Hỏi: Một đời tạo ác, lâm chung niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh, lại không thoái chuyển, nguyện lực Phật Di-đà thật chẳng thể nghĩ bàn. Vậy thì lúc còn sống tôi làm muôn việc thế gian, đợi đến lúc lâm chung, sau đó mới niệm Phật được không ?
Sư đáp : Khổ thay ! Sao ông lại nói những lời ngu si lầm lẫn đến thế ! Tỳ sương, rượu độc là chất độc trong các thứ độc, nay những lời ông nói càng độc hơn các chất độc ấy nữa, không những làm mình lầm lạc mà còn làm cho thiên hạ cũng mê lầm. Ông phải biết rằng, phàm phu ngu muội lâm chung niệm Phật đều nhờ nhân duyên thiện căn phước đức từ trước, gặp được Thiện tri thức, mới được niệm Phật. Những người may mắn này trong ngàn muôn người chưa chắc có một. Ông cho rằng đến lúc lâm chung ai ai cũng được may mắn đó ư ! Ông không thấy Quần Nghi Luận ghi : Trong thế gian có 10 hạng người lâm chung không thể niệm Phật:-
- Sư họ Đàm, hiệu Thiên Như, người Cát An, Giang Tây. Thuở nhỏ, Sư xuất gia với ngài Hòa Sơn, sau du phương đến núi Thiên Mục đắc pháp và kế thừa Thiền sư Trung Phong Minh Bản. Năm 1341, Sư trụ ở Sư Tử Lâm thuộc Tô Châu. Năm sau, môn nhân hợp sức dựng chùa Bồ Đề Chánh Tông, thỉnh Sư thuyết pháp, xiển dương tông phong Lâm Tế. Ngoài ra, Sư còn nghiên cứu tột cùng giáo nghĩa của ngài Vĩnh Minh, tông Thiên Thai, xiển dương Tịnh độ, soạn Tịnh độ Hoặc Vấn để trừ nghi và sách tấn hành giả tu tập. Sư được Thuận đế nhà Nguyên ban hiệu Phật Tâm Phổ Tế Văn Tuệ Đại Biện Thiền sư và y kim lan. Tác phẩm do Sư trứ tác gồm : Lăng Nghiêm Kinh Hội Giải 20 quyển, Lăng Nghiêm Kinh Viên Thông Sớ 10 quyển, Tịnh độ Hoặc Vấn, Thiền Tông Ngữ Lục, Thập Phương Giới Đồ Thuyết.
Thiền Sư Duy Tắc trả lời hành giả Tịnh độ
Sư thị tịch vào năm 1354, không rõ Tăng lạp bao nhiêu.
Một lần, hành giả Tịnh độ đến hỏi Sư :
Đại sư Vĩnh Minh nói : "Có Thiền không Tịnh độ, mười hết chín lạc đường, không Thiền có Tịnh độ, vạn người tu vạn chứng", hình như Vĩnh Minh chủ trương Tịnh độ, ít đề cập đến các tông khác, e rằng có quá đề cao Tịnh độ, xem nhẹ Thiền tông chăng ?
Thiền sư Duy Tắc đáp :
Câu hỏi này lớn thay ! Phải biết Vĩnh Minh không khen quá lời mà sự thật là như vậy. Tôi từng đọc qua các sách về Tịnh độ, biết rõ yếu chỉ của pháp môn này vốn dễ hành trì, dễ thể nhập, nhưng lại là pháp khó diễn nói, khó tin. Sở dĩ, Đức Thế Tôn lúc còn tại thế nói Kinh A Di Đà cho chúng đệ tử vì Ngài biết trước rằng trong thời mạt pháp có rất ít người tin và thú hướng tu tập. Bởi vậy, Phật dẫn chư Phật trong sáu phương dùng tướng lưỡi rộng dài, nói lời chân thật nhằm phát khởi lòng tin nơi họ, phá mối nghi cho họ. Trong đoạn cuối của bộ kinh, chư Phật ngợi khen, rồi Thế Tôn tự ngợi khen, rằng : "Ta ở trong đời ác ngũ trược làm việc khó làm, diễn nói pháp khó tin này cho tất cả thế gian, đó là việc vô cùng khó". Phật dặn đi dặn lại như vậy cốt khuyên người tin và thú hướng. Hơn nữa, Đức Thế Tôn đại từ ban pháp trong mạt kiếp, một câu một kệ từ kim khẩu Phật nói ra, tất cả trời người đều tin nhận, vâng làm. Thế nhưng chỉ riêng pháp môn Tịnh độ này, chúng sanh vẫn còn nghi là tại sao vậy ? Bởi vì giáo môn này vô cùng rộng lớn, pháp tu này rất đơn giản, dễ dàng. Do nó rộng lớn nhưng lại đơn giản, dễ hành trì, cho nên chúng sanh không khỏi không nghi. Nó rộng lớn vì gồm thâu tất cả căn cơ. Trên thì Bồ-tát bổ xứ ở ngôi vị Đẳng Giác cũng sanh Tịnh độ, dưới đến ngu phu ngu phụ, bọn vô tri tạo ngũ nghịch, thập ác, trong lúc lâm chung niệm Phật sám hối, quy tâm về Tịnh độ thì đều được vãng sanh. Nó đơn giản dễ hành trì vì không cần phải gian nan, lao khổ, lại không bị mê lầm, lạc nẻo. Chỉ cần niệm 4 chữ danh hiệu "A Di Đà Phật" này, nhờ đây mà ra khỏi Ta-bà, sanh về Cực Lạc, được Bất thoái chuyển, thẳng đến thành Phật mới thôi. Nó rộng lớn như thế, đơn giản dễ làm như thế, nên những lời tán thán của Vĩnh Minh tất có dụng ý chứ không phải quá lời.
Hỏi : Phật, Tổ xuất thế vì việc độ sanh, việc lớn đã tỏ thì phát nguyện độ sanh, nay người đạt ngộ lại cầu sanh Tịnh độ, không đoái hoài đến người khác, đó không phải là sở nguyện của tôi !
Sư đáp : Ông cho rằng một khi tỏ ngộ là sạch hẳn cấu uế, được Bất thoái chuyển chăng ? Không còn học Phật pháp, tu hành chứng quả nữa chăng ? Liền ngang bằng chư Phật, vào sanh vào tử không bị chướng duyên trở ngại nữa chăng ? Như vậy thì chư đại Bồ-tát tu Lục độ vạn hạnh trải qua hằng sa kiếp phải hổ thẹn với ông rồi ! Người xưa nói : "Bồ-tát còn mê khi cách ấm, Thanh văn còn muội lúc ra thai", huống gì kẻ hiểu sơ, ngộ cạn thì làm sao tự cứu mình nổi ? Giả sử cảnh giới mà ông đạt ngộ sâu xa, sở kiến cao minh, hành giải tương ưng đi nữa, nhưng chưa lên ngôi Bất thoái, lục dụng chưa chu viên, ở trong đời ác trược giáo hóa những kẻ cang cường, đó là điều khó làm được. Bởi vậy con thuyền không chắc chắn, mà chở nhiều người qua biển dữ, mình và người chết chìm là điều tất nhiên. Cho nên Vãng Sanh Luận ghi : "Vãng sanh cõi kia, được Vô sanh nhẫn rồi, vào lại sanh tử, cứu độ chúng sanh. Vì nhân duyên ấy, nên cầu sanh Tịnh độ". Những bậc tiên thánh cũng nói : "Chưa chứng đắc vị Bất thoái chuyển thì không thể trà trộn độ sanh, chưa được Vô sanh pháp nhẫn thì phải thường không lìa Phật, thí như đứa trẻ thường chẳng xa mẹ, lại như chim non chỉ có thể chuyền cành". Trong quốc độ này, bốn đường ác khổ, nhân quả đẩy đưa, ngoại đạo tà ma, thị phi vây bủa. Sắc đẹp, tiếng hay thường mê hoặc; ác duyên, ô trược mãi tổn thương, hiện đời chẳng có Phật để nương, lại bị cảnh duyên ấy loạn động, thì người mới đạt ngộ làm sao tránh khỏi muôn duyên làm trở ngại ! Bởi vậy, Thế Tôn ân cần khuyên họ cầu về Tịnh độ, đương nhiên là đúng. Vì Phật Di-đà kia đang thuyết pháp, cảnh duyên Cực Lạc thảy thanh tịnh. Còn nữa, nương theo Phật ấy, nhẫn lực dễ thành, chứng quả vị cao, liền được thọ ký, rồi sau giáo hóa chúng sanh, đến đi vô ngại.Thế nên, dù bậc thượng căn thượng trí vẫn nguyện vãng sanh, huống ông là kẻ trung căn hạ trí, mới tỏ ngộ Phật pháp ! Lẽ đâu ông không thấy trong Kinh Quán Phật Tam-muội, Văn-thù tự nêu túc duyên, nhờ niệm Phật mà chứng được Niệm Phật Tam-muội. Thế Tôn thọ ký cho Ngài rằng : "Ông sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc!". Ông lại không thấy trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền khuyên Thiện Tài Đồng tử, Hải hội đại chúng, dùng mười Đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc ? Ông lại không thấy trong Kinh Lăng-già, Phật thọ ký cho Long Thọ bằng bài kệ : "Trong nước Nam Thiên Trúc, Tỳ-kheo đại danh đức, tên gọi là Long Thọ, hay phá tông hữu vô, đem pháp Đại thừa ta, soi sáng khắp thế gian, chứng Sơ Hoan Hỷ Địa, vãng sanh nước An Lạc chăng ?" Ông lại không thấy trong Khởi Tín Luận, Bồ-tát Mã Minh phát nguyện cầu sanh; trong Vô Lượng Thọ Luận, Bồ-tát Thiên Thân cũng phát nguyện cầu sanh; trong Kinh Đại Bảo Tích, Thế Tôn ấn khả cho Tịnh Phạn Vương và 70.000 người trong dòng họ Thích vãng sanh Cực Lạc, trong Kinh Thập Lục Quán, Thế Tôn chỉ cho phu nhơn Vi Đề và 500 thị nữ cùng quán Di-đà. Hơn nữa, Tịnh Phạn, Vi Đề … đều là người hiện đời chứng đắc Vô sanh nhẫn, những người như họ ở Tây Trúc không thể nào kể hết. Đông Độ ta có Lô Sơn Viễn công, các Tôn giả của các tông như Thiên Thai, Hiền Thủ, độ mình độ người, nào tăng nào tục vãng sanh Tịnh độ thật không kể xiết. Quốc vương Tịnh Phạn là cha của Phật, cả 70.000 người trong dòng họ Thích là quyến thuộc của Phật, nếu việc vãng sanh Tịnh độ không có lợi ích, thì Phật khuyên họ vãng sanh làm gì ! Những người chứng đắc Vô sanh nhẫn Phật mới cho phép độ sanh, còn như Tịnh Phạn và quyến thuộc đã được sức Nhẫn này rồi mà Phật vẫn còn thọ ký vãng sanh, như vậy việc Như Lai hộ trì, bảo dưỡng cho họ lẽ đâu không sâu xa chăng ?
Phần đông Thiền giả thời nay không cứu xét liễu nghĩa sâu xa của Phật, chẳng biết cơ huyền của Đạt-ma, lòng không trí rỗng, sanh ra cuồng vọng. Thấy người tu Tịnh độ thì chê cười bảo rằng, cái học ấy dành cho kẻ ngu phu ngu phụ làm, quả thật là kẻ dốt nát. Tôi từng luận về sự nhầm lẫn này, rằng ngu phu ngu phụ như Văn-thù, Phổ Hiền, Long Thọ, Mã Minh … chẳng mê lầm chánh đạo, chẳng mất căn lành, chẳng tan thân mất tuệ, chẳng bại hoại Phật chủng. Những kẻ tạo nghiệp phỉ báng pháp, mạt sát chư Thánh hiền, Phật tổ thấy họ thật đáng xót thương. Bởi vậy, Hòa thượng Vĩnh Minh phơi bày tâm can, chủ trương Tịnh độ, mong họ tự cứu bản thân mình. Ngài chuyên tâm hành trì, giáo hóa kẻ khác, nên lúc lâm chung biết trước giờ mất, lại có muôn ngàn điềm lành ứng hiện, toàn thân thành xá-lợi. Đâu chỉ có ngài Vĩnh Minh, mà những Thiền sư như : Tử Tâm Ngộ Tân, Chơn Hiết Thanh Liễu, Thiên Y Nghĩa Hoài, Viên Chiếu Tông Bản, Từ Thọ Hoài Thâm, Nam Nhạc Tuệ Tư, Tịnh Từ Đại Thông, Thiên Thai Hoài Ngọc, Lương Đạo Trân, Đường Đạo Xước, Tỳ Lăng Pháp Chân, Cô Tô Thủ Nột, Bắc Giản Giản, Thiên Mục Lễ … đều là bậc tông tượng trong Thiền môn, mật tu hiển hóa, xiển dương yếu chỉ Tịnh độ, không hẹn mà gặp, nào đâu chỉ có ngần ấy vị.
Tôi từng nghe một vị Tôn túc nói : "Tông phái của 5 nhà, Thiền tăng trong thiên hạ, ngộ và chưa ngộ, không một người nào chẳng về Tịnh độ". Tôi hỏi nguyên do, vị Tôn túc ấy đáp : "Như Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải là đệ tử chân truyền của Giang Tây Mã Tổ. Tòng lâm trong thiên hạ đều nương Ngài mà dựng lập, từ xưa đến nay không ai dám bàn cãi phải quấy. Thanh quy trong Thiền môn đều nương Ngài mà hành trì, từ trước đến nay không ai dám trái phép tắc ấy. Hãy xem trong Thanh Quy đó nói về việc tụng niệm cho Tăng bị bệnh, trong ấy ghi : Nhóm chúng đồng thanh xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật, hoặc trăm tiếng, hoặc ngàn tiếng, rồi hồi hướng phục nguyện rằng : "Các duyên hết sạch, sớm được nhẹ nhàng, mệnh lớn khó thoát, về thẳng Lạc bang". Lại nữa, phần tẩm liệm tống táng chư tăng, đại chúng tụng niệm và hồi hướng phục nguyện rằng : "Thần siêu cõi Tịnh, nghiệp dứt trần ai, hoa sen thượng phẩm mở bày, Phật liền thọ ký đời này vãng sanh". Đến như lúc trà-tỳ, chư tăng vẫn không làm cách thức nào khác, mà chỉ thỉnh Duy-na cao giọng xướng "Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật". Xướng như vậy 10 lần, đại chúng hòa theo 10 lần, thì gọi là 10 niệm. Xướng xong lại hồi hướng rằng : "Mười niệm vừa rồi, trợ giúp vãng sanh", đó không phải chỉ quy về Tịnh độ thì là cái gì ?
Từ Bá Trượng đến nay, phàm lễ nghi tống táng chư tăng đều làm theo cách thức ấy. Thế thì "Tông phái của năm nhà, Thiền tăng trong thiên hạ, không có người nào không về Tịnh độ" lẽ đâu không đúng chăng ! Phải biết bản hoài lập pháp của Tổ sư Bá Trượng đâu phải không có căn cứ. Ông đã không hiểu được ý Tổ sư, lại không tự phát tâm tỉnh giác, vọng cho người đạt ngộ không nguyện vãng sanh, thì sở chấp của Thiền giả trong thiên hạ, thật chẳng ai bằng ông !
Hỏi : Đồng Cư Tịnh Độ có rất nhiều loại, nay chỉ nêu Cực Lạc mà không tán thán hết các cảnh duyên thù thắng khác là sao vậy ?
Sư đáp : Kinh ghi : "Chúng sanh cõi ấy không có các khổ, chỉ thọ nhận mọi an vui, nên có tên là Cực Lạc". Nay lấy Ta-bà so sánh với cõi kia, thì cõi này hình thể máu thịt, có sanh tất có khổ; cõi kia thì do hoa sen hóa sanh, nên không có sự thống khổ của Sanh (Sanh khổ). Cõi này thì thời gian dần hết, ngày một già suy; cõi kia thì nóng lạnh như nhau, nên không có sự thống khổ của Già (Lão khổ). Cõi này thì bốn đại khó điều phục, sanh nhiều bệnh hoạn; cõi kia thì thân thể sạch thơm, nên không có sự thống khổ của Bệnh (Bệnh khổ). Cõi này sống đến 70 là hiếm, vô thường mau chóng; cõi kia thì thọ mạng vô lượng, nên không có sự thống khổ của Chết (Tử khổ). Cõi này thì thân tình luyến ái, có ái ắt có chia lìa; cõi kia không có cha mẹ vợ con, nên không có nỗi khổ quyến thuộc chia lìa (Ái biệt ly khổ). Cõi này thì cừu địch oán thù, có oán tất gặp nhau; cõi kia toàn là chúng hội Thượng thiện, nên không có nỗi khổ oán thù gặp nhau (Oán tắng hội khổ). Cõi này thì khốn khổ đói lạnh, tham cầu không chán; cõi kia y phục trân bảo, thọ dụng liền có, nên không có nỗi khổ mong cầu không được toại nguyện (Cầu bất đắc khổ). Cõi này hình hài hôi hám, các căn khuyết tật; cõi kia tướng mạo đoan nghiêm, thân có quang minh, nên không có nỗi khổ năm ấm lẫy lừng (Ngũ ấm xí thạnh khổ). Cõi này thì luân hồi sanh tử, cõi kia hằng chứng Vô sanh. Cõi này có thống khổ 4 đường, cõi kia không có tên 3 ác. Cõi này hầm hố gò nổng, gai góc làm rừng, đất đá núi non, đầy dẫy dơ uế; cõi kia vàng ròng làm đất, cây báu ngút trời, lầu bằng bảy báu, hoa khoe bốn màu. Cõi này Song Lâm đã diệt, Long Hoa chưa khai; cõi kia Phật Vô Lượng Thọ hiện đang nói pháp. Cõi này Quan Âm, Thế Chí chỉ có danh suông, cõi kia hai Đại sĩ này thường làm bạn tốt. Cõi này quân ma ngoại đạo, nhiễu loạn chánh tu; cõi kia Phật giáo hóa cả, chẳng thấy ma mị. Cõi này nữ giới yêu kiều mê hoặc người tu, cõi kia chánh báo thanh tịnh không có người nữ. Cõi này ác thú lỵ mị, tiếng tà rộn vang; cõi kia nước chim cây rừng đều tuyên diệu pháp. So sánh hai cõi, cảnh duyên khác xa, mà sự thù thắng ở Lạc bang vô lượng vô biên, không sao kể hết. Cảnh thù thắng đó có thể nhiếp phục chúng sanh giữ tâm thường tịnh. Duyên thù thắng ấy thường hay giúp sức cho người tu. Tuy Đồng Cư Tịnh độ có rất nhiều loại, nhưng chỉ có Cực Lạc đầy đủ thắng duyên để tu hành, nên chỉ nêu Cực Lạc.
Hỏi : Một đời tạo ác, lâm chung niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh, lại không thoái chuyển, nguyện lực Phật Di-đà thật chẳng thể nghĩ bàn. Vậy thì lúc còn sống tôi làm muôn việc thế gian, đợi đến lúc lâm chung, sau đó mới niệm Phật được không ?
Sư đáp : Khổ thay ! Khổ thay ! Sao ông lại nói những lời ngu si lầm lẫn đến thế ! Tỳ sương, rượu độc là chất độc trong các thứ độc, nay những lời ông nói càng độc hơn các chất độc ấy nữa, không những làm mình lầm lạc mà còn làm cho thiên hạ cũng mê lầm. Ông phải biết rằng, phàm phu ngu muội lâm chung niệm Phật đều nhờ nhân duyên thiện căn phước đức từ trước, gặp được Thiện tri thức, mới được niệm Phật. Những người may mắn này trong ngàn muôn người chưa chắc có một. Ông cho rằng đến lúc lâm chung ai ai cũng được may mắn đó ư ! Ông không thấy Quần Nghi Luận ghi : Trong thế gian có 10 hạng người lâm chung không thể niệm Phật :
- Không gặp được bạn tốt khuyên phát tâm niệm Phật.
- Nghiệp khổ bức bách thân tâm.
- Bạo bịnh cấm khẩu.
- Tâm điên loạn, không chú tâm quán tưởng.
- Gặp nạn nước lửa, hốt hoảng không chí thành.
- Gặp phải sói lang, lại không có bạn tốt.
- Lâm chung gặp bạn ác làm bại hoại tín tâm.
- Bội thực ngộ độc, hôn mê đến chết.
- Lâm trận đánh nhau trúng tên trúng đạn ngã chết đột ngột.
- Bị rơi từ trên cao xuống tan thân mất mạng.
Đó là 10 trường hợp mà ai ai cũng thấy cũng nghe. Không luận là Tăng tục nam nữ, ai cũng có thể gặp phải. Hoặc do nghiệp đời trước đẩy đưa, hoặc do nghiệp đời này chiêu cảm mà đột ngột xuôi tay, đường trước mịt mờ không thể trốn chạy. Lại không phải là thánh nhân chứng túc mạng thông thì ông làm sao biết lâm chung có nghiệp hay không nghiệp ? Lại không phải là người có tha tâm, thiên nhãn thì làm sao biết mình lúc lâm chung chết một cách nhẹ nhàng hay đớn đau khổ sở.
Nếu không may gặp phải 1 trong 10 ác duyên ấy liền nhắm mắt xuôi tay, lúc ấy dẫu Phật sống vây quanh cũng không cách nào cứu thoát ông được. Ông phải theo nghiệp thọ báo, rớt trong 8 nạn 3 ác, chịu khổ khôn cùng, chẳng biết lúc nào mới được nghe danh hiệu Phật. Khi đã không nghe thì càng tạo vô vàn ác nghiệp. Hoặc gặp phải bệnh nhẹ mà chết cũng chưa hẳn thoát khỏi rừng kiếm phanh thây, bốn đại tan nát. Như con rùa mới chui ra khỏi vỏ, con cua trôi giạt ở biển khơi, thống khổ bức bách, hoảng sợ vô cùng làm sao niệm Phật nổi ? Giả sử ông không bịnh mà chết, nhưng hoặc do duyên đời chưa dứt, niệm đời chưa quên, tham sống sợ chết, nhiễu loạn thân tâm chẳng khác thế tục, lại việc nhà chưa xong, hậu sự chưa quyết, vợ khóc con than, muôn ngàn lo lắng làm sao niệm Phật nổi ? Giả sử trước lúc chết chỉ có bịnh nhẹ đau đớn thân mình, chịu đau chịu khổ, gào khóc rên la, cầu thầy tìm thuốc, cầu cúng sám hối, muôn việc rối bời thì làm sao niệm Phật nổi ? Giả sử lúc chưa bịnh nhưng tuổi tác già nua, tướng suy hiện rõ, khốn khổ vô cùng, sau than lo lắng, lúc đó chỉ lo chống đỡ cái thân già còn không xong thì làm sao niệm Phật nổi ? Giả sử lúc chưa già chính là lúc sức lực dồi dào, niệm Phật tốt nhất, nhưng biết bao người cuồng tâm chưa dứt, việc đời bủa vây, chạy đông tìm tây, suy xằng nghĩ bậy, nghiệp thức mang mang thì làm sao niệm Phật nổi ? Còn như ông thanh tịnh tự tại, có chí tu hành, nhưng với mọi thứ trong thế gian soi không tỏ, buông không ra, nắm chẳng vững, ngồi chẳng lâu, chợt gặp một vài cảnh giới hiện tiền, chủ nhân lập tức theo cảnh đảo điên thì niệm Phật sao được ?
Ông hãy xem người khác lúc già bịnh, khi tráng niên, lúc an nhàn, nếu có một việc nhỏ bám víu nơi tâm thì đã không niệm Phật được, huống gì đợi đến lúc lâm chung ! Còn như ông, trọn đời làm sự nghiệp thế gian, quả thật là người ngu si cùng cực, phát ngôn những lời lầm lạc vô cùng. Ta dám đoan chắc ông dụng tâm lầm lạc mất rồi ! Vả lại việc đời như mộng như huyễn, như bóng như bọt, không có gì là sự thật, chẳng việc nào thay thế được sống chết đâu ! Giả sử ông xây dựng nhiều chùa, nuôi nhiều Tăng thường trụ, mong cầu danh lợi, kết thân với kẻ quyền thế, giàu sang, ông cho đó là làm được nhiều Phật sự tốt mà không biết mình đã hủy phạm Như Lai, chẳng thấu đạt gốc đạo. Dựng nhiều già-lam, lại thêm giữ giới, nhưng phải biết rằng công đức hữu vi có nhiều lầm lỗi, chùa lớn chưa xong, địa ngục đã thành, sống chết chưa tỏ, đều thành gốc khổ, bỗng chốc xuôi tay, vừa mới chịu khổ mới hay rằng mọi việc làm trong lúc bình sinh toàn là rừng Chiên-đàn lại thêm gỗ mục, trong rừng kiếm lại thêm gươm dao, ca-sa tuột khỏi thân thì vạn kiếp khó mặc lại được. Sắt đá mà nghe cũng phải rơi lệ. Tổ sư mỏi miệng khuyên người như vậy, lẽ đâu chấp nhận cho ông một đời bon chen, đợi đến lúc lâm chung mới niệm Phật ? Ông phải biết rằng, con người ở đời sống được bao lâu, chỉ trong tích tắc là nhắm mắt lìa đời. Cần phải ngay trong lúc chưa già chưa bịnh mà gội rửa thân tâm, buông bỏ mọi việc đời, được một lúc lắng lòng, niệm được một danh hiệu, có một chút công phu, tu một chút tịnh nghiệp. Cứ thế ngày lại ngày dành thời gian tu tập, thì lúc lâm chung, chết nhẹ nhàng hay khổ sở ta đều biết được, đường trước của ta, bao la bằng phẳng. Nếu không như vậy, thì ngày sau ông có hối cũng muộn rồi.
(Trích dịch từ Tịnh Độ Tùng Thư)