Tâm như thủy

“Tâm như thủy” nghĩa là “Tâm giống như nước”:

- Nước không có hình dạng. Nó luôn luôn thích ứng với bình đựng. Vì vậy nó lấy hình dạng vật đựng làm hình dạng của mình. Do không có hình dạng nên hình dạng nào cũng có. Cũng vậy, Phật là vô tướng nhưng tùy thuận chúng sanh nên hiển thị thành mọi sắc tướng.

- Khi thích ứng với bình, hình dạng của nước thay đổi vô lượng vô biên nhưng tánh nước bên trong là không thay đổi. Cũng vậy người tu tập bên ngoài tùy duyên thích ứng tình huống mà bên trong vẫn yên lặng tịch chiếu.

- Nước luôn luôn chảy về chỗ trũng vượt qua mọi chướng ngại để hợp nhất với đại dương. Cũng vậy, người tu tập luôn khiêm cung học hỏi, vượt qua mọi chướng ngại phiền não để hợp nhất với Phật tánh.

- Nước hiển thị qua nhiều trạng thái: lỏng thì mềm dẻo nhu nhuyễn, cứng thì rắn như đá, hơi thì vô hình vô tướng, nhưng tánh nước là không thay đổi. Cũng vậy người hành đạo tùy nghi có khi mềm dẻo nhu nhuyễn, có khi cứng rắn, có khi vô tướng ở dạng vô vi nhưng phật tánh là không dời đổi.

- Nước phải hiển thị qua một bình đựng. Cũng vậy Phật phải hiển thị qua một sắc tướng hữu hạn hoặc thân xác chúng sanh. Không có cái đựng thì nước không thể hiển thị được. Cũng vậy, do có chúng sanh mà có Phật.

- Nước dùng để rửa sạch mọi vật. Cũng vậy, trụ ở thể thanh tịnh tịch chiếu của tâm thì mọi vọng niệm mê mờ tan biến đi. . v .v. . . .Còn nhiều lý do nữa, nhưng thiển nghĩ bấy nhiêu đó cũng đủ để có thể ví “Tâm như thuỷ”. 




Chúc bạn thân tâm thường an lạc

thienviendaidang.net