Phải thận trọng, chớ tin ý ông

04-Duy Thức Học

-  Phật có dạy chúng ta cần nghe cho kỹ, sau đó hãy nghĩ xem lời đó có hợp lý không, nếu hợp lý hãy đem ra thực hành.  Đó chính là VĂN- TƯ –TU.  Tuy nhiên trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật lại dạy: “Phải thận trọng, chớ tin ý ông. Phải chứng được A-la-hán rồi mới có thể tin được ý ông".  Ông nghĩ gì về lời nói này?  Phật có mâu thuẫn với chính mình không , vì một đằng Phật bảo người ta suy nghĩ cho kỹ, một đằng lại bảo chớ tin vào ý mình?


-  Không phải như lời ông nói.  Nguyên văn lời dạy của Phật trong kinh văn chữ Hán như sau:

“Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín.
Thận vật dữ sắc hội. Sắc hội tức họa sanh. Đắc A La Hán dĩ, nãi khả tín nhữ ý.”

 

Dịch sang tiếng Việt thì đại ý như sau: “Cẩn thận chớ có tin ý của ông. Ý của ông không đáng tin. Cẩn thận chớ gần gũi với sắc. Gần gũi với sắc thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin ý của ông được.”

Bỏ đi một chữ thì đã oan ba đời chư Phật.  Nay ông bỏ đi cả câu thì ông nghĩ như thế nào?

-  Quả thực tôi không biết toàn câu, chỉ nghe người ta nói lại, nên thắc mắc mà hỏi ông vậy thôi.

-  Tôi chỉ đùa ông một chút mà thôi.  Chính bản thân tôi đã nghe một vị tôn túc cũng từng nói y hệt như ông.

-  Bây giờ được biết toàn câu, nhưng tôi vẫn chưa hiểu.  Vậy ông có thể giải thích câu trên như thế nào?

-  Trước tiên tôi phải minh định với ông một điều là câu trên được dịch theo ý của tôi, chứ một số bài mà tôi đọc thì chữ “sắc” được dịch từ chữ Hán sang chữ Việt là “sắc dục” hay “nữ sắc”.  Như vậy toàn câu đại khái được dịch là: “Cẩn thận chớ có tin ý của ông. Ý của ông không đáng tin. Cẩn thận chớ gần gũi với nữ sắc/sắc dục. Gần gũi với nữ sắc/sắc dục thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin ý của ông được”.

Điều minh định thứ hai của tôi là nghĩa chữ “Tư” trong  VĂN –TƯ – TU khác với nghĩa của chữ “Ý” trong câu phật dạy ở trên.  Chữ “Tư” thuộc tâm suy nghĩ, phân biệt là thức thứ 6, còn gọi là “Ý thức”; còn chữ “Ý” thuộc thể tình cảm, chấp ngã, nó thuộc thức thứ bảy, còn gọi là “Mạt-Na thức” hay gọi là “Ý”.  Ông nếu học Duy Thức thì biết rõ điều này.

Do đó tôi xin trao đổi với ông đôi điều mà tôi cảm nhận được từ lời Phật dạy ở trên theo riêng ý của tôi mà thôi.

Trước hết Phật nhấn mạnh là chớ tin vào ý của mình: “Cẩn thận chớ có tin ý của ông. Ý của ông không đáng tin”. Tại sao vậy?  Vì “ý” ở đây là phần tình cảm yêu hay ghét, phần chấp ngã , phần dễ chao đảo nhất, phần đưa ta vào vòng sinh tử luân hồi.  Ý được phát sinh do tâm phân biệt hay còn gọi là “ý thức”, như thấy một chiếc xe đẹp (phân biệt) thì ý liền ưa thích; nghe một bản nhạc du dương (phân biệt), ý liền sinh ra lãng mạn.  Vào một tiệm ăn sang trọng (phân biệt) ý liền cho mình thuộc giai cấp thượng lưu v.v…  Đó là chưa kể “kiến hoặc”, tức nhận biết sai lầm do nghiệp thức khác nhau che đậy, như cùng một cảnh mà chư thiên, con người, con vật … nhận biết đều không giống nhau.  Vì phân biệt, vì nhận biết sai lầm nên sinh ý ưa thích hay ghét bỏ, và từ đó mà chúng ta bị vật chuyển, không tự tại, phải dính mắc không biết bao nhiêu nghiệp quả, không phương thoát khỏi luân hồi sinh tử. Đây là điều Phật phải nhắc nhở thật kỹ hai lần trong lời đầu để chúng ta phải cẩn thận chú ý,  chớ coi thường. 


Sau khi nhắc nhở, Phật đi vào điều chính yếu là nhắn nhủ chúng ta “Cẩn thận chớ gần gũi với sắc. Gần gũi với sắc thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin ý của ông được”. Trong kinh, thường Phật chỉ dùng một chữ “Sắc” nhưng lại đại diện cả cho lục trần, tức “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp”.  Đây là tất cả những thứ đưa người ta vào vòng tai họa sanh tử, chứ không riêng gì sắc dục. Tuy nhiên trong câu này Phật nhắm vào 5 trần đầu: “Sắc” như y phục, nhà đẹp, nữ sắc …; “thanh” như âm nhạc, lời nói ngọt ngào quyến rũ, lời khen tặng …; “hương” như mùi nước hoa, trái cây, thức ăn … ; “vị” như vị ngon, vị ngọt của thức ăn, thức uống… ; “xúc” như xúc chạm mềm mại, ấm áp, tươi mát …  Những gì ta ưa thì đều đưa ta tới “ý” dính mắc, nhưng những điều ta không ưa cũng đều đưa ta tới “ý” dính mắc cả.  Từ nhận biết sai lầm về 5 trần, rồi tâm lại phân biệt đẹp xấu, thiện ác v.v… khiến ta có những cảm thọ yêu ghét như đã nói ở trên, để rồi dẫn tới hành nghiệp không xa.  Và dù có nhận thức được năm trần là huyễn có, nhưng tâm chưa đủ kiên định, ý ưa thích tưởng đã dứt, nhưng thực ra chỉ ngầm ngủ  thì cũng vướng mắc như thường, đặc biệt là nữ sắc, không như các trần khác, nó có đầy đủ cả năm trần “sắc, thanh, hương, vị và xúc” khiến ta càng dễ dính mắc hơn. Do vậy, chúng ta chớ coi thường, lúc nào cũng phải cẩn thận ghi nhớ lời Phật dạy, chớ ỷ là định vững hay đã tu cao mà đến trà lâu tửu quán, sòng bài v.v… thì coi chừng sớm chầy cũng bị bia rượu, âm thanh, nữ sắc, tiền tài … lôi cuốn, tức bị vật chuyển.  Khi nào chứng được quả vị A La Hán, lúc đó ngã không,  thì mới tin là “ý” của mình không bị điên đảo, không còn tâm ưa ghét, an nhiên tự tại,  không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc cuốn hút.  Chưa được vậy thì hãy xa lìa, đừng gần, đừng chứng tỏ mình định vững, tu cao mà tâm ý vướng mắc vào năm trần lúc nào không biết. 

Câu trên chỉ có nghĩa như vậy mà thôi, nếu cho là “đừng suy nghĩ , vì sẽ không bao giờ đúng” thì chắc hẳn Phật không cần chỉ dạy ta cho vô ích, và ta cũng chẳng cần nghiên cứu học hỏi, suy nghĩ kinh Phật làm gì cả.  Hơn nữa như ông đã biết nghĩa của hai chữ "TƯ" và "Ý" thật khác nhau xa.  Ông nên hiểu tường tận,  đừng để  cho văn tự lừa dối ông.

-  Ông có tin chắc những gì ông nói không?

-  Ông lại quên chính ông đã nói câu VĂN – TƯ – TU với tôi từ đầu  sao?  Chữ Hán tôi biết rất ít, còn Phật pháp cũng thật giới hạn.  Tuy nhiên tôi không thể nói khác hơn những gì tôi hiểu.  Nếu tự ông không thể tìm được câu trả lời thì hãy tham vấn thêm cùng chư tăng và thiện tri thức.


Từ Phong
 
alt