Hạnh phúc là hết khổ đau

image

Sự thật thứ ba là diệt đế

Sự thật mầu nhiệm thứ ba là chấm dứt những nguyên nhân của khổ đau (diệt đế). Hết đau khổ là hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không còn là ý niệm mà là kinh nghiệm thật sự sau khi vượt thoát khổ đau. Đau răng là cảm thọ khó chịu nhưng không nhức răng là hạnh phúc. Đói là nỗi khổ thắt ruột nhưng khi được ăn no thì có phải là sung sướng hay không? Cho nên khổ đau làm ra hạnh phúc; giận hờn biến thành xót thương; rác bẩn nuôi dưỡng hoa thơm… Đó là tính tương tức và tương nhập của mọi hiện tượng trong sự sống.

       Nếu sự chấm dứt mà không phải chuyển hóa khổ đau thì đó chưa phải là diệt đế, có thể ta chấm dứt cái gì đó nhưng không phải nguyên nhân khổ đau. Ngồi thiền không suy nghĩ gì cả mà chỉ muốn an ổn để trốn tránh mọi vấn đề thì giống hệt như con thỏ chun xuống hang để tránh né mọi thú dữ. Sự thực tập này không giải quyết được gì, lúc ấy ta không tu tập theo phương pháp tứ diệu đế. Ngồi thiền, đi thiền, tụng kinh, ăn cơm làm sao có thể tiếp xúc trực tiếp với giận hờn, đam mê, nghi ngờ và sợ hãi. Cuối cùng ta phải bứng cho bằng được nguồn gốc của nó thì mới đi đúng con đường tứ diệu đế. Bởi thế cho nên, ta không sợ hãi khổ đau, không có mặc cảm mỗi khi nó biểu hiện trong ta. Cũng như vậy, nếu người khác đang thực tập để đối diện với khổ đau thì ta nên yểm trợ và tôn trọng mà đừng chọc quẹo, coi thường hoặc mỉa mai người đó; chính khổ đau này sẽ làm cho người kia lớn lên. Không nên nghĩ tu là không được giận hờn, ham muốn, buồn tủi… Ta không nên làm bộ cười hề hề, biểu lộ thái độ dửng dưng, cho rằng ta không có vấn đề gì hết. Thái độ như thế sẽ không thể nào đi xa được trên con đường chuyển hóa, bởi vì ta tránh né sự thật, làm bộ giải thoát, mang một chiếc mặt nạ thánh hiền. Trong khi đó, khối tự hào, cố chấp, sân si, dục vọng trong ta có thể vẫn còn nguyên vẹn. Vì vậy, ham muốn biết ta đang ham muốn, giận hờn biết ta đang giận hờn, lo sợ biết ta đang lo sợ... Cũng giống như, lạnh biết ta đang lạnh, đói biết ta đang đói, ghiền phim ảnh trần lụy biết ta đang ghiền. Đó là bước đầu tiên trên con đường giải thoát. Cảm nhận cơn lạnh, ta mặc áo vào thì hết lạnh. Thầy mặt ham muốn, kinh nghiệm được cơn sốt thì ta không còn ham muốn nữa. Đó đích thật là giải thoát và hạnh phúc (diệt đế). Kết quả của bốn sự thật đưa ta qua tới bờ an lạc. 

       Người nào cứ cười hề hề và tuyên bố: tôi đâu có khổ gì thì người ấy có thể đang đi lạc đường và chưa biết gì về giáo lý cốt tủy của Bụt. Sở dĩ Bụt thành đạo, trở thành bậc toàn giác, đó là nhờ Người đối diện thẳng với bốn sự thật. Trong kinh chuyển pháp luân, Bụt dạy:

      “Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ ba: sự chấm dứt khổ đau. Đó là trí tuệ, hiểu biết, nhận thức được sự thật về bản thân và cuộc đời.  Trí tuệ này, cái thấy này đưa lại sự chấm dứt mọi sầu đau và làm phát sinh niềm an lạc.” 

        Cũng vậy, ta nên thường xuyên tiếp xúc với những yếu tố tươi đẹp, lành mạnh và yêu thương như bầu trời xanh, bông hoa thắm, núi tuyết trắng, lời nói hay... Sự sống luôn chứa đựng cả hai mặt khổ lạc, vui buồn, thương ghét… Tiếp xúc với cái gì thì ta là cái đó. Thấy bầu trời xanh, lòng ta thênh thang. Thở hơi thở nhẹ, ta cảm thấy khỏe khoắn. Nhìn cảnh hoàng hôn, ta cảm thấy sung sướng. Uống ly trà nóng, ta nếm được hương vị thơm ngon… Do đó, ta không nên có thái độ tiêu cực mà chú ý quá nhiều tới khổ đau, làm như thế, cuộc đời sẽ dễ trở nên đen tối. Chính vì thế, Sư Ông Làng Mai thường khích lệ mọi người hãy nuôi dưỡng thật nhiều hạnh phúc và an vui để có đủ năng lượng mà sống sâu sắc đời mình. 

       Vậy nên, em hãy nhìn bông hoa, nở nụ cười, thưởng thức cảnh đẹp huy hoàng của mặt trời đang lặn! Đó là tịch diệt, là trạng thái sung sướng. Tịch diệt là vắng lặng, lặng lẽ mà sáng suốt, vì vậy cho nên bầu trời xanh hiển hiện, tiếng gió chiều vi vu… Tịch diệt không phải là cái gì cao siêu ghê gớm lắm đâu! Nó là hạnh phúc, là khả năng biết rõ ràng và thấy như thật rằng: ta đang có hạnh phúc, chứ không có hạnh phúc tương đối hay tuyệt đối gì cả. Ta hãy lấy đi sự kỳ thị và phân biệt rạch ròi về hai thế giới ấy. Bầu trời xanh làm ta thênh thang, không khí trong lành cho ta sự mát mẻ và khỏe khoắn. Như thế bầu trời, không khí đều là tịch diệt mà ta cũng là vắng lặng. Tạm bợ hay chân thật, tương đối hay tuyệt đối đều do tâm phân biệt tạo dựng lên mà thôi. Mỗi khi tiếp xúc thật sự với sự sống mầu nhiệm, lành mạnh và tươi mát thì ta nếm được hạnh phúc liền.

 

Pháp Đăng