Tôi không bao giờ mơ khi mình sẽ trở thành tỷ phú. Tôi nghĩ bạn sẽ tức cười lắm khi nghe tôi nói điều ấy. Vậy nên tôi đã thành công! Và bạn sẽ cho là vô lý và tôi lại thành công. Tất nhiên thành công của tôi là mang lại nụ cười cho mọi người, chứ không phải là thành công về việc làm tỷ phú. Chính nụ cười của các bạn đã nói lên sự thành công của tôi. Bởi lẽ, tôi đang làm một vai diễn thì điều cần thiết là làm thế nào tôi đạt được những thành công. Bạn không thể áp đặt tôi phải làm những gì tôi đã nói. Bởi vì có những lời nói nó chỉ phù hợp với hoàn cảnh của quá khứ, nếu đem áp dụng vào thời điểm hiện tại đôi khi nó sẽ không còn phù hợp nữa. Do vậy, khi ta đóng một vai diễn thì sự thành công được chờ đợi rất nhiều vào người thể hiện nó, đó cũng là một nghệ thuật, là sự khéo léo trong cuộc sống và bạn là người phải nhiệt tình, nỗ lực hết mình mới có thể hoàn thiện nó một cách tốt đẹp được. Trong đời sống thường ngày cũng vậy, chúng ta cũng đang đóng rất nhiều những vai diễn khác nhau và liên tục. Có thể chúng ta đóng vai làm một người con hiếu thảo khi ở bên cha mẹ. Nhưng chúng ta cũng có thể sẽ lãnh đạo biết bao nhiêu người khi ta làm tổng thống. Mỗi vị trí, mỗi thời điểm cần có cách thể hiện khác nhau. Những vai diễn trong cuộc đời luôn rất uyển chuyển. Ngay lúc này đây ta có thể đóng vai làm bạn bè để cùng hòa nhập những người bạn đồng trang lứa. Nhưng nếu cần thiết bạn có thể đóng vai một nhà tâm lý khi những người bạn mình cần được sự an ủi, sẻ chia. Nhìn sự thay đổi liên tục trên một cá thể thì nhiều người định giá một cách vội vã về cá nhân ấy bằng một quan kiến của sự cố chấp và sẽ hiểu lầm rằng, người này là giả tạo, nó thay đổi tư duy như kỳ nhông thay màu vậy. Thế nhưng, chân lý sống vốn là thế các bạn ạ! Đừng cho rằng sự đổi thay đó là giả, mà trong thực tế nếu nói đó là giả thì trên thế gian này có cái gì là thật nhỉ? Vì vậy không có cái gì là thật và giả mà chỉ có lợi ích tồn tại của nó khi nó tiếp xúc có hiệu quả trong thời điểm đó hay không mới là điều cần quan tâm. Tôi đang là một tu sĩ thì ở trong chùa tôi là một ông thầy tu và mọi người gọi tôi là thầy, là chú. Nhưng nếu tôi cứ nghĩ mình là Thầy rồi mang cái danh phận hư ảo đó vào lớp học bên ngoài thì sẽ có sự lệch pha trong giao tiếp, mình sẽ khó có thể hòa nhập với tư cách là một cậu học trò được. Khi ở trên lớp ta cũng đóng nhiều vai, là một cậu học trò khi đối tượng của mình là thầy cô giáo. Nhưng khi đối với những người bạn quanh ta, thì đơn giản ta vẫn là một người bạn của họ mà thôi. Ở đây nếu ý thức được đúng vai diễn và có thể diễn cho tốt thì mình có thể có nhiều cơ hội đi đến thành công và mang lại lợi ích, cũng như niềm vui cho người khác. Thật ra cũng chẳng có gì là phức tạp cả, ta hãy cứ uyển chuyển trong từng hoàn cảnh, uyển chuyển tuỳ quốc độ để thực hiện đúng vai diễn của mình. Điều ta cần vẫn là người xung quanh ta được vui, làm sao để mọi người có thể cảm nhận được năng lượng bình an khi ở bên ta, họ vui khi nói chuyện với ta và họ cảm thấy an lòng hơn khi cùng ta chia sẻ. Trong thực tế, sự lầm lẫn giữa các vai diễn là điệp khúc thường xuyên xảy ra khiến cho mình có nhiều cảm giác đau khổ. Điều đó được lý giải bởi vì chúng ta thường mang một cái ngã để đi đóng tất cả, ta ảo tưởng rằng các vai diễn kia cũng đều giống nhau. Ta là ta, không thể biến và đồng hóa như thế. Ta không chấp nhận biến mình thành cái khác, vì ta là “Thiên Nhơn Sư” mà. Cái này thường thấy lắm! Ít ai chịu thả mình vào vai diễn, đặc biệt là những vai diễn thấp hơn giá trị thực của mình đang sống. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì cái bản ngã đích thực đang ngự trị trong họ khiến họ không thể thoát ra khỏi, họ cứ ngỡ rằng giá trị thực của mình sẽ tổn giảm khi mình đóng vai diễn ấy. Và họ đã nhút nhát vô cùng!!! Bạn biết không? Cũng chính vì cái thu mình trong cái mai rùa ấy để rồi họ đã chậm chạp suốt cả cuộc đời. Nhìn vấn đề đó cho phép ta liên tưởng tới một thực trạng của Phật giáo hiện tại. Sự cố chấp, bảo thủ và độc tôn đang che đậy cái uy tôn danh tiếng cá nhân. Chính điều đó đã làm cho Phật giáo ngày một trì trệ. Vì đa số con người trong Phật giáo thường không năng động lắm. Vì không năng động để mạnh dạn dấn thân vào cuộc đời thì lấy gì mà độ sanh, trong khi đạo Phật đang rất cần những trái tim thiện nguyện dấn thân một cách tích cực, mọi mặt trong xã hội đều cần có những vai diễn tương thích để từ đó ta uyển chuyển đem ánh sáng của đạo Phật vào trong cuộc sống nhằm mang lại an lạc hạnh phúc đích thực cho con người. Thế nhưng, đã mấy ai làm được chuyện đó, mấy ai chịu dấn thân phụng sự mà chỉ thấy toàn là những vỏ bọc cầu toàn của từng cá nhân được khép kín để làm thế an toàn cho mình, điều đó có nên hay chăng? Đã có mấy ai dám dấn thân đến các vùng sâu, vùng xa hỏi han đồng bào dân tộc đã liễu ngộ Phật pháp hay chưa? Bà con nơi ấy còn khó khăn lắm, các đạo tràng được thành lập có muốn đếm trên đầu ngón tay cũng không có để đếm. Ngược lại, để nói lên tính chất vô ngã hoằng pháp của đạo Phật ta có thể lấy hình ảnh hết sức ấn tượng trong việc dấn thân phụng sự một cách tích cực mà hầu hết các cảnh chùa đều tôn thờ, đó là biểu tượng của Bồ tát Quán Thế Âm. Ngài là biểu hiện của hạnh nguyện từ bi cứu khổ với 32 ứng hóa thân, Ngài luôn biết lắng nghe và chia sẻ với những nỗi khổ niều đau của thế gian bằng giọt nước cam lồ cùng diệu pháp uyển chuyển của cành dương liễu. Hình ảnh đó là lý tưởng sống tuyệt vời, Ngài hóa hiện khắp mọi nơi, đóng tất cả các vai diễn với mục đích đem lại an lạc cho tất cả mọi người, đó là tinh thần nhập thế mà tất cả mọi người cần phải sống theo. Đã không ít lần tôi tự hỏi, trong chúng ta đã thực sự học hạnh lắng nghe hết chưa? Xin đừng bao giờ lấy chức vụ, vị trí của mình ra áp đặt người khác phải nghe theo. Mà ta nên uyển chuyển tuỳ không gian và thời gian “nhập” đúng vai của mình để lắng nghe. Để làm gì ư? Để hiểu và thương. Nếu không lắng nghe ta sẽ không thể hiểu và nếu không hiểu thì không bao giờ ta xây dựng một tình thương vững chắc với tha nhân. Xin hãy thả lỏng cái tự ngã của mình để hòa nhập cùng nhân thế, đóng vai diễn của mình khi cảm thấy cần thiết. Hãy nhìn ngài Trần Nhân Tông thì thấy, khi binh biến, đất nước lầm than và cần ngài giải cứu thì ngài sẵn sàng xả thân vì đất nước, về làm vua để lãnh đạo quần hùng đánh đuổi quân Nguyên Mông về nước. Nhưng khi đất nước thịnh trị thì tư tưởng tu hành giải thoát đã không rời bỏ và ông sẵn sàng từ bỏ ngai vàng làm một ông thầy tu đúng nghĩa. Ngạc nhiên nhỉ! Cũng một người nhưng đóng hai vai diễn và hai vai diễn đó lại đóng rất đạt, để đến ngày nay ta thật sự ngưỡng mộ vô cùng. Thực tế thì mấy ai có thể xả bỏ vật chất một cách nhẹ nhàng? Coi tiền tài danh vọng như phù du để sống đời cô độc của người tu sĩ, duy chỉ có những người biết và dám xả bỏ cái bản ngã này một cách nhẹ nhàng thì mới có thể làm được như thế. Khi đứng ở một góc độ khác ta có thể thấy, mọi người đang kẹt là do không thể hòa nhập vì cái bản ngã đang tồn tại trong họ. Hiểu được tinh thần vô ngã và ứng dụng tinh thần đó vào đời sống thì các vai diễn sẽ trở nên linh hoạt hơn, cuộc đời như một bộ phim với rất nhiều vai diễn khác nhau và điều đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều nếu ta biết uyển chuyển trong từng hoàn cảnh. Hãy đánh tan đi cái cố hữu đang kẹt trong mình để hòa nhập với mọi thứ xung quanh, thể hiện sự hòa đồng tuyệt đối vào vai diễn mình đang sống, đang đóng vai thì mình sẽ cảm thấy vui hơn, cảm thấy an lạc hơn. Đó là lý tưởng thiết thực hiện tại của đạo Phật. Mọi thứ ta đang làm thì ta biết ta đang làm và làm một cách nhiệt tình. Sự thành bại của nó tất yếu sẽ xảy ra, nhưng đừng bận tâm vì vai diễn đó không thành công chứ không có nghĩa là các vai diễn khác ta đều không thành công. Bởi vậy, sống giữa cuộc sống này thì không nên hiểu rằng mình vô dụng, duy chỉ có người chưa hoàn thiện mà thôi, hãy lấy những điều chưa hoàn thiện đó làm chất xúc tác lớn để ta có thể hoàn thành tốt những vai diễn khác trong cuộc đời. Hãy thoát khỏi xiềng xích của bản ngã, hãy đặt cái thấy biết trong mỗi hành vi, việc làm của mình và cũng đừng bao giờ đem cái “mác”, cái nhãn hiệu của ta để áp đặt người khác phải nghe theo. Đời người này chỉ trong một hơi thở, thế nhưng trong một hơi thở ta lại phải đóng rất nhiều vai diễn khác nhau trong cuộc sống này. Nếu ta biết sống có nghệ thuật thì chính sự uyển chuyển, khéo léo của ta cũng sẽ đem lại niềm an lạc rất lớn cho mọi người. Tôi xin nhắc lại, thành công mà ta đạt được ở đây là thành công đem lại niềm vui cho người khác, có thể cùng họ chia sẻ những nỗi khổ niềm đau chứ không phải ta uyển chuyển “nhập vai” để ta lợi dụng làm hại người. Chỉ với đôi dòng chia sẻ cùng người bạn nhỏ của tôi. Có thể bạn cho đây là một sự tưởng tượng, nhưng nếu bạn cảm thấy những ý tưởng đó là đúng và có thể áp dụng đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta thì xin mời bạn! Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng diễn với nhau trong một cảnh của cuộc đời để ta có thể hoàn thiện cho nhau hơn bạn nhé!
Dòng Sông Tâm (hoalinhthoai.com) |
Vai diễn
Permalink
HTML code to copy to your site or email message:
Click below to select, Ctrl + C to copy.
<a href="https://daitangkinhvietnam.net/node/7602" title="daitangkinhvietnam.net">Vai diễn</a>