Tình Huynh Đệ

(Kính gửi tăng thân )

alt

…Ai bảo đi tu là khổ
Đi tu sướng lắm chứ
Được thầy thương huynh đệ cùng tu 
Đời ôi quá an vui…


Và sự thực con thấy đời tu sao vui quá, hạnh phúc quá.

Vậy là con thực sự là con của Thầy,của Tăng thân được gần 2 năm rồi. Thời gian trôi đi nhanh quá, tất cả những gì đã trôi qua với con như là giấc mơ đẹp. Con nhớ rất rõ cái ngày đầu con mới lên Bát Nhã. Khi ấy con còn chân ướt chân ráo đặt chân lên xóm Mây Đầu Núi. Ban đầu con còn nhiều sợ sệt thì được sư cô Hỷ Nghiêm chăm sóc cùng sự thương yêu của các sư chị đã giúp con nhận ra cái đẹp của người tu và con đã nhanh chóng quyết định “kết hôn” cùng Tăng thân

Sống trong chúng, hạnh phúc đến với con mỗi ngày … nhiều lắm, con biết viết sao cho hết. Chỉ biết rằng nhìn thấy sư anh, sư chị, sư em của mình là con biết con còn đang được sống trong tăng thân, con đang được thừa hưởng những điều kiện hạnh phúc mà tăng thân dành cho con. Cho dù ở bất cứ môi trường nào, không phải sống một mình một cõi là con không sợ. Con biết, chỉ cần bước ra khỏi tăng thân thôi là con sẽ bị cuốn trôi theo dòng đời, vậy nên con mới thấu hiểu câu: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” là như thế nào.

Tình huynh đệ với con không phải là cái gì cao xa, lý thuyết. Nó nằm ngay trong đời sống hằng ngày, nó được thể hiện qua từng lời nói và hành động. Những cái tưởng chừng như đơn giảng nhưng nó lại là một sợi dây vô hình kết nối tình huynh đệ lại gần với nnhau hơn


Con nhớ lắm, quên sao được những giây phút hạnh phúc bên huynh đệ. Con chỉ tính thời gian gần đây thôi, đó là kể từ ngày con được đại chúng cho con vô Huế nhập chúng tu học. Cho dù sống trong môi trường chỉ có người tu với người tu nhưng lại được chia làm hai. Đó là chị em chúng con và quý sư cô (đệ tử của Ni sư Như Minh). Chỉ có nấu ăn và ăn cơm là hai chúng chung nhau còn lại mọi thời khoá khác là khác nhau thế nhưng con không tìm thấy sự riêng biệt. Chị em chúng con vẫn nhận được tình thương mà Sư cùng quý sư cô dành cho. Hình ảnh Sư mang một nón bánh đầy đi để chia cho chị em chúng con làm con xúc động. Sư bận rất nhiều công việc vậy mà Sư vẫn dành thời gian để quan tâm, chăm sóc tới chị em chúng con. Có một hôm, đó là ngày thứ năm; khi chị em chúng con từ chùa tổ về,vào tới phòng con thấy có một dĩa bánh bốt lọc nhân đậu xanh thật thơm, thật ngon. Con mới hỏi sư em con rằng: Bánh bột lọc đâu có mà ngon vậy sư em? Sư em con nói: Bánh quý sư cô ở đây làm cho nhà mình mỗi phòng một dĩa đó chị. Con mới thốt lên: Tình thương yêu đâu cần điều kiện.

 

Con vô Huế chưa đầy bốn tháng mà con đã được đi biển cùng đại chúng đến bốn lần rồi. Ồ đi tu sao hạnh phúc quá. Khi con còn đi học, cả đi làm, nói là tổ chức để có được một buổi đi picnic mới khó làm sao. Sống trong chúng, nương theo chúng, chúng đã nói là làm và làm rất hiệu quả. Những lần đi chơi biển mới thú vị làm sao, được nghịch (vọc) nước đến đã thì thôi, chỉ có đến giờ ăn cơm thì đại chúng mới chịu lên bờ. Cũng nhờ đi chơi chung mà tình huynh đệ được xích lại gần nhau. Một số chị em chưa hiểu nhau, chưa đến được với nhau nhưng nhờ đi chơi chung mà hoá giải nhiều nội kết . Cho dù đi đâu, làm gì thì chị em chúng con vẫn chơi chung, làm việc chung theo tinh thần “ Chị ngã em nâng – em ngã chị nâng”. Hôm về nhà sư cô Tịnh Hằng để đi tắm biển con đã suýt nữa gửi mình cho biển. Bữa đó tự nhiên sống rất lớn nhưng chị em chúng con vẫn ra để đùa với sóng. Với tính tò mò con cứ đi ra xa, xa thêm chút nữa, chút nữa. Bất chợt một con sóng lớn ập đến và đè đầu con xuống và con bất ngờ bị rơi vào lòng chảo dưới chân. Lúc ấy con ra sức đạp chân xuống để tìm điểm đứng nhưng dưới chân con chỉ là một khoảng không như vô tận. Con sợ quá đã la lớn lên: Chỗ này sâu quá, chỗ này sâu quá… Sóng biển vẫn ầm ầm, sư cô Tịnh Hằng lúc ấy đang ngồi trên bờ nhưng sư cô vẫn nghe thấy và sư cô vẫn lao nhanh xuống nước như một mũi tên; cùng lúc đó thì chị em con chơi gần đó đã kịp lao ra kéo con vào bờ. Thật hú vía.

Lần đầu tiên con được ở Huế và cũng là lần đầu tiên con được đi chơi chung cùng đại chúng 3 xóm. Sau khi cắt lúa, phơi lúa và kỵ tổ xong thì chúng 3 xóm được đi picnic thấu suối Voi và bãi biển Cảnh Dương. Lâu lắm rồi, kể từ khi rời Bát Nhã nay con mới lại được nghe tiếng suối chảy hoà cùng tiếng chim kêu. Được đi chơi chung cùng đại chúng là một điều hạnh phúc nhất đời con. Lần đầu tiên đặt chân đến suối Voi và cũng là lần đầu tiên con được thấy những tảng đá lớn như những con Voi ( có những tảng đá lớn hơn cả con voi nên suối này được đặt tên là suối Voi – con nghĩ vậy ). Lại cũng có những tảng đá bằng phẳng và rộng giống như một cái bàn, có thể ngồi uống trà được. Huynh đệ cũng có những người rất chu đáo đã mang được cả nước nóng, bình trà và trà, vậy nên anh em cùng nhau ngồi uống trà bên bờ suối; được ngồi uống trà bên bờ suối thì thật là tuyệt vời. Đá ở suối thì muôn hình vạn trạng nên muốn di chuyển lên thượng nguồn thì phải bỏ cả dép và vớ, đi chân không cho an toàn. Thế nhưng vẫn có người bị té đau, khi ấy anh chị em đã đến với người đó một cách rất tự nhiên bởi vì tình huynh đệ đã có sẵn trong tim mỗi người từ lâu rồi.

Khi còn là một học sinh con đã được học được phân tích rất nhiều những câu ca dao, tục ngữtrong đó có câu “Lá lành đùm lá rách”mà bây giờ con vẫn nhớ và con thấy đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Đó là khi con nhận được thư của gia đình Sen Trắng con ở bên Thái Lan về, thấy mấy đứa em con “ than thở “ rằng: Khí hậu bên Thái kỳ cục quá, ban ngày thì nóng như ở trên sa mạc, ban đêm thì lạnh như ở trong tủ lạnh. Đại chúng chưa quen với khí hậu đó nên nhiều người bị bệnh. Tuy bệnh nhưng anh chị em vẫn nhắc nhở nhau đi thời khoá đầy đủ. Đọc thư và hiểu phần nào đời sống sinh hoạt của anh em mình bên Thái con thương đại chúng nhiều hơn. Nhưng con thương thì thương vậy thôi chứ con phải biết làm sao. Tuy bên đó khó khăn mọi mặt nhưng chị em con ở Việt Nam vẫn nhận được tình thương mà anh chị em mình bên Thái gởi về. Sẵn dịp các em gia đình Sen Xanh qua đó để làm lễ xuất gia thì anh chị em con ở Việt Nam “ chớp” ngay cơ hội hiếm hoi này để gởi quà qua bên đó. Những món quà rất Việt Nam như nón lá, hạt sen…những cái rất đơn giản nhưng lại rất quê hương, điều này chị em con muốn nhắn nhủ anh chị em mình bên đó là: Dù ở đâu thì cũng là Việt Nam. Con được nghe thầy Pháp Tịnh kể chuyện đời sống tu học của anh em bên đó còn nhiều khó khăn nhưng chúng vẫn tu học tinh tấn lắm và anh chị em chúng con vẫn nhận được bánh anh chị em bên đó gởi về. Gia đình Sen Trắng chúng con ngồi đọc thư, ăn bánh mì mà bùi ngùi vì ở Việt Nam mua bánh dễ, có gửi bánh qua bên đó thì âu cũng là chuyện bình thường chứ ở bên Thái đi mua đồ khó lắm , nhưng cứ hễ có bánh là anh chị em bên đó để dành gởi về Việt Nam. Quà bánh và thư từ cứ gởi qua gởi lại nên con thấy dù ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu thì huynh đệ cũng vẫn gần nhau. Đúng là: Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Thương nhau chẳng ngại đường xa…

Thầy còn kể rằng ăn uống bên đó ngày ba bữa cơm giá xào, rau luộc, canh rau muống, đảo qua đảo lại cũng chỉ chừng ấy món. Ban đầu anh em mới qua thì ở lều nhưng sau đó được chuyển vào ở trong nhà nhưng là nhà tranh. Bên ngoài nhìn vào thì căn nhà rất đẹp nhưng bên trong chỉ có một cái chõng tre. Chõng tre thì do ngồi lâu nên tre thụt xuống, đỉnh nhô lên, ngồi chỉ cần thiếu chánh niệm thôi là kẹt (xoạc), vậy là rách mất một cái quần. Thầy Pháp Tịnh nói rằng thầy đã gọi điện thoại cho cô Ngân, nói cô may cho anh em bên đó 37 bộ đồ nhưng quần phải nhiều hơn áo. Mới đầu nghe nói được ở lều tranh, chõng tre con thấy sao mà giống nhà con ngày xưa quá đi thôi. Ngày xưa nhà con là nhà tranh vách đất, trong nhà cũng chẳng có cái gì ngoài một bộ bàn ghế bằng tre và 2 cái giường để ngủ. Khi ăn cơm thì mâm cũng chẳng có, thức ăn được múc hết ra bát và đĩa rồi đặt lên chiếc bàn bằng tre ấy. Con mèo vàng cứ chui xuống gầm bàn, lông của nó cứ thò lô nhô cả lên. Khó khăn là như vậy nhưng bố mẹ con vẫn vững tay chèo để đưa gia đình con đi qua thời gian khó khăn ấy. Với tăng thân cũng vậy, sở dĩ tăng thân làm được những việc tưởng chừng như không bao giờ làm được là vì có Sức Mạnh Tăng Thân.

Hai chữ huynh đệ với con lúc nào cũng thiêng liêng, cao quý. Hôm đi cắt lúa cùng đại chúng con hạnh phúc sao mà hạnh phúc. Lần đầu tiên con thấy một số lượng người đông đến như vậy trên cánh đồng lúa, con gọi đó là ngày hội cắt lúa. Đồng lúa mênh mông bát ngát vậy mà cắt từ sáng đến trưa là xong. Bữa trưa đó mọi người được ăn bún. Hai sư chị tri khố đã dậy từ 3h sáng để đi chợ mua đồ. Lúc vô bếp để lấy bún con thật bất ngờ khi thấy sư cô Như Hiếu trong vai “bán bún”. Sư cô đầu chít khăn nâu, đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt để chia bún đều ra các tô (300 tô) con thấy sư cô sao dễ thương quá nên con đứng ngố (ngây) cả người ra để nhìn sư cô và mỉm cười đến nỗi sư cô phải nhắc con: Lấy bún đi ăn đi kẻo đói, sư em.

Con chỉ dạ mà lòng đầy tràn hạnh phúc. Qua phòng bên để lấy nước ăn bún thì lại một điều hạnh phúc nữa đến với con. Hai sư mạ đang nấu nước ăn bún cho đại chúng. Nhìn sư cô Phúc Nghiêm và sư cô Tịnh Hằng đang nhanh tay múc nước vào tô cho mọi người con thốt lên: Chà hôm nay toàn quý sư mạ nấu ăn, hạnh phúc chưa… Con nhớ lại một bữa, hôm đó là ngày quán niệm, quý sư cha, sư mạ vào bếp nấu ăn để cho đàn em nhỏ đi thời khoá (khi còn ở Bát Nhã). Con hoàn toàn không biết điều này, chỉ khi đi xếp hàng khất thực thấy thầy Trung Hải đeo tạp dề châm thêm nước ăn bún còn sư mạ Như Hiếu thì lấy thêm bún … lúc ấy hỏi ra con mới biết bữa đó toàn quý sư cha , sư mạ nấu ăn. Chính sự quan tâm chăm sóc đó của quý thầy , quý sư cô lớn đã đem lại nhiều hạnh phúc cho đàn em nhỏ. Bởi vậy nên ai vô ở với đại chúng cũng dễ dàng phát bồ đề tâm. Ngày cắt lúa đó ai cũng mệt đừ (mệt phờ) nhưng vui quá, hạnh phúc quá nên bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến hết. Với con hạnh phúc rất nhiều nên con viết luôn bài thơ "Cánh đồng lúa và con" :

Cùng đệ huynh cắt lúa vàng dưới nắng
Đồng lúa vàng ánh nắng cũng vàng theo
Thuở ấu thơ con theo mẹ ra đồng
Chỉ nghịch thôi lúa con không biết cắt
Lội ruộng sâu bị té nước ngập đầu
Mẹ kéo lên nhưng con đâu có sợ
Vẫn chờ mẹ đi vắng lại đi chơi
Tuổi thơ con một thời như vậy đó
Con lớn lên cùng sông nước ruộng đồng
Lớn hơn nữa con chọn đời tu sĩ
Yêu lối sống bình dị sáng chân tâm
Nguyện trọn đời mang áo nâu sồng
Sống lối sống không tìm cầu tiền bạc
Công cha mẹ rộng lớn tựa biển khơi
Ơn tăng thân cả đời con mang chịu
Tình huynh đệ luôn mát dịu ngọt lành
Nâng bát cơm con biết ơn trời đất
Ơn Sư Ông, ơn tất cả mọi người
Con nguyện nuôi lớn tình huynh đệ
Để đời tu mãi mãi sáng chân tâm.

Vâng để đời tu đẹp mãi con luôn nguyện: Con nguyện nuôi lớn tình huynh đệ. Để đời tu mãi mãi sáng chân tâm. Con nguyện thì nhiều nhưng phải sống trong tăng thân thì hy vọng rằng con mới làm được điều đó. Con như con chim non đang tập bay, con chỉ biết có thể bay từ cành nọ sang cành kia, con chưa thể tự bay từ cây nọ sang cây kia. Có tăng thân có huynh đệ yểm trợ, nâng đỡ thì con tin rằng con có thể làm được tất cả. Con sẽ mãi là một bông Sen Trắng của tăng thân

“…Dẫu ngày mai ở phương trời xa lạ
Sen là sen chẳng vướng bụi đường xa
Con sẽ mãi là một bông sen Trắng
Nguyện suốt đời chỉ nương tựa tăng thân”


Trân kính
Con của Tăng thân
Sư cô Chân Chuẩn Nghiêm
(langmai.org)