Giác Ngộ - Tại Hội thảo khoa học “Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội” vừa qua, phóng viên Giác Ngộ đã gặp gỡ các nhà nghiên cứu, trí thức tham dự và ghi nhận những suy nghĩ, ưu tư, trăn trở mối tương quan Phật giáo (PG) - dân tộc. Trân trọng giới thiệu một số ý kiến đó cùng độc giả.
Hội thảo khoa học "Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội" một lần nữa khẳng định tiến trình phát triển của dân tộc có PG luôn đồng hành, vẫn giữ nguyên tinh thần Phật giáo được khai sáng ở Ấn Độ đồng thời có sắc thái Việt Nam của một đạo Phật nhập thế.
* PGS-TS. Trần Hữu Tá, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM:
Hội thảo lần này khẳng định lại 1.000 năm PG đoàn kết, gắn bó với dân tộc. Đạo và đời tuyệt đối không mâu thuẫn. Mặc khác, thời đại Lý - Trần mở ra một giai đoạn phát triển bền vững trong suốt 10 thế kỷ, một đất nước Việt Nam an, thịnh làm nên một bản sắc riêng khác biệt so với các dân tộc khác trên thế giới. PG Việt Nam luôn là một tôn giáo mang tính bản địa tận nguồn, một tôn giáo vì con người, vì cuộc sống.
Ở giai đoạn hiện đại, PG đã và đang đóng góp vào sự lớn mạnh của dân tộc, đất nước, làm nên nhân cách Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay nếu có sự kết hợp của Nhà nước một cách toàn diện thì PG sẽ là một thế mạnh cùng với Nhà nước không chỉ đóng góp cho sự phát triển của một xã hội vật chất, công nghệ, tăng trưởng GDP… mà còn đóng góp những giá trị về đạo đức, nhân cách, tinh thần, sự hướng thiện cho con người.
Chăm lo đời sống tinh thần, tâm linh cho giới trẻ, theo tôi vẫn phải tôn trọng cái tôi cá nhân bởi con người luôn có ý thức về cái tôi, khả năng tự chủ, tự lập nên không thể áp đặt. Tốt nhất hãy để giới trẻ tham gia các hoạt động của PG một cách vô tư, sự gắn kết này sẽ giúp giới trẻ thẩm thấu dần những tinh túy, cái hay cái đẹp và dần PG sẽ thuyết phục được giới trẻ. Hiện nay các hoạt động của PG như lễ Vu lan, Phật đản…, nhiều Phật tử, giới trẻ đến chùa như tham gia các hoạt động văn hóa. Sự trang nghiêm, thanh tịnh của môi trường này tự nhiên họ cũng sẽ hòa cái tôi cá thể trở thành "cái tôi vô ngã" vào không gian đó. Tôi cho rằng PG luôn khiến người ta tìm về là bởi không chỉ PG có truyền thống tốt đẹp, tinh thần từ bi, trí, dũng mà nó hợp với lẽ tự nhiên có sức lan tỏa và giới trẻ là những người có văn hóa, hiểu biết để thấy mình hợp với một tôn giáo tự nhiên, tự nguyện.
* TT.TS.Thích Đồng Bổn, Trưởng ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Để triết lý và tinh thần PG tiếp tục phát huy những giá trị của nó, theo tôi, PG phải tu chỉnh những chuẩn mực đạo đức bằng việc tự thân trang nghiêm, tu tập chứ không nên hô hào. Mặc khác, PG cũng cần làm thế nào để tất cả mọi người ai cũng hiểu rõ luật nhân quả, đặc biệt là giới trẻ, thông qua giáo dục. Khi hiểu rõ luật nhân quả thì sẽ giảm được cái ác, suy đồi về mặt đạo đức và tình trạng suy giảm, quay lưng với những giá trị truyền thống. Chúng ta tôn trọng PG có quá khứ tốt đẹp nhưng đừng quá tôn sùng, quan trọng là hiện nay chúng ta đang làm gì xứng đáng với quá khứ.
Hội thảo này tập hợp đông đảo những nhà nghiên cứu đã nêu bật những giá trị của PG và tôn vinh các bậc tiền nhân như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Thiền sư Vạn Hạnh... có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
* PGS-TS.Nguyễn Thị Bích Hải, Giảng viên Trường ĐHSP Huế
Hội thảo khoa học "Văn học, Phật giáo 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội" rất hấp dẫn đối với tôi. Tuy không phải tín đồ PG, nhưng tôi rất quan tâm bởi đây là một tôn giáo gắn với dân tộc hơn 2.000 năm. Tinh thần đoàn kết thương người như thể thương thân, có thể gọi tinh thần đó là "tạng thức" của người Việt. Đối với dân tộc Việt, PG luôn đồng hành. Tôi cảm nhận điều này rất sâu sắc: chừng nào PG thịnh thì quốc thái dân an, hiện nay PG thịnh.
Trong tiến trình phát triển đất nước trải qua nhiều giai đoạn, có sự thăng trầm, nhưng PG là một nội lực của dân tộc và là thành phần quan trọng làm nên tư tưởng chính thống của đất nước. Tinh thần từ bi, nhân ái rất cần cho một dân tộc, cho mỗi người, cho đất nước. PG rất cởi mở, khoan dung, hòa bình… chúng ta nhận được từ PG sức hấp dẫn rất tự nhiên.
* PGS-TS. Lê Cung, Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm Huế:
Tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phật giáo đã đóng góp tích cực qua nhiều cuộc hội thảo, như hội thảo về triều Đinh - Lê ở Bái Đính, Ninh Bình, hội thảo Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long ở Thiên Đường Bảo Sơn, Hà Nội cũng như hội thảo ngày hôm nay. Qua các cuộc hội thảo này cho thấy những nét tinh hoa của Phật giáo và từ đó hòa quyện với dân tộc làm cho đất nước thăng hoa, trường tồn.
Riêng hội thảo này có nội dung rộng hơn, không chỉ bàn riêng thời Lý - Trần mà còn có nội dung các thời đại khác có sự ảnh hưởng từ Phật giáo, xâu chuỗi đặc điểm qua các thời đại, chúng ta khẳng định rằng: Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.
* PGS-TS. Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học, Hà Nội:
Với hướng mở của hội thảo này đã làm nên sự phong phú, đa dạng, thu hút nhiều tham luận của các nhà chuyên môn. Hội thảo có sự cân bằng giữa đề tài văn học và đề tài Phật giáo, văn hóa dân tộc; từ đó có thể định hướng quy hợp văn học và Phật giáo qua văn hóa.
* PGS-TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐHKHXH và NV
Hội thảo khoa học "Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội" hướng đến chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội một lần nữa khẳng định PG luôn đồng hành cùng với dân tộc. Giai đoạn Lý - Trần, đất nước đã thoát ra khỏi sự thống trị của phương Bắc, xây dựng một đất nước hùng mạnh. Thời kỳ Lý - Trần cũng có nhiều chiến công qua việc xây dựng xã hội thịnh vượng, cụ thể qua các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao… của đất nước. Thời kỳ này cũng là thời kỳ phát triển cực thịnh của PG, một tôn giáo của hòa bình, đề cao giá trị nhân đạo và tình thương.
Hội thảo khoa học lần này là dịp để giới nghiên cứu PG, giảng dạy văn học đánh giá, khẳng định thêm những giá trị của thời kỳ đất nước phát triển cực thịnh và PG, văn học 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một biểu tượng của sự thống nhất, tự chủ, độc lập. Văn học 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng phát triển rực rỡ qua văn học Lý - Trần, văn học cổ điển sau đời Trần và văn học hiện đại. Thông qua hình tượng văn học 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng cho thấy chân dung con người, sự thống nhất, tự chủ của một kinh đô độc lập trải rộng suốt chiều dài lịch sử của nền văn học. Hội thảo lần này cũng nêu được những vấn đề mới về vai trò của Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông… qua văn học viết về Thăng Long - Hà Nội.
Dịp này, giới nghiên cứu, giảng dạy văn học tiến thêm một bước để giúp mọi người hiểu rõ hơn bản lĩnh của dân tộc và cốt cách của con người Việt, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho giới trẻ. Về mặt nghiên cứu, học thuật cũng có ý nghĩa rất quan trọng vì đã tập hợp được đông đảo các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học lớn trong nước như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang… Hội thảo cũng tạo điều kiện giúp đỡ các nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi với các giáo sư đầu ngành nhằm nâng cao khả năng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và nâng chất lượng giáo dục đại học.
H.Diệu, Tâm Vương ghi