Đạo Sinh & nguyên lý Phật tánh

alt

 

 

Đạo Sinh (・ケ ・カ, khoảng 360-434) là một Phật học gia lỗi lạc của Phật giáo Trung Hoa. Đại sư sinh tại Bành Thành, xuất gia và tu học với Trúc Pháp Thái (319-387)(1) tại Kiến Khương. Khoảng năm 405 hoặc 406, sau khi trú tại Lô Sơn của Tuệ Viễn (・d ・・)(2) chừng 7 năm, Đạo Sinh bèn vân du đến Trường An(3) để theo học với Cưu-ma La-thập (Kumàrajìva, 344-413). Đại sư La-thập bấy giờ đã ở đó từ năm 401, với hơn 3 ngàn đệ tử quy tụ dưới trướng để tham học giáo nghĩa Đại thừa. Nhưng Đạo Sinh chỉ ở Trường An một thời gian ngắn, chỉ có 2 năm mà thôi. Thế nhưng, tuy thời gian kể như quá ngắn đó, cũng đủ để biểu lộ tài năng của Đạo Sinh qua việc ngài được đặt vào ngôi vị hàng đầu của "tứ kiệt"(4), đứng đầu Bát Hùng và Thượng thủ mười lăm đệ tử xuất chúng của La-thập.

 

Tuy tài danh như thế, nhưng ta không có chứng cứ rõ rệt nào về vai trò đặc biệt mà Đạo Sinh nắm giữ trong tiến trình, hay đóng góp vào những công cuộc dịch thuật chánh yếu của La-thập. Mặc dù Tăng Triệu ghi nhận rằng Đạo Sinh có tham dự trong việc dịch kinh Pháp Hoa của La-thập, nhưng không có tư liệu nào cho thấy Đạo Sinh bấy giờ là một khuôn mặt sáng giá hay là một phụ tá đắc lực của La-thập cả. Khi Đạo Sinh đến Trường An, thì công cuộc dịch thuật bộ Đại Trí Độ Luận (Mahàpràjna-pàramita-sàstra, Great Wisdom Treatise), gồm 100 quyển, hầu như đã hoàn tất. Từ năm 405 đến 408, thì một số kinh luận quan trọng khác cũng được dịch xong; gồm có: Duy Ma (Vimalakìrti-nirdesa), Pháp Hoa (Saddharma-pundarìka),Tiểu phẩm Bát Nhã (Astasàhasrikà-prajnàpàramità). Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong những năm này, Đạo Sinh lại viết luận sớ cho ba bộ kinh trên, tuy rằng sớ giải cho Tiểu phẩm ngày nay không còn tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Đến năm 408, không rõ duyên cớ gì, Đạo Sinh rời Trường An trở về lại Lô Sơn; rồi, vào năm 409, Đạo Sinh lại đến Kiến Khương, lần thứ hai. Đại sư trú nơi đó hơn hai mươi năm; vào năm 419 thì được biết là ngụ tại Thanh Nguyên tự (sau này gọi là Long Quang tự). Thời gian này đánh dấu sự trưởng thành của Đạo Sinh như là một nhà tư tưởng lớn, một Phật học gia có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành của các tông phái vào thế kỷ thứ VI như Thiền và Pháp Hoa.

 

Cũng trong thời gian này, Đạo Sinh xướng thuyết "Nhất-xiển-đề-ca cũng có Phật tánh"; Nhất-xiển-đề-ca (icchantikas) vốn là hạng người bị xem là hạ tiện không có tánh thể giác ngộ (tức Phật tánh) cho nên không thể đạt được giác ngộ. Xướng thuyết này của Đạo Sinh gặp phản ứng và gây tranh luận dữ dội trong giới Phật học đương thời. Đạo Sinh quyết chắc rằng họ cũng có Phật tánh, sau khi đọc phần đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahàparinirvàna sùtra) mới vừa được Pháp Hiển (340-420?) và Giác Hiền (Buddhabhadra, 359-429) dịch dang dở. Tư tưởng táo bạo mới mẻ này khiến Đạo Sinh bị trục xuất khỏi đạo tràng Kiến Khương vào năm 428 (hoặc 429); Đại sư bèn vân du đó đây cho đến năm 430 thì về đến Lô Sơn lần nữa.

 

Sau đó không lâu thì toàn bản kinh Niết Bàn được Đàm Vô Sấm (Dharmarakshema, 385-433 hay 436)5 hoàn tất vào năm 421 tại miền Bắc và lưu truyền đến Nam; bấy giờ người ta mới thán phục thần ngộ và viễn kiến sâu sắc của Đạo Sinh. Đạo tràng Kiến Khương vội cung thỉnh Đại sư trở về, nhưng ngài vẫn ở lại Lô Sơn, hoàn tất bản sớ giải kinh Pháp Hoa năm 432. Đến năm 434, đại sư thị tịch.

 

Đạo Sinh rút thành hệ luận hiển nhiên về sự phổ quát tuyệt đối của Phật tánh, sau khi đại sư đọc phần đầu của kinh Niết Bàn, mặc dầu phần này có một câu dứt khoát loại trừ hạng Nhất-xiển-đề-ca ra ngoài vòng giác ngộ. Chính vì thế mà tất cả Phật học gia đương thời đều tuyệt đối chấp nhận là Nhất-xiển-đề-ca không có Phật tánh. Họ không dám thách thức thẩm quyền của kinh điển (hermeneutical authority), bấy giờ vẫn còn trong thời kỳ phát triển, cho nên mỗi một bộ kinh được dịch đều được trân trọng và tuân phục. Riêng Đạo Sinh thì cho rằng cần phải biết siêu việt các biểu hiện của ngôn từ bề ngoài để đạt đến ý nghĩa chân thật tiềm tàng đàng sau ngôn từ đó.

 

Chính do nơi công trình luận giải của Đạo Sinh về Phật tánh mà phong trào học tập và chú sớ kinh Niết Bàn đã phát tiến trong thế kỷ IV, bước qua thế kỷ V và trải dài nhiều thế kỷ sau đó tại miền Bắc, tạo cho Bắc phương Phật giáo một sinh khí sôi động chưa từng có. Công trình này đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới Phật học gia của Phật giáo Trung Hoa, và đã làm cơ sở cho sự phát xuất của Thiền tông về sau này. Tuy nhiên, đương thời phong trào học tập này vẫn chưa hình thành được một trường phái hay tông phái theo đúng nghĩa của nó, mà phải đợi đến thế kỷ VI, ta mới thấy có sự phát triển trong tiến trình thành lập tông phái. Mặc dầu thế, sự chú trọng về một bản kinh đặc biệt như kinh Niết Bàn và triết thuyết của kinh này, không có một nhà hoằng pháp hay một vị tổ Ấn Độ nào tham dự trong hệ thống truyền thừa, là một điều vô tiền khoáng hậu tại Trung Hoa. Chỉ một điểm này thôi, cũng đủ đưa Đạo Sinh lên ngôi vị hàng đầu - ngôi sáng Tổ - trong tiến trình thành lập các tông phái ở những thế kỷ sau.

 

Sở dĩ phải đợi đến thế kỷ VI mới có sự hình thành của các tông phái là vì trước đó, kể từ khi Phật pháp được truyền vào Trung Hoa, các kinh điển được lần lượt dịch sang Hán văn, được giới thượng tầng - quý tộc, vua chúa, vương giả và trí thức - đón nhận và thán phục, nghiên cứu, thuyên giải, tu học, biện luận, viết soạn luận sớ giải về những tiêu đề có tính cách triết lý thâm sâu nêu lên trong các kinh điển khác nhau. Các đạo tràng khi ấy quy tụ thành phần tham cứu như thế, không mang hình thức tu tập có tính cách tôn giáo. Phải đợi đến khi Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma, khoảng 520) đến Trung Hoa, chấn chỉnh tình trạng quá khích đó, xiển dương truyền thống tu tập thiền quán trong tự viện như ở Ấn Độ, bấy giờ mới dần dần có sự hình thành các tông phái theo đúng nghĩa của nó(6).

 

Theo sự nghiên cứu của Thủy Dã Hoằng Nguyên (Mizuno Kògen)(7) thì trong thời gian này, có những trào lưu học tập các bộ kinh lớn như A-tì-đàm (Abhidharma-kosa sàstra), Thành Thật (Satyasiddhi sàstra), Niết Bàn (Mahàparinirvàna sùtra, Địa Luận (Dasabhùmika sùtra sàstra) (8), Nhiếp Luận (Mahàyànasamgrha sàstra)(9), Tam Luận(10); mãi cho đến thời nhà Đường thì mới có Hoa Nghiêm (Avatamsaka sùtra), Pháp Hoa (Saddharma-pundarìka sùtra), và Duy Thức (Pháp Tướng, Vijnaptimàtratàsiddha sàstra). Tất cả các trào lưu học tập trên, hợp cùng với Luật, Mật, Thiền và Tịnh độ, tạo thành 13 "tông phái" của Phật giáo Trung Hoa. Gọi là "tông phái" cho giản tiện, thật sự thì như đã nhận định, 9 tông trên nghiêng hẳn về khuynh hướng học tập, không chủ trương tổ chức có hệ thống hẳn hoi như tự viện; và đó cũng là một sự kiện quan trọng đáng chú ý: 3 năm sau cơn Pháp nạn Hội Xương (845), thì 9 tông này dần dần bị suy diệt hẳn, không hồi phục được sinh khí của những thế kỷ đầu(11), nhường chỗ cho các tông Luật, Mật, Thiền và Tịnh độ hồi sinh và trường tồn cho đến ngày nay.

 

Điều này cũng khác biệt với điều mà ta thường tin tưởng xưa nay, là Phật giáo chỉ có 10 tông phái mà thôi. Theo Ngưng Nhiên (Gyònen, 1240-1321), một cao tăng Đông Đại tự, Nhật Bổn, người soạn Tam quốc Phật pháp truyền thống Duyên khởi (Sangoku Buppò Dentsù Engi) mà Thủy Dã Hoằng Nguyên đã dựa theo, thì chỉ có 6 tông tại Trung Hoa - Thành Thật, Tam Luận, Pháp Tướng, Câu Xá (12), Hoa Nghiêm, và Luật - là được truyền vào Nhật Bổn, tại Nại Lương khoảng những năm 710-794. Do vậy, 6 tông này được gọi là Lục Nại Lương Tông. Trước đó, cũng trong thời đại này, đã có Thiên Thai và Chơn Ngôn tông truyền đến thủ đô Đông kinh (Kyoto, còn được gọi là Heian-kyò, Bình An kinh) rồi; đó là Nhị Bình An Tông. Đến thời Liêm Thương (Kamakura, 1185-1336) thì 2 tông Thiền và Tịnh độ đã phổ biến khắp nước. Cho nên Ngưng Nhiên tổng hợp tất cả lại, gọi là 10 tông phái Phật giáo, dựa theo sự phát triển tại Nhật Bổn(13). Thời hiện đại, giáo sư Takakusu Junjiro dựa theo đó mà viết The Essentials of Buddhist Philosophy, dịch là Mười tông Phái Phật giáo(14), đưa đến điều ai cũng ngỡ là Phật giáo chỉ có 10 tông phái mà thôi.

 

Trong danh sách các luận gia viết sớ giải cho kinh Niết Bàn, và biện luận về Phật tánh, Đạo Sinh được đặt hàng đầu; đại sư đứng đầu không phải chỉ vì theo thứ tự thời gian, mà cả vì là người khởi sáng của truyền thống này nữa. Vào năm 509, theo lịnh của Lương Võ Đế (tại vị: 502-550), Bảo Lãng (444-509) hay Tăng Lãng hoặc cả hai, thâu thập toàn bộ các bản luận, sớ, giải về kinh Niết Bàn, lập thành danh sách mười tác phẩm, với bản của Đạo Sinh đứng đầu, có cả bản của Bảo Lãng, là một hợp tuyển gồm 71 quyển. Thế nhưng, sau thời Lương Võ Đế, phong trào học tập kinh Niết Bàn tại miền Nam dần dần bị xao lãng, để rồi bị phân hóa vào trong các trào lưu học tập khác. Trong khi đó thì truyền thống này lại được hồi sinh tại miền Bắc vào thế kỷ VI và VII, với nhiều bộ mặt kiệt xuất như Đàm Nghiêm (516-588), Pháp Xướng (567-645)(15), v.v...

 

Nguyên lý về Phật tánh do Đạo Sinh khởi xướng cũng đưa đến nhiều thuyên giải khác nhau. Đầu tiên là "ba nhà", sau đó phân tán thêm ra thành 10 hay 11 cách thuyên giải; và trong nhóm nào thì Đạo Sinh cũng được liệt danh hàng đầu. Vấn đề căn bản mà ba nhà nêu lên là chúng sinh vốn đã có Phật tánh, ngay hiện thời, hay trong tương lai. Và bản thể của Phật tánh là như thế nào. Đạo Sinh, lập "nhà" thứ nhất, định nghĩa đó là "điều mà chúng sinh có được, hay đạt được, như là kết quả của quá trình tu tập đến lúc đạt được giác ngộ." Còn Đàm Vô Sấm, thủ lãnh nhà thứ hai, vốn là người dịch toàn bộ kinh Đại Niết Bàn, gồm 40 quyển, thì đồng nhất bản thể của Phật tánh với điều mà chúng sinh vốn đã có sẵn, như Trung đạo (Madhyama-pratipad, Middle Path) hay Như thị (Bhutatathata, Suchness). Nhà thứ ba, do Đạt Diệu (khoảng 400-475) chủ xướng, là đứng giữa hai lập luận trên, cho rằng Phật tánh như là "chánh nhân" (nguyên nhân chân chánh, right cause) gồm có để đạt Phật quả thì đã có sẵn trong mỗi chúng sinh(16). Còn trường hợp 10 kiến giải triển khai về sau, thì những ngữ từ đồng hợp với Phật tánh gồm có lý của Đức Phật, chân thần (true spirit), tạng thức (alaya-vijnana, a-lại-da thức, storehouse consciousness), hay tịnh thức (amala-vijnana, pure consciousness), v.v. Hai thức này được các luận sư Địa luận tông ở thế kỷ VI đề xướng, sau hội nhập vào Hoa Nghiêm tông ở thế kỷ VII, trong khi Nhiếp luận tông thế kỷ VI thì hội nhập vào Pháp tướng tông ở thế kỷ VII. Tất cả những dữ kiện này cho thấy hình bóng của Đạo Sinh không chỉ ngự trị trong thời đại của ngài và qua kinh Niết Bàn mà thôi, mà đã xuyên suốt đến nhiều thế kỷ sau và ảnh hưởng lớn đến những nguyên lý và các kinh điển lớn khác. Điển hình là, "tông" Niết Bàn được xem như là tiền thân của tông Pháp Hoa; còn lý tắc về sự phổ quát của Phật tánh thì đã thẩm thấu vào tông Hoa Nghiêm, và nhất là vào văn học Thiền tông, làm nguyên lý căn bản và trọng tâm cho Thiền tông và cho kinh Pháp Bảo Đàn (Platform Sutra).

 

 

Tuệ Hạnh dịch (Nguyệt San Giác Ngộ 174)

 

(Dịch theo: Young-Ho Kim, Tao-Sheng’s Commentary on the Lotus Sutra: A Study and Translation.State University of NY Press: Albany, NY. 1990, các trang: 16-18, 65-66). (1) Đệ tử Phật Đồ Trừng (mất năm 349), là một trong số những nhà hoằng pháp đầu tiên từ Ấn Độ đến Trung Hoa. Đạo An sơ thời có học tập với Phật Đồ Trừng, là người đề nghị dùng từ Thích làm họ cho tất cả hàng Tăng sĩ xuất gia, đều là con của Đức Phật Thích Ca. Đương thời, vì là đệ tử Trúc Pháp Thái nên Đạo Sinh còn được gọi là Trúc Đạo Sinh. (2) Từ dịch âm Hán ngữ, được sửa lại theo đúng nghĩa và cách đọc. 2 chữ ・d và ・ィ, xưa nay thường được gọi chung là Huệ, mặc dù cả hai có nghĩa hoàn toàn khác nhau. ・d, từ điển dịch là Tuệ, có nghĩa sáng suốt, minh mẫn, thuộc phần Trí; còn ・ィ dịch là Huệ, có nghĩa lợi ích, nhơn ái, thuộc phần Phước. Do đó mà chữ Hán phân biệt rõ ràng giữa Tuệ ・d và Huệ ・ィ, mặc dầu cả hai đều có âm đọc Quan Thoại là "hui". Vì vậy, gọi Tuệ Tư ・d ・v, v.v. là Huệ Tư, thì sai. (3) Thời bấy giờ là kinh đô nhà Đông Tấn, 317-420. Trường An và Lô Sơn là hai đạo tràng học thuật bấy giờ, được gọi là truyền thống Bắc phương và Nam phương Phật giáo, lấy sông Dương Tử làm ranh giới. (4) Gồm Đạo Sinh, Tuệ Quán (nổi danh khoảng 420), Tăng Triệu (374-414) và Tăng Duệ (378-444?). Tuệ Quán, sau khi La-thập thị tịch năm 413, thì đến giúp Giác Hiền (Buddhabhadra, 359-429) về dịch thuật và là người đề xướng Phán giáo Đốn và Tiệm ngộ, phân làm 5 thời là: A-hàm, Bát-nhã, Duy Ma, Pháp Hoa và Niết Bàn; Ngũ thời Bát giáo của Trí Khải đại sư (538-597) chính là phát triển dựa trên Phán giáo này của Tuệ Quán. Tăng Duệ, còn gọi là Tuệ Duệ, trợ bút cho La-thập, cho rằng kinh điển Đại thừa và Tiểu thừa (đương thời là đề tài bàn cãi sôi nổi về giáo nghĩa) được thành lập là vì căn cơ chúng sinh sai biệt nhau để làm phương tiện giúp chúng sinh giác ngộ; do đó, A-hàm dạy hành giả pháp giải thoát triền phược phiền não, Pháp Hoa chỉ bày Phật tri kiến, Niết Bàn gom đức tin về một mối; kinh điển không có cao thấp lớn nhỏ, lợi hay độn là tùy căn cơ mỗi chúng sinh. Tăng Triệu viết 4 tiểu luận, hợp thành Triệu Luận, do Tuệ Hạnh Việt dịch năm 1973 và cố HT Thích Duy Lực trùng dịch khoảng năm 1985. (5) Các bản dịch xưa đọc là Đàm Vô Sấm, nổi danh về quyền năng thần thông, tiên tri, sống vào thời nhà Lương vùng Tây Bắc Trung Hoa, được vua Mạnh Tuân tôn làm Quốc sư. (6) Theo Thủy Dã Hoằng Nguyên. (7) Mizuno Kògen, Kyòden: Sono Seiritsu to Tendai (Buddhist Sùtras: Origin, Development, Transmission). Nhà xuất bản: Kòsei Pub. Co, Tokyo, 1982. (8) Do Thế Thân (Vasubhandu, khoảng tk 4-5) soạn, có khuynh hướng Tiểu thừa (9) Do Vô Trước (Asanga, khoảng tk 4-5) soạn. (10) Gồm 3 bộ: Trung luận (Màdhyamaka sàstra), Bách luận (Satika sàstra) và Thập nhị môn luận (Dvàdasamukha sàstra). (11) Sđd, tr. 149-151. (12) Sau hội nhập vào Pháp Tướng hay Duy Thức tông. (13) Sđd, tr. 151. (14). Do Thích Tuệ Sỹ dịch, thời còn là Sa-di, trú xứ tại Viện Cao đẳng Vạn Hạnh (1964-1966), tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh (1966-1975) - cho nên còn một vài sai lạc, tuy được tái bản nhiều lần. (15) Chưa tìm được tiểu sử vị này. (16) Lý là một nguyên lý trọng tâm của Nho gia, về sau là trọng điểm của Tống Nho; ở đây tạm xem như là đồng nghĩa với Phật tánh, Chân như, nguyên thể, vv...