Thương Mẹ nhưng phải bỏ Mẹ mà đi tu

Mẹ kính thương!

Con tự hứa đến một ngày nào đó con sẽ nói cho Mẹ hiểu “Vì sao con đi tu?” Ngày đó đã tới. Đó là những ngày con được sống hạnh phúc trong tăng thân. Con gọi điện về nhà háo hức gặp Mẹ và nói như reo lên: “Mẹ ơi con tu rất vui và hạnh phúc.” Bao nhiêu năm sống bên Mẹ, con thường kể Mẹ nghe những nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui. Cho nên phải có nhiều can đảm lắm con mới gọi điện báo tin vui này với Mẹ và gia đình. Đã bao lần con nói cho Mẹ hiểu nhưng con không đủ thuyết phục tình thương con, nhớ con đang rạt rào trong Mẹ. Lần nào con cũng cảm nhận một nỗi buồn trong lời nói khuyết khích cho con tu học đến nơi đến chốn. Vậy mà hôm nay con nghe giọng nói hài lòng của Mẹ “Tu mà hạnh phúc là được rồi. Mẹ không cần gì cả.” Lời nói ấy giải tỏa trong con bao hờn tủi và mặc cảm: “Thương Mẹ nhưng phải bỏ Mẹ mà đi tu.”su_co_ben_ho_sen

Không phải con không có hạnh phúc mà chỉ nói cho Mẹ vui hay an lòng. Con hạnh phúc bởi vì hôm nay nếu con đang khổ và con biết con đang khổ, bên cạnh cảm thọ khổ ấy, con vẫn thấy những niềm vui ẩn nấp chung quanh, đó là những điều kiện hạnh phúc để niềm vui có thể trở về được bằng chính quyền được sống mà Ba Mẹ đã trao truyền cho con. Niềm vui mới mà con nhận được đó là pháp môn hơi thở: “Thở vào con biết con đang có cảm thọ khổ. Thở ra con thư giãn toàn thân.” Hơi thở càng sâu con lại thấy mình được nằm trọn vẹn trong vòng tay thân yêu của Mẹ. Tình thương của con bây giờ rõ ràng không còn là sự đòi hỏi Mẹ phải thông cảm, phải hiểu và thương con theo cách của con. Tình thương ấy giờ đây khác trước nhiều lắm. Tình thương ấy cho con và Mẹ nhiều không gian hơn để hiểu và thương nhau. Nhờ đó câu nói: “Con đi tu thì được phần con, nhưng còn gia đình, Ba, Mẹ thì sao?” đã không còn là nỗi băn khoăng lớn nhất của con, không còn là mũi dạo nhọn mỗi khi con nhớ Mẹ, nhớ gia đình. Bởi vì qua bao ngày tháng vừa tu vừa ôm lấy câu nói ngày xưa của Mẹ thì con đã cảm nhận rõ ràng Mẹ đang có trong con, trong từng hơi thở. Bởi thân thể con, xác thịt này từ tinh cha huyết mẹ mà có và có một điều con mới nhận ra là con đang mang theo lý tưởng và tình thương của Ba Mẹ đi về tương lai với những bước chân cùng hơi thở mới. Ngày con đi tu rồi có dịp được về thăm nhà, Mẹ nhìn con và nói: “Ba Mẹ sinh ra các con, nhưng mỗi đứa có một suy nghĩ riêng. Dù là chị, là em cùng sống và lớn lên dưới một mái nhà, ăn cùng một mâm, ngủ cùng một chiếu, đứa nào Ba Mẹ cũng cố gắng nuôi ăn học đến nơi đến chốn, tình thương dành cho mỗi đứa như nhau. Vậy mà con cho rằng như vậy là khổ và  phải đi tu thì Mẹ không hiểu? Nhưng nhờ có học chút Phật pháp, Mẹ an lòng khi thấy Phật cũng đã từ bỏ ngai vàng, thân quyến để đi xuất gia. Ai cũng cho rằng sinh, già, bệnh, chết là lẽ đương nhiên và khổ thì phải khổ... Nhưng Phật thì khác, Ngài  quyết tâm bước xuống ngai vàng để tìm con đường thoát khổ. Cũng vậy, con lớn rồi, Mẹ nuôi con ăn học để mong cho con hiểu biết và đi đúng con đường, để có được niềm vui và hạnh phúc thật sự là được. Con đi, nhớ suy nghĩ cho kỹ và nhớ đi trọn con đường nghe con.”  Con đã mang theo lời dặn dò của Mẹ mà lên đường, vẫn còn chút xốn xang khi phải rời vòng tay thân yêu của gia đình cùng lời nói ân tình của Mẹ. Nhưng con phải đi tu vì con sợ một ngày con thật sự mất Mẹ.

Con đã từng cho rằng: lý tưởng cách mạng chỉ có trong thời chiến tranh, khi mình phải chọn một trong hai bên để sống còn. Đâu là chính nghĩa thì mình đi theo mà phụng sự. Cái lý tưởng bé thơ của con đã lớn lên cùng năm tháng trong hòa bình là lý tưởng xây dựng một đất nước văn minh, phồn thịnh. Nhưng mỗi khi đọc lại dòng lịch sử, con thường tự hỏi: “Bên này là ai? Bên kia là ai?” Bởi con vẫn nghe văng vẳng bên tai lời Mẹ: “Các con sống phải biết thương yêu và nhường nhịn nhau. Chỉ cần các con gây nhau, đánh nhau là các con đều có lỗi, bất kể đứa chị hay đứa em.” Và con nhớ có hôm chúng con chơi với nhau rồi cãi nhau với con các chú, hay với những đứa trẻ hàng xóm. Chuyện con nít thành ra người lớn. Đến tai Mẹ, Mẹ đánh đòn cả mấy đứa và vừa khóc vừa nói: “Các con sống với nhau mà không biết thương nhau, nhường nhịn nhau thì sau này khi lớn lên, khi có gia đình riêng thì các con làm sao thương nhau được. Chưa kể là khi chúng con nghèo túng, vì cuộc sống, gia đình, con cái… Làm sao chúng con sống được, nhường nhịn được đồng nghiệp, bạn bè hay người lớn. Chị vậy thì em phải khác, người ấy làm sai thì mình đừng làm sai nữa…”

 Lúc đó con không hiểu hết lời Mẹ dạy, con chỉ biết con ấm ức vì rõ ràng không phải lỗi của con sao con bị đánh đòn. Thế nhưng sao mỗi trận đòn, hình ảnh Mẹ phải khóc và lời nói của Mẹ đã ở lại trong con. Bây giờ con đã hiểu, con đã được Mẹ gieo trồng hạt giống sống hòa bình từ gia đình, học đường, công sở… Con cảm ơn bài học mà Mẹ đã dạy cho con từ thuở ấu thời. Bài học này đã được Sư Ông khai mở cho con, chỉ cho con cách thở khi con biết giận, buồn, thương, khi con biết rõ ràng đó là sư anh, sư chị, sư em con, đó là những người con thương… con không còn thấy quá khó sống nữa, con đã có một con đường rõ ràng và con biết Mẹ cũng đang có mặt trong lòng tăng thân, cả ông bà ngoại nữa. Bởi vì Mẹ kể rằng: “Ngày xưa ông ngoại nghiêm lắm, ông ít nói, ông có một cây roi mây rất dài để trên trần nhà. Lúc nào ồn ào là ông hét một tiếng và soẹt chiếc roi mây được rút xuống. Thế là bị đòn hết.” Con đã từng nghĩ “Thời đó xưa rồi!” Bây giờ không thể làm như thế được khi nhà trường, xã hội, thế giới đang đổi mới. Ông bà, ba mẹ không thể đem cái đời sống xa xưa ấy về để bắt con phải làm theo. Nếu có làm theo cũng chỉ là sự cố gắng nhưng trong lòng chúng con không giải tỏa được nhiều câu hỏi.

Vậy mà khi đi tu con lại nghe Sư Ông dạy: “khi giận, mình không nên nói và làm gì cả. Ví như khi ba mẹ la mình thì mình chỉ thở thôi, chờ đến khi ba mẹ nguôi ngoai, mình bình an mình mới nói cho ba mẹ hiểu” Con đã âm thầm phản ứng và nhủ thầm: “Sư Ông lại đem cái đời sống cổ xưa về…” Cho đến khi con nhận ra con đang giận thì con chỉ muốn nói những lời con không muốn nói và lặp lại những lời nói, hành động của người đã làm cho con khổ đau. Con cố gắng thở để xem mình mà chịu thua mình à? Nhưng thật sự cái năng lượng thói quen giận đã từng có trong con thiệt là ghê. Con thấy nó có rất nhiều quyền lực để sai khiến con và con đã nhận ra con thường giận cái giận của con nhiều hơn là người khác làm cho con giận. Và mỗi người có một, hay nhiều cái giận khác nhau để mà giận. Đồng thời con cũng nhận ra nhiều cái giận không đáng, nó đã đến trong đời sống hàng ngày của mình, nơi nào mình sống hay làm việc nhiều nhất cũng là nơi nó sinh ra rồi lớn dần. Khi con biết điều này thì tình thương trong con đối với Ba Mẹ bắt đầu khác. Một sự đổi thay khi con cảm nhận sâu sắc hơn lời dạy của Thầy: “Con đi tu là tu cho cả gia đình, dòng họ.” Cho nên đi tu rất là vui Mẹ ơi! Con vui vì con biết từ nay con sẽ được sống và tu học với Ba Mẹ hoài. Điều ước ngày xưa của Mẹ và con là được tu học chung đã thành sự thật.

Khi con viết những dòng này, con biết Mẹ của con cũng đang tinh tiến trên con đường tu học của mình. Dù Mẹ và con thực tập khác pháp môn nhưng ước muốn sống chung an lạc sẽ đưa Mẹ và con về gặp nhau. Con có niềm tin nơi pháp môn mà Sư Ông đã chỉ cho con. Nhờ đó con hiểu thêm về Mẹ, về các dì, các cậu bên ngoại. Về cô, dì, chú, bác bên nội cũng như chị em và bạn bè của con. Một hướng đi rõ ràng mà con cảm nhận là mình cần phải đi, “Đã có đường đi rồi con không còn lo sợ. Hạnh phúc thay được sống trong tăng đoàn Thế Tôn.” Câu thư pháp đó chứa đựng bao niềm vui của sự thực tập khi sống cùng tăng thân. Và lạ thay, càng nghe Thầy dạy, con lại càng thấy gần đời sống gia đình mình hơn, dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn những gì Ba Mẹ đã từng dạy. Có lẽ Thầy đã là cây cầu nối cho thế hệ con trẻ và những thế hệ đi trước lại gần bên nhau. Trong đó có hơi thở của Bụt qua Kinh Quán Niệm Hơi Thở như được trao cho Thầy chiếc chìa khóa Hiện Pháp Lạc Trú để đem quá khứ và tương lai về sống giữa lòng thực tại mà không cần buồn lo và tiếc nuối. Có lần Thầy hỏi con: “người ta nói, Thầy dụ con đi tu có phải không?” Con im lặng vì con biết sự có mặt của chúng con đã làm Thầy vất vả. Chỉ biết rằng khi con gặp Thầy thì con mừng vì con biết con đã tìm ra người Thầy mà con hằng tìm kiếm. Mùa Vu Lan năm nay lại về. Con cúi đầu lạy tạ ơn Bụt, Tổ, Thầy cùng muôn loài và sung sướng cài lên ngực con hai bông hồng đỏ thắm. Cảm ơn Ba Mẹ đã thương con mà cho con đi tu.

                                                                                                                                                                                Con của Ba Mẹ

sư cô Văn Nghiêm

(langmai.org)