Giáo hội Tăng già trong thời đức Phật còn tại thế là một giáo đoàn gương mẫu được người tục hết lòng kính tín và ái mộ. Dù với số lượng tăng chúng mỗi ngày một đông dần, đời sống sinh hoạt rất nhiều phiền toái do người xuất gia vì cơm áo ít nhiều xen tạp vào tăng đoàn, nhưng giáo đoàn vẫn giữ được một mầu thanh tịnh và hòa hợp như nước với sữa vì đức Phật đã kịp thời ban hành những quy chế thích hợp để ngăn chặn sự manh động của ba nghiệp, giúp cho những hành vi hữu lậu mau chóng gội rửa để thành tựu quả vị giải thoát.
Nếu như trong tăng đoàn căn tánh mỗi người đều đặc biệt sâu dày, cộng với công phu tu tập vững vàng, không bị nhiễm ô trần tục, chỉ cần vài lời khuyên đơn giản như: Thận trọng lời nói, thân không làm điều ác, giữ cho ý thanh tịnh là lập tức ra khỏi trần lao phiền não, dự vào dòng thánh thì đức Phật không cần phải ban hành những quy chế khắt khe để làm gì. Song đã không ít thầy Tỳ kheo sống xa rời hạnh thanh tịnh giải thoát, gây xáo trộn đoàn thể vì đam mê lợi dưỡng, làm con đường thành tựu tuệ giác bị lu mờ, người thế tục không còn nể phục, uy tín tăng đoàn ngày một giảm khuyết. Giới luật buộc phải ra đời để thống nhiếp Tăng chúng cũng như giúp từng cá nhân một tự phản tỉnh gạn lọc sự nhiễm ô hay thanh tịnh trong tâm mình và định mức tiến hóa thánh thiện.
Giới luật bắt đầu được ban hành theo từng sự suy thoái sai lệch trong đời sống sinh hoạt của tăng đoàn. Cứ mỗi hành vi hữu lậu là một điều giới lại ra đời. Như vậy không biết đã có bao nhiêu hành vi hữu lậu phát sinh trong suốt thời gian 45 năm đức Phật thuyết pháp giáo hóa mà điều giới của Tỳ kheo lên đến 250 và Tỳ kheo ni đến 348. Mỗi học giới đều mang tính giải thoát riêng biệt, nhưng không ngoài hai đặc tính cơ bản là thanh tịnh và hòa hợp. Thanh tịnh và hòa hợp là điều kiện chính yếu để hình thành một giáo hội Tăng già lớn mạnh đặc trưng cho tinh thần giải thoát. Nếu các thầy Tỳ kheo luôn sống trong niệm đoàn kết hòa hợp như nước với sữa mà không phản ảnh sinh động được những giáo lý cơ bản của đức Phật, nghĩa là không giải thoát cho ba nghiệp ra khỏi trần lao phiền não, không tạo được nền tảng vững chắc cho các pháp vô lậu phát sinh thì coi như ý nghĩa Tăng già không thành, không thể tiến hành bất kỳ một pháp sự nào. Trong Tăng Chi III đã ghi lại lời thẩm định của đức Thế Tôn: “ Này các Tỳ kheo, tử thi có thể bị ném vào đại dương, nhưng đại dương không bao giờ dung chứa tử thi. Nó nhanh chóng sẽ bị đẩy vào bờ và quăng lên đất khô. Cũng vậy, nếu Tỳ kheo nào không giữ được hạnh thanh tịnh thì Tăng thân sẽ không sống chung với kẻ ấy, hãy nhanh chóng tụ họp lại loại kẻ ấy ra. Dù kẻ ấy có ngồi giữa Tăng chúng kẻ ấy cũng xa rời Tăng chúng và Tăng chúng cũng không ôm trọn được kẻ ấy”. Ngược lại, nếu Tăng thân một mầu thanh tịnh không chút cấu nhiễm, nhưng mỗi người lại nói năng hành động mỗi kiểu, không ai nâng đỡ cho ai, không ai sống vì ai, tự thanh tịnh tự giải thoát thì Tăng thân sớm muộn gì cũng tan rã không còn chỗ đứng. Ngay thời Phật còn tại thế các giáo sĩ Bà la môn cũng có uy tín và chỗ đứng cao ráo trong lòng người thế tục vì họ cũng có một đời sống phạm hạnh. Song, khi đem so sánh với giáo đoàn xuất gia của đệ tử Phật thì người đời đều lắc đầu không thán phục vì tổ chức của họ không có hệ thống, nói năng hành động trên dưới tùy tiện, hội họp giải tán đều trong niệm bất hòa. Cho nên thanh tịnh và hòa hợp là hai điều kiện hết sức quan trọng và tương quan mật thiết với nhau. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì bản thể Tăng già nhất định không thành tựu.
Chính sự thanh tịnh và hòa hợp này mà Đại vương Pasenadi nhiều lần chứng kiến lối sinh hoạt của Tăng đoàn phải thốt lên lời kính phục: "...Bạch đức Thế Tôn vua chúa thường tranh chấp với vua chúa, Sát Đế Lợi thường cãi lộn với Sát Đế Lợi, bạn bè thường hơn thua với bạn bè. Còn ở đây con thấy các thầy Tỳ Kheo sống với nhau rất thuận hòa thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính, Bạch đức Thế Tôn ngoài ra con không thấy một phạm hạnh nào khác viên mãn hòa hợp thanh tịnh như thế ” (Trung Bộ Kinh II).
Vì thế, giáo pháp của đức Phật đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân chứ không phải kinh nghiệm tập thể. Sự toàn diện đạo đức của mỗi cá nhân là nét đẹp trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni sống đúng như Pháp như luật là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng già.
Từ khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn cho đến nay đã trải qua bao đợt xuân thu mà giáo hội Tăng già Phật giáo vẫn bền vững tồn tại giữa muôn ngàn thăng trầm biến đổi. Nhờ có giới luật làm cương lĩnh thống nhiếp mà giá trị thanh tịnh hòa hợp luôn luôn thành tựu. Song, nếu sự thanh tịnh hòa hợp được nâng cấp đúng giá trị của nó, nghĩa là giới luật được giáo hội tôn trọng lên vị trí hàng đầu như nhịp tim và hơi thở thì có thể xác quyết rằng không có một pháp sự nào là không thành công, không một trở lực nào, hay một giáo phái nào có thể lấn áp được. Chúng ta không thể phủ nhận những giai đoạn Phật pháp của thế giới nói chung hay Việt Nam nói riêng rơi vào thời kỳ đen tối. Nguyên nhân có thể do hoàn cảnh xã hội bên ngoài, nhưng chính yếu là do sự suy thoái lỏng lẻo, thiếu thanh tịnh và hòa hợp bên trong tăng đoàn. Bởi chỉ có trùng trên mình con sư tử mới có thể ăn được thịt của con sư tử. Điều đó nói lên rằng sức mạnh của giáo hội tăng già như chúa tể của rừng xanh, đầy đủ năng lực để san bằng mọi trở ngại nếu như từng tế bào một trong cơ thể sư tử luôn lớn mạnh không bệnh hoạn mục nát. Cho nên mỗi chúng ta hãy nhìn xa ba cõi, sáu đường chúng sanh đang chịu đọa đày đau khổ, nhìn tiền đồ Phật pháp dần lu mờ về tương lai mà từ bỏ những ham muốn tầm thường, những ích kỷ riêng tư, những phân biệt kỳ thị, những cái ta bé nhỏ mà cùng nắm tay nhau trong nguồn sinh lực thanh tịnh hòa hợp để trang điểm lại gương mặt Phật pháp cho nét giải thoát uy nghiêm rạng rỡ lại thuở nào.
HT.Thích Minh Thông
(Theo Theo Dâu Chân Xưa)