Chỉ cần bước vào chiếc cổng tre làm khá công phu và mỹ thuật, hai đầu giới hạn của khu ẩm thực trong khuôn viên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là du khách tự dưng thấy lòng mình nhẹ nhỏm, một cảm giác thật an nhiên, tự tại. Cảm giác này đã làm tăng lên rất nhiều thú vị của người đến thưởng thức món chay. Không an nhiên sao được khi bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng, con sông vốn đã làm an bình những người ngắm nhìn nó với sắc nước luôn biếc xanh. Giờ đây, con sông đã làm nền cho một không gian dân dã mà lại rất sang trọng đẫm hương vị nông thiền.
Đứng bên chiếc ao vườn nhỏ với những bông hoa súng, hoa bèo lục bình nhẹ nhàng nở, chiếc ghe nhỏ neo hững hờ, bên trên là giàn mướp, giàn bầu ngọt quả, du khách có cảm giác như đang hoà lẫn với thiên nhiên, một thiên nhiên Việt sâu đậm hồn quê mà chắc chắn sẽ là một nỗi tha thiết nhớ của những người con Huế nói riêng, con Việt nói chung đang xa xứ. Để có được khung cảnh thanh bình nên duyên kia là ý tưởng và công sức của các Tăng ni và Phật tử trẻ mà đứng đầu là Thầy Pháp Trí. Không dễ để bứng và nuôi dưỡng những dàn bầu, mướp từ các chùa và các tư gia Phật tử ở nông thôn, bởi công việc này phải trải qua nhiều công đoạn, rất cần lòng đam mê và sự kiên nhẫn. Nhìn những trái mướp, trái bầu treo lủng lẳng trên giàn, trong một khuôn viên trước đây là con đường tráng nhựa, dưới cái nóng mùa hè đổ lửa, có khi lên tới 40 độ C, không ai tin được đó là những quả thật.
Không gian ẩm thực chay càng thêm mang phong vị nông thiền bởi những chiếc áo lam của quý sư cô và các em Phật tử thấp thoáng, những người phục vụ chính trong buổi ăn của khách. Ở đây người bán không mang nặng khái niệm bán, và người mua cũng không mang nặng ý niệm mua, cũng không có khái niệm “khách hàng là Thượng đế”. Khách đến đây chỉ đơn giản là đến tìm một khung cảnh an nhiên, đến để trải lòng mình hoà điệu với Đạo pháp qua những món ăn chay nguyên lành được chế biến từ rau, củ, quả tinh khiết. Nhìn những đĩa bánh cuốn, bánh lọc, bánh khoái, bánh gói chợ Cầu, những chiếc bánh bèo trong những chiếc đĩa trắng tinh được bọc sạch sẽ từ giấy bóng, những tô bún với mùi hương nhẹ nhàng, tinh tế và nhất là thái độ dịu dàng của các sư cô, hiền hậu nhẹ nhàng của các em Phật tử cùng âm thanh “A di đà Phật” thỉnh thoảng vang lên, người thưởng thức món chay thực sự có cảm giác mình đang được sống trong một không khí đạo vị của nghệ thuật ẩm thực chay.
Cũng còn thiếu sót nếu không nói đến sự xuất hiện của những lu nước chè, được múc bằng những chiếc gáo dừa - một thức uống thấm đẫm tình quê, khó tìm thấy ở một quán ăn sang trọng nào khác.
Trải qua một tuần lễ, nhưng những cây bầu, cây mướp, cây đu đủ vẫn xanh tươi, tràn trề sức sống, nhất là những trái ớt đỏ chín mọng gọi mời du khách nhưng không ai nỡ ngắt nó đem về làm của riêng. Lạc vào không gian làng quê Liễu Quán, được tận hưởng hương vị chay đậm đà thiền vị, chúng tôi có cảm giác mình như được đắm chìm trong một không gian văn hóa đích thực. Không gian ẩm thực chay đã thực sự góp phần không nhỏ trong sự thành công của Tuần lễ Văn hoá Phật giáo và là một suy nghĩ cho nền văn hoá ẩm thực Huế, một trong những hoạt động của Festival Huế sắp đến.
Tuần lễ Văn hoá Phật giáo Huế đã qua đi và chương trình ẩm thực chay cũng sẽ chấm dứt nhưng ấn tượng đẹp đẽ và thi vị từ không gian ẩm thực chay độc đáo bên bờ sông Hương sẽ còn lưu cảm rất lâu trong lòng những ai đã một lần thưởng thức.
Thanh Nhã
theolieuquanhue.com.vn