Sự thật mầu nhiệm thứ hai là những nguyên nhân đưa tới khổ đau (tập đế). ‘Tập’ nghĩa là tụ tập, tập thành, tập hợp lại nhiều điều kiện một cách đầy đủ thì nỗi khổ kia mới biểu hiện ra. Không phải chỉ có nỗi khổ mà tất cả mọi hiện tượng đều không thể nào do một nguyên nhân tạo thành.
Ở xóm Bạch Vân có một cây hoa ngọc lan thường trổ nụ vào giữa mùa Đông, vì trời lạnh quá nên những chiếc nụ kia mặc cho mình mấy lớp vỏ rất chắc, mỗi lớp vỏ đều có tua tủa những sợi lông. Các nụ hoa cứ nằm yên như thế cho đến khi nắng thật ấm, tuyết tan hết thì chúng nở ra hàng ngàn bông hoa trắng xóa. Chỉ cần thiếu một điều kiện thôi như trời quá lạnh thì bông hoa vẫn chưa có thể biểu hiện ra được. Như thế, Đấng sáng tạo (Creator) không thể nào tồn tại biệt lập và cũng không có khả năng sáng tạo bất cứ hiện tượng gì trong sự sống, cho nên Bụt tuyên bố: ‘Các pháp do duyên sinh, các pháp do duyên diệt’.
Bây giờ, ta hãy khám phá những nguyên do nào tạo ra khổ đau. Bụt dạy: “Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ hai: nguyên nhân của khổ đau. Vì u mê, vì không thấy và không hiểu được sự thật về bản thân và cuộc đời cho nên con người bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng, sợ hãi và thất vọng đêm ngày đốt cháy và hành hạ”.
Thế là, nguồn gốc chính của khổ đau là vô minh, không thấy, không hiểu được “sự thật” nên mới sinh ra chất liệu tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng, sợ hãi và thất vọng. Tuy nhiên, ta có thể quán chiếu và khám phá cho tường tận những nguyên nhân xa gần, nguyên nhân chính phụ một cách đầy đủ làm giàu thêm cho Bụt về giáo lý tập đế, bởi vì khổ đau nào cũng có nguồn gốc xác thật của nó.
Nguyên nhân thứ nhất là vô minh, tức là không có ánh sáng, không có sự hiểu biết, có lúc nó còn được gọi là ngu si và đam mê. Có hai con chó nhà hàng xóm thường ưa đùa giỡn với nhau rất vui vẻ, nhưng mỗi khi ăn một khúc xương thì chúng giành giựt thật dữ tợn. Một hôm, chủ nhà quăng cho hai con chó một khúc xương giả làm bằng chất nhựa mà chúng đâu có biết. Vậy nên, hai con chó tranh giành lẫn nhau, cắn xé nhau đến chảy cả máu mồm, rách cả mặt. Khi giựt được khúc xương giả tạo ấy, con chó đen ra sức gặm, cắn, nhai và nuốt nước miếng ừng ực. Con chó kia không biết rằng nước miếng ngọt ấy không phải từ thịt của khúc xương mà từ sự thèm khát của nó tiết ra thành nước miếng.
Trong kinh Bảo Tích, Bụt cũng kể một câu chuyện khác về sự mê muội này: “Con chó nọ bị bác nông dân ném cục đất trúng ngay vào thân thể của nó; con chó đau điếng rung cả mình lên nên quay lại sủa ầm ỉ và cắn xé vào cục đất. Bụt bảo: con chó không biết cục đất kia không phải nguyên nhân đích thực gây ra sự đau đớn cho nó, mà do bác nông dân ném cục đất. Cũng vậy, này các vị sa môn, hình sắc không phải nguyên nhân tạo ra sự đam mê và ham muốn mà do hạt giống si mê, ái nhiễm và tham đắm thúc dục biến thành năng lượng thất điên bát đảo trong ta.”
Anh Tân trở về Việt Nam lần đầu tiên sau hai mươi lăm năm xa cách quê hương. Anh tiếp xúc được với biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu và cảm nhận được tình cảm đậm đà của bà con hàng xóm. Với niềm thương ấy, anh làm quen với chị Tuyết, vốn là người cùng làng. Anh chị hẹn hò, tâm tình và thương yêu nhau thật mau chóng. Anh Tân tin rằng mình đã tìm ra người yêu chung thủy, và tình yêu nóng bỏng này đem lại cho anh nhiều hạnh phúc. Hai người liền đính hôn với nhau và trong vòng mấy tháng anh làm giấy bảo lãnh đưa chị Tuyết qua Mỹ. Hai người sống với nhau chưa tới hai năm thì một hôm nọ, chị Tuyết bỏ nhà ra đi để lại lá thư xin lỗi.
“Anh Tân thương mến! Tuyết thật sự không yêu anh như anh tưởng. Chỉ vì muốn được qua Mỹ để có cơ hội đi học làm nên sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền giúp đỡ cho gia đình nên em mới giả vờ yêu anh tha thiết. Mong anh tha thứ cho!”
Do không thấy rõ sự thật nên anh Tân lỡ trao hết trái tim và tình yêu cho chị Tuyết, bởi thế sau khi chị Tuyết ra đi, anh Tân đau khổ da diết. Anh trở thành con người hung dữ, chua chát, đầy bất mãn. Anh thù ghét tất cả các cô gái người Việt. Nỗi khổ ấy do không có trí tuệ, không hiểu, không thấy rõ sự thật tạo ra tình yêu bất hạnh. Anh không hiểu tình hình nghèo khổ ở quê nhà, không biết phong trào ‘tình yêu giả’ và ‘đám cưới vờ’ của một số người trẻ, vì họ chỉ muốn đi nước ngoài. Cô Tuyết là một người trong phong trào ấy, và anh Tân là nạn nhân của tình yêu giả dối đưa tới khổ đau, buồn giận.
Nỗi khổ nào cũng có nguyên nhân của nó. Đau bụng có thể do vi khuẩn trong thức ăn nên đường ruột bị sình hơi, tiêu chảy hoặc căng ruột. Đau răng bởi thức ăn dính vào kẽ răng lâu ngày nên nướu răng bị nhiễm độc làm sưng hàm răng. Mất ngủ do lo lắng quá độ. Tai nạn xe cộ tạo ra sự chết chóc và tật nguyền do sự say sưa, lái xe liều lĩnh… Mỗi khi nhận diện rõ ràng mặt mũi khổ đau thì tất nhiên ta cũng từ từ khám phá được những nguồn gốc của nó. Nhờ thế, ta có thể ngăn ngừa hoặc chấm dứt chúng để đừng đưa tới đau khổ không cần thiết. Nếu nguyên nhân không dính líu gì tới khổ đau, không giải quyết được khổ đau đang xảy ra thì đó không phải là tập đế. Bởi không thấy rõ nguồn gốc của khổ đau, cứ chạy loanh quanh ra ngoài mà tìm nguyên nhân đâu đâu thì rốt cùng ta thường hay đổ lỗi, buộc tội và trách móc. Do đó, ta không thể nào chuyển hóa tình trạng đau khổ thật sự.
Nguyên nhân thứ hai là ‘bất tri’ tức là không thấy hoặc không biết. Có những khổ đau mà không thấy được mặt mũi của chúng thì đó là nguyên nhân làm cho ta khổ. Giận mà không biết là đang giận, cứ nổi nóng lên rồi la mắng, chửi bới, nguyền rủa mọi người vì ta không thấy nguồn gốc của nó là tính tự ái trong ta quá lớn; hễ ai nói gì, làm gì thì ta liền nổi giận. Giống như người say rượu, bước đi nghiêng ngã, vậy mà cứ nói: “Tui đâu có say, người nào dám nói tui say…” Đó gọi là bất tri, tức là không thấy, không biết sự thật.
Khi giận biết đang giận nên ta không nói năng vụng dại hoặc hành động có thể tạo thêm đổ vỡ. Đó là người có trí tuệ. Ta trở về với hơi thở ý thức để phòng hộ năng lượng giận hờn, nhờ thế ta tìm ra được cơn giận đã có sẵn trong tâm phát xuất từ sự tự ái, hờn dỗi, trách móc, cố chấp. Thấy như vậy là đi đúng con đường của tứ diệu đế. Nguyên nhân kia trở thành cao quí và mầu nhiệm. Tại sao thế? Bởi vì nó có công năng chuyển hóa giận hờn thành tha thứ, bao dung. Bụt nói lên sự thật về khổ đau không có nghĩa là tất cả những gì trong cuộc đời đều đau khổ. Cơn lửa hận thù đang đốt cháy chúng sinh là sự thật về khổ đau, nhưng khi nhận diện và thấy được nguyên nhân đích thật tạo thành ngọn lửa thì nó chuyển hóa từ từ. Đó gọi là diệt đế. Hết giận là tha thứ, an ổn và thanh lương. Đó không phải là hạnh phúc còn là gì nữa? Diệt là năng lượng, là cái thấy, là ánh sáng có công năng chấm dứt những nguyên nhân gây ra khổ đau, đem lại an lạc, giải thoát. Đi thiền hành ngoài trời vào mùa Đông buốt giá ở miền Nam nước Pháp, tay chân lạnh cóng đến đau nhức, nhưng khi vào được trong thiền đường, được hơ hai bàn tay trên lò sưởi, ta cảm thấy dễ chịu, ấm áp vô cùng. Mỗi khi đói bụng được ăn một bát cơm nóng, ta cảm thấy no ấm đến sung sướng. Bởi vậy, khổ đau có thể làm ra an lạc; tuyệt vọng có thể trở thành hy vọng; nghi ngờ có thể làm ra tin yêu; hận thù có thể trở thành hòa bình… Cho nên ta phải tìm hạnh phúc ngay ở trong lòng của khổ đau.
“Không thấy, không hiểu sự thật về bản thân và cuộc đời cho nên con người mới bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng, sợ hãi, thất vọng thêu đốt và hành hạ.” Bản thân là năm uẩn. Cuộc đời có liên hệ mật thiết tới năm uẩn, nghĩa là tất cả mọi hiện tượng trong đó có mẹ, cha, gia đình, học đường, thế gian… đều thuộc về năm uẩn. Vì vậy, năm uẩn không phải là một thực tại riêng biệt, cứng ngắt đâu nhé! Không hiểu cha nên ta mới giận cha, không thấy những nhọc nhằn, lo âu, sợ hãi của mẹ nên ta mới nổi nóng với mẹ. Thấy bạn học giỏi nên ta đâm ra ganh tỵ, ghét bỏ rồi nói xấu bạn, thay vì gần gũi, học hỏi với bạn để ta cũng trở thành học sinh giỏi như người kia.
Cũng vậy, ta có mặc cảm là người không ra gì, không có tài năng, không lanh lẹ, không thông minh, nói năng không lưu loát cho nên ta cảm thấy chán nản, buồn rầu và thất vọng. Đó là những khối khổ đau do không hiểu về bản thân. Trong khi đó, ta chưa từng có cơ hội đào sâu vào con người chân thật của ta. Vậy, ta phải cố gắng vương lên, tạo thành ý chí học hỏi, tìm tòi, khám phá bởi cha mẹ, ông bà và tổ tiên đã trao cho ta một kho tàng vô giá, chứa đựng tất cả tinh ba của sự sống. Ta có đầy đủ tài năng, nghệ thuật và sự thông minh như bao nhiêu người khác. Ta có năng khiếu rung cảm, có thể suy tư, tưởng tượng, phân tích, làm thơ, viết văn, thương yêu, hiểu biết… Vì mặc cảm tự ty, tự phụ nên ta không chịu học hỏi thêm kiến thức, trao dồi kinh nghiệm, vì vậy kho tàng châu báu kia chưa được khai mở mà thôi.
Bên cạnh đó, con người đang chịu vô lượng khổ đau, vì mỗi người không tự biết họ cùng chung một cội nguồn thể tính với tất cả mọi người và mọi loài khác. Từ vô minh, ta chia thành từng bản ngã riêng biệt, nguồn gốc của chia rẽ, sợ hãi và tranh chấp, do đó ta trở nên tham lam, giận hờn, nghi ngờ, giành giựt lẫn nhau. Đó là nguyên nhân tạo ra bao nhiêu niềm đau thống khổ, làm rối loạn tâm linh sáng chói tự bao đời. Nếu biết thực tập an tâm trở lại, ngồi cho yên, đi cho vững, nhìn cho sâu vào sự sống bản thân và cuộc đời thì ta có thể đạt tới sự hiểu biết rằng: chúng ta cùng một thể, người nào cũng cần được hiểu biết và chấp nhận, người nào cũng có một kho tàng châu báu. Tóm lại, chỉ có trí tuệ mới đủ sức chuyển hóa được mọi phiền muộn, khổ đau và chia cách, từ đó trái tim ta tuôn lên được dòng suối mát mẻ của thương yêu.
Ta mới nêu ra một vài nguyên nhân nhưng chúng là những nguyên nhân căn bản. Tuy nhiên, nỗi khổ nào cũng có nhiều nguyên nhân đầy đủ, chính nỗi khổ cũng rất đa dạng, có những khổ đau gây ra bởi thời tiết bất thường như quá nóng quá lạnh, có những bệnh tật do vi trùng, vi khuẩn đưa tới, có những nỗi khổ do thiếu ăn, thiếu mặc, tai nạn xe hơi. Có những đau nhức nằm trong thân thể, có những niềm đau thuộc về liên hệ tình cảm, có những khổ đau biểu hiện ra từ cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức.
Thế là, thân thể cần phải quán chiếu và học hỏi để hiểu rõ sự vận hành, hoạt động của nó. Nhờ vậy, ta mới tìm ra những nguyên nhân đưa tới đau nhức, bệnh tật trong cơ thể để ngăn ngừa và điều trị. Vì ăn món đó nên ta đau bụng. Vì uống rượu nên ta say sưa, mất tự chủ. Vì nghe những lời đàm tiếu nên ta cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Vì xem những chương trình truyền hình bạo động, thèm khát nên ta cảm thấy bất an… Đối với tâm tư, cảm thọ, tri giác, ta cũng thực tập khám phá tường tận những nguyên đích xác như trên. Đó gọi là tập đế.
Pháp Đăng