Chùa Lôi Âm tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi cao trên 350m, tương truyền được xây dựng vào thời Trần. Theo sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, vua Trần Nhân Tông cùng các đại sư Pháp Loa, Huyền Quang, những nhà sáng lập Thiền phái Trúc Lâm trong Đạo Phật Việt Nam, đã từng đến giảng kinh ở đây vào thời Trần, cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV.
Trải qua bao thăng trầm biến động của thời gian, chùa Lôi Âm đã xuống cấp nghiêm trọng, hiện đang được chính quyền địa phương các cấp trùng tu xây dựng lại.
Chùa nằm trên đỉnh một ngọn núi cao giữa những cánh rừng thông cổ thụ bạt ngàn. Muốn đến chùa Lôi Âm, du khách phải vượt qua lòng hồ Yên Lập rộng mênh mông bằng xuồng máy của các hộ dân ven hồ hay đi nhờ xuồng của nhà chùa.
Nhiều tháng trở lại đây, như đã thành một thông lệ, bất cứ du khách và phật tử nào đến lễ chùa đều không quên “cõng” theo gạch cung tiến để góp phần phục dựng lại chùa Lôi Âm. Gạch xây chùa được các phật tử mua rồi buộc sẵn hai, ba viên một túm, tùy theo sức mình mà mang theo.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khiêm Nhu đến từ Hà Nội cho biết: “Dù chỉ là những viên gạch nhỏ bé nhưng chúng tôi cố gắng mang đến cung tiến cho nhà chùa. Đây là việc làm xuất phát từ tâm đức của mỗi con người với mong muốn hướng đến cái thiện, cái đức”.
Trong số các phật tử nhiệt tình cung tiến gạch xây chùa có không ít các bạn trẻ, cứ cuối tuần lại hẹn nhau góp tiền mua gạch đưa lên chùa.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Quốc Uy - Chủ tịch UBND phường Đại Yên - cho biết, lễ hội chùa Lôi Âm chính thức diễn ra vào 27 tháng Giêng hàng năm; nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay đã có khoảng 30 nghìn lượt du khách thăm chùa. “Di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập là cụm di tích đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo nên việc du khách “cõng” gạch cung tiến trùng tu xây dựng chùa là những hành động đẹp và có ý nghĩa nhân văn. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ cũng như công đức của bà con du khách khắp nơi ” - ông Uy chia sẻ.