TÌNH HÌNH SINH HOẠT HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ CỦA HỆ PHÁI NAM TÔNG KINH

 

Tình hình sinh hoạt ngành Hướng Dẫn Phật tử Trung ương của hệ Phái Nam Tông Kinh, gồm có:

1. Như chúng ta biết, ngoài các chư Tăng, các cư sĩ, Phật giáo cũng cần có thế hệ kế thừa để tiếp thu và phát triển hoạt động của Phật giáo trong tương lai. Một trong những lực lượng quan trọng của thế hệ này là các em đoàn sinh trong gia đình phật từ. Riêng phái Nam tông cũng có các tổ chức gia đình phật tử sinh hoạt như: SAKYAMUNI, GOTAMA, KASSAPA, SARRPUTA, ANANDA, … GĐPT thuộc phái Nam Tông cũng hướng đến cùng các tôn chỉ như của các GĐPT thuộc phái Bắc tông. Để phụ trách hướng dẫn, tổ chức các GĐPT. Sau năm 1975, một số gia đình phật tử thuộc Nam tông đã sinh hoạt trở lại nhưng vẫn còn tính tự phát, chưa được vào nề nếp và hiện đang dần dần được tổ chức quy cũ để phục vụ đạo pháp và dân tộc hiệu quả hơn.

Vai trò của các tổ chức gia đình phật tử: như đã nói trên đây, hình thức hoạt động GĐPT nhằm mục đích đào tạo lực lượng kế thừa cho các hoạt động Phật giáo. Các sinh hoạt này đóng vai trò hướng đạo để hướng dẫn các tổ chức GĐPT chưa chuyên sâu, nhưng là một hướng dẫn vô cùng quan trọng giúp khơi gợi sự yêu thích, quan tâm của các em đến các nội dung giảng dạy giáo lý của Đức Phật. Đây sẽ là nền móng vững chắc để nhờ đó các em được định hướng theo con đường Phật giáo về sau.

2. Về mặt xã hội, tổ chức GĐPT có thể nói cũng là một hạt nhân cho giáo dục xã hội, nơi đây các em sẽ được đào luyện thành những con người có nhân phẩm, thành những công dân tốt cho xã hội và quốc gia. Trong tình hình xã hội hiện đại khá phức tạp với bao cám dỗ đặt ra cho thanh thiếu nhi. GĐPT sẽ là một lá chắn giúp che chở cho các em tránh được những tệ nạn xã hội, hỗ trợ cách làm một học sinh ngoan, một công dân tốt. Điều này đã được chứng tỏ qua bao thế hệ đoàn viên gia đình phật tử đã là những yếu tố tích cực cho sự phát triển và ổn định của xã hội nói chung.

3. Các thành quả đã đạt được: Một trong những truyền thống gắn liền với Phật giáo nước nhà là sự gán bó giữa đạo pháp và vận mệnh dân tộc. Qua bao triều đại, chính thể, Phật giáo luôn đóng góp công sức của mình vào công cuộc dựng nước, bảo vệ đất nước. Ngày nay vẫn vậy, Phật giáo luôn là một tác nhân giúp duy trì mối đoàn kết quốc gia. Một trong những thành quả đáng ghi nhận của Ban Hướng Dẫn Phật Tử TW là đã kết nối thành công, các tông phái khác nhau của Phật giáo thành một khối đoàn kết, Phật tử Khmer, Phật tử Nam Tông Kinh, Phật tử Bắc tông, Phật tử khất sĩ, Phật tử cư sĩ, Phật tử thiểu số, Phật tử người Hoa. Trong buổi đại hội Phật giáo Tây nguyên và Miền Trung tổ chức vào năm 2009, Ban hướng dẫn Phật tử TW đã thành công trong việc tổ chức quy y cho hơn 1.000 Phật tử thuộc các nhóm thiểu số ở Tây nguyên, từ đó cải thiện cuộc sống tinh thần của các dân tộc thiểu số ở nơi đây, hỗ trợ phong trào bài trừ các tệ nạn xã hội vẫn phổ biến trong các dân tộc địa phương như, rượu, đa thê, mê tín , v..v…..

Các sinh hoạt tu học được thường xuyên hơn bằng các buổi lễ sám hối, nghe pháp, tu bát quan trai, thọ đầu đà vào các ngày rằm tháng giêng, tháng tư, lễ dâng y Kathina (đến rằm tháng 9 tháng 10).

Củng cố và phát triển sinh hoạt xã hội như: cứu trợ đồng bào nghèo khổ, tai nạn, thiên tai, bão lụt, giúp đỡ và góp phần xây dựng các hoạt động tình nghĩa, tình thương.

Từng bước xây dựng các tủ sách giáo lý tại chùa, tu viện để tín đồ nghiên cứu tu học.

Thực hiện các chủ trương của giáo hội PGVN và ban hướng dẫn phật tử kịp thời và hiệu quả hơn.

4. Thực hiện các biện pháp cụ thể để đảm bảo khả năng chuyên môn cũng như trình độ giáo lý của nhân sự hướng dẫn gồm các huynh trưởng và ban chấp hành chung. Tổ chức các khóa huấn luyện chuyên môn cũng như các khóa tu, đặt ra các yêu cầu cụ thể về kỹ năng sinh hoạt cũng như trình độ Phật học. Tổ chức các kỳ khảo hạch để nâng cao, công nhận khả năng hướng dẫn của các huynh trưởng. Tổ chức các kỳ thi để chứng nhận nâng cấp cho các em đoàn sinh.

5. Tạo mối gắn kết giữa các GĐPT và giới Tăng Ni có trình độ tu chứng để tạo cơ duyên cho các em được gần gũi với các bậc cao Tăng, vừa được nghe pháp quý ngài giảng dạy, vừa được hưởng ân đức qua phong thái, ngôn từ . Hình ảnh của quý ngài sẽ là nguồn động viên quý báu đến các em tinh tấn hơn trên con đường tu học. Thiết nghĩ hiện tại mối quan hệ cần thiết trên đây quá mờ nhạt, khó trở thành phương tiên tốt để nâng đỡ các trong các sinh hoạt Phật tử. Đây là một trong mục đích và yêu cầu hoằng pháp của Giáo hội. Mong thay sẽ có điều chỉnh về mặt Giáo hội để dẫn dắt các em được hiệu quả và thiết thực hơn.

Thiền học là một trong những hoạt động không thể thiếu của người tu Phật, nhưng hiện tại hầu như những nội dung sinh hoạt của GĐPT đều vắng bóng việc học thiền hoặc chỉ đặt ra một các hời hợt. Dĩ nhiên còn phải tùy thuộc vào lứa tuổi để chúng ta chọn những nội dung giảng dạy thích hợp, nhưng phải xác định đây là một hoạt động tốt quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho Phật giáo mai sau.

6. Kết luận:

Hoạt động của Gia đình Phật tử là hạt nhân quan trọng giúp củng cố và phát triển hoạt động của giáo hội cả hôm nay và cả mai sau. Bản thân của các giới lãnh đạo của tổ chức này cũng như các giới lãnh đạo của giáo hội cần quan tâm đúng mức để Phật giáo được mãi mãi là chỗ dựa tinh thần cho xã hội và của cả quốc gia./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)

Thượng Tọa Thích Hộ Chánh

Phó Ban Hướng dẫn Phật tử TW GHPGVN

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)

alt