Sự hiện hữu trên cõi đời này, dù là của bậc vua chúa hay quan dân, của một thiên tài xuất chúng hay kẻ cùng đinh hạ tiện đều bắt đầu từ một khởi điểm giống nhau, tức đều bắt đầu từ một chữ “Mẹ”. Mẹ là một kỳ quan của tạo hóa, là bản tình ca không biên giới về đức nhẫn nhục hy sinh. Tình thương yêu của mẹ chan hòa, trải rộng mà không một bút mực nào có thể tả xiết. Thế mà vẫn có những kẻ trên đời này hoặc vô tình, hoặc cố ý đã thản nhiên bước qua không giám nhìn, không thưởng thức và không cảm nhận được sự ngọt ngào như trái chín cây ấy, đợi khi trái chín sắp lìa cành mới giậc mình tiếc nuối. Nhận ra điều vô tình ấy nên một nhà thơ đã nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”
Để khi đọc lên, âm hưởng của nó như kéo theo một nỗi khắc khoải, len nhẹ vào tim.
Như người ta thường nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và đúng sự thật như thế. Vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn hãy đến ngồi bên mẹ và hãy nhìn thật sâu vào đôi mắt của Người. Đôi mắt ấy giờ đây tuy đã mờ đục nhưng vẫn ánh lên nét hiền hòa trìu mến làm sao, nhất là mỗi khi Người nheo mắt cười khi thấy con chăm ngoan. Cũng đôi mắt ấy, đã từng có một thời mẹ mở tròn một cách vô tư và trong xanh như bầu trời cao để nhìn vào cuộc sống, nhưng giờ sao lại mờ đục thế kia? Vì con. Vâng, chỉ vì con.
Chỉ có mẹ mới là người đầu tiên đoán biết được tâm ý của con ngay khi con chưa đủ khả năng diễn đạt ra bằng ngôn ngữ. Khi con khát, mẹ liền cho bú. Con đói, mẹ cho ăn và khi con buồn ngủ thì mẹ lại cất tiếng ru ầu… ơ… Lời ru nghe sao mà ngọt ngào như dòng sữa mẹ vậy. Đó là một giai điệu đậm đà hương vị nhân ái, thánh thiện, hồn nhiên đằm thắm. Thật đúng như một nhà thơ Tây Phương đã ví von:
“Nếu lòng con là một khoảng trời xanh
Thì ngôi sao sáng nhất chính là tình yêu của mẹ”
Thế rồi mẹ ngày một mỏi mòn dần theo sự lớn khôn của con, và đây là lần thứ bao nhiêu đôi mắt mẹ đã hướng về chốn xa trông đợi bóng con về? Là
“Dầu cho có đi khắp quả đất tròn
Thì người trông con cũng không ai ngoài mẹ”.
Đôi mắt ấy đã chứng kiến biết bao cuộc thăng trầm đen bạc của thế gian giờ đã quá mỏi mệt, nếu là người có lương tâm thì đừng một ai trong chúng ta làm cho đôi mắt ấy phải thêm phần hoen lệ. Không phải chỉ riêng con người, mà ngay cả những loài vật lớn như con voi con hổ, nhỏ như con chim con kiến còn nghĩ tưởng đến cốt nhục tình thâm. Nếu một con vật cái bị bắt mất con thì nó sẽ cất lên những tiếng kêu bi thống xé lòng, còn con vật con đôi lúc vì nhớ mẹ mà bỏ ăn cho đến chết. Loài vật vô trí mà sống còn có tình như thế, huống chi là con người, chúng ta lại nỡ đánh mất sao?!
Có hiếu với cha mẹ không có nghĩa cần phải có mâm cao cổ đầy, sơn hào hải vị dâng lên mà hãy dâng lên Người tấm lòng kình yêu, trân trọng. Tức chúng ta hãy sống sao để trong không hổ với lương tâm, ngoài không thẹn với đất trời, sống sao để cho mắt mẹ già không phải một lần ngấn lệ vì tủi hổ về con. Chỉ một việc làm tốt nho nhỏ của ta cũng đủ làm cho mắt mẹ rạng ngời lên một chút, chỉ một sự chăm sóc ân cần phát xuất từ lòng hiếu thảo của ta cũng đủ giúp những vết chân chim trên gương mặt mẹ như bớt hằn sâu hơn. Nếu không làm được như Lão Lai, ngoài 70 tuổi mà vẫn bôi mặt làm hề để cho cha mẹ vui thì ít ra chúng ta cũng đừng nên làm những việc không tốt khiến cho cha mẹ đau lòng. Đừng vì những tham vọng cá nhân, những suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ và cũng đừng nên mãi vùi đầu trong lợi danh mà thờ ơ thiếu sót bổn phận của một người con, và đừng bao giờ để đến lúc mất cha mẹ rồi mới ngồi đó mà hối hận, mà nuối tiếc, mà hoài vọng, mà ước mơ…
Nếu đứng trên phương diện đức tin tôn giáo thì mẹ được khoát lên mình hình tượng cao siêu hơn, như đối với Phật giáo có Mẹ Quán Âm, với Thiên Chúa giáo có Mẹ Maria, đây là nơi mà các tín đồ tin tưởng hằng được che chở mỗi khi quỳ dưới chân các Ngài thành tâm nguyện cầu. Chúng ta luôn một đời dong ruỗi mưu cầu hạnh phúc vì nghĩ nó là một cái gì đó rất trừu tượng, cao vời khó nắm bắt, nhưng thật ra, như Đức Phật dạy :
“Được cung phụng cha mẹ
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là hạnh phúc lớn nhất.”
Do không bao giờ bằng lòng với thực tại nên hạnh phúc ở thế gian luôn nằm ngoài tầm tay con người. Vì tuy nó vô cùng giản dị đơn sơ nhưng chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm nhận được nó.
Sau cùng, với tâm trạng bồi hồi, khắc khoải của một kẻ luôn cảm thấy có lỗi với đấng sinh thành, nhân ngày lễ Vu-lan, tôi xin mượn lại hai câu thơ trên để nhắc nhở các anh, các chị và các em:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”
Có chăng thì hãy để những giọt nước mắt ấy rơi xuống vì lòng sung sướng, vì niềm hãnh diện khi có được một đứa con “Thành nhân chi mĩ”!
Thích nữ Huệ Trang (Lớp Hán Nôm Huệ Quang)
Trích: Tập san Suối Nguồn 13