![]() |
I. DẪN NHẬP:
Kể từ ngày đạo Phật du nhập vào nước ta, đến nay đã trải qua trên dưới 2000 năm lịch sử và hiện nay, Phật giáo Việt nam đang đứng trước một trào lưu mới, đó là trào lưu đất nước đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập và phát triển trong xu hướng toàn cầu. Đồng hành cùng với dân tộc, Phật giáo cũng đã hòa nhập theo những sự chuyển biến sâu rộng ấy. Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần nầy cũng là một bước ngoặc quan trọng để Phật giáo Việt Nam biểu hiện rõ nét tính hội nhập và phát triển của mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để bày tỏ tấm lòng trân trọng và hiếu khách một cách sâu sắc đối với chư pháp hữu trên khắp thế giới, cũng là dịp để tiếp đón, chia sẻ hoài bảo hoằng pháp với chư Tôn đức Tăng ni và Phật tử Việt Kiều ở hải ngoại.
Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công bố bản Hiến chương được tu chỉnh trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VI, nhiệm kỳ 2007-2012, gồm có 10 chương, 52 điều mang tính pháp qui rất lớn. Đây là cơ sở quan trọng để Giáo hội thực hiện các chương trình hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Hiến chương khẳng định vai trò, vị trí, mục đích lý tưởng phụng sự, tư cách đại diện của Giáo hội, phạm vi hoạt động, xác lập các nguyên tắc thống nhất Phật giáo cả nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiến chương còn thể hiện rõ sự hiện diện, gắn bó của Phật giáo trong lòng dân tộc, khẳng định “Tính kế thừa lịch sử gần 2000 năm hoằng pháp độ sinh của Phật giáo Việt Nam mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đỉnh cao của thời đại thống nhất Phật giáo cả nước”. Đồng thời cũng biểu hiện sự quan tâm đến một bộ phận lớn chư tôn túc Tăng ni và đồng bào Phật tử nước ngoài.
Từ những giá trị đó, cho thấy sự lớn mạnh và tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển một cách thiết thực.
II. NỘI DUNG:
Sau khi Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của tổ chức WTO, Phật giáo Việt Nam cũng chuyển mình theo chiều hướng hội nhập. Bởi lẽ, theo quy luật: “Cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh …”. Cho nên việc Phật giáo Việt Nam làm gì và định hướng con đường nhập thế ra sao, đó là vấn đề trọng đại mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần sớm hoạch định. Vì khi nền kinh tế phát triển, thì các thể chế sinh hoạt của xã hội cũng chuyển mình theo. Đời sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội cũng có sự thay đổi; thậm chí từ nhận thức cho đến cách suy nghĩ và hành động cũng dần dần chuyển biến.
Trước bối cảnh đổi thay đột phá như thế, muốn thực hiện tinh thần hòa nhập và hướng dẫn xã hội một cách hữu hiệu, điều tiên quyết là Phật giáo phải phát họa cho được một đường hướng hoằng pháp thích hợp, đồng thời cũng cần thay đổi những gì không còn phù hợp với nếp sống đương thời. Điều này cũng có nghĩa là, nếu Phật giáo đáp ứng được nhu cầu hội nhập và phát triển thì tinh thần giáo điển của đức Thế Tôn sẽ hiện diện một cách tích cực trong đời sống, trong mọi sinh hoạt của xã hội.
Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, khi các vị du Tăng đến Việt Nam, họ không mang theo bất cứ một hình thái vật chất cao quý nào ngoài những lời Phật dạy và những hình ảnh sinh hoạt thường nhật. Chỉ đơn giản như thế nhưng tại sao Phật giáo không bao lâu đã trở thành một tôn giáo lớn của dân tộc? Đó chính là điều mà người con Phật cần chiêm nghiệm và tìm ra một phương hướng đúng đắn để ứng dụng trên bước đường hoằng hóa. Trong lúc xã hội đang trên đà phát triển, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hiểu biết và thương yêu thì đây thật là thắng duyên để cho Phật giáo chúng ta phát huy mọi giá trị tinh hoa của nền giáo lý nhân bản, trong sáng, tích cực và mầu nhiệm của đức Thế Tôn. Tinh thần “Tùy duyên bất biến, bất biến nhưng tùy duyên” nói lên tính hội nhập của nền giáo lý Phật đà đã thẩm sâu vào trong đời sống sinh hoạt của đại bộ phận nhân dân Việt Nam. Cho nên, không phải ngẩu nhiên mà Phật giáo được mệnh danh là Tôn giáo của dân tộc.
Tuy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa ra một số định hướng hoằng pháp rất đa dạng, như Giáo dục, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội, Kinh tế tài chánh, Văn hóa tư tưởng, giao lưu quốc tế … đã giúp cho người con Phật có điều kiện sinh hoạt Phật pháp ngày càng đa đạng và phong phú hơn. Nhưng nếu chỉ có chừng ấy, thì quả thật chưa đáp ứng đủ mọi sinh hoạt của xã hội trong thời đại hội nhập. Thời hội nhập, đòi hỏi Phật giáo cần không ngừng đổi mới và nâng cao các lãnh vực hoạt động và hoằng truyền chánh pháp của Như Lai.
Với phương châm: “ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, là một định hướng rất xác thực, để cho Tăng ni, Phật tử Việt Nam có điều kiện dấn thân và góp phần phục vụ nhân sinh. Tuy nhiên, trong các hình thái hội nhập, chúng ta cần phải chọn lọc và kết hợp như thế nào cho nhuần nhuyễn để khỏi bị xem là phủi sạch cái cũ, tôn sùng cái mới. Chúng tôi nghĩ, trong quá trình hội nhập ấy, vấn đề văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, văn hóa sẽ tác động trực tiếp đến thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở một cách xuyên suốt. Qua đây, ta thấy rằng thời kỳ hội nhập và phát triển của xã hội chính là điều kiện tốt để cho Phật giáo khẳng định vai trò hội nhập và phát triển của mình. Muốn thực hiện tốt vai trò ấy, chúng tôi nghĩ Phật giáo cần bổ sung thêm một số mặt hoạt động Phật sự sao cho thích ứng hơn nữa.
Cần kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, tổ chức các chuyên ngành hoạt động nhịp nhàng và gắn kết với nhau.
Nên quan tâm đến các mặt sinh hoạt Phật giáo hải ngoại một cách linh hoạt và thực tế.
Cần hướng dẫn, đào tạo các chức sắc, chức việc trong bộ máy hành chánh tính năng động và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Nên có bộ phận lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời trong mọi sinh hoạt. Đặc biệt, nhân sự lãnh đạo các cấp Giáo hội không chỉ có đức có tài mà còn phải có tấm lòng rộng mở, có tinh thần hội nhập và đổi mới.
Nên tổ chức những buổi Hội thảo chuyên ngành, những vấn đề trọng đại của Phật giáo, để nêu bật những giá trị văn hóa, tư tưởng, những thành tựu đã đạt được trong quá trình hội nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Phải thực sự cải tiến những mặt hoạt động của Phật giáo không còn phù hợp và mạnh dạng đưa ra những phương pháp đổi mới, hội nhập mang tính khả thi.
Mỗi Tăng ni và Phật tử cần nỗ lực, dõng mãnh làm tròn chức năng của mình, thì nhất định sẽ xây dựng được một nhân gian tịnh độ tại thế gian.
Hiện nay, sự hội nhập và phát triển của xã hội đang trên đà bùng phát, đang hình thành những khái niệm và nếp sinh hoạt mới. Trong khi đó, Phật giáo hầu như chưa có một sách lược nào cụ thể thích ứng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Vì thế, vấn đề chính trong việc hội nhập là phải tổ chức đào tạo, tuyển chọn những nhân sự có năng lực, có hiểu biết chuyên môn thì mới có thể bổ sung đầy đủ những khoảng trống đang bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, điều cần thiết cho việc đào tạo nhân sự là nên mở những khóa đào tạo chính thức và không chính thức, có tính chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, để đào tạo những đối tượng có nhiệt huyết và năng động, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ bước vào đời. Tuổi trẻ là mầm non của đất nước, đồng thời cũng là mầm non của Phật giáo. Cho nên, nếu Phật giáo đào tạo được những Tăng ni trẻ có năng lực, có tài đức, có phẩm hạnh thì sẽ vừa là nhân tố để phát huy chánh pháp, vừa là nguồn nhân lực phát triển xã hội, đất nước mai sau. Chúng tôi nghĩ, ngoài việc thực hiện các lễ nghi truyền bá chánh pháp theo truyền thống xa xưa, chúng ta cần phải đưa ra một phương hướng sinh hoạt sao cho phù hợp với xu thế mới, hầu giúp cho các tổ chức Phật giáo trở nên năng động, trẻ trung, thích ứng, có thể thúc đẩy sinh hoạt Phật sự ngày càng hội nhập và phát triển hơn.
Hiện nay, đang có những đơn vị tập thể, cá nhân Tăng ni, Phật tử đã đưa ra những hoạt động mang tính trẻ hóa. Đồng thời thành lập những diễn đàn điện tử, chuyển tải tiếng nói của Phật giáo đến khắp mọi nơi. Tuy đã tạo được sự quan tâm, chú ý của nhiều đối tượng trong xã hội, góp phần đáng kể vào việc truyền trì và hoằng dương chánh pháp. Song những vấn đề ấy chỉ thuộc phạm vi cá nhân, chỉ theo xu hướng cảm hứng và tự phát, mà chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt. Cho nên, Giáo hội cần quan tâm đặc biệt và hợp thành một khối thống nhất, có sự hoạt động đồng bộ và hợp thức hóa theo đúng định hướng hoạt động của Giáo hội.
Trong lúc các ngành khoa học kỷ thuật đang từng bước phát triển mạnh mẽ, thì Giáo hội cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin vào trong một số bộ phận sinh hoạt của mình. Chẳng hạn như ở các cở sở giáo dục của Phật giáo nên đưa thêm môn tin học. Trong các trường lớp, cần thiết lập phòng máy vi tính, một số trường lớp có điều kiện nên kết nối hệ thống internet, để hổ trợ cho Tăng ni sinh có năng lực được dễ dàng nghiên cứu học tập.
Giáo hội Trung ương cũng như các Tỉnh hội, Thành hội, nơi nào đủ điều kiện, nên thành lập một trang báo điện tử riêng cho mỗi nơi để có thể kết nối mọi hoạt động, mọi thông tin từ Trung ương cho đến các tỉnh thành trong cả nước. Toàn bộ tin tức, thông báo hoạt động chung của Trung ương Giáo hội đến các tỉnh, hay từ các tỉnh thành đến các quận huyện đều nên thông qua hệ thống internet. Việc làm này vừa nhanh gọn, hiện đại, tiết kiệm, lại giảm bớt mọi phương tiện vật chất khác.
Các Ban ngành Trung ương từ Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa nghệ thuật, Từ thiện xã hội cho đến Kinh tế đều cần tạo mối liên hệ chặt chẻ với nhau. Trong Phật giáo thường nói rằng: sự gắn kết giữa Đạo pháp và Dân tộc như nước hòa với sữa, đến nỗi không thể phân biệt được đâu là nước, đâu là sữa, là để nêu cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết, như các bộ phận gắn liền với nhau trong một cơ thể thống nhất. Cho nên, các Ban ngành, Tăng ni Phật tử chúng ta cũng gắn kết, hòa hợp theo tinh thần ấy, thì mọi hoạt động của Phật giáo sẽ ngày càng hòa nhập và không ngừng phát triển.
Trong tiến trình truyền bá và hội nhập, chúng ta cần nắm vững các yếu tố khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ. Khế lý là thể hiện trên phương diện tư tưởng, còn khế cơ, khế thời, khế xứ là hợp với xu thế phát triển của xã hội. Trong bất cứ thời gian và không gian nào, lời dạy của đức Phật vẫn luôn khế hợp với chân lý thực tại. Bởi xã hội dù có biểu hiện qua nhiều hình thức phong phú, nhưng không ngoài quy luật sanh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không hay sanh, lão, bịnh, tử, chúng luôn hàm chứa tính vô thường, khổ, không, vô ngã. Còn khế cơ thì chú trọng về mặt lịch sử. Dẫu ở trong quốc độ nào, đời sống văn hóa, phong tục tập quán ra sao, nhưng lời dạy của đức Thế Tôn vẫn có thể ứng dụng phù hợp với mọi căn cơ, trình độ, mọi tầng lớp nhân dân, thích ứng với mọi thời đại.
Thiết nghĩ, dù đất nước Việt Nam có phát triển thế nào cũng không đi ngược lại với truyền thống văn hóa dân tộc. Và Phật giáo Việt Nam có hội nhập ra sao cũng không ngoài tinh thần giáo điển giác ngộ, giải thoát của đức thế Tôn. Tinh thần nhập thế của Phật giáo qua bao thời đại đã luôn đi cùng dân tộc, được ví như nước hòa với sữa. Dẫu có lúc thăng trầm, mỗi nơi mỗi khác, nhưng tính gắn bó keo sơn của Phật giáo với dân tộc đã rút ra cho chúng ta một bài học quý báu vô cùng. Đất nước đang chuyển mình trong sự hội nhập và phát triển trên mọi lãnh vực của xã hội, chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó, Phật giáo và dân tộc sẽ tìm ra một giải pháp rốt ráo, cùng nhau đưa Phật giáo, đất nước ngày càng sống động, huy hoàng và thịnh vượng hơn.
III. KẾT LUẬN:
Nhìn chung, nói đến đạo Phật, không phải chỉ có đức Phật và Phật pháp là được kết tập trong ba tạng kinh điển mà đạo Phật còn là cả một thiết chế giáo đoàn, với các hàng Tăng ni Phật tử có trách nhiệm thể hiện và truyền bá chánh pháp của đức Thế Tôn, hầu làm cho lời dạy của đức Phật ngày càng sáng tỏ trong nhân gian. Hay nói cách khác, Tăng ni Phật tử cần tích cực hơn trong việc vận dụng tinh thần giáo điển của đức Phật vào cuộc sống. Nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, thì trách nhiệm lại càng đặt nặng lên đôi vai của Tăng đoàn, hay nói cụ thể là trọng trách ấy đặt lên vai của những ai còn trăn trở và thao thức cho tiền đồ của đạo pháp và dân tộc.
Nếu Giáo hội cũng như đoàn thể Tăng ni Phật tử chúng ta ứng dụng nhuần nhuyễn hơn nữa tinh thần: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, thì chắc chắn Phật giáo Việt Nam sẽ định hình được một hướng đi đích thực, hướng dẫn xã hội hòa nhập và phát triển, góp thêm cho đời biết bao hương sắc thăng hoa. Tinh thần Từ bi, Trí tuệ, hỷ xã, vô ngã vị tha, luôn luôn là kim chỉ nam cho chúng ta ứng dụng, để không đánh mất đi chân giá trị của nền giáo lý trong sáng, tích cực của đạo Phật. Ta cần xem đó như là những yếu tố cơ bản, những sách lược hội nhập tối quan trọng của Phật giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Cho nên, hơn bao giờ hết, dù cho chúng ta vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, Tăng Ni, Phật tử cần phát huy hơn nữa tinh thần hội nhập, đem đạo vào đời, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và giàu mạnh.
Thượng tọa Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN,
Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban HPTW GHPGVN, Phó VPII Trung ương.
(Tham luận Hội thảo Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008, tổ chức tại Kiên Giang.)