TẠI SAO KHÔNG BÁN CÁI NGHÈO

 

Một buổi chiều gần cuối năm, tôi cùng mấy chú đang loay hoay dựng tấm bảng “Nơi xây dựng Cửu Phẩm Cực Lạc” trong khuôn viên Đại Tòng Lâm Phật giáo. Chợt đâu một bà lão tuổi chừng 70, trên tay cầm chừng một vài tờ giấy số khúm núm đến mời tôi. Thưa Thầy: Con còn 6 tờ giấy số, gần đến giờ sổ rồi, con trả lại không kịp, mà nếu để thì phải mất 30 ngàn đồng, con bán suốt một ngày nay kể cả trưa nắng gắt mà lời chỉ mới được 11 ngàn, nếu qua 15 phút nữa thì con phải mất 19 ngàn nữa, con biết đâu mà tìm!

Tôi đưa mắt nhìn vẻ mặt hốc hác ốm o của bà cụ, đáp thương và nói: Thôi bà cứ để lại đi, biết đâu chiều nay bà trúng số!

Bà lão đáp: Trúng sao được Thầy! Người nghèo đã là người vô phước thì làm sao trúng số, trúng số chắc trời Phật dành cho người có phước chứ phần vô phước nghèo khó như con làm sao mong được hả Thầy! Bà vừa nói tay vừa chìa 6 tờ giấy số đến gần tay tôi mời tôi mua dùm, miệng run rẩy nói: Tại sao cái nghèo cứ đeo đuổi con mãi, gần đến ngày chui xuống lổ rồi mà cứ vẫn nghèo!

Nhìn dáng vẻ thành kính đáng thương của bà tôi liền hỏi: Tại sao bà không bán phứt cái nghèo đó đi? Bà lão trả lời: Cái nghèo có ai thèm mua đâu mà bán hở Thầy? Bao nhiêu người thấy nó đều sợ, nhưng nó cứ xem tướng ai mặt mày nhăn nhó thì nó bám theo hoài! Bạch Thầy con muốn bán nhưng không biết ai mua để mà bán. Bạch Thầy! Chắc trên đời này không có ai thèm mua đâu mà bán đó Thầy!

Tôi đưa tay cầm 6 tờ giấy số xem qua, rồi nói: Số của tôi còn khổ hơn số của bà nữa. Đức Phật dạy: Người xuất gia bỏ nhà không nhà học đạo, làm ông thầy tu gọi là “Tăng vô nhất vật”, làm ông thầy thì không nên chứa của vật gì trong tay mà chỉ chứa 3 y, bình bát thể hiện qua 4 câu thơ của Ngài Bố Đại Hòa thượng:

Bình Bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh nhìn thế sự

Mây trăng hỏi đường qua!

Thế thì tôi còn nghèo hơn nữa, bà còn đi bán giấy số ngày kiếm được vài chục đồng, chứ tôi có ai thèm thuê mướn đâu, mỗi ngày cứ làm công quả cho Phật, để đủ cơm ăn áo mặt qua ngày đó thôi, bà cất 6 tờ giấy số này đi, tôi sẽ lấy 30 ngàn đồng của người ta giao cho tôi xây dựng “Chín phẩm sen vàng là cha mẹ” cho tôi, nhưng đồ án thiết kế này quá nhiều tiền, gần trên 15 tỷ đồng bạc Việt Nam, mà người ta cứ gởi cho tôi mỗi người hai ba chục ngàn đồng, lâu lâu mới có người gởi một vài trăm ngàn đồng, không biết tôi để dành bao nhiêu năm mới làm được cảnh này!

Bà ơi: Khi còn nhỏ tôi mới vào chùa, tôi đã học thuộc lòng bài kinh A Di Đà, tôi thấy trong kinh đó chư Phật diễn tả cảnh cực lạc rất là trang nghiêm đẹp đẽ làm sao! Nào là bảy hàng cây báu, bảy hàng lưới châu… có ngân cát, có kim lầu, có chim nói pháp nhiệm mầu dễ nghe, nghe rồi tỏ đạo Bồ đề, bao nhiêu nghiệp chướng người nghe tỉnh liền… lầu vàng đài cát thiếu gì, ăn thì cơm ngọc, mặt thì áo châu, không ân không oán không sầu, không già không chết có đâu luân hồi…

Sau tôi vào học đường, tôi được quý Hòa thượng dạy thêm kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, trong đó Đức Phật diễn tả thế giới Cực Lạc thật là đẹp và trang nghiêm vô cùng tận.

Về chánh báo cõi Cực Lạc:

Thân thể của nhân dân cõi cực lạc đều là sắc châu kim, đủ 32 tướng dung nghi xinh đẹp nhiệm màu, hình mạo đồng nhau không có ai hơn kém.

Người ở cõi Cực Lạc đều sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, trừ những vị có bản nguyện đi đến cõi khác để độ chúng sanh, muốn trụ thọ mạng dài hay ngắn đều được tuỳ ý.

Dân chúng cõi Cực Lạc đều có ngũ thông, đến đi đều được tự tại, tất cả đều ở trong chánh định, không bị đọa vào ác đạo. Tất cả hoá sanh từ nơi hoa sen, trong ao thất bảo, thuần là người nam không có người nữ. Thân thể tinh sạch, tất cả đều là thân kim cương, thơm tho tinh sạch, không có uế trược như mồ hôi, đàm dãi, tiểu tiện… không có cảnh sanh già bệnh chết, thương yêu bị xa lìa, oán thù lại gặp gỡ, mong cầu không vừa ý, năm ấm bị lẫy lừng, quây quanh bao sự khổ. Tâm lúc nào cũng an vui như bậc lậu tận A La hán, nhất là đạo tâm không bao giờ lui sụt, một lòng hướng đến quả Phật, được trí tuệ biện tài, mỗi người đều chứng vô sanh pháp nhẫn.

Mỗi buổi sáng sớm, người ở cõi Cực Lạc mang các loài hoa quý lạ đi cúng dường chư Phật mười phương, muốn cúng dường vật gì thì vật đó tự hiện ra cho ta cúng dường, cúng dường xong rồi trở về bổn quốc mà thọ thực, thọ thực xong đi kinh hành. Ở cõi Cực Lạc không có ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Và luôn luôn lúc nào cũng gần gũi thánh chúng, chung quanh mình toàn là bậc thượng thiện nhơn, không có thầy tà bạn ác, cọng thêm đó, thân quang mỗi người đều được rực rỡ, chung quanh mình đều là bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, các bậc nhất sanh bổ xứ…

Về y báo cõi Cực Lạc:

Toàn cõi Cực Lạc, quốc độ đều bằng phẳng, trong sạch không điển trần, không có sông, ngòi, núi non, biển cả, hang hóc… quốc độ toàn là bảy báu làm đất, lưu ly thất bảo, trong ngoài chói suốt nhau, dưới đất có tràng kim cang thất bảo nâng đỡ. Tràng này bát giác đều đặn, do tám thứ báu hợp thành. Mỗi hạt bảo châu phát ra hàng ngàn tia sáng, mỗi tia sáng có 8.4000 sắc chói. Mặt đất lưu ly bằng phẳng, có giây báu hoàng kim cùng thất bảo phân chia khu vực, đường sá, cảnh trí thật là trang nghiêm thanh tịnh. Cảnh giới Cực Lạc khí hậu điều hòa, không nóng không lạnh, không có Xuân, Ha, Thu, Đông.

Trên hư không có lưới báu trang nghiêm, phân chia từng khu vực, lưới này thuần là chất chơn kim quang sắc rực rỡ, như trăng như sao. Chung quanh treo nhiều linh báu phát ra vô lượng âm thanh nhiệm màu. Mọi người nghe rồi thảy đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cõi Cực Lạc ngày đêm sáu thời đều có mưa hoa, hoa này rất nhu nhuyến thơm tho, chư thiện nhơn lúc bước chân đi, hoa lún xuống 4 tấc, khi giở chân lên hoa tròn lại như cũ, rồi biến mất, cảnh trí trở lại trang nghiêm thanh tịnh.

Ở cõi Cực Lạc có ao báu trong sạch, rộng rãi mênh mông, trong ao có nước bát công đức, mùi vị như cam lồ uống vào thân tâm an lạc mát mẽ. Ao này do bảy báu hợp thành, thành ao bằng kim cương, xa cừ, mã não. Đáy ao bằng thuỷ tinh, lưu ly, bạch ngọc, nước ao được tuỳ ý. Khi chúng ta vào tắm thì nước tuỳ theo ý muốn mà nước tự lên xuống đúng theo tầm cỡ, nước này do như ý châu vương mà sanh ra, tuỳ theo ý muốn của người mà nó đều hòa thuận thích.

Trong ao có vô số hoa sen, mỗi hoa sen có ngàn muôn ức cánh xinh đẹp lạ thường. Nước bát công đức chạy lên xuống trong cọng sen, hoặc luồn vào cánh sen phát ra tiếng thanh tao, nhiệm mầu diễn nói pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã, các môn Ba la mật… nơi gần ao sen có cây Bồ đề do bảy báu hợp thành, thân cây trang nghiêm bằng bảy báu, như ngọc chuỗi anh lạc rủ xuống chiếu ra muôn ngàn tia sáng và ứng hiện vô lượng Phật sự trang nghiêm.

Khắp cõi Cực Lạc, có những cây thất bảo mọc theo hàng lối ngay thẳng, có thứ thuần là một chất, có thứ hoặc hai hoặc ba chất báu hợp thành. Thân cây, cành lá, hoa trái đều cân phân nhau. Tất cả Phật sự ở cõi Cực Lạc và mười phương thế giới đều hiện bóng rõ nơi thân cây. Tất cả đều trang nghiêm, nhìn hoài không chán. Khi gió nhẹ thổi qua, đồng phát ra âm thanh vi diệu, như ngàn muôn ức nhạc trời tấu lên, phát ra tiếng nói pháp nhiệm mầu, chúng sanh nghe rồi thân tâm đều thanh tịnh, trụ nơi bất thối chuyển.

Ở cõi Cực Lạc, mỗi chúng sanh đều ngồi trên tòa sen báu, cung điện ở đây do bảy báu hợp thành, rất là trang nghiêm đẹp đẽ, nhân dân ở Cực Lạc khi muốn ăn thì thức ăn tự hiện ra, khi ăn no rồi thức ăn tự biến mất. Có những vị chỉ nghe hương thấy sắc thì thân tự no đủ không cần ăn. Khi muốn ăn thì bình bát tự hiện ra, khi ăn xong thì bình bát tự mất không cần dọn dẹp, y phục nhân dân cõi Cực Lạc tuỳ theo tâm niệm liền hiện ra nơi thân, đều đúng theo kích cỡ, không cần may vá giặt nhuộm.

Ở cõi Cực Lạc Đức Phật A Di Đà còn hóa cầu nói pháp, hiện ra vô số loài chim như chim bạch hạt, khổng tước, ca lăng tần già… ngày đêm sáu thời hát ra tiếng hòa nhã, diễn nói pháp ngũ căn ngũ lực… chúng sanh nghe rồi đều phát lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Ở cõi Cực Lạc, từ mặt đất đến hư không, cung điện, lâu đài, hoa, cây đều phát ra mùi hương thơm rất là vi diệu, tất cả cõi nước đều trong sạch, sáng ngần, hiện bóng vô số cõi Phật nơi đó.

Cõi Cực Lạc đẹp đẽ trang nghiêm như vậy bà ạ! Chứ không phải cõi Ta Bà này có nhiều đau khổ: như nghèo đói, hận thù, chiến tranh, ôn dịch, bao nhiêu là sự khổ, bà có chán không, bà có muốn về cõi Cực Lạc không? Tôi đang cố gắng xây dựng cõi Cực Lạc tạm nơi đây để cho mọi người xem nơi đây mà phát tâm cầu về Cực Lạc.

Bà lão nói: cõi Cực Lạc xa lắm phải không Thầy? Về trên đó có dễ dàng không thầy? Không khó đâu bà ạ! Người xưa nói:

            Cực Lạc đâu xa cách

            Về chăng chỉ tại ta

            Một niệm chỉ cần không thối chuyển

            Ao vàng đã sẵn có liên hoa…

Bà lão nói: Thưa Thầy, con nghèo quá, con muốn tu, muốn bố thí, cúng dường, nhưng không biết làm sao làm được! Suốt đời của con, từ sáng đến chiều, lúc nào cũng mong mõi kiếm tiền mua gạo, nghèo khổ quanh năm, có lúc nào con nghĩ đến chuyện cúng dường bố thí cho ai đâu chứ, tâm niệm hẹp hòi khổ não như con biết làm sao cho thân tâm con được an lạc mà cầu về cực lạc hở thầy?

Bà lão đừng lo, tôi có cách giúp bà bán phứt cái nghèo này đi, bà hãy gắng nghe theo tôi: mỗi ngày bà bán giấy số xong, bà dành một tiếng đồng hồ, bà đến nơi tượng đài Đức Phật A Di Đà, bà dọn quét, nhổ cỏ, tưới hoa để cúng dường Phật.

Người xưa nói:

            Cần tảo già lam địa

            Thời thời phước huệ sanh

            Tuy vô tân khách chí

            Nhược hữu thánh nhân hành.

Nghĩa là cần siêng năng công quả, dọn quét chùa chiền cho sạch, thì phước huệ phát sanh, dù không đón khách tham quan viếng cảnh đi nữa thì cũng có thánh nhân dạo qua… bà cứ cố gắng đi, tôi tin chắc bà sẽ được an vui đó bà.

Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, một hôm ngài Ca Chiên Diên đi đường gặp một bà lão, ngồi dựa vào gốc cây, cúi đầu ôm mặt khóc nức nở, ngài Ca Chiên Diên đến gần gạn hỏi:

Tại sao bà buồn khóc giữ vậy? Bà lão thưa: Con vì nghèo quá, quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng thiếu ăn, thiếu mặt nên con khổ quá Ngài ơi!

-   Tại sao bà không bán cái nghèo đó đi?

-   Có ai mua đâu mà bán!

-    Bà bán tôi mua cho.

Vừa nói, tôn giả liền đưa bình bát cho bà lão, bảo bà đến dòng suối bên cạnh múc cho Ngài một bát nước. Ngài cầm bát nước chú nguyện rồi uống. Một tháng sau bà lão từ trần nơi một vỉa hè gần ngôi tinh xá của Phật. Xóm làng thương xót đem an táng cho Bà.

Ba năm sau, một hôm tôn giả đi khất thực, đi ngang qua một tòa nhà cao rộng, vừa đến cửa, một đứa bé 3 tuổi chạy ra, ôm chân tôn giả mừng rỡ một hồi rồi chạy vào nhà ôm một bát trái cây ra dâng cho tôn giả. Ngài Ca Chiên Diên mĩm cười và nói: Bà đã bán được cái nghèo rồi hả?

Đứa bé gật đầu chạy vào nhà, còn tôn giả Ca Chiên Diên mĩm cười rồi dạo đi.

Bà lão thuở xưa nghèo, nhưng phước duyên gặp được tôn giả Ca Chiên Diên bán được cái nghèo. Còn bà lão bán giấy số hôm nay cũng nghèo nhưng vô phước gặp phải tôi nên không bán được. Bản thân tôi đã nghèo bao nhiêu ngàn kiếp “không phước huệ”, lang thang phiêu bạt trong kiếp luân hồi, khó khăn lắm mới làm được thân người, xuất gia theo Phật. Giờ đây, đem hết tâm lực làm một vài Phật sự để hồi hướng Tây phương, cầu về cực lạc. Thân mình đã không có phước đức, nghèo cùng không phước huệ thì sao dám mua cái nghèo cho bà bán giấy số. Tôi khuyên bà mỗi ngày đến nơi cảnh tôn trí cảnh Phật Di Đà mà tạo phước duyên và bán đi cái nghèo.

Bao năm qua, tôi cũng tập sự bán đi cái nghèo “vô phước huệ”. Ngoài việc xây chùa, dựng tháp, tụng kinh bái sám mỗi ngày, tôi đều trông hoa và dâng hương đến cúng dường các tượng Phật, bòn mót phước lành, bán phứt cái nghèo vô lượng kiếp cho rồi.

Cầu nguyện cho mọi người ai ai cũng bán đi cái nghèo cho rồi. Vì cái nghèo dễ mang nhưng khó bán:

            Bao năm lang bạt đời cùng tử

            Khắp nẻo đường đi khổ đã nhiều

            Một thoáng mơ về nơi cố quận

            Phố chiều xa lạ bến cô liêu.

 

THÍCH QUẢNG HIỂN

PL 2550 – DL.2006

daitonglam.net