An cư, nguyên tiếng Phạn là vārṣika, dịch ý thì từ này có nghĩa là kỳ nghỉ mùa mưa (vũ kỳ). Ở Ấn Độ, mùa mưa kéo dài ba tháng và rơi vào mùa hạ. Những người xuất gia trong khoảng thời gian này cấm túc ở một chỗ, hạn chế tuyệt đối sự đi lại và nỗ lực tu học, gọi là kiết hạ. Đối với các vùng lãnh thổ mà mùa mưa rơi vào mùa đông thì việc an cư sẽ tiến hành vào mùa đông, gọi là kiết đông. Chế độ sinh hoạt tu tập này không phải chỉ có trong Phật giáo. Vào thời đức Phật còn tại thế, các tôn giáo khác đều có an cư ba tháng mùa mưa, và tập tục này đã có từ xưa. Tuy nhiên, khi Tăng già đức Phật tổ chức an cư, và trở thành một truyền thống, thì từ an cư lại mang một ý nghĩa khác. Sự khác biệt đó không phải do nội dung quán lệ của danh từ, mà do chính sinh hoạt thực tiễn của Tăng già mang đến.
Theo Tứ phần luật san bổ tuỳ cơ yết ma sớ, quyển bốn, thì “ở bất cứ nơi đâu mà thân và tâm được an tĩnh, thì gọi là an cư”. Theo đây, ý nghĩa an cư không chỉ dừng lại ở cái thông lệ hễ đến mùa mưa là cấm túc ở một chỗ, hạn chế sự đi lại, mà phải làm thế nào để thân và tâm của mình được an tĩnh. Để thân và tâm được an tĩnh là mục đích mà suốt đời một người xuất gia gìn giữ, chứ không chỉ trong ba tháng hạ. Nhưng ba tháng hạ là cơ hội để đạt được mục đích đó, vì trong khoảng thời gian này, hành giả an cư để hết thì giờ vào việc tu tập thiền quán. Trong chín tháng ròng rã ngoài mùa hạ, các Tỳ-kheo phải tự khất thực để độ nhật và không ngừng bước chân hoằng hoá; khi ba tháng hạ đến, cấm túc an cư một chỗ, không cần phải khất thực, vì đã có Phật tử ngoại hộ, để tất cả thời gian vào sự tu tập, thì quả là một điều mong ước đối với những ai tha thiết tìm cầu chân lý giác ngộ giải thoát.
Các kinh A-hàm, Phật bản hạnh tập kinh v.v.. đều có ghi lại sự việc đức Thế Tôn cùng với các đệ tử an cư tu hành. Đặc biệt, Tăng già la sát sở tập kinh, quyển hạ… có liệt kê các địa danh mà đức Thế Tôn đã an cư trong suốt 45 năm hoằng hoá (theo Phật quang từ điển). Kinh điển, Nam truyền cũng như Bắc truyền, đều cho thấy rằng, các Tỳ-kheo tu học và du hoá khắp các nơi, khi mùa mưa đến, thì tập trung về một trú xứ nào đó để cùng nhau an cư. Nhưng cũng có trường hợp các Tỳ-kheo hoằng hoá ở những nơi xa xôi hẻo lánh, không có tăng thân, vị ấy vẫn có thể tiến hành an cư ba tháng mùa mưa một mình, gọi là tâm niệm an cư. Điều này được đức Phật cho phép và chúng ta có thể đọc được trong Luật tạng. Chính đức Thế Tôn cũng đã có lần an cư một mình trong rừng, và lần đó đức Phật đã học được tiếng gầm của con voi chúa, mà sau này nó đã giúp Ngài kiềm chế được con mãnh tượng người ta cho phục rượu say để hám hại Ngài.
Theo nhà nghiên cứu Holmes Welch, sau Phật niết-bàn, truyền thống an cư vẫn được các đệ tử của Ngài duy trì. Đến thời kỳ Phật giáo phân phái, thì trong tất cả các bộ phái, chỉ có Thượng toạ bộ là tổ chức an cư đặc sắc hơn hết. Bộ phái này, hễ đến ba tháng mùa mưa, các Tỳ-kheo đều cấm túc an cư trong tu viện của mình. Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, truyền thống an cư không được truyền theo. Mãi đến đời Diêu Tần, khi các bộ luật như Thập tụng luật, Quảng luật… được phiên dịch, nói rõ các nguyên tắc thọ giới, an cư… thì cách thức an cư mới được bắt đầu thực hiện. Hình thức tổ chức an cư cũng giống như Thượng toạ bộ, tức là trong ba tháng mùa mưa, Tăng chúng cấm túc trong tu viện của mình, nhưng có biến đổi thêm chút ít, là thay vì giành hết thời gian công phu, thiền định, chư Tăng để ra một ít thời gian để học tập Kinh, Luật, Luận, do chính vị phương trượng giảng dạy, hoặc mời các vị danh sư lân cận đến đảm trách (Theo Từ điển Phật giáo bách khoa toàn thư).
Ở Việt Nam ta, truyền thống an cư cũng có được ngót hai ngàn năm. Trong những năm gần đây, truyền thống này lại được chú trọng, gầy dựng và phát triển rất khởi sắc. Có nhiều Trường hạ tập trung được mở ra, quy tụ hàng trăm Tăng Ni tu học, tạo nên không khí trung hưng và làm sống dậy tinh thần tu học của Tăng già. Có thể nói, đây là một sự nỗ lực cố gắng và ít nhiều đã thành công của Tăng già trong công tác tổ chức đời sống tu học cho Tăng Ni. Nhưng cũng chính từ thực tiễn này đã gây cho chúng ta một suy nghĩ, phải chăng những người xuất gia chỉ nỗ lực tu học trong ba tháng?
Thật vậy, không khí tổ chức, kêu gọi, thậm chí dùng “biện pháp” để Tăng Ni tập trung an cư khiến cho chúng ta có một cảm giác như phải vào Trường hạ mới thực sự tu học. Điều này đã tạo phản cảm an cư đối với nhiều người, trong khi các Trường hạ chỉ mới thành công về mặt tổ chức hình thức, nhưng cũng chỉ ở một góc độ nhất định nào đó mà thôi, chứ không phải hoàn toàn. Còn về mặt nội dung, hình như chúng ta chưa có một nội dung tu học rõ ràng và nhất quán trong các trường hạ. Chương trình tu học của các Trường hạ hầu như đều mang tính tự phát, nội dung trùng lặp nhiều năm liền, có những môn học đã được học ở các trường Phật học và thiếu hẳn hơi thở của thời đại, thiếu hẳn kinh nghiệm trao truyền tâm linh, tức là thiếu hẳn những nguyên tắc thành tựu, gọi là tất đàn. Chính điều này đã khiến cho phần lớn những người xuất gia trẻ không cảm thấy thích thú khi tham dự các khoá an cư.
Những người xuất gia trẻ không hăng hái tham dự an cư, không phải vì họ đã thối thất tâm bồ đề, không còn tha thiết với đời sống tu học, gìn giữ thanh quy, mà bởi vì họ đã không tìm thấy được sự trao truyền, nhất là sự trao truyền kinh nghiệm tâm linh từ các khoá hạ. Tiếp xúc với những hành giả an cư, ai cũng bày tỏ nỗi niềm bức xúc đối với chương trình tu học và lòng tự nhũ lòng năm sau không đi an cư tập trung nữa! Những vị này luôn nghĩ về hình ảnh những người xuất gia ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi một ngôi chùa làng, một thầy cùng dăm ba đệ tử, dù không trương băng-rôn “điểm an cư’, “trường hạ” chi hết, nhưng thời khoá tu học vẫn đều đặn: ăn cơm quá đường, kinh hành, tụng kinh, bái sám, tham thiền, và thầy trò truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm tu học, những bộ kinh nho nhỏ. Hình ảnh ấy mới đẹp và thanh thoát làm sao! Lẽ dĩ nhiên, không được ở chung với Tăng thân, chắc chắn có nhiều thiệt thòi, nhất là không được con mắt Tăng soi sáng. Nhưng với một nỗ lực và quyết tâm cao, những vị ấy vẫn có thể nuôi dưỡng và làm lớn mạnh nguồn mạch tâm linh của chính bản thân mình.
Từ sự bắt gặp những ý nghĩ đó, chúng tôi hiểu được nỗi niềm thao thức của những người xuất gia thế hệ hôm nay. Họ cần có một trung tâm tu học thuần tuý, mà ở đó có đầy đủ pháp hành và người hướng dẫn có kinh nghiệm tâm linh. Trên thực tế, hiện nay Giáo hội chưa thực hiện được điều này. Dù rằng vẫn có những trung tâm tu học lớn, nhưng đó chỉ là những trung tâm tự phát, mang tính cá nhân, chứ chưa phải là một chủ trương của Giáo hội. Hình như Giáo hội phải chờ đến ba tháng an cư mới đẩy mạnh tinh thần tu học của Tăng Ni. Phải chăng vì đến đó chúng ta có đủ lý do để tập trung được yếu tố con người? Nếu vậy thì không bao giờ chúng ta tập trung được cái ‘tâm’ của họ. Nếu vì một lý do nào đó mà phải tập trung an cư, chứ không do động lực từ nội tâm thúc đẩy, gắn mình vào một trú xứ nhất định để nương tựa và thực nghiệm tâm linh, thì việc an cư đó đã không thành.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận giá trị an cư tập trung trong bối cảnh hiện nay. Điều chúng tôi muốn nói là phải làm thế nào để những Trường hạ đạt được kết quả tu học tốt. Theo chúng tôi, nên chăng phải có một giáo án an cư? Phải có một pháp hành cụ thể cho đối tượng an cư trong từng trú xứ? Mỗi người có một pháp môn hành trì riêng, hoặc thiền, tịnh, mật… thì cũng phải có các mô hình tổ chức an cư tương ứng, phù hợp với con người của thời đại. Pháp môn tu tập phải rõ ràng và nhất quán đó là điều kiện cần thiết nhất trong một môi trường tu học, nó phải được thống nhất từ nghi thức, nghi lễ, cho đến phương pháp hành trì. Và một yếu tố nữa cũng vô cùng quan trọng, đó là con người tu chứng, hay ít nhất là có kinh nghiệm hành trì và đã đạt được thân tâm an tĩnh. Có những yếu tố này thì Trường hạ mới trở thành trung tâm tu học, mới trở thành một mảnh đất gieo trồng thiện pháp, nuôi lớn giới thân huệ mạng.
Một khi Trường hạ đã tổ chức thành công đời sống tu tập, cả hình thức lẫn nội dung, thì từ đó, chúng ta có thể hướng đến xây dựng thành những trung tâm thể nghiệm tâm linh. Lúc bấy giờ, các trung tâm tu học này không chỉ đón nhận hành giả về an cư trong ba tháng hạ, mà bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể tổ chức các khoá tu ngắn hạn, dài hạn, một tháng, ba tháng, một năm… để đào luyện nên những hành giả thực tu, thực học, thực sự có kinh nghiệm tâm linh.
Kinh điển còn ghi lại cho thấy, dưới sự hướng dẫn của đức Phật, sau ba tháng an cư, có rất nhiều Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán. Để giúp đỡ các Tỳ-kheo có cơ hội giác ngộ cao, đức Phật thường xuyên chỉ dẫn kinh nghiệm tu tập; các Tỳ-kheo trưởng lão có kinh nghiệm tu chứng cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ với các tân Tỳ-kheo để họ có thể thành tựu pháp lạc trong ba tháng an cư. Trong khi đó, thực tế hiện nay chư tôn đức giáo phẩm, những bậc trưởng lão không thấy an cư với Tăng Ni. Mà Tăng Ni, nhất là thế hệ xuất gia trẻ, cần và cần lắm sự gần gũi, chăm sóc của chư tôn đức để thiết lập mối quan hệ và thừa hưởng sự truyền thông mạch nguồn huyết thống tâm linh từ quý Ngài. Đó là điều kiện cần và đủ để hình thành nên cái gọi là “truyền đăng tục diệm”. Vậy nên chăng chư tôn đức cần sắp xếp thời gian, công tác Phật sự để đến với Tăng Ni trong ba tháng hạ? Thiết nghĩ đó cũng là công tác Phật sự vô cùng quan trọng.
Tóm lại, tu tập là cả một quá trình chuyển hoá không ngừng, chứ không bao giờ giới hạn trong “ba tháng an cư, chín tuần tu học”. Nhưng ba tháng an cư sẽ là những dấu ấn đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời tu học của mình, nếu nó tạo ra được những bước ngoặc trong quá trình chuyển hoá tâm, đánh dấu những thành tựu pháp lạc trong sự hành trì. Để có được những nét son kỷ niệm ấy, chúng ta cần phải có một môi trường an cư thật sự lý tưởng đúng như pháp và phù hợp với tâm lý của thời đại. Tất cả những điều này đều mong chờ ở tất cả những ai đang mang hoài bảo “thiệu long thánh chủng”!
Thích Nguyên Hùng