vị trí nguyên thủy của nó. Đây là cội Bồ-đề mà chúng ta thấy ngày nay.

3) Tòa Kim Cang (Vajrasana)

Tòa Kim Cang nằm giữa Tháp Đại Giác và cội Bồ-đề, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi và đạt giác ngộ.

Ngày nay, nơi thiêng liêng này được lát một phiến đá đỏ, bề dài khoảng 2,28m (7 feet 6 inches), bề ngang khoảng 1,29m (4 feet 3 inches), chiều cao khoảng 0,914m (3 feet).

Tòa Kim Cang đã được phát hiện trong giai đoạn sửa chữa vào năm 1881.

4) Bảy tuần thất của Đức Phật

Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã tắm ở hồ nước Sakra. Ngày nay, hai hồ nước vẫn còn. Một hồ nằm ở làng Pipal Pati thuộc về phía Nam của Buddha Pokhara, một hồ khác nằm ở làng Tikahigha thuộc hướng Đông của làng Pipal Pati. Có thể hồ Sakra và hồ Muchilinda khác nhau.

Tuần thứ nhất

Sau khi tắm ở hồ Sakra, Đức Phật ngồi kiết già dưới cội Bồ-đề trong 7 ngày và cảm nhận những an lạc của Niết-bàn.

Tuần thứ hai

Đức Phật trải qua tuần lễ thứ hai trong việc đi kinh hành qua lại cội Bồ-đề. Đoạn đường mà đức Phật đi kinh hành cũng được như là "quãng đường thiêng" nằm ở hướng Bắc của Tháp Đại Giác. Dấu chân của Đức Phật được mô tả hết sức tỉ mỉ như một hoa sen trên một bục nề, chiều dài khoảng 16m (53 feet), chiều ngang khoảng 1,1m (3 feet 6 inches), chiều cao khoảng 0,914m (3 feet).

Tuần thứ ba

Ngọn Tháp Animesalocana, bên trong sân Tháp Đại Giác, đánh dấu nơi Đức Phật đứng suốt tuần lễ thứ ba nhìn về cội Bồ-đề bày tỏ lòng biết ơn cội cây đã cho Ngài nơi nương náu.

Tuần thứ tư

Ngôi đền nhỏ Ratanaghara (không có mái che), nơi Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ tư trong Thiền định cũng ở trong sân thuộc về hướng Bắc quãng đường mà đức Phật đi kinh hành.

Tuần thứ năm

Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ năm dưới cây Ni-Câu-Đà (Ajapala Nigrodha), nơi nàng Sujata đã dâng cho Ngài bát cháo sữa. Vị trí thực tế của cây này chưa được xác định nhưng có thể nó nằm tại một đền thờ Ấn giáo thuộc làng Bakraur, bên bờ phía Đông sông Ni Liên Thiền gần bên cạnh đền nàng Sujata.

Tuần thứ sáu

Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ sáu gần bên hồ Muchilinda nơi Muchilinda, con rắn chúa đã che chở cho Đức Phật khi trời mưa. Làng Mocharin cách về hướng Nam của Tháp Đại Giác khoảng 1,6km (1 dặm), hiển nhiên bắt nguồn từ tên Muchilinda.

Tuần thứ bảy

Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ bảy dưới cây Rajyatana, nơi mà Ngài đã giáo hóa 2 vị đệ tử thương buôn đầu tiên đến từ Utkala, nay là bang Orissa. Tên hai vị đó là Tapussa (Đế-lê-phú-bà) và Balluka (Bạt-lê-ca)

Vị trí cây Rajyatana vẫn chưa được xác định. Từ đây Đức Phật trở lại cội Bồ-đề và suy nghĩ cách đến Vườn Nai ở Sarnath (Isipatana) để truyền đạt chân lý giác ngộ cho năm đạo sĩ đồng tu với Ngài trước kia.

5) Những di tích khác

Những di tích quan trọng khác tại Bồ-đề như:

· Một vòng rào bằng đá quanh Tháp mà hiện chỉ còn vài khúc còn nguyên vẹn.

· Vô số những Tháp nhỏ quanh Tháp Đại Giác và ở trong sân Tháp.

· Tháp Panca Pandava màu trắng nằm bên trái của lối đi vào Tháp Đại Giác với năm tượng Bồ-tát.

· Một dãy Tu viện Phật giáo ở hướng Tây Nam Tháp Đại Giác.

· Một hồ nước rộng ở phía Nam Tháp chính.

· Trụ đá vua A-dục ngay lối vào hồ nước.

· Sông Ni Liên Thiền mà Bồ-tát đã vượt qua trên đường đi đến cội Bồ-đề nằm ở phía Đông Tháp Đại Giác.

Trước khi giác ngộ đức Phật đã ở bên kia sông Ni-Liên-Thiền, nay thuộc khu vực làng Bakraur. Do đó, trong ngôi làng này phải còn lại những di tích như: Cây Ajapala Nigrodha (Ni-câu-đà), hình ảnh nàng Sujata dâng cúng bát cháu sữa và căn nhà xưa của Sujata. Một vị trí lịch sử khác tại làng Bakraur, nơi mà vẫn còn lưu lại những vết tích ngày xưa là khu rừng khổ hạnh (khổ hạnh lâm). Đó là ngôi đồi Pragbodhi, nơi mà đức Phật đã rời bỏ 5 người bạn đồng tu khổ hạnh trước khi Thiền định dưới cội Bồ-đề. Ngài đã cư trú trong một hang động (động Dungeswari) một thời gian. Ngọn đồi nay là Dhongra, cách làng Bakraur khoảng 1,6km (1 dặm) về hướng Đông Bắc và chạy dọc theo dòng sông Ni-Liên-Thiền.

Thánh địa Bồ-đề với những di tích khắc chạm, nghệ thuật chạm trổ trên tòa Kim Cang và vài trụ đá trên quãng đường mà Đức Phật đã từng đi kinh hành, vòng rào bằng đá hoa cương. Đa số những di tích mang những nét nghệ thuật chạm trổ có thể từ những năm của thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Nó mang cả hai chủ đề Tôn giáo và Thiên văn.

Những chủ đề về Tôn giáo như:

· Sự giáng sinh của Đức Phật tại vườn Lâm-Tỳ-Ni.

· Bốn hình ảnh khác nhau tượng trưng cho sự kiện giác ngộ của Đức Phật.

· Sáu hình ảnh khác nhau tượng trưng cho sự kiện chuyển pháp luân đầu tiên tại Sarnath.

· Tám hình ảnh khác nhau tượng trưng cho sự kiện nhập Niế-bàn của Đức Phật tại Câu-thi-na (Kushinagar).

Bốn sự kiện trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế được mô tả như sau:

· Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) đã mua vườn xoài tại thành Xá-vệ để dâng cúng Đức Phật.

· Vị vua trời Sakra đã cử Panchasika yết kiến Đức Phật để thỉnh Ngài viếng thăm cung trời (Kinh Sakkapancha trong Trường Bộ Kinh)

· Lòng tôn kính Đức Phật của một vị vua rắn.

· Đức Phật và một vị nông dân ở thành Xá-Vệ.

· Mười tám kinh Bổn Sanh (Những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật cũng được mô tả.)

Những quan niệm về thiên văn bao gồm:

· Mặt trời (Surya)

· Mười hai dấu hiệu hoàng đạo của thái dương hệ (Rasi-Chakra)

· Chòm sao hình lưỡi liềm (Nakshataras)

6) Những ngôi Chùa hiện nay

Ngày nay, ngôi Tháp Đại Giác đã một lần nữa sống lại với sự viếng thăm của hàng triệu khách hành hương chiêm bái trên toàn thế giới. Thanh thế của Thánh địa được lớn mạnh như thuở vàng son của Phật giáo. Con số các Chùa chiền Tự viện của những nước Phật giáo trên thế giới Tăng lên rõ rệt tại Bồ-đề Đạo Tràng. Trong số đó quan trọng nhất là:

Chùa Phật giáo Tây Tạng

Ngôi Chùa này nằm ở phía Đông của ngôi Tháp và được xây dựng với hình thức của Phật giáo Tây Tạng. Chánh điện nằm ở lầu một với nhiều hình tượng đầy màu sắc. Nhiều tạng kinh điển và những pháp khí khác được lưu giữ với một bánh xe chuyển pháp thật lớn.

Chùa Phật giáo Trung Quốc

Ngôi Chùa này được xây dựng với lối kiến trúc của Phật giáo Trung Quốc, nằm về phía Tây Nam của Tháp Đại Giác.

Chùa Phật giáo Thái Lan

Chùa Thái và cũng là viện bảo tàng khảo cổ, nằm về hướng Tây của Tháp. Chùa được chính phủ hoàng gia Thái Lan xây dựng vào năm 1957 và trùng tu vào năm 1970-1972. Chùa được xây dựng theo hình thức Phật giáo Thái Lan giống như những Chùa đá hoa ở Bangkok. Ngôi Chùa này có một tượng Phật khổng lồ bằng vàng ở chánh điện, hoàn toàn gây ấn tượng và cuốn hút khách hành hương từ nhiều nơi đến chiêm ngưỡng.

Chùa Phật giáo Nhật Bản

Chùa Nhật Bản rất đẹp nằm không xa Chùa Thái Lan về tay phải. Chùa được Hiệp hội Liên hữu quốc tế Nhật Bản xây dựng và khánh thành vào ngày 8 tháng 12 năm 1973. Ngoài ra còn có một ngôi Chùa Nhật Bản thứ hai nằm sát bên ngôi Chùa Nhật Bản thứ nhất. Ngôi Chùa này mang một vẻ đẹp khác, được Hội Daijokoyo xây dựng và khánh thành vào ngày 13 tháng 2 năm 1983.

Tu viện Phật giáo Miến Điện

Phật giáo Miến Điện cũng đã xây dựng một Tu viện theo kiến trúc của Phật giáo Miến Điện tại khu vực Bồ-đề Đạo tràng.

Gió qua hồn, ấm Đông Tây

Không khí hò vang nhịp bước

Loài ác quái khuất đầu xuôi nẻo trược

Nước sông tràn nhịp hoan ca.

Chín mười phương hội tụ sóng Ta Bà

Ngài ngự đến đỉnh cao vời ý sống

Nơm nớp trần tâm mờ xa nẻo thẳm

Cuồng say kiếp sống con người.

Muôn vạn vầng dương về trên đỉnh ngự

Thác reo lòng suối xưa nay.

Và giữa đêm sương buốc lạnh đời

Mưa rừng xào xạc ánh trăng vơi

Thú khuya ngừng hót tàn canh mộng

Là lúc Ngài vang một tiếng cười.

Ôi sóng vang rền tinh đẫu bay

Ngược lên nguồn giác mặt trời xoay

Bừng trong ánh mắt tan cuồng vọng

Ngài thoạt lên ngôi cứu vạn loài.

(trích trong tập thơ “Trọn Vẹn Một Tình Yêu”, Như Tạng, 1991)

Khi nghĩ về Đức Phật, là Phật Tử, không ai lại không nhớ về bốn Thánh tích quan trọng. Đó là vườn hoa Lâm Tỳ Ni (Lumbini Nava), dưới cây hoa Vô Ưu, thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) nay thuộc nước Nepal phía Bắc Ấn Độ, nơi Thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gautama) đản sanh. Thứ hai là Bồ Đề Đạo Tràng (Boddha Gaya), tại Buddh Gaya, nay thuộc tiểu bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo. Thứ ba là vườn Lộc Uyển (Migadaya nay gọi là Sarnath thuộc xứ Utta Pradesh) (1), nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên. Thứ tư là Câu Thi Na(Kusinagara), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Nhân ngày Đức Phật Thành Đạo xin sơ lược đôi nét về Bồ Đề Đạo Tràng để ghi nhớ nơi Đức Từ Phụ sau 49 ngày đêm tham Thiền nhập định đã thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Kể từ đó, sau 49 năm Ngài thuyết giảng pháp đã để lại cho nhân loại một kho tàng kinh điển vĩ đại quí giá.

Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay còn lại những gì, lược sử của nó như thế nào?

1) Cây Bồ Đề và Kim Cương Tòa

Trên đường chiêm bái các Phật tích, nếu đi từ núi Khổ Hạnh Lâm (Dungsiri) một ngọn núi khô khan cằn cỗi, nóng bức như lửa đốt vào mùa Hè, phải lội qua sông Ni Liên Thiền (Neranjara) để đến Bồ Đề Đạo Tràng.

Gần nơi Bồ Đề Đạo Tràng có một di tích nông trại của nàng Tu Sa Da (Sujata), người đã dâng sữa cúng dường Thái tử Sĩ Đạt Ta sau khi Ngài từ Khổ Hạnh Lâm đến (2).

Bồ Đề Đạo Tràng có một Tháp lớn, sau Tháp này là cây Bồ Đề rất lớn, tại nơi gốc cây có một Kim Cương Tòa chính là nơi Thái tử đã ngồi tham Thiền nhập định 49 ngày đêm đến lúc Ngài hoát nhiên đại ngộ thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Theo lịch sử ghi lại cây Bồ Đề này từ đó đến nay đã ba lần bị đốn ngã nhưng lành thay sau khi bi chặt từ dưới gốc lại đâm chồi lên và tồn tại xanh tươi cành lá xum xuê cho đến ngày nay. Lần thứ nhất bị chặt đó là trước khi vua A Dục (Asoka, lên ngôi năm 273 trước Tây lịch, làm vua được 37 năm) (3) chưa phát tâm theo Phật Giáo. Lần thứ hai, sau khi vua phát tâm theo Phật Giáo, Ngài thường đến nơi cây Bồ Đề để tưởng nhớ Đức Phật, Hoàng hậu phẩn nộ nên sai quân lính đến chặt phá cây Bồ Đề. Lần thứ ba khi giặc Hồi Giáo xâm lăng Ấn Độ đã chặt phá cây Bồ Đề (4).

Mặc dù đã trãi qua những cơn tàn phá như vậy cây Bồ Đề nguyên thủy nơi Đức Phật Thành Đạo đến nay cành lá vẫn tỏa rộng xanh tươi như giáo pháp của Ngài đang tỏa khắp năm châu bốn bể.

2) Tháp nhỏ và tượng Phật lộ thiên

Phía Đông của Tháp lớn là một ngôi Tháp nhỏ được xây để kỷ niệm nơi Đức Phật đến đây để nói những lời nhân hậu cám ơn cây Bồ Đề đã che mưa che nắng cho Ngài trong suốt thời gian Ngài tham Thiền nhập định cho đến khi thành Phật.

Phía Nam của Tháp lớn là một Tháp nhỏ khác kỷ niệm nơi Đức Phật đã tu chứng được tứ Thiền.

Bên phải của Tháp lớn là một tượng Phật lộ thiên xây giữa hồ sen có cửu long che chở. Tương truyền rằng khi Ngài tu Thiền định có thần long che mưa che nắng cho Ngài (5).

Nơi sát vách phía Đông Tháp lớn có một tượng đức Quán Thế Âm. “Trở về phía Đông của ngôi đại Tháp thấy có nhiều người Tây Tạng, cả Tăng lẫn tục đều nhắm mắt, chấp tay chí thành đi về hướng tượng Đức Quán Thế Âm được tạc vào thành của ngôi đại Tháp... tượng Đức Quán Thế Âm nguyên thủy không còn nữa, sau này người Tây Tạng tạc tượng này để lễ bái và họ tin rằng nếu nguyện một điều gì đó sẽ thành tựu thì nhắm mắt đi vẫn đến đúng trước chính diện của tượng. Nếu không, tự nhiên có một dẫn lực nào đó dắt ta ra khỏi tôn tượng.” Ai không tin cũng phải tin. Vì đây là nơi Thánh Địa linh thiêng vô cùng. Độ xa từ khi nhắm mắt khởi đầu đi đến gần tượng chừng 10 thước. Khi đi đến tự nhiên thấy mình như bị xô tới. Tất cả ai nấy cũng đều cảm nhận như vậy. Mà quả thật pháp Phật thật nhiệm mầu. Nếu không có những linh thiêng mầu nhiệm này thì ma vương và ngoại đạo đã phá nát nơi này rồi...” (6)

Nhất là nơi Thánh Địa quan trọng này ngoại đạo thấy nhiều Phật Tử các nơi trên thế giới đến chiêm bái họ sanh lòng ganh ghét muốn phá phách. Còn những người theo Ấn Giáo địa phương thì lúc nào cũng muốn lợi dụng lòng sùng kính Thánh Tích của khách thập phương mà lập mưu để thủ lợi.

3) Ngôi đại Tháp

Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng có lịch sử từ khi Đức Phật thành đạo tại nơi này. Về cây Bồ Đề mặc dầu bị chặt ba lần nhưng nó vẫn tồn tại liên tục đến ngày nay nên có phần dễ hiểu. Riêng về ngôi đại Tháp khó xác định được thời gian xây cất và bị phá hủy và được xây lại nhiều lần nên khó xác định hình thái và độ cao của nó một cách chính xác.

Vua A Dục đã đến đây chiêm bái nhiều lần, cuộc chiêm bái của Ngài có khắc vào bia đá để kỷ niệm, hiện còn giữ tại Sanchi (7).

Đại Tháp đầu tiên rất có thể do vua A dục dựng lên nhưng vì thiếu bia ký để kiểm chứng nên không thể khẳng định được. Thế nhưng cho dù có do vua A dục xây dựng đại Tháp đầu tiên đi chăng nũa thì rất tiếc là ngôi Tháp nguyên thủy ấy nay không còn, ngôi Tháp hiện tại là do sau này mới xây lại mà thôi.

Muốn hiểu về lịch sử đại Tháp ta phải dựa vào ký sự của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang để dễ thẩm định. Dựa theo những tài liệu đó có thể đoan chắc là ngôi đại Tháp hiện tại được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch.

Vào năm 409 ngài Pháp Hiển đã đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng, trong ký sự ngài viết: “Tại chỗ Đức Phật thành đạo có ba ngôi Tháp và nhiều vị sư tu hành. Gia đình dân chúng chung quanh cúng dường các thức ăn mặc rất đầy đủ không thiếu thứ gì. Các vị sư giữ giới luật rất thanh tịnh trang nghiêm.” (8)

Năm 637 ngài Huyền Trang đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng, trong ký sự ngài viết: “Phía Đông cây Bồ đề có một Tháp cao chừng 52 thước, nền Tháp rộng độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh, trét vôi chu Nam, các khám tượng của mỗi tầng đều thếp vàng. Bốn mặt tưòng đều đầy những tượng khắc rất đẹp, chỗ này là hình ảnh những chuổi ngọc dài, chỗ kia là những vị tiên. Ngọn Tháp là một trái Amlak bằng đồng thép vàng.

Mặt phía Đông có một tòa lầu 3 tầng và các mái hiên, cột trụ và cột nhà cùng cửa lớn và cửa sổ đều được trang hoàng với những ảnh tượng bằng vàng hay bạc, với ngọc ngà đính vào tượng và các kẻ hở. Những phòng âm u và những hành lang bí mật đều có cửa sổ mở vào trong những tầng lầu. Về phía mặt và phía trái đều có tượng đức Quán Thế Âm và tượng đức Bồ Tát Di Lặc. Những tượng này đều bằng bạc và cao độ 3 thước Tây. Tại chỗ Tháp hiện tại, vua A Dục ban đầu có lập một ngôi Chùa nhỏ, về sau có người Bà La Môn lập lại một ngôi khác to rộng hơn nhiều”. (9)

“Ngọn Tháp mà ngài Huyền Trang miêu tả chính là ngọn Tháp hiện tại, không còn nghi ngờ gì nữa, dầu có sửa chửa và thay đổi.” (10)

Theo lịch sử, Phật Giáo Tích Lan có liên quan đến Bồ Đề Đạo Tràng kể từ khi vua A Dục cử Đại Đức Sanghamitta đem nhánh Bồ Đề qua Tích Lan tặng. Năm 330 vua Meghavana có lập một ngôi Chùa tại Bồ Đề Đạo Tràng để chư Tăng người Tích Lan có nơi tu học.

Năm 1079 Phật Tử Miến Điện góp công sửa sang lại ngôi Tháp và xây tường bao bọc chung quanh.

Đến năm 1298 Phật Tử Miến Điện lại trùng tu lại một lần nữa.

Tại làng Janibigha thuộc xứ Bihar có tìm được một tấm bia đề năm 1202 ghi vị Tỳ kheo người Tích Lan tên Manalaswami quản lý ngôi làng để lo việc tu bổ và cúng lễ Kim Cương Tòa tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Theo những tài liệu ghi trên cho thấy ít nhất là cho đến thế kỷ 13 sau Tây lịch Bồ Đề Đạo Tràng còn do Phật Tử Tích Lan và Ấn Độ quản trị.

Sau khi giặc Hồi Giáo tràn vào chiếm cứ Ấn Độ tàn sát Tăng Ni Phật Tử, đốt phá Chùa chiền và các di tích Phật Giáo Phật tích này mới bị bỏ hoang không người chăm sóc cho đến khi ông Mahant (thuộc Ấn Giáo) đến tại nơi này.

Năm 1812 nhà khảo cổ trứ danh là bác sĩ Buchannan Hamilton đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng, ông đã trông thấy ngôi đại Tháp đã đổ nát hoang phế từ lâu. Như vậy chứng tỏ ông Mahant không để ý gì đến việc tu sửa ngôi Tháp này.

Vị đại sứ Miến Điện tên là Mêngy Maha Chesu và đoàn tùy tùng đà đến thăm nơi đây vào năm 1833, có tìm thấy một tấm bia ghi bằng chử Pali như sau: “Đây là một trong số 84 ngàn ngôi Tháp do vua A Dục, vua cõi Diêm Phù Đề, dựng lên để kỷ niệm nơi Đức Phật Thành Đạo...” Ngày 18-8-1875, bộ ngoại giao Miến Điện gởi một văn thư cho ông Tổng Toàn Quyền yêu cầu được phép trùng tu lại ngôi đại Tháp, xây tường để đở nhánh cây Bồ Đề, sửa chửa lại những đền đài đổ nát tại đây và xây một ngôi Chùa cho Tăng chúng tu học trong khu vực Bồ Đề Đạo Tràng. Trong khi ấy chiến tranh giữa nước Anh và Miến Điện bùng nổ nên đáng lý ra công việc trùng tu xây cất phải do đại diện của nhà vua Miến Điện nhưng lại phải giao cho ông Mahant (Ấn Độ Giáo) và chính phủ Ấn Độ quản đốc công việc. Có điều lạ là sở Bác Cổ Ấn lại không quan tâm đến Đại Tháp Bồ Đề Đạo Tràng.

Sau đó có rất nhiều ý kiến và thỉnh nguyện thư của Phật Tử đòi giao lại Phật Tích này cho Phật Tử quản lý nhưng không được đáp ứng bởi chính phủ Anh và Ấn Độ lúc bấy giờ...

Mãi đến năm 1891 ngài Anagarika Dharmapala tự đảm trách công việc đòi lại Bồ Đề Đạo Tràng từ tay Ấn Độ Giáo. Vì họ chỉ giữ Thánh Tích này với mục đích hưởng lợi qua sự cúng dường của bá tánh chứ không hề có ý muốn tu sửa hay cung kính chi cả.

Sau lần chiêm bái Thánh Tích này ngài Dharmapala ngày 21-1-1891 đã ghi trong nhật ký như sau: “Tôi với ông Durga Bahu và bác sĩ Chetteijee đến Buddhagaya, nơi tôn quí nhất của Phật Tử. Sau khi đi độ 6 dặm Anh, chúng tôi đến tại Thánh tích. Trong khoảng một dặm Anh, chúng tôi đã thấy những tượng của Đức Từ Phụ lăn lóc chỗ này chồ kia.

Tại ngôi đền của ông Mahant hai bên cửa có những tượng Đức Thế Tôn đang Thiền định hay đang thuyết pháp. Ôi! Tôn nghiêm làm sao ngôi Tháp quí báu này! Đức Thế Tôn ngồi trên pháp tòa và sự tôn nghiêm tỏa khắp làm cho Phật Tử chí thành phát khóc. Ôi sung sướng biết bao! Khi vầng tráng của tôi chạm đến Kim Cương Tòa, một ý niệm phát ra rồi đánh mạnh vào tâm trí tôi. Ý niệm ấy bảo tôi dừng lại đây và gìn giữa Thánh tích tôn nghiêm này, tôn nghiêm đến nỗi không gì trên đời này sánh bằng, vì đây là chỗ mà dưới gốc Bồ Đề Thái tử Sĩ Đạt Ta đã giác ngộ thành Phật.

Tôi lượm một vài ngọn lá và một ngọn cỏ có hình dáng rất đặc biệt. Khi một ý niệm đột nhiên đến với tôi, tôi hỏi vị tu sĩ người Nhật tên Kozen có bằng lòng ở lại đây với chúng tôi không? Vị này hoan hỷ bằng lòng và hơn thế nữa vị này cũng nghĩ như tôi.

Cả hai chúng tôi thề một cách trịnh trọng quyết ở lại đây cho đến khi có một vài tu sĩ đến quản đốc Thánh Tích này.” (22-1-1891)

Ngài Dharmapala sau khi đi chiêm bái về đến Tích Lan, ngày 31-6-1891 tổ chức một đại hội Phật Giáo do ngài Sumangala làm chủ tọa, trong buổi họp này hội Maha Bồ Đề được thành lập với mục đích lấy lại Bồ Đề Đạo Tràng và truyền bá chánh pháp tại Ấn Độ. Đại Đức Sumangala là chủ tịch, Đại Đức Dharmapala làm chánh thư ký hội.

Sau hai lần kiện để đòi lại Thánh Tích này cho Phật Tử, thất bại vì ngài Dharmapala không đủ tiền bạc và thế lực nên bị thua kiện.Thế nhưng ngài đã dùng phương tiện truyền thông, báo chí để vận động dư luận quần chúng ủng hộ.

Do đó quần chúng Ấn Độ và Phật Tử trong nước cùng nước ngoài đều biết qua báo chí và họ đều hổ trợ cho công việc đòi lại Thánh Tích này.

Do những ảnh hưởng kể trên nên vấn đề này được đem ra bàn cãi tại Đại Hội Quốc Gia Ấn Độ (Indian National Congress) nhóm họp tại Gaya, Belgaon, Coconada và các nơi khác nữa. Đảng Quốc Đại đã thành lập một ủy ban để lo xử lý công việc này theo đó Phật Giáo cử đại diện và Ấn Độ Giáo cũng cử đại diện vào ủy ban quản lý Thánh Tích này nhưng không thành công vì phía Ấn Độ Giáo phản đối đề án này.

Mãi đến sau khi Ấn Độ được Anh trao trả độc lập, chính phủ Ấn Độ đứng ra trực tiếp cang thiệp và trao quyền quản đốc Thánh Tích cho một ủy ban gồm có 11 người, 5 người Ấn Độ Giáo (trong số này có ông Mahant) và 5 người Phật Tử, một vị chủ tịch ủy ban do chính phủ Ấn đề cử để lo việc quản đốc Thánh Tích.

Kể từ khi ấy đến nay Thánh Tích này do Phật Tử đứng ra tu bổ. Ngoài ra chính phủ Ấn còn kêu gọi Phật Tử các nước khác đến lập Chùa trong khu vực Thánh Tích để tiện việc cho chư Tăng Ni tu niệm và có nơi tạm trú cho tín đồ đến tham bái. (11)

4) Những Ngôi Chùa của nước ngoài tại Bồ Đề Đạo Tràng

Chung quanh khu vực Bồ Đề Đạo Tràng có những Chùa của các nước như sau: Chùa Miến Điện, được xây cất cách nay độ chừng trên 50 năm. Chùa xây có vẻ sơ sài, có lẽ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của người Miến Điện là đơn giản hóa mọi vấn đề?...

Chùa Trung Hoa đối diện Bồ Đề Đạo Tràng về hướng Đông.

Phật Giáo Nhật Bản có hai ngôi Chùa trong khu vực này. Chùa xây qui mô có lối kiến trúc tân thời theo kiểu Nhật Bản. Ngoài chánh điện lớn trang nghiêm còn có cả Thiền đường Tăng phòng, nhà trọ, trai đường... trông rất nguy nga đồ sộ...

Chùa của nước Butan rất lớn, mặc dầu họ là một quốc gia nhỏ bé. Phật Giáo là quốc giáo tại quốc gia nằm trong dãy Hy Mã Lạp Sơn này.

Một Chùa Ấn Độ đang xây cất ( đó là năm 1988) chẳng biết giờ này đã hoàn thành chưa? Vì công việc xây cất trông yếu ớt lắm!

Ngoài ra còn có các Chùa khác như Chùa Nepal, Chùa Thái Lan rất lớn, Chùa Sikkim v.v..

Về phía Tây Tạng họ có hai Chùa, cả hai đều có những bích họa rất đáng để ý.

Một ngôi Chùa thuộc phái Geluppas thường được gọi là phái Mũ Vàng.

Trong Chùa có một tấm bích họa bánh xe pháp luân khổng lồ, sự phức tạp và màu sắc sặc sở tượng trưng cho sự rắc rối lộn xộn của đời sống luân hồi, con đường đưa đến đời sống giải thoát và hình ảnh thuyết pháp, giảng đạo... Bức họa là cả một công trình khoa học, bố cục và họa theo phương pháp hình học rất phân minh, rỏ ràng và đầy đủ ý nghĩa thâm sâu của nó.

Để diễn tả tam độc là tham, sân si, ở trong trục bánh xe có vẽ một con gà, một con rắn và một con heo. Ba con vật này cắn đuôi của nhau làm thành một vòng tròn liên tục.

Để diển tả cái nghiệp (karma), vòng tròn xung quanh trục chia làm hai phần đen và trắng. Đen tượng trưng cho ác nghiệp và trắng tượng trưng cho những điều thiện...

Để diễn tả 12 nhân duyên, vành bánh xe chia làm 12 đoạn như sau: Một người đàn bà mù tượng trưng cho Vô Minh (avijja). Người đang nhồi đất sét tượng trưng cho Hành (samkhara). Con vượn đang cầm cái ghế, cái chậu chỉ cho Thức (Vijnana). Người đang ở trong một chiếc thuyền chỉ cho Danh Sắc (Namarupa). Một cái nhà với 6 cửa sổ tượng trưng cho Lục Nhập (salayatana). Đôi trai gái ôm nhau chỉ cho Xúc (phasso). Một người đang rút mũi tên ra đâm vào mắt chỉ cho Thọ (vedana). Một người nghiện rượu liên miên chỉ cho Ái (tanha). Một con khỉ đang hái trái cây chỉ cho Thủ (upadana), Hữu (bhava)... Sanh (jati) là một hình ảnh đang hành dâm. Một người già đang đi khòm chống gậy là Lão (jara) và một số người đang khiêng thây ma chết đi chôn chỉ cho Tử (marana), cũng vừa là diễn tả cho sự tiếp nối của đời sau trong sự chuyển nghiệp.

Ngoài ra còn có hình ảnh một con quái vật rùng rợn (chỉ cho ma vương), đang cắn chặt toàn thể bánh xe trong răng và cho quay tròn bánh xe bằng 2 chân và 2 tay của nó.

Hình ảnh cuối cùng là Đức Phật Thích Ca đang đứng thẳng, cao xa, ở góc bên trái, phía mặt đưa tay chỉ ma vương và bánh xe đó.(12)

Những hình ảnh kể trên cho ta những ấn tượng sâu xa về kiếp sinh tử luân hồi, sự trầm luân đọa lạc, khiến chúng ta nhàm chán ghê sợ mà dũng mãnh phát tâm cầu giải thoát khỏ vòng sinh tử luân hồi.

5) Việt Nam Phật Quốc Tự

Chùa Việt Nam có tên là Việt Nam Phật Quốc Tự. Chùa được thành lập trong một khu đất rộng chừng hai mẫu Tây, cách Thánh Tích chừng 15 phút đi bộ. Bắt đầu xây cất từ năm 1987, đến tháng 12-1988 đã xây xong một pháp xá 3 tầng, chiều dài độ 50 thước Tây, có 30 phòng đôi dành cho khách hành hương nào muốn trú ngụ trong thời gian chiêm bái Thánh Tích. Phòng có đủ tiện nghi hiện đại như khách sạn cở trung tại New Delhi. Chùa đang vận động xây chánh điện, thư viện, tượng Đức Quan Âm lộ thiên...

Trên đây là một công trình Phật sự lớn lao không phải do chư Tăng Ni đứng ra chủ xướng mà là do một số Phật Tử đứng ra đảm trách công việc. Trong đó phải kể là công lao của giáo sư Tiến Sĩ Lâm Trung Quốc (tức Thầy Huyền Diệu). Nếu ai có dịp tham quan Phật Tích này xin đừng quên ngôi Chùa Việt Nam trên đất Phật ấy.

Như chúng ta đã biết sau khi Đức Phật thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác tại cây Bồ Đề nơi Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp lần đầu tiên để độ 5 anh em Kiều Trần Như.

Dưới đây xin tóm lược bài pháp đầu tiên Đức Phật đã giảng tại vườn Lộc Uyển.

6) Bài Kinh đầu tiên: Kinh Chuyễn Pháp Luân (Dharmmacakkapavattana Sutta)

Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến vườn Lộc Uyển (Miga Daya) thuộc thành Ba La Nại (Bénarès xưa gọi là Vârânasi), đọan đường dài trên 300 cây số mà Đức Phật đã thân hành đến đây vì 5 vị đồng tu ngày trước mà thuyết pháp độ họ.

Đức Thế Tôn đã gọi 5 anh em Kiều Trần Như dạy rằng: “Này các Tỳ kheo có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Một là mê đắm sắc dục, hạ liệt phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi Đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi Đạo. Chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này Như Lai giác ngộ con đường trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn trí tuệ đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ Niết Bàn...”(13)

Con đường trung đạo Đức Như Lai đã thuyết giảng đó là Bát Chánh Đạo (ariyoatthangikomaggo):

1) Chánh Tri Kiến (samma-ditthi)

2) Chánh Tư Duy (samma-sankappa)

3) Chánh Ngữ (samma-mavaca)

4) Chánh nghiệp (samma-kammanta)

5) Chánh Mạng (samma-vajiva)

6) Chánh Tinh Tấn (samma-vayama)

7) Chánh Niệm (samma-sati)

8) Chánh định (samma-samadhi).

Đức Phật đã giảng pháp Tứ Diệu Đế (aryasacca): Khổ (duhkha-aryasatya); Tập (samudya); Diệt (nirdha); Đạo (marga), như sau:

Khổ Đế là gì? Tức là những hình tướng của sự khổ não: “ Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, thân ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại 5 Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chấp thủ là khổ.”

Kế đến Tập Đế là gì? Tức là những nguyên nhân đưa đến sự khổ. Đức Phật dạy: “Chính là Ái đưa đến Hửu, tương ứng với hỷ và tham,tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, sanh ái, vô sanh ái “.

Diệt Đế là gì? “Chính là sự diệt tận, vô dục,từ bỏ, xã ly, giải thoát, tự tại đối với các ái “.

Đức Phật dạy chúng ta hãy diệt tận những nguyên nhân đưa đến khổ não ràng buộc

khiến cho tâm trí ta bị vô minh che lấp, ánh sáng trí tuệ không thể tỏa sáng được...

Phương pháp diệt tận gốc rễ của sự khổ não đó là Đạo Đế. Đạo Đế đây tức là Con Đường Thánh Tám Ngành, còn gọi là con đường hay phương pháp hướng dẫn chúng ta diệt trừ những sự khổ và nguyên nhân đưa đến khổ não nói trên.

Đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

Đây là những pháp mà từ trước đến nay chưa có ai giảng thuyết cả.

Sau khi Đức Như Lai thuyết pháp như vậy, 5 vị Tỳ kheo hoan hỷ tán thán lời Đức Thế Tôn. Đức Kondanna (Kiều Trần Như) chứng được pháp nhãn thanh tịnh, không cấu nhiễm và chứng ngộ rằng: “Các pháp do Tập sinh đều là những pháp phải bị diệt.”(14)

7) Nỗi nhớ

Vừa chiêm bái một vòng quanh Thánh Tích và suy niệm xong bài Kinh Thứ Nhất, giờ này trong tâm tư tôi vẫn còn nghe văng vẳng những lời vàng ngọc Đức Từ Phụ đã giảng dạy.

Ôi! lành thay! Lưu luyến mãi cây Bồ Đề mấy ngàn năm vẫn ngày càng tỏa rộng cành lá xanh tươi hiền hòa để che mát cho con người.

Ôi! Lưu luyến ngôi đại Tháp, cảnh vật hiền hòa thanh tịnh và những ngôi Chùa, những ngôi Chùa trìu mến thân thương:

Từ năm tôi đến Chùa này

Lòng như đã đến cõi ngoài trần gian

Câu Kinh như những tiếng lòng

Cỏ hoa là bạn tâm đồng trời mây...

Như Tạng (15)

Ghi Chú

(1)Tự Điển Bách Khoa “The World”, Volume 10, năm 1995

(2), (7), (11), (13) HTT Minh Châu “Đường Về Xứ Phật”, 1964

(3) Đoàn Trung Còn “Phật Học Từ Điển”, 1966

(4), (5), (6), (12) TTT Như Điển “Lòng Từ Đức Phật” 1989

(8) James Legge “Ký Sự Fa-hsien”

(9) Beel “Hiuen Tsiang” tập 11

(10) Alexander Cunningham “Maha Boddhi”

(14) Tuệ Giác “Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử”, 1964

(15) Như Tạng, truyện thơ “Con Đường Cảm Thông”, (đoạn 69), 1996

(Luy lâu sửa bài viết này không biết đoạn nào do dịch giả dịch, đoạn nào do dịch giả thêm vào. Tồn Nghi!)