Thuở xưa có một ông vua nọ thông minh, hiếu học. Lúc tuổi về già, muốn tìm hiểu sự thật của con người và cuộc đời, nhà vua ra lệnh cho tất cả các học giả trong nước đi khắp nơi để nhận xét và ghi chép những gì đã xảy ra cho con người từ xưa đến bây giờ. Vâng lệnh vua, nhiều đoàn học giả ra đi và làm việc suốt mấy mươi năm trời…
Một ngày kia thấy mình không còn sống được bao lâu nữa. Nhà vua ra lệnh gọi các học giả trở về. Số học giả ra đi thì nhiều nhưng trở về thì rất ít. Phần đông đã chết vì bệnh tật già yếu. Trong lúc tiếp đón đoàn học giả từ phương xa trở về, nhìn thấy những xe bò chở đầy sách vở, nhà vua rất mừng. Nhưng bất giác nhà vua rưng rưng nước mắt vì thấy mình không còn thì giờ để đọc hết cà sử sách ấy! Để làm vui lòng nhà vua, các học giả trong nước họp nhau lại và cố gắng toát yếu tất cả sử sách ấy, mong rằng vua có thể đọc được những điều hay việc lạ trước khi chết. Sau mấy năm trời bàn bạc ghi chép, các học giả thâu tóm các xe bò sử sách này trong một quyển và đem tấu trình cho vua. Lúc bấy giờ nhà vua đang nằm trên giường bệnh. Nhìn quyển sách quý giá nhà vua rơi lệ nói: “Trẫm làm sao còn có thì giờ để đọc”! các học giả lại vội vàng họp nhau để toát yếu thêm một lần nữa. Cuối cùng tất cả các học giả đã bằng lòng cô đọng tinh hoa của bao nhiêu xe bò sử sách trong một chữ: Ấy là chữ “Khổ” (Dukkha). Nghĩa là cuộc đời đầy dãy những điều không vừa ý, không chắc thật và luôn luôn biến đổi trong sự vô thường của tạo hóa mà sự thật cuối cùng của cuộc đời con người vẫn là chữ “Khổ” ấy…
Hàm ý chữ “khổ” ấy là gì vậy? Có phải chăng những việc gì, những hành động tư tưởng gì, làm cho ta không vừa ý, không thoả mãn và ray rứt, thất vọng thì gọi là khổ. Nhưng trên cuộc đời, chúng ta thấy cái khổ này là con đẻ của mọi tham vọng, tùy mức độ tham chừng nào, khổ ngần ấy, tham nhiều thì cái khổ ấy càng nhiều, tham ít thì khổ ít, không tham thì ắt hẳn không còn khổ nữa vậy. Thực tế rằng cuộc sống trên thế gian này không biết bao nhiêu là sự khổ, ngoài bốn việc sinh già bệnh chết ra, còn những nỗi khổ thương yêu mà phải xa lìa, chán ghét mà phải gặp gỡ, đây là cái khổ rất thường xảy ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Lại còn những kẻ thất bại trên trường tình, hay là người mà ta yêu quí, kính mến nhất lại phải cất bước ra đi ở một phương trời bất định. Nếu không muốn nói là chết, nào là cái khổ do loài người gây nên, do hoàn cảnh gây nên, do chiến tranh gây nên và do thời tiết, thiên tai gây nên v.v.. Rất nhiều những trạng thái khổ như vậy. Bởi thế nên nhà Phật gọi đời là bể khổ, không thể tính đếm được, không đo lường được nên lấy biển mà ví dụ vậy. Nhưng có một người nào đó đứng ở một góc độ khác nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan thì lại cho rằng đời là bể họa. Những thứ mà người ấy cho là vui sướng đó chẳng qua là sự trá hình của đau khổ thôi. Ví như một người đang gánh gánh nặng trên đường dài, hễ vai bên này mỏi thì anh ta sang gánh qua vai bên kia và vai bên kia mỏi thì sang gánh qua vai bên này. Cứ mỗi lần sang qua, sang lại như thế người ấy cảm thấy sướng lên một chút. Anh ta kham chịu đi cho hết quảng đường còn lại. Những người gánh gánh nặng kia đâu có biết rằng dù có sang vai bên này hay vai bên kia rồi ruốt cuộc cái gánh nặng vẫn đè lên thân anh. Cũng như vậy, trong cuộc sống chúng ta, thấy có chút ít vui sướng và an hưởng cái vui sướng nhất thời ấy thì cũng giống như người gánh nặng kia vậy.
Chúng ta nên ý thức rằng để sinh ra và sống trên hành tinh này thì ai cũng phải khổ, mà cái khổ nó không riêng gì đeo đuổi những người thiếu ăn, thiếu mặc, hay những người sống nhờ sự bố thí của kẻ khác, chính như những người sống trên nhung lụa vàng bạc mà cũng vẫn cứ khổ. Như Trình Giáo Kim chê và từ bỏ ngôi vua vì ông ta cho là khổ. Gia Cát Lượng đã ba lần từ chối không làm tướng vì ông cảm thấy chán khổ. Như Đức Thích-ca Mâu-ni, ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc lại đằng sau, để đi tìm cho nhân lọai một cuộc sống giải thoát. Vì Ngài cho rằng “Dù ngục xây bằng vàng hay bằng đất đi nữa, thì người ở trong ngục vẫn khổ như nhau”. Vì cuộc sống vương giả cái lạc thú tạm bợ, như chút đường dính trên lưỡi dao vô cùng sắc bén, hễ chúng ta không cẩn thận một chút là mang thương tích ngay.
Qua suốt dòng lịch sử của nhân loại từ thời cổ sơ khai, cho đến thời cận kim và hiện nay những cái khổ vẫn luôn luôn bán sát bên con người, nó không chừa một địa vị nào, một bối cảnh nào. Như tiếng khóc nỉ non của một cung tần thất sủng vì trên nét mặt thoáng hiện vài nếp nhăn của cảnh già nua, và ngoài kia tiếng rên xiết của một chiếc thân tàn đang run rẩy bên cây gậy trong tầm tay đang gắng gượng. Đây là hai cái cảnh già khác nhau mà đau khổ thì như nhau. Tần Thủy Hoàng một bạo chúa nuôi mộng xâm lăng toan thôn tính toàn địa bàn Trung Quốc cũng đã khổ vì quên ăn mất ngủ với tham vọng quá lớn. Việc Câu Tiễn vì chút hận thù nhỏ nhen vị kỷ mà đã nằm gai ném mật suốt mười năm trường và đã kéo theo bao nhiêu kẻ khác tạo cảnh núi sương sông máu cho nhân loại. Điển hình vài cảnh khổ của những kẻ sống thừa vật chất và đời sống rất là trưởng giả nhưng cũng không thoát được khổ. Như vậy thì chúng ta thừa hiểu rằng, xung quanh ta, những nông dân, những người thiếu thốn, những cô nhi quả phụ thì cái khổ của họ biết là dường nào. Nhìn chung từ xưa đến nay những tiếng khóc nỉ non, tiếng cười ra nước mắt, tiếng rên xiết của phế nhân, của những người thất vọng đã tạo thành một bản nhạc thê lương, có điệu trầm bỗng ai oán. Và có lẽ bản nhạc này sẽ vang mãi trong suốt thời gian còn lại của chúng ta và của những ai đang còn mang đầy tham vọng.
Chính từ những viễn cảnh trên đây mà đạo Phật đã thị hiện được chân dung của Bồ-tát Quán Thế Âm cứu khổ, cứu nạn, nếu ai biết quay đầu, Ngài đã có lời nguyện và luôn luôn có mặt trên biển khổ mênh mông này:
Ôi! Trần gian! Trần gian
Lắm kẻ kêu than vì chữ khổ
Sống bạc đầu sao chẳng ngộ hỡi trần gian
Hãy cho ta giây phút hơn ngàn vàng
Để vượt qua bến gian mê rời bể khổ.
Nói tóm lại: chữ “Khổ” mà tôi đã nêu và mổ xẻ trên đây là để tạo cho chính mỗi chúng ta một bản lĩnh phi thường, để đối phó, để diệt trừ, chứ không phải để mặc cho dòng đời xử lý sao cũng được. Nhân ngày lễ hội Vu lan sắp về, nhìn trước cảnh đời thực tế và là cái cần thiết đối với mỗi chúng ta trong biển trầm kha đau khổ, không thể nào làm sao cho vơi hết được khi đối diện với cuộc hồng trần, tôi in mạo muội đôi lời, chia xẻ nỗi đau thương được mất trong các phiền não đau khổ của bao chúng sanh, nguyện đền đáp báo hiếu công ơn muôn một cho cha mẹ, những người thâm ân của chúng ta. Với lời chỉ đường của Đức Phật từ xưa đã dạy: “Nầy các con! Phải tinh tấn dũng mãnh diệt trừ cội rễ của đau khổ, để cần cái thường lạc Niết-bàn”. Ngài còn dạy tiếp: “Là Phật tử phải xung đột trong đau khổ, lấy công tác diệt khổ làm cái vui của mình”. Đó là phương châm cho những ai còn đi trên những dặm đường tu tập hãy rẽ ngược cuộc đời: “Lấy nghiệp chướng để làm sự nghiệp tu hành, lấy khổ đau để làm niềm vui cho đạo (Kinh Cú Pháp)”. Đây là những chiến tướng mang sứ mệnh diệt khổ: “Nếu còn một chúng sanh nào chưa hết khổ, thì tôi nguyện không thành Phật sớm vậy” (Quán Thế Âm). Vài nét phát họa trên đây về cái khổ và con đường đi đến nơi hết khổ. Muốn rõ hơn chúng ta phải quay về nơi cội nguồn của đạo Phật vì đạo Phật được mệnh danh là đạo diệt khổ - giải thoát.
Huệ Quang - mùa An cư Nhâm Ngọ