![]() |
HÀN QUỐC: Các chương trình Lưu trú tại Chùa trong mùa hè này
Mùa hè 2010, các đền chùa Phật giáo trên khắp đất nước Hàn quốc tổ chức các chương trình lưu trú tại chùa cho khách tham quan:
Tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Truyền thống của Phái Phật giáo Hàn quốc Jogye ở Gongju, Nam Chungcheong, trước tiên khách tham quan được học phương pháp tiếp cận cơ bản những gì họ hướng đến qua những buổi thuyết giảng, sau đó tham gia vào các bài tập tương tác. Và từ ngày 10 đến 11-7, khách có thể tham gia làm kimchi với nhà sư Sunjae.
Từ ngày 9 đến 31-7, Trung tâm Thiền Pureunsol của tu viện Jetavana (thuộc Phật giáo Nguyên thuỷ) ở Wonju, Gangwon, tổ chức một khoá tu thiền trong 2 đêm 3 ngày vào cuối tuần, hoặc trong 7 ngày.
Ngoài ra còn có các chương trình lưu trú tại chùa tập trung vào các môn học đặc biệt, gồm các bài học nấu ăn chay, pha trà và thiền định ở các nơi khác như:
Chùa Donghwa ở Daegu dạy các món ăn, như món sujebi 3 màu (món canh bộ mì truyền thống của Triều Tiên) với các thành phần hữu cơ.
Chùa Daewon ở Boseong, Nam Jeolla, có các giờ dạy nấu cơm bọc lá sen và cơm ống tre. Chùa cũng có những buổi thuyết giảng về cái chết và thiền định.
Còn chùa Sunglim ở Iksan, Bắc Jeolla, có chương trình làm bánh gạo truyền thống.
Tại chùa Geonbong ở Goseong, Gangwon, khách sẽ được tham quan một đồn điền trà xanh và học về trà đạo truyền thống.
Và tại chùa Mihwang ở Haenam, Nam Jeolla, các khoá tịnh thiền trong 8 ngày dành cho người ngoại quốc sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 24-7. Trong chương trình này, các buổi thiền định sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh.
(JoongAng Daily - July 1, 2010)
Một nhà sư hướng dẫn buổi thiền định trong rừng tre tại Chùa Pyochung ở Milyang. Nam Gyeongsang - Photo: JoongAng Daily
HOA KỲ: Bảo tháp Cam Bốt đầu tiên tại Hoa Kỳ
Wellford, South Carolina - Ngày 03-7-2010, hàng trăm Phật tử đã tập trung tại một địa điểm ở nông thôn thuộc Spartanburg County để dự lễ khánh thành một điểm hành hương mới.
Tuần trước, các thành viên của cộng đồng người Cam Bốt đã hoàn thành việc xây dựng một bảo tháp 3 tầng, nằm bên cạnh Chùa Wat Sao Sokh San ở ngoại ô thành phố Wellford. Đây là bảo tháp Phật giáo đầu tiên của người Cam Bốt tại Hoa Kỳ.
Tầng trên cùng của bảo tháp sẽ tôn trí xá lợi Đức Phật. Tầng 2 có tượng Vua Jayavarman VII, một vị vua Phật giáo thời cổ được tôn vinh vì đã đem sự tự do và các nhu cầu về tinh thần và thể chất đến cho nhân dân Cam Bốt. Và tầng dưới dành để lưu giữ tro của các Phật tử thế tục từ khắp Hoa Kỳ.
Trong lễ khánh thành bảo tháp còn có phần trình diễn của Nhóm Múa Cổ điển Cam Bốt đến từ Washington D.C và các nhóm văn hoá khác.
Phật tử từ khắp đất nước - vốn nhập cư từ Lào, Tích Lan, Nepal và các nước khác - cũng đã tham gia vào các lễ hội tại bảo tháp này.
(WYFF News 4 - July 4, 2010)
Bảo tháp của người Cam Bốt tại Spartanburg County - Photo: WYFF News 4
MÃ LAI: Nền văn minh Ấn Độ giáo - Phật giáo của Mã Lai trải rộng trên 1.000 km vuông
Một nhóm các nhà khảo cổ học từ trường Đại học Sains Malaysia (USM) đã phát hiện các lò luyện sắt thời cổ ở Jiniang, bang Kedah - cách di tích Thung lũng Bujang (Thung lũng Rồng) 30 km.
"Điều này có nghĩa là khu vực nền văn minh Thung lũng Bujang bao phủ khoảng 1000 km vuông - rộng gấp 3 lần đảo Penang - chứ không phải chỉ 400 km vuông như người ta từng nghĩ trước đây", trưởng nhóm khảo cổ là ông Mokhtar Saidin nói.
Thung lũng Bujang là một quần thể lịch sử trải dài, là khu vực khảo cổ phong phú nhất Mã lai.
Các phế tích trong khu vực này có thể có trên 1.500 năm tuổi. Có hơn 50 lăng đền cổ cũng đã được khai quật.
Ông Saidin nói nhóm ông đã thực hiện những cuộc khai quật từ tháng 2 - 2009 đến tháng 5 năm nay. Họ đã tìm thấy các quần thể như là các điểm hành lễ và các ngành công nghiệp của nền văn minh xưa tại Thung lũng Bujang, nơi từng dựa vào nền công nghiệp đồ sắt.
Sau khi xác định niên đại của các địa điểm luyện sắt, ông nói rằng: Một nền văn minh cổ có lẽ dựa trên thuyết vạn vật hữu linh đã tồn tại ở đó từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 5. Nhưng từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 14, khu vực này đã là một nền văn minh Ấn Độ giáo và Phật giáo hưng thịnh.
(IANS - July 4, 2010)
Di tích một lò luyện sắt cổ tại Jiniang, bang Kedah (Mã Lai) - Photo: Malaysian Sun
THÁI LAN: Hoả táng thú cưng tại chùa Klong Toey Nai
Bangkok, Thái Lan - Những người yêu thú cưng ở Bangkok đến chùa Klong Toey Nai bên sông Chao Phraya để đánh dấu sự qua đời của bạn thú của họ với đầy đủ các nghi thức tang lễ. Các nghi thức bắt đầu bằng các bài kinh cầu nguyện ngắn của các nhà sư, sau đó là phần hoả táng trong 2 giờ, và một chuyến đi xuôi dòng sông để rải tro.
Bangkok là một thủ đô đông đúc gồm 15 triệu dân, với rất ít người có được đủ đất để chôn. Vì vậy nhiều người chọn chọn việc hoả táng dành cho những con thú cưng của họ khi chúng chết.
Cách đây gần một thập kỷ, chùa Klong Toey Nai đã bắt đầu hoả táng chó và mèo hoang, trước khi họ làm các dịch vụ tang lễ dành cho thú cưng. Bây giờ họ thực hiện từ 5 đến 15 tang lễ một ngày.
Ngoài chó và mèo chiếm đa số, các thú cưng còn có cả rùa, cá, thỏ và khỉ.
Chi phí của một cuộc hoả táng là 1.800 baht (460 usd) gồm cả dịch vụ thuyền để rải tro. Hoả táng chó nặng trên 20 ký tốn 2.000 baht, và ai muốn quan tài bằng gỗ mạ vàng sẽ phải trả thêm 3.000 baht.
Chùa cũng thực hiện các dịch vụ miễn phí đối với những người mang thú hoang đến nhưng không có khả năng trả tiền.
(Reuters - July 5, 2010)
TRUNG QUỐC: Các bích hoạ thế kỷ 11 được phát hiện tại tỉnh Thanh Hải
Vào tháng 4-2010, tại Hạt Tự trị Hualong Hui của tỉnh Thanh Hải, người ta đã phát hiện khoảng 200 mét vuông các tranh tường có từ Thời đại Gusiluo trong 5 hang đá.
Thời đại Gusiluo là một chế độ địa phương tại Thanh Hải trong Triều Tây Hạ (thế kỷ 11). Theo truyền thuyết, Gusiluo do các hậu duệ của Vương quốc Tubo thành lập vào thế kỷ 11.
Sau sự sụp đổ của Vương quốc Tubo vào thế kỷ thứ 9, tín ngưỡng Phật giáo hoàn toàn bị tê liệt tại Tây Tạng. Nhiều hiện vật và nền nghệ thuật Phật giáo bị phá huỷ.
Nhưng khu Hualong ở đông bắc cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đã hồi sinh như một trung tâm và như một thánh địa nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng trong Thời đại Gusiluo.
Các tranh tường này bao gồm nhiều mẫu vẽ và ký hiệu hình học lấy cảm hứng từ Phật giáo, gồm cả hình ảnh Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Nghìn Tay và hoa sen.
Ngoài các văn bản Tây Tạng còn có một phần của lời nói đầu bằng chữ Hán. Một số lượng lớn các mẫu biểu tượng Phật và các tháp cao 10 cm cũng đã được tìm thấy.
Dựa vào một loạt các phát hiện tại các khu vực khác thì những tranh tường này là di tích có từ thề kỷ 11 đến 12.
(China.org.cn - July 7, 2010)
Tranh tường của Thời đại Gusiluo tại hang đá số 1 - Photo: tibetcul.com
Miệng hang số 2 và các tranh tường còn lại - Photo: tibetcul.com
Mẫu hoa sen trên trần hang đá số 3 - Photo: tibetcul.com
Nhiều mẫu biểu tượng Đức Phật và tháp cao 10 cm đã được khai quật tại hang đá số 4 - Photo: tibetcul.com
Diệu Âm lược dịch
(haitrieuam.com)