Để góp phần vào sự nghiệp thống nhất chung của Phật giáo Việt Nam, việc nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Nghi lễ Phật giáo trong vai trò hoằng pháp và trong đời sống văn hóa tâm linh của toàn dân tộc. Xuất phát từ những suy nghĩ này, chúng tôi xin được đóng góp ý kiến với nội dung “Nghi lễ Phật giáo trong vai trò hoằng pháp và đời sống văn hóa tâm linh”.
Nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Văn hóa Dân tộc:
Như chúng ta đã biết, Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một nền văn hóa tâm linh đặc thù lấy giáo lý Đức Phật làm tâm điểm xây dựng trên đất nước Việt Nam, cho người dân Việt Nam, thuận với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, chảy dài theo dòng lịch sử dân tộc Việt Nam. Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay đã hơn 2000 năm, trên đời sống thực tế, văn hóa Phật giáo đã thấm sâu một cách nhuần nhuyễn vào phong tục tập quán, tư tưởng tình cảm, cung cách lễ nghi, nếp sống sinh hoạt của người dân nước Việt. Qua đó chúng ta có thể gọi chung tất cả những điều này là Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Như vậy Nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của Văn hóa Phật giáo Việt Nam và Văn hóa Dân tộc Việt Nam, bởi nó đã thấm nhuần trong nếp sống sinh hoạt của người dân Việt Nam kể từ khi Phật giáo có mặt trên đất nước Việt Nam cho đến hôm nay.
Từ nhận thức này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về mục đích cũng như ý nghĩa của Nghi lễ Phật giáo, thông qua đó có những định hướng kịp thời để thống nhất nghi lễ Phật giáo Việt Nam, đạt được mục đích hoằng pháp độ sanh cũng như hoàn thành sứ mạng nhập thế cao cả của người con Phật.
Mục đích của Nghi lễ Phật giáo:
Theo lịch sử Phật giáo, vào thời Đức Phật tại thế thì Bà la môn giáo luôn đặt nặng việc cúng tế lên hàng đầu với những nghi lễ phức tạp, đượm mầu huyền bí, mục đích của nghi lễ cúng tế này là để chủ tế giao cảm, dung thông với thần linh thượng đế. Thời bấy giờ, sự cúng tế và nghi lễ là đặc quyền của các tu sĩ Bà la môn giáo, và không ít trong số họ đã tận dụng đặc quyền này hòng thỏa mãn nhu cầu lợi dưỡng của bản thân. Trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya) và trong Duyên Khởi Luận (Nidànakathà), Đức Phật đã nhiều lần lên tiếng phê phán những nghi lễ cổ hủ không mang lại sự giải thoát cho con người và chỉ trích việc lợi dụng nghi lễ làm công cụ để trục lợi trên sự mù quáng của tín đồ. Như vậy, vào thời Đức Phật tại thế, việc cúng tế trong Giáo hội hoàn toàn không hề có và lễ nghi Phật giáo vào thời Phật tại thế chẳng qua chỉ là cung nghi biểu hiện của sự tôn kính Đức Phật, kính trọng đối với các bậc tu hành đạo cao đức trọng trong Tăng đoàn, là biểu hiện văn hóa trong giao tiếp hằng ngày và trong các buổi lễ quy y, xuất gia nặng về tâm thái giác ngộ giải thoát dưới hình thức vô cùng đơn giản… Cho đến khi Đức Phật nhập Niết bàn, cùng với sự phát triển của Giáo hội và tổ chức Tăng đoàn cũng có nhiều thay đổi, Phật giáo vượt khỏi biên giới xứ Phật đến các vùng miền xa xôi khác và để tồn tại, phát triển, đạo Phật đã nhanh chóng thích nghi hòa nhập với phong tục tập quán của từng dân tộc, và cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trên phương diện cúng bái, từ đó nghi lễ Phật giáo bản địa được ra đời…
Do vậy chúng ta nên thống nhất với nhau về Mục đích của Nghi lễ Phật giáo: Đó là phương tiện gần gũi và dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình để dẫn dắt chúng sanh đến với ngôi nhà giác ngộ giải thoát của Đức Phật.
Ý nghĩa của Nghi lễ:
Nói về nghi lễ chúng ta cần phải hiểu nó bao hàm nhiều phạm trù trong cuộc sống như tín ngưỡng, ngôn ngữ, cung cách, nghi thức, lễ nhạc, lễ phục (trang phục hành lễ)… Nếu bàn về nghi lễ sát với tên gọi của nó, chúng ta có thể hiểu nghi lễ là nghi thức hành lễ trong tế tự, thờ phượng và tụng niệm của một tôn giáo. Với khái niệm này, ngoài những yếu tố phụ khác như Hoa (hoa quả), Đăng (nhang đèn) Đàn (nơi hành lễ) ra, đối với nhân vật chủ lễ, thì nghi lễ là một mối gắn kết không thể tách rời giữa ba yếu tố: Nghi thức, Lễ nhạc và Trang phục.
Do tinh thần nhập thế, dễ thích nghi và hòa hợp của đạo Phật, nên Nghi lễ Phật giáo tại Việt Nam đã ảnh hưởng khá nhiều từ nghi lễ tín ngưỡng dân gian, có lẽ do vậy mà Nghi lễ Phật giáo cũng bao gồm hai phần Lễ và Nhạc, và do ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian từng vùng miền nên phần Lễ - Nhạc Phật giáo cũng đã ảnh hưởng truyền thống văn hóa vùng miền. Ngoài nội dung kinh kệ và những nét đặc thù không lẫn lộn của trang phục Phật giáo, thì chung quy lại, Nghi lễ Phật giáo vẫn mang đậm màu sắc Lễ - Nhạc cổ truyền của dân tộc.
Ý nghĩa thiêng liêng của Nghi lễ Phật giáo trên phương diện tu tập và hoằng pháp lợi sanh:
Nghi lễ Phật giáo trước hết là sự biểu hiện lòng thành tôn kính Tam Bảo. Xuất phát từ niềm tin Chánh tín hướng về Tam bảo, người con Phật đảnh lễ cúng dường Tam bảo bằng sự thanh tịnh của ba nghiệp thân khẩu ý, từ đó hình thành nghi thức và cung cách lễ bái; kế đến, do nhận thấy sự hiện diện của Tam bảo mang lại lợi ích thiết thực và lớn lao trong đời sống nhân gian, nên Phật tử đã hết lòng tán thán ca ngợi Tam bảo, từ đó hình thành lễ nhạc Phật giáo.
Xuất phát từ sự thâm tín Tam bảo, thông qua nghi lễ Phật giáo, đã tạo nên sự chuyển hóa và thăng hoa trong tâm hồn mỗi người con Phật. Đối với Phật giáo, khởi nguồn từ sự thành kính Tam bảo, nghi lễ đã trở thành phương tiện để người con Phật giao cảm với chư Phật và chư đại Bồ tát, nói đúng hơn, thông qua nghi lễ, hành giả có thể trở về với chân tâm bản tánh thanh tịnh của mình, như trong nghi thức nhật tụng đã ghi: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Chính những lý do cực kỳ quan trọng này mà từ xưa các bậc Tôn đức đã rất chú trọng nghi lễ và nghi lễ Phật giáo đã trở thành một trong những pháp phương tiện có tác dụng thúc liễm thân tâm tiến tu trên con đường giải thoát. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong mười hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền thì nghi lễ là hạnh đứng đầu: “Nhất giả lễ kính chư Phật. Nhị giả xưng tán Như Lai”… Ngày nay, khi nghi lễ Phật giáo đã quá phổ biến, có thể nói là trở thành thường tình trong sinh hoạt Phật giáo, thì đối với một bộ phận chư Tăng, nghi lễ chẳng qua chỉ là thủ tục không thể không thực hiện trong các thời khóa tụng niệm hằng ngày và các buổi cầu an, cầu siêu theo lời thỉnh cầu của Phật tử; còn đối với Phật tử, đa phần họ chỉ xem nghi lễ là món ăn tinh thần không hơn không kém và chỉ dừng lại ở nhận thức này mà thôi.
Thật ra nghi lễ Phật giáo chính là một cách nghệ thuật hóa tư tưởng giác ngộ giải thoát. Thông qua phần lễ nhạc, cụ thể đó là những bài tán, những bài xướng tụng, tất cả được hòa âm cùng tiếng linh, tiếng khánh, tiếng mõ nhịp nhàng, tiếng chuông thánh thoát, với những cung bậc tiết tấu du dương trầm bổng dễ đi vào lòng người, nhờ đó mà người nghe với lòng thành kính vẫn có thể dễ dàng cảm nhận triết lý giải thoát cao siêu của đạo Phật.
Dù phải chịu ảnh hưởng văn hóa nghi lễ dân gian từng vùng miền, nhưng nghi lễ Phật giáo vẫn có một vị trí rất riêng, đó là chuyển tải thông điệp giải thoát giác ngộ của đạo Phật một cách dịu êm, sâu lắng và trọn vẹn. Điều này cho thấy, nghi lễ Phật giáo không những không xa rời giáo lý nhà Phật mà còn làm tăng phần thâm tín khi công phu tu học Phật pháp.
Đối với người dân các nước Á Đông, nhất là đối với người Việt Nam chúng ta, từ ngàn xưa, nghi lễ đã là nhu cầu không thể thiếu trong việc thờ phượng tổ tiên ông bà và tín ngưỡng dân gian, nó là một bộ phận không thể tách rời trong cuộc sống và trở thành nét đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian. Khi đến với đạo Phật, nhu cầu nghi lễ của quần chúng tăng cao hơn, phát triển mạnh hơn, chính vì vậy mà nghi lễ Phật giáo mặc nhiên trở thành phương tiện hành đạo, tiếp chúng độ sanh phổ biến và thiết thực hơn cả.
Điều này cho chúng ta thấy, trong các phương tiện dẫn dắt người bình dân vào đạo thì nghi lễ là phương tiện gần gũi, phổ biến và hiệu quả hơn hết. Mặc khác, sức truyền cảm, lay thức và sức chuyển hóa của nghi lễ, tự thân nó đã đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như tâm tư tình cảm của đại đa số quần chúng, nên nghi lễ Phật giáo luôn có sức thu hút, dễ thuyết phục lôi cuốn quần chúng hơn. Vì nghi lễ là phương tiện hoằng hóa độ sanh, nên mỗi một thành viên của Ban Nghi lễ hay Tăng sĩ thực hiện nghi lễ đều phải lấy mục tiêu hóa độ chúng sanh giác ngộ chân lý giải thoát của Đức Phật làm chính, không nên dừng lại ở việc thực hiện nghi lễ theo lời thỉnh cầu nhất thời của quần chúng. Để đạt được mục đích này thì chúng ta cần phải xác định lúc thực hiện nghi lễ cũng chính là lúc hoằng pháp, mỗi thành viên trong Ban Nghi lễ là một nhà hoằng pháp. Cùng với nghi lễ là những thời pháp ngắn gọn, có nội dung súc tích, phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
Như chúng ta đã biết, nền tảng của Nghi lễ Phật giáo là đạo đức và trí tuệ. Bản chất của Nghi lễ Phật giáo là nghệ thuật hóa tư tưởng triết lý đạo Phật, dùng nghi thức và lễ nhạc đưa tư tưởng giác ngộ giải thoát đến với lòng người. Do vậy, chúng ta cần phải sáng suốt tùy duyên mà khởi sự nghi lễ… Trong một buổi lễ, nếu chủ lễ không ý thức được những điều này, mãi mê chạy theo những toan tính tầm thường, đánh mất chánh niệm thì vô tình sẽ làm phản tác dụng của nghi lễ, khi đó nghi lễ sẽ không còn mang ý nghĩa hoằng pháp mà là một tuồng rối đậm chất mê tín lệch lạc mà thôi…
Nghi lễ Phật giáo có tác dụng rất lớn đối với sự tu hành của Tăng Ni Phật tử. Có thể nói phần lớn sinh hoạt Phật sự đều gắn liền với nghi lễ, thậm chí nghi lễ còn là thời khóa công phu chính của đa số chùa chiền tịnh viện, vừa để Tăng Ni hành trì tụng niệm, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của giới Phật tử.
Lại nữa, Nghi lễ còn là nhịp cầu thiêng liêng đưa quần chúng đến với đạo Phật. Trên thực tế đại đa số quần chúng đến với đạo Phật đều khởi đầu từ thiện cảm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật, sau đó đều phải bước qua nhịp cầu nghi lễ mới có thể tiếp nhận tinh thần tu học Phật pháp. Do vậy, nếu nghi lễ được thể hiện đúng nghĩa trên tinh thần giác ngộ giải thoát và không lạm dụng vào mục đích khác thì sẽ có tác dụng rất lớn trong công tác hoằng pháp, nó không thua kém một thời thuyết giảng giáo lý.
Như vậy, mục đích và ý nghĩa của Nghi lễ Phật giáo rất thiêng liêng và thiết thực cho sự nghiệp tu hành và hoằng hóa độ sanh của đạo Phật. Nhu cầu nghi lễ Phật giáo của quần chúng hiện nay rất cao, nhưng trên thực tế hiện nay, việc thực hiện nghi lễ đã phát sinh vô số bất cập, gây phản cảm bởi đi ngược lại những mục đích thiêng liêng đó.
Sử dụng lễ nhạc và pháp phục tùy tiện trong nghi lễ Phật giáo:
Trong việc thực hiện nghi lễ hiện nay đang phát sinh tình trạng sử dụng lễ nhạc và lễ phục một cách tùy tiện, đã làm cho các khóa lễ Phật giáo vô tình trở thành một sân khấu đời không ra đời đạo không ra đạo. Xảy ra tình trạng này, chủ yếu là xuất phát từ những thầy cúng chuyên nghiệp, họ muốn biến tiết tấu nghi thức Phật giáo cho mới lạ nhằm phô diễn sở học của cá nhân.
Như trên đã nêu, Lễ nhạc là một bộ phận rất quan trọng trong nghi lễ Phật giáo vì dễ đi vào lòng người, với âm điệu thiền vị, tiết tấu du dương trầm bỗng, nên có tác dụng rất lớn trong việc chiêu cảm tâm thức người nghe, dẫn dắt quần chúng vào con đường Chánh pháp. Vì thế, lễ nhạc Phật giáo phải phù hợp với từng nội dung khóa lễ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngoài những thầy cúng ra, vẫn còn có một số Tăng sĩ đã sáng tác ra những giai điệu ca từ theo kiểu ngẫu hứng, thậm chí sáng tác cả thơ ca đưa vào nghi lễ để làm tăng thêm phần bi ai trong những khóa lễ cầu siêu. Điều này làm mất đi tính truyền thống trong văn hóa nghi lễ vốn tồn tại hàng ngàn năm trong lễ nhạc Phật giáo Việt Nam.
Nói về pháp phục của Phật giáo, cụ thể hơn là pháp phục của Tăng sĩ, dù là hình thức nhưng đây lại là yếu tố tạo nên thân tướng trang nghiêm và oai nghi của bậc xuất gia, nên cũng được gọi là pháp tướng của người xuất gia, biểu hiện giải thoát thanh cao thân giáo. Do vậy mà Nội quy Ban Tăng Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về các hình thức pháp phục.
Đạo Phật chủ yếu là dựa trên tinh thần tự giác và dù đã có những quy ước như vậy, thế nhưng tại những trai đàn hay các khóa lễ khác đã xuất hiện một số Tăng sĩ dù tuổi đạo còn nhỏ vẫn đắp Đại Y Hồng, đội mão Hiệp Chưởng một cách tùy tiện. Trong sinh hoạt nghi lễ Phật giáo hiện nay, thực trạng tùy tiện mang hia đội mão này xảy ra không phải ít và đã đến hồi chúng ta gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Vài góp ý về Nghi lễ Phật giáo trong vai trò hoằng pháp và đời sống tâm linh:
Trong nội dung bài viết“Nghi lễ Phật giáo trong vai trò hoằng pháp và đời sống văn hóa tâm linh” này, chúng tôi đã nêu ra phần nào ý nghĩa thiêng liêng của Nghi lễ Phật giáo trên phương diện tu tập, hoằng pháp và vai trò của nghi lễ trong đời sống tâm linh… Dù cảm thấy vẫn chưa bày tỏ hết những băn khoăn trăn trở nhưng trong khuôn khổ giới hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ mong được đóng góp một vài ý kiến với tâm nguyện được Ban Nghi Lễ quan tâm nhằm chỉnh đốn những vấn đề tồn tại trong sinh hoạt nghi lễ Phật giáo hiện nay:
- Do tính hòa nhập thích nghi của Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng đặc thù của từng vùng miền, nên nghi lễ Phật giáo tại các vùng miền ở nước ta vẫn còn nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, ngay trong cùng một hệ phái như hệ phái Phật giáo Bắc tông, về lễ nhạc, cụ thể là trong cách tán tụng thì mỗi vùng thể hiện lễ nhạc mỗi khác, như cách tán tụng của Phật giáo vùng ngoài (Thừa Thiên Huế - Bình Định) cũng khác hẳn so với cách tán tụng ở miền Tây Nam bộ (An Giang – Đồng Tháp) hay miền Đông Nam bộ (Bình Dương). Điều này cho thấy, nghi lễ Phật giáo Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng sâu nặng nghi lễ tín ngưỡng dân gian tại các vùng miền. Mặt khác, trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, mỗi hệ phái đều có nghi thức hành lễ và pháp phục, lễ phục mang màu sắc riêng của hệ phái đó. Thật ra tình trạng này là do yếu tố khách quan, xét cho kỷ thì vẫn không ảnh hưởng gì lớn đến sự nghiệp tu hành và hoằng pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những nét riêng độc đáo của nghi lễ Phật giáo từng vùng miền, từng hệ phái, thiết nghĩ nếu như Ban Nghi Lễ cần quy hoạch soạn thảo một nghi thức thống nhất chung cho các vùng miền và các hệ phái hay cho cả nước, đáp ứng nhu cầu nghi lễ trong các ngày Đại lễ mang tính tập trung và quy mô của Phật giáo, thống nhất được như vậy thì nghi lễ Phật giáo Việt Nam sẽ trở nên đồng nhất, tạo nét đẹp thẩm mỹ, toát ra oai lực, trang nghiêm và ấn tượng hơn.
- Xuất phát từ tình trạng sử dụng tùy tiện các loại pháp phục trong sinh hoạt nghi lễ Phật giáo như chúng tôi đã trình bày trong tham luận, nay chúng tôi kiến nghị Ban Tăng Sự, Ban Nghi Lễ Trung ương GHPGVN hãy đưa ra những quy định cụ thể về từng trường hợp được đắp Hồng Y (Đại Y màu hồng) và đội mão (Mão Hiệp Chưởng, Mão Tỳ Lư hay Mão Quan Âm). Cụ thể là hàng giáo phẩm nào được đắp Hồng Y, đội mão Hiệp Chưởng? Và sử dụng các lễ phục tôn quý đặc biệt này trong trường hợp nào? Thiết nghĩ, nếu không có những quy định cụ thể về sử dụng pháp phục, lễ phục bằng văn bản của Giáo hội, thì sinh hoạt nghi lễ Phật giáo sẽ trở nên lộn xộn, mất tính trang nghiêm, điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa và mục đích thiêng liêng của nghi lễ Phật giáo Việt Nam mà còn gây khó khăn cho Ban Trị sự các tỉnh thành (khi trong tay không có một văn bản quy định cụ thể nào) trong việc chấn chỉnh sự thiếu hiểu biết và tùy tiện sử dụng lễ phục Phật giáo. Hơn nữa, nếu cứ tiếp tục sự lỏng lẻo trong quản lý và giám sát như hiện nay, thì vô tình chính Giáo hội tạo điều kiện cho những thành phần không tốt với Phật giáo công khai phá hoại đạo Phật trên lãnh vực nghi lễ./.
Thượng tọa Thích Huệ Thông
Ủy viện Hội đồng Trị sự GHPGVN
Phó trưởng Ban Hoằng Pháp TW
Phó Ban Thường Trực Ban Trị sự Phật giáo Bình Dương