Làm lắng dịu cơn bão trong lòng

d7

 

(Pháp thoại đặc biệt dành riêng cho đồng bào Việt Nam tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu)

Trong tháng 6.2010, tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu và chùa Đại Bi, đã diễn ra những khóa tu cho người Đức và người Hòa Lan. Đây là lần đầu tiên tại Đức chúng ta tổ chức những khóa tu lớn ở trong chùa. Mấy chục năm nay, các khóa tu thường được tổ chức tại các trường đại học hoặc trong các cơ sở du lịch. Những giờ đây chúng ta đã có Viện Phật Học và chùa Đại Bi nên việc mở các khóa tu đã trở nên rất thuận tiện.

Trước đây, mỗi khi có khóa tu, mình phải thuê địa điểm để tổ chức nên thiền sinh phải đóng tiền hơi nhiều, ngay cả chính các thầy, các sư cô tới hướng dẫn khóa tu cũng phải đóng tiền. Khung cảnh ở các cơ sở đó cũng không đạo vị như khung cảnh ở trong chùa. Trong khóa tu dành cho những người nói tiếng Đức và khóa tu dành cho những người nói tiếng Hà Lan vừa qua, thiền sinh rất hạnh phúc vì họ được đóng tiền ít hơn và được thưởng thức các món ăn do quý thầy, quý sư cô nấu.

Không khí ở đây là không khí của thiền môn, thiên nhiên trong mùa này cũng rất đẹp. Trong những buổi thiền hành, đại chúng đi rất hào hứng, không khí thanh thoát giống như đang đi trên cõi Tịnh Độ vậy. Trẻ em có hạnh phúc và người lớn cũng hạnh phúc. Chuyện này không phải chỉ xảy ra cho thiền sinh Đức mà cũng xảy ra cho cả thiền sinh Hòa Lan.

Năm ngoái, khóa tu cho người Hòa Lan tổ chức tại trung tâm thể thao Papendal gần Arnhem có 600  thiền sinh tham dự. Tiền thu được từ khóa tu là  200.000 Euro mà phải trả cho cơ sở đó gần hết 198.000 Euro. Trong khóa tu tổ chức tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu hoặc Viện Vô Ưu, thầy Pháp Ấn đang thực tập không lo lắng, sư cô Chân Đức cũng thực tập không lo lắng và tôi cũng đang thực tập không lo lắng.

alt

Để yểm trợ cho hai khóa tu lớn thành công (khóa tu cho người nói tiếng Đức và khóa tu cho người nói tiếng Hòa Lan) mình đã đưa hơn một trăm vị xuất sĩ từ Làng Mai qua, một lực lượng xuất sĩ rất hùng hậu để hướng dẫn khóa tu. Không những các thầy, các sư cô hướng dẫn pháp đàm, trả lời tham vấn cho thiền sinh mà còn tổ chức, nấu ăn và chuẩn bị những tiện nghi cho các thiền sinh. Thiền sinh thấy các thầy, các sư cô làm việc, họ rất thương, họ đã phát tâm tham dự vào những công việc của khóa tu như: cắt gọt, rửa nồi, lau chùi, đổ rác, làm vệ sinh, dọn dẹp, trang trí thiền đường, đưa đón thiền sinh...) để giúp đỡ các thầy, các sư cô. Nhờ vậy, sự tiếp xúc giữa giới xuất gia và giới tại gia rất gần gũi, thân mật. Đó là những cái khiến cho thiền sinh cảm thấy hạnh phúc hơn so với ở những khóa tu tổ chức tại khách sạn hay các cơ sở mà mình thuê trước đây.

Trong khóa tu Tiếng Đức thiền sinh rất hạnh phúc. Họ nói, họ chưa bao giờ tham dự khóa tu hạnh phúc như vậy. Ông trời cũng thương cho nắng trong suốt khóa tu. Đến khóa tu Hòa Lan thì mình không biết ông trời còn thương nữa không, nhưng rốt cuộc ông trời cũng còn thương. Vì vậy khóa tu cho những người nói tiếng Hòa Lan cũng rất hạnh phúc.


Ngoài ra, mình còn có hai buổi pháp thoại công cộng, một ở thành phố Cologne (Köln) thu hút khoảng 1700 người Đức tới tham dự. Và một buổi pháp thoại công cộng ở thành phố Waldbröl cũng có khoảng 1200 người tới tu tập. Trước pháp thoại, hàng trăm vị xuất sĩ lên sân khấu để niệm Bụt, năng lượng rất hùng tráng. Hôm ấy cũng có mấy vị linh mục và mấy vị ma sơ tới tham dự. Họ thấy năng lượng trẻ trung, yêu đời, an lạc và hạnh phúc của tăng thân xuất gia cũng như tăng thân tại gia, họ rất là hạnh phúc. Sau buổi pháp thoại, các thiền sinh đã ở lại để tiếp cận các thầy, các sư cô từng nhóm, từng nhóm để sinh hoạt và ở mãi tới 22 giờ 30 mới về, rất là hay.

alt

Trong buổi pháp thoại tại thành phố Waldbröl, ông Thị Trưởng của thành phố cũng tới tham dự. Ông ngồi nghe niệm Bụt, thực tập thiền hướng dẫn, nghe pháp thoại từ đầu đến cuối và ông rất hạnh phúc. Tôi nhớ ngày ký giấy để chuyển nhượng tòa nhà này cho Viện Phật Học ông đã tổ chức họp báo. Hồi đó, khung cảnh ở đây có vẻ hoang tàn lắm, ông thị trưởng đã cho một số nhân viên của Tòa thị chính tới cắt cây, cắt cỏ, dọn dẹp sạch sẽ trước khi các nhà báo tới. Trong buổi họp báo, ông đã tặng cho tăng thân Làng Mai một ổ bánh mì và một nắm muối.

Theo truyền thống của Đức, khi vào nhà mới thì cái người ta cần nhất là phải có thức ăn (tối thiểu là phải có bánh mì và muối). Với người Việt Nam, mỗi khi mình cúng cô hồn, hai thứ cần thiết nhất là gạo và muối. Có gạo và muối là sống được rồi (có thêm cái gì khác thì càng quý, còn nếu không thì hai thứ đó là quý rồi). Bên Đức cũng gần giống như vậy, thay vì gạo và muối thì họ là bánh mì và muối. Hình như tôi còn cất giữ ổ bánh mì và nắm muối ở đâu đó trong tòa nhà này.

Nhờ chư tổ gia hộ nên một phần của ngôi nhà đã được sửa chữa và được nhà nước cho phép sử dụng trước mấy giờ đồng hồ khi khóa tu bắt đầu. May quá! Thầy Pháp Ấn thở phào và đại chúng cũng thở phào. Bây giờ đã vượt qua một bước rất khó khăn và mình cũng không cần phải lo nhiều nữa. Mình có thể thực tập vô ưu dễ dàng hơn trước và mình cứ đi tới thôi.

Có một thiền sinh người Hòa Lan viết thư cho tôi, ông ta nói rằng sự có mặt của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu đã bắt đầu chuyển hóa được năng lượng ở vùng này. Dân chúng chung quanh vùng cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước nhiều. Theo vị thiền sinh Hòa Lan ấy, sự chuyển hóa đó lan tới tận Hòa Lan, tức là thành phố Arnhem (nơi vị thiền sinh đang cư ngụ). Đó là do công phu tu tập của mình. Mình ngồi thiền, mình đi thiền hành, mình đem năng lượng của sự tu tập, của lòng từ bi, của sự cởi mở và từng bước chân mình in trên đất này, từng hơi thở mình hiến dâng cho vùng này. Trong bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày qua nó đã làm công việc chuyển hóa của nó và những người ở trong vùng phụ cận cũng cảm nhận được sự nhẹ nhàng, sự chuyển hóa đó. Rất là hay. Người Hòa Lan nói như vậy mà những người Đức ở tại địa phương này (Waldbröl) cũng nói như vậy. Họ nói rằng:  "sự chuyển hóa là do quý vị đem tới, chứ chính tại nơi đây chúng tôi không tạo ra được năng lượng chuyển hóa đó“

Thành ra, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu là một tặng phẩm cho cả Âu Châu. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tượng trưng cho sự đoàn kết, sự không kỳ thị thì trong tương lai chắc chắn những người dân nước khác sẽ tới đây tu tập rất đông. Sau khóa tu, các vị thiền sinh thế nào cũng về kể lại cho những người khác và cố nhiên trong những khóa tu tiếp theo sẽ có nhiều người tham dự. Hiện nay chúng ta mới sử dụng được một phần năm của tòa nhà này. Trong tương lai, tòa nhà sẽ tiếp tục được sửa chữa để có thể chứa được lượng thiền sinh tới tu tập đông hơn.

Nếu mình có những tăng thân biết thương yêu, biết chấp nhận nhau, làm việc trong hòa điệu thì chắc chắn mình sẽ làm được Phật sự đó và đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Đó là sự hiến tặng của mỗi chúng ta, thành ra các vị tới đây tu học không phải chỉ để tiếp nhận mà cũng là để dâng hiến. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân bình an của mình giúp cho mình được lắng dịu, được an vui thì đó chính là năng lượng bình an mà mình đem hiến tặng cho nơi này.

alt

Trong hai khóa tu vừa rồi thiền sinh Đức, Hòa Lan và thiền sinh từ các nước khác tới, họ đã thực tập rất nghiêm chỉnh. Mình thấy rõ ràng là họ có an lạc, họ có thảnh thơi, họ có hạnh phúc trong khi họ thực tập. Sự có mặt của 150 vị xuất gia ở đây đã yểm trợ cho khóa tu rất nhiều. Khóa tu thành công không phải tại vì những bài pháp thoại hay mà tại vì sự có mặt rất nhiều người đã có kinh nghiệm trong sự tu học (của người xuất sĩ cũng như người cư sĩ). Sự có mặt an tươi vui, thanh tịnh của quý thầy, quý sư cô trong đi, đứng, nói, cười, làm việc đã giúp họ rất nhiều. Năng lượng an vui ấy đã ôm lấy các vị thiền sinh. Cho nên cái quý nhất của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu không phải là cơ sở vật chất (tại vì có những cơ sở khác còn lớn gấp trăm lần cái viện này) mà là một tăng thân thường trú (những vị xuất sĩ và những vị cư sĩ) tu học tại đây. Tất cả đều tu tập nghiêm mật mỗi ngày và sống với nhau trong hòa điệu, có tình huynh đệ, đó là bảo bối của viện chứ không phải là cơ sở vật chất.

Ở các trường đại học chỉ có giáo sư và sinh viên với ban quản trị, nhưng mà ở đây, ngoài các thầy, các sư cô giảng dạy, ngoài thiền sinh tới tu tập, còn có một tăng thân tu tập thường trú, chính nhờ cái đó cho nên khóa tu mới thành công, sự tu học mới thành công. Thành ra, cái quý nhất của Viện là ở đây một tăng thân thường trú. Mục đích của mình là làm sao để cho viện có được khoảng một trăm vị xuất sĩ thường trú tại đây, thêm vào đó có những vị cư sĩ giỏi nữa thì thế nào mình cũng thành công. Hiện bây giờ đây có 28 vị xuất gia ở Việt Nam nộp đơn để đi Đức, tòa đại sứ đã nhận đơn và địa phương ở đây đã yểm trợ, nhưng không biết tại sao chưa có thị thực để qua? Nếu 28 vị đó qua thì mình đã có 58 vị rồi, và mục tiêu một trăm vị xuất sĩ mình có thể đạt được trong tương lai. Không biết là mình có đủ tiền để mua vé máy bay cho các thầy, các sư cô qua chưa? Thiếu thì mỗi người giúp một ít, đó là tiếp máu cho Viện, nếu mà thiếu máu thì cơ thể sẽ không làm việc được.

Để đem một trăm vị xuất sĩ từ Làng Mai qua Đức, mình phải thuê xe buýt và mình phải trả 18.000 Euro nhưng mà sự đền bù rất xứng đáng, năng lượng của các khóa tu rất hùng hậu. Sau này, mua được xe buýt thì mình khỏi phải thuê, mình có thể tự lái. Nếu sau này Viện có một trăm vị xuất sĩ thì mình cũng không cần phải di chuyển từ Làng Mai qua đây.

Hai khóa tu có chung một chủ đề là Sống Chung An Lạc. Tiếng Đức là (Glücklich zusammen leben) và tiếng Hòa Lan là (Gelukkig samenleven)

Đối với những người dân nơi đây, kiếm sống không phải là một vấn đề quá lớn. Có được nhà cửa, cơm ăn, đó là chuyện không khó lắm. Nhưng khó khăn là làm sao để có thể sống chung với nhau an lạc. Làm sao để cha con, mẹ con, anh chị em, bạn bè với nhau có được sự hài hòa, cái đó là hạnh phúc. Trong cả hai khóa tu mình đã đi sâu vào vấn đề đó, đã đưa ra những pháp môn thực tập để có thể áp dụng được trong đời sống hàng ngày.

Chúng ta tu, chúng ta có ước nguyện giúp đời, nhưng nếu trong gia đình của chúng ta, trong đoàn thể của chúng ta mà có sự tranh giành ảnh hưởng, quyền hành, không điều hợp được những ý kiến khác nhau thì nghĩa là mình đã không thành công. Chỉ có mấy người với nhau thôi mà mình không hòa hợp được thì mình giúp được ai?

Thường thường, khi gặp khó khăn trong liên hệ vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em thì mình hay đổ lỗi cho người kia. Nhiều khi khó khăn quá mình nói rằng phương pháp duy nhất là anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, ly dị hay từ con. Đó là một sự thất bại lớn!

Làm lắng dịu cơn bão trong lòng

Hôm qua, trong buổi vấn đáp, có một cô thiền sinh đặt một câu hỏi như thế này: Bạch thầy, con có khó khăn với mẹ. Mẹ của con làm cho con khổ quá, con không biết phải làm sao, con có đủ sức để sống với mẹ không hay con phải tách rời ra?

Câu trả lời của tôi là: giả dụ trời gió bão, mưa liên tiếp trong mười ngày, mình không làm ăn được gì, không đi picnic được, lúc đó mình có nên giận ông trời tại sao mưa bão liên tiếp không? Giận ông trời thì chẳng đi đến đâu hết. La mắng, trách móc ông trời cách mấy, ông trời vẫn tiếp tục gió bão như thường. Ở ngoài có gió bão mà trong lòng mình cũng có gió bão. Gió bão ở ngoài cũng đủ cho mình khổ rồi, mình còn tự gây thêm gió bão trong lòng như: bực tức, tuyệt vọng, buồn chán, trách móc. Thành ra, làm sao cho gió bão trong lòng được yên thì tự nhiên mình sẽ vơi bớt rất nhiều khổ đau. Khi cơn bão trong lòng yên rồi thì mình mới tìm cách giúp gió bão ở bên ngoài yên trở lại. Mẹ của cô là cơn bão, chứ có gì đâu. Cơn bão đó đã nẩy sinh ra  cơn bão thứ hai trong lòng của cô. Nếu cô chỉ lo cơn bão ở ngoài thì cô sẽ chẳng đi tới đâu hết. Trước tiên là phải làm lắng dịu cơn bão bên trong đã, khi cơn bão ở bên trong lắng dịu thì mình sẽ có cách làm cơn bão bên ngoài ngưng lại từ từ. Đó là nghệ thuật tu tập.

Trước hết mình phải xét nỗi khổ, niềm đau của mình trước. Mình khổ đau, buồn giận, trách móc là tại vì mình không thấy được nguyên nhân của nỗi khổ ấy. Mẹ mà làm cho mình khổ là có lý do, chứ không phải mẹ muốn làm cho mình khổ. Trong lòng của mẹ có những nỗi khổ, niềm đau mà mẹ không xử lý được. Khi mình có nỗi khổ niềm đau mà mình không biết cách sử lý thì mình trở thành nạn nhân của chính nỗi khổ niềm đau đó. Mình khổ, rồi mình làm khổ cả những người chung quanh của mình. Như vậy, không chỉ mình là nạn nhân của nỗi khổ, niềm đau chính mình mà những người xung quanh cũng là nạn nhân. Lý do ở chỗ mình không sử lý được cơn bão trong lòng mình. Mẹ của cô có những khổ đau, bà không xử lý được những khổ đau đó, mà cô đã không giúp được, cô lại còn phản ứng làm bà khổ thêm. Đó là cách hành xử không sáng suốt.

d6

Cô phải nhìn cho kỹ để thấy rằng, nếu mẹ khổ đau như vậy, nếu mẹ làm khổ mình như vậy là tại vì trong mẹ có nỗi khổ niềm đau rất lớn mà mẹ không xử lý được. Lâu nay, mẹ chỉ là nạn nhân của nỗi khổ niềm đau đó thôi. Thế mà mình đã không giúp được mẹ lại còn phải ứng làm cho mẹ khổ thêm nữa. Đôi khi nỗi khổ đau của mẹ là do ông bà trao truyền lại. Thấy được điều đó rồi thì tự nhiên mình thấy thương mẹ. Cơn bão trong lòng mình dịu xuống, mình bớt khổ. Rất là hay. Chưa làm gì hết, chưa nói gì cả, không cần gõ mõ tụng kinh, dâng hương mà tự nhiên khổ đau êm dịu lại. Đó là nhờ cái thấy, cái thấy ấy gọi là tuệ giác, tuệ giác nằm trong tâm của mình, lắng tâm lại là mình có khả năng thấy được điều đó. Khi cơn bão trong lòng mình lắng dịu lại rồi thì mình mới có thể dùng ái ngữ và lắng nghe để giúp cho mẹ thấy được nỗi khổ, niềm đau của mẹ, rồi giúp cho mẹ xử lý được nỗi khổ, niềm đau ấy.

Là người tu, dù là người xuất gia hay tại gia, khi cơn bão trong lòng mình lắng dịu rồi thì mình sẽ giúp làm lắng dịu cơn bão trong lòng người kia. Người kia có thể là mẹ, là chồng, là con của mình... Nếu con của mình làm khổ mình thì có lẽ tại vì nó có nỗi khổ, niềm đau trong lòng mà nó không xử lý được. Mình đã không giúp được nó mà lại đi trách móc, la mắng, trừng phạt nó thì chỉ làm cho nỗi khổ niềm đau của cả hai bên lớn hơn mà thôi.

Cho nên, cách thực tập là mình phải ngồi xuống vạch ra chiến thuật. Chiến thuật đó ít nhất gồm có hai điểm:
- Làm thế nào để lắng dịu cơn bão trong lòng mình?
- Làm thế nào để lắng dịu cơn bão trong lòng người kia?

Nếu mình là một người mới tu, chưa nắm vững giáo lý, chưa có đủ pháp môn thì mình có thể nhờ thầy, nhờ các bạn tu giúp đỡ mới thành công được, có thể là trong vòng vài ba ngày là đã thành công rồi.

Khóa tu tiếng Đức vừa chấm dứt thì có một vị thiền sinh viết thơ cho tôi kể rằng: "Thầy ơi, sau khóa tu con học được phép lắng nghe và ái ngữ. Con đã đem về áp dụng. Con gọi điện thoại cho mẹ vợ của con. Bà mẹ vợ của con đã làm cho vợ của con đau khổ rất nhiều. Bao năm nay chúng con không dám liên lạc với bà, vì mỗi khi liên lạc là lại khuấy động lên nỗi khổ đau. Con chỉ biết trách móc thôi. Nhưng sau khóa tu con êm dịu lại. Cơn bão của con lắng yên. Con đã thấy được nỗi khổ niềm đau của bà và đã gọi điện thoại cho bà. Con sử dụng phương pháp ái ngữ, lắng nghe mà thầy dậy. Và thầy biết gì không? Ái ngữ của con đã giúp cho bà nói ái ngữ lại với con. Chưa bao giờ bà nói ngọt ngào như vậy với vợ chồng con. Thưa thầy, tuần tới chúng con sẽ có buổi gặp mặt, vợ chồng con sẽ đến thăm bà."

Vị ấy mới tu có năm ngày thôi mà đã về làm được như vậy, mình là Phật tử năm này sang năm khác mà làm không được thì kỳ quá đi. Mỗi ngày tôi đều nhận được những bức thư báo cáo về thành quả tu học như vậy.

Hôm qua tôi có nhận được một lá thư nữa, ông này là người Do Thái. Ông có cảm tưởng mình là nạn nhận của sự kỳ thị chủng tộc. Ông nói: "Trời ơi, cái nhà này là nhà của Nazi, vậy mà thầy ngủ ở trong đó, sư cô Chân Không ngủ trong đó, sư cô Chân Đức ngủ trong đó, các thầy, các sư cô khác ngủ ở trong đó, mà con, con là người Do Thái, con cũng ngủ ở trong đó. Nhưng mà Ok, không sao hết, sự chuyển hóa mầu nhiệm quá chừng. Ngày trước con chỉ cần nghĩ tới là đã thấy sợ rồi."

Những sự chuyển hóa như vậy xảy ra rất nhiều trong các khóa tu. Điều đó cho mình biết là Pháp Bụt rất cao siêu mầu nhiệm. Nếu mình chịu hành trì thì kết quả có liền lập tức. Nếu quí vị có khó khăn đối với người kia, người kia có thể là bạn bè, là mẹ, là cha, là con, là vợ hay chồng của mình, thì hãy thử đi, người ta làm được tại sao mình làm không được? Trước hết là mình làm lắng dịu cơn bão ở bên trong (vài ba ngày là làm được). Những thiền sinh tới đây đến tu học, phần lớn là gốc Cơ Đốc giáo, có nhiều người chưa quy y, ấy vậy mà năm ngày, sáu ngày sau khóa tu là họ làm được. Còn mình đi chùa dâng hương, năm này sang năm khác mà mình làm không được thì kỳ quá, vì vậy mình phải làm cho được.

Phật giáo ở quê hương mình là Phật giáo của lễ hội. Đi chùa Hương chỉ là lễ hội chứ có gì đâu. Lễ hội Quan Âm ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cũng là lễ hội vui chơi chứ chưa hẳn là thực tập. Làm sao sau này ở trên quê hương mình có những trung tâm tu tập như Viện Phật Học, như Làng Mai để cho đồng bào tới tu tập chứ không phải chỉ để lễ hội mà thôi. Đi lễ chùa là văn hóa, nó đưa tới niềm vui của sự cầu nguyện chứ chưa phải là sự thực tập. Mà phần quý nhất của đạo Bụt là sự thực tập chứ không phải là cầu nguyện. Cho nên, từ đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời, mình đã nêu ra tiêu chuẩn đạo Bụt ứng dụng. Ứng dụng là phải đem ra để thực tập, nếu biết cách thì nó có hiệu quả liền. Cũng như một vị thiền sinh kể trên, ông mới gọi điện thoại là đã có kết quả rồi, tại vì ông làm được. Sáu ngày tu làm cho ông dịu lại, cơn bão trong lòng lắng xuống, do đó nên ông nói được lời ái ngữ. Chính cái đó mới mở đuợc trái tim của bà mẹ vợ và bà mẹ vợ đã nói lời ái ngữ trở lại. Rốt cuộc là họ hẹn tuần sau sẽ gặp, rất là hạnh phúc.

Ngày xưa, vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), ông vua đầu tiên của triều Trần, nhưng gặp những nỗi khổ, niềm đau rất lớn. Năm vua 20 tuổi, Trần Thủ Độ vì nóng lòng muốn có sự kế tiếp cho dòng dõi nhà Trần nên đã bắt ép vua phải bỏ người yêu là công chúa Lý Chiêu Hoàng để cưới người chị ruột của Lý Chiêu Hoàng đã có thai sẵn với anh trai của vua  là An Sinh Vương Trần Liễu. Người anh vì căm giận nên đã tổ chức hải quân để chống lại triều đình nhưng thất bại. Trước tình cảnh ngang trái ấy, vua đau khổ đến mức phải bỏ ngai vàng đi tìm vào núi để tu. Vị thầy trên núi Yên Tử nói rằng: Nước không thể không có  vua, xin bệ hạ hãy quay về! Mình có thể vừa làm vua vừa tu tập được chứ không hẳn là xuất gia mới tu được". Sau đó vị thầy ấy đã hướng dẫn cho vua cách để có thể vừa làm vua mà vừa tu.

Trở về hoàng cung, vua tu tập rất chuyên cần, mới có hai mươi mấy tuổi mà mỗi ngày ông thực tập sáu thời công phu (ở chùa, các thầy các sư cô chỉ thực tập có hai thời thôi).  Ông có sáng tác ra một nghi thức ngồi thiền, dâng hương, sám hối, mỗi thời diễn ra trong khoảng hai mươi, ba mươi phút. Những nghi thức ấy hiện giờ vẫn còn, gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi và đã được cụ Thiều Chửu dịch ra tiếng Việt. Mỗi ngày, vua thực tập sáu thời. Xen giữa công việc chính trị và quân sự thì vua có thời giờ ngồi thiền, sám hối, do đó vua vượt thắng những nỗi khổ niềm đau của riêng mình và trở thành ông vua rất xuất chúng trong lịch sử Việt Nam.

Vậy, đạo Bụt của vua đâu phải là đạo Bụt của sự thờ cúng mà là đạo Bụt của sự thực tập. Nhờ nhà vua có tu học cho nên đã hòa giải được với anh ruột và làm cho triều Trần trở thành một triều đại cường thịnh. Đó là đạo Bụt ứng dụng trong đời sống chính trị, đời sống văn hóa.

Mình là người Phật tử, dù xuất gia hay là tại thì mình phải có được sự thực tập. Nếu mình không thực tập các pháp môn thì làm sao mình đối trị được những khổ đau ở trong lòng? Chỉ khi mình giải quyết được những khó khăn ở trong lòng mình, thì khi ấy mình mới giúp tháo gỡ được những khổ đau đang xảy ra xung quanh mình, trong gia đình và trong xã hội. Đó là đời sống tâm linh, là pháp thân. Có sự thực tập là có pháp thân. Đi chùa là để học cái đó chứ không phải đi chùa để chỉ biết cúng dường, lễ bái mà thôi.

Tới Viện Phật Học Ứng Dụng, chúng ta phải học và nắm cho vững các phương pháp thực tập để làm lắng dịu cơn bão trong lòng chúng ta, trong gia đình chúng ta, sau đó mới mong giúp dân, giúp nước được. Chúng ta đừng có lăng xăng, nếu tổ chức cho mọi người tu mà mình không tu thì sẽ gây ra những căng thẳng, xung đột. Còn nếu chúng ta muốn tu thì việc tổ chức trở nên rất dễ dàng, chúng ta không đặt nặng vấn đề tổ chức nữa. Sau khóa tu cho những người nói tiếng Đức, trong hộp trưng cầu ý kiến, có một vị thiền sinh người Đức viết thế này: "cách tổ chức của quý vị rất tuyệt hảo". Người ta cho rằng, người Đức rất kỹ tính, rất kỷ luật, họ tổ chức rất khéo mà họ khen mình như vậy thì rất là hiếm. Nhất là người Việt mình có tính cách hơi lôi thôi. Vậy lời khen đó là thật hay họ khen cho mình vui lòng? Khi quán chiếu thì tôi thấy họ khen không phải vì mình khéo tổ chức đâu, mà vì mình có sự hòa hợp, mình có sự bình an ở trong lòng. Chứ thực ra mình không tài nào tổ chức khéo bằng họ được, dù mình có cố gắng cách mấy. Cho nên, cái quan trọng nhất là tu chứ không phải là tổ chức. Chúng ta tới đây thì đừng lo quá tới chuyện tổ chức, mà hãy để tâm nhiều tới việc thở cho an lạc, đi cho hạnh phúc, phải biết nhìn nhau bằng con mắt thương yêu và chấp nhận. Tôi nghĩ rằng nếu mình được người Đức khen, thì họ khen về sự hòa hợp của mình chứ không phải khen mình tổ chức giỏi. Tôi không tin rằng mình tổ chức giỏi. Đứng về phương diện tổ chức thì đạo Bụt "luộm thuộm" hơn đạo Công Giáo nhiều. Vatican tổ chức rất tài, trong khi đạo Bụt của mình thì hơi vô tổ chức. Nếu mình được người ta thương thì là thương ở cái khác chứ không phải thương ở tài tổ chức.

Muốn làm lắng dịu cơn bão trong lòng thì mình phải biết tĩnh tâm, mình phải học được cái mà trong đạo Bụt gọi là biết sống một mình, tức là mình phải có thời giờ riêng cho mình. Trong đời sống hàng ngày, mình phải chung đụng với nhiều người. Nhưng mình phải sắp đặt như thế nào để có thì giờ riêng cho mình. Chính ở trong khoảng thời gian riêng ấy mà mình tu dễ hơn. Thí dụ như khi nghe tiếng chuông, mình biết chỉ còn mười phút nữa là có pháp thoại tại thiền đường, thì từ chùa Đại Bi mình nên đi một mình tới thiền đường. Có thể có người khác đi với mình, nhưng trong khi đi mình nên "đi một mình", tức là mình đi mà không cần phải giao tiếp, không cần cười nói ngoại giao. Đi một mình nghĩa là để hết tâm ý vào bước chân và hơi thở của mình. Đi sao cho có niệm, có định, đi không phải để cho mau tới nơi, mà phải đi sao cho mỗi bước chân đều có an lạc, có thảnh thơi. Đó chính là "sống một mình". Mình phải tìm thì giờ để ngồi một mình, phải đi một mình. Thì giờ đó có thể là thì giờ giặt áo, chải răng, quét nhà, nấu cơm,... nhưng trong đó mình thật sự một mình, mình trở về với nội tâm của mình. Nấu cơm, quét nhà, nhặt rau như thế nào để có hạnh phúc, có an lạc, để không bị những suy nghĩ miên man kéo đi. Mình cảm thấy hạnh phúc trong khi chải răng, quét nhà, nấu cơm. Hạnh phúc tới từ những chuyện như vậy đó.

Đi từ Học Viện sang chùa Đại Bi, đi trên cầu thang thoát hiểm hay đi trên những bậc đá cẩm thạch, tôi đều đi như vậy hết, mỗi bước chân đều đem lại hạnh phúc cho tôi. Khi bước chân trên nền đá cẩm thạch, tôi thấy rằng ngày xưa, cách đây hàng trăm năm, những người Đức đã phải vất vả, khó nhọc để khiêng những tảng đá cẩm thạch tới lát lên dãy hành lang và những bậc cầu thang này. Những người ấy giờ đây đã không còn nữa, nhưng mỗi khi bước trên những nền đá cẩm thạch đó thì họ lại đang có mặt với mình. Bước đi với niềm vui và lòng biết ơn như vậy thì năng lượng của tình thương sẽ truyền vào những tảng đá cẩm thạch, do đó những bước chân như vậy đã chuyển hóa được tòa nhà. Vườn táo cũng như công viên trước Viện cũng vậy. Ngày xưa, tại nơi đây người ta đã thủ tiêu khoảng 700 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Những con người đáng thương ấy đã từng bước đi hớt hơ hớt hải, vừa đi vừa khóc lóc sợ hãi vì không biết cái chết sẽ tới với mình lúc nào. Bây giờ mình đi từng bước cho thật thảnh thơi, mình in dấu chân của sự thảnh thơi, an lạc, hạnh phúc, từ bi thì mình chuyển hóa được năng lượng khổ đau, sợ hãi ngày xưa. Nơi này, giờ đây đã trở thành nơi để cho thầy trò, anh chị em, đồng bào mình có thể tới mà đi những bước chân thảnh thơi, cùng ngồi với nhau, cùng thở với nhau. Đi như vậy mỗi bước chân đều đem lại  hạnh phúc, nuôi dưỡng. Cái đó không phải đến từ bên ngoài, mà đến từ trong lòng. Đi mà có hạnh phúc, thở mà có hạnh phúc thì cơn bão trong lòng chắc chắn sẽ lắng xuống.

Trong bao nhiêu năm mình đã đi như bị ma đuổi, mình đi tìm kiếm hết cái này tới cái kia, bây giờ mình còn tìm gì nữa? Mình đã có nhà để ở, có cơm để ăn, mình còn đi tìm cái gì nữa đây? Mình phải đi tìm sự an lạc, thảnh thơi chân thật,  nếu có sự thực tập thì chắc chắn là mình tìm được. Mình nương tựa vào các thầy, các sư cô, nương tựa tăng thân và các bạn tu của mình. Mình làm được tại vì trong tăng thân có những người đã làm được. Sự có mặt của Viện Phật Học Ứng Dụng là để giúp cho những người chưa tìm được, bây giờ có thể tìm được sự an lạc và thảnh thơi. Nếu muốn thì mình sẽ tìm được thôi. Chữ Hán là dục an đắc an, nghĩa là mình muốn an lạc thì sẽ được an lạc thôi. Nếu không muốn thì thôi, chứ nếu mà muốn thì sẽ có. Muốn có an lạc thì sẽ có an lạc. Muốn có an ổn thì sẽ có an ổn. Tâm mình không an thì mình không có hạnh phúc, mình không có hạnh phúc thì người kia cũng không có hạnh phúc cho nên phải có cái an ở trong lòng. Muốn an thì mình phải biết thực tập "sống một mình". Tuy mình sống trong đám đông, nhưng cái động ở bên ngoài không quấy nhiễu được mình, mình phải có cái tĩnh ở trong lòng. Tới khóa tu để mình học cái đó và đem về nhà. Với sự yểm trợ của tăng thân, mình có thể làm được cái mà lâu nay mình không làm được. Đây là một thách thức! Mình sinh ra trên trái đất này làm gì? Tại sao mình phải chạy từ năm này sang năm khác? Mình có khả năng đi được những bước chân an lạc hay không?

Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ
Làm người một kiếp cũng như không

Mình sống năm mươi năm, bảy mươi năm hay chín mươi năm nhưng mình có khả năng đi những bước thảnh thơi trên mặt đất này hay không? Mình đã đi những bước như vậy chưa? Có ai chỉ cho mình đi những bước như vậy chưa? Hay là mình chỉ biết lo lắng, sợ hãi, ưu sầu và chạy thôi? Bây giờ phải dừng lại, phải bước cho được như một con người tự do trên mặt đất này.

Ngày xưa đức Thế Tôn đã bước được những bước như vậy, vết chân của Ngài đã lưu dấu lại trên lưu vực sông Hằng. Là đệ tử của Ngài, mình có làm được chuyện đó hay không? Sống được một ngày như vậy cũng đáng rồi, có chết cũng không luyến tiếc. Thực tập thiền hành là để làm chuyện đó. Mình đã bước được một vài bước như vậy chưa? Từ chùa Đại Bi qua thiền đường, mình chỉ mất có bẩy phút, trong bảy phút đó mình có thể hưởng được những bước chân rất là an lạc, thảnh thơi. Có một đoạn đường như vậy để bước đi từng bước là hay quá rồi. Đi lên cũng vậy mà đi xuống cũng vậy, đi qua cũng vậy mà đi về cũng vậy, đó chính là Tịnh Độ, chứ Tịnh Độ ở đâu nữa? Chỗ này rất đẹp, rất hiền, nếu mình đem năng lượng bình an của mình tới nữa thì tuyệt diệu lắm, tuyệt diệu miền Tịnh độ.

Xin quý vị nhớ lại câu này, đó là một sự thách thức.

Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ
Làm người một kiếp cũng như không.

Mình chạy quá nhiều, lo lắng quá nhiều rồi, mình phải biết rong chơi. Mà làm sao rong chơi được nếu mình không dừng lại, bước những bước thảnh thơi như ngày xưa đức Bổn Sư và các vị tổ sư đã làm? Thầy đã trao lại cho mình các pháp môn thiền hành, thiền thở để mình cũng có thể làm được như Bụt, như các vị tổ sư, như các thế hệ Phật tử trước đó. Mình tới đây là để tu tập chứ tổ chức chỉ là vấn đề thứ yếu. Qua lời khen ngợi của người Đức mà mình quán chiếu thấy rõ được cái gì là sự quý giá đích thực.

Mỗi bước chân thảnh thơi như vậy là một phẩm vật cúng dường cho tổ tiên, cho đất nước, cho cha mẹ. Mình có khả năng đi được những bước chân như vậy ở đây không? Khi có thầy, có bạn cùng đi mà mình đi không được thì làm sao khi một mình mà mình đi được? Cho nên, tới khóa tu là mình phải học cho được phương pháp thiền thở, thiền hành. Mình có nhau như là một tăng thân thì mình nuôi dưỡng sự thực tập của mình lâu dài. Cứ như vậy thì sự thực tập của mình càng ngày càng vững và đi đâu mình cũng mang sự thực tập đi theo. Nếu có những khó khăn, những bức xúc, mình sử dụng sự thực tập đó để tháo gỡ. Tháo gỡ được cho mình được rồi thì mình có thể tháo gỡ được cho người kia.

 

Giác Quang và Tịnh Minh phiên tả


(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 20 tháng 6 dương lịch năm 2010, tại Phật Học Viện Ứng Dụng Châu Âu (European Institute of Applied Buddhism)

(langmai.org)