Sự hưng thịnh hoặc suy yếu của Phật pháp luôn là vấn đề mà bất cứ người đệ tử Phật nào cũng đều quan tâm. Hiển nhiên tất cả mọi người đều muốn Phật pháp được hưng thịnh thế nhưng trên thực tế lại không như ý muốn. Không thể chỉ ước muốn suông mà cần phải biến ước muốn đó thành hiện thực, bằng những biện pháp cụ thể và thiết thực. Đó là đưa Phật pháp vào cuộc sống, thể hiện tính giác ngộ (trí tuệ), giải thoát (không còn trói buộc bởi lòng tham lam và sân hận) và từ bi (bao dung và tha thứ) của đức Phật qua đời sống cụ thể của hàng ngũ Tăng già và người Phật tử tại gia. Nếu được như vậy Phật pháp sẽ hưng thịnh phát triển; không chỉ phát triển ở Việt Nam, các nước Châu Á, mà ngay cả các nước phương Tây, vì giác ngộ, giải thoát và từ bi, là ba yếu tố mà bất cứ ai, ở xã hội nào cũng cần, nhất là ở xã hội ngày nay, loài người có xu hướng phát triển theo chiều hướng đó.
Nếu chúng ta cứ dùng vạn lời hoa mỹ ca ngợi sự vĩ đại cao siêu của đức Phật, tán dương sự giác ngộ giải thoát và lòng từ bi của Ngài cùng với sự đóng góp tích cực của đạo Phật trong quá khứ, hoặc truyền bá lời Phật dạy dưới hình thức như là “câu thần chú” một cách khó hiểu, thiếu sự phân tích giải thích, bên cạnh đó, biểu hiện của đời sống tăng già lại đi ngược lại tinh thần giác ngộ giải thoát và từ bi của đức Phật, thì con người ở xã hội ngày nay khó chấp nhận và làm theo. Khi xã hội không chấp nhận thì sự tồn tại của tăng già sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt sinh tồn và phương tiện hoằng pháp. Từ đó thành phần tăng già sẽ bị suy thoái, Phật pháp cũng sẽ theo đó hoại diệt, vì vai trò của người cư sĩ khó có thể thay thế cho tăng già, giữ nhiệm vụ hoằng dương Phật pháp và duy trì đạo đức xã hội.
Do vậy, muốn Phật pháp được tiếp tục duy trì và phát triển trong điều kiện hiện nay, cần phải tìm hiểu các vấn đề: bản chất của Phật pháp, nhu cầu thực tế của con người, phương pháp hoằng pháp của Phật giáo có thể hiện đúng tinh thần của đức Phật và nhu cầu con người trong xã hội hay không. Từ đó lý giải tại sao Phật pháp hưng thịnh và suy tàn. Đó là nội dung thảo luận của bài viết này, đặc biệt chú trọng phân tích nguyên nhân nào làm cho Phật pháp hưng thịnh ở xã hội ngày nay.
1. Bản chất của Phật pháp
Phật pháp là chân lý, là nguyên lý vận hành của mọi pháp ở thế gian, bao gồm cả tâm lý và vật lý. Nguyên lý đó không bao giờ thay đổi, bất cứ ở đâu và vật nào, không có một pháp nào không tuân thủ nguyên tắc này mà hình thành hay hủy hoại. Nguyên lý đó được gọi là “Duyên khởi” (Sk : prat´tya-samutp?da, P?: paÊicca-samupp?da), thường được đức Phật mô tả là “Cái này có cho nên cái kia có, cái này sinh cho nên cái kia sinh”[1]. Từ nguyên lý này, đức Phật hình thành “12 nhân duyên” để phân tích giải thích quá trình hình thành và chấm dứt những phiền não đau khổ của con người[2]. Cũng từ đạo lý Duyên khởi này, đức Phật phát hiện và chỉ ra bản chất của các pháp (tâm lý và vật lý) là vô thường (anitya), luôn luôn thay đổi, vì chúng không có tự tánh, phải nương tựa vào nhau mà tồn tại. Như vậy, cái mà chúng ta gọi là “Ngã” (?tman), là chủ thể nhận thức, cái đó cũng là giả hợp, cho nên đức Phật gọi là “vô ngã” hay chính xác hơn gọi là “phi ngã” (an?tman), vì chúng được hình thành bởi 5 yếu tố là sắc, thọ tưởng hành và thức. Như vậy, các pháp tức chỉ những pháp thuộc vật chất và ngay cả những quan điểm tư tưởng cũng đều do duyên khởi mà thành, bản chất của chúng là vô thường; cái gì vô thường chuyển biến, cái ấy không thể gọi là “ngã” hay cái thuộc về “ngã sở”. Nếu chúng ta điên đảo cố chấp cho chúng là thường hằng, là “đây là tôi”, đây là cái “của tôi” là quan điểm của tôi hoặc cho rằng, nó là “tôi” là “của tôi”, nhưng chúng không theo ý mình thì khổ sanh. Do vậy đức Phật khuyên chúng ta nên dùng chánh tri chánh kiến để quan sát và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Nếu chúng ta làm đúng như thế thì sẽ được hạnh phúc an lạc, ngược lại sẽ chuốc lấy khổ đau. Hạnh phúc hay khổ đau do chính chúng ta quyết định, đức Phật chỉ là bậc đạo sư chỉ cho chúng sinh thấy được bản chất của các pháp, con đường nào là con đường dẫn đến hạnh phúc, và con đường nào là con đường mang lại khổ đau.. Căn cứ từ đạo lý này, đức Phật tùy theo căn cơ trình độ của mỗi loại chúng sinh mà thiết lập các pháp cao thấp, rộng sâu khác nhau, do vậy mà có các pháp Tiểu thừa Đại thừa, bộ phái khác nhau. Qua đó, gợi ý cho chúng ta thấy, hình thức Phật pháp có Tiểu có Đại, có cạn có sâu, nhưng ý nghĩa Phật pháp không có thay đổi. Đây chính là nội dung ý nghĩa:
“Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được ta giới thiệu Chánh Pháp, Pháp này thiết thực hiện tại, không có thời gian(a), đến để mà thấy(b), có khả năng hướng thượng(c), được người trí tự thân giác hiểu(d). Này các Tỷ-kheo, Pháp này thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự thân giác hiểu. Tất cả những gì đã nói là do duyên này mà nói.”[3]
Qua đoạn kinh vừa dẫn có những điểm cần làm rõ:
Câu (a)“Pháp này thiết thực hiện tại, không có thời gian”, khái niệm Pháp (P?: Dhamma, Sk: Dharma) được ám chỉ cho những gì Thế Tôn giác ngộ dưới cội cây Bồ đề, và được Ngài dùng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau mô tả về chân lý này trong suốt 45 hay 49 năm khi Ngài còn tại thế. Chân lý đó được gọi là pháp. Pháp đó là chân lý của thế gian, không chỉ có giá trị trong quá khứ, mà trong hiện tại cũng như vị lai, pháp ấy vẫn tồn tại và có giá trị. Vì mọi pháp sinh diệt và tồn tại đều y theo pháp này nên gọi là “Pháp này thiết thực hiện tại, không có thời gian”. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý nguyên lý không biến đổi không đồng nghĩa hình thức hay phương tiện mô tả pháp đó không bị biến đổi. Ví dụ, bác sĩ căn cứ vào nguyên tắc trị liệu của y khoa, tùy theo căn bịnh của từng người mà kê những toa thuốc khác nhau. Sự khác nhau về toa thuốc có nguồn gốc từ căn bịnh khác nhau, không phải là sự khác nhau về nguyên lý. Phật pháp cũng thế, Phật pháp chỉ có một đạo lý, đó là đạo lý giác ngộ và giải thoát, nhưng căn cơ trình độ chúng sinh khác nhau, cho nên Phật pháp thiết lập nhiều pháp môn tu tập khác nhau. Do vậy, sự khác nhau chỉ là sự sai khác về hình thức, không có sự thay đổi về mặt chân lý.
Ý nghĩa câu (b)“Đến để mà thấy” này nói lên quan điểm khác nhau giữa đức Phật và các tôn giáo khác. Nếu như các tôn giáo khác nhấn mạnh vai trò của lòng tin thì Phật giáo nhấn mạnh vai trò “thấy” và “biết”, vì đức Phật cho rằng, không ai khác hơn, chính mình là chủ nhân quyết định sự khổ đau hay hạnh phúc cho mình ở đời sống hiện tại và ngay cả tương lai. Ngài lý giải rằng nguồn gốc của đau khổ là vô minh, nguồn gốc của hạnh phúc là trí tuệ, do vậy Ngài chỉ làm nhiệm vụ chỉ cho chúng sanh rõ được hai con đường, chính chúng sinh là người chọn lựa một trong hai con đường đó. Muốn chọn con đường giác ngộ giải thoát, bỏ con đường khổ đau, người đó phải có khả năng “thấy” và “biết”. Chỉ có thấy và biết mới có thể giác ngộ và thành đạt giải thoát, vì giải thoát là quả, giác ngộ là nhân, nhân đó phải nuôi dưỡng bằng chất liệu thấy biết. Đó là lý do tại sao Ngài lại nói giáo pháp của Ngài là giáo lý dành cho người thấy biết không phải là tin. Không có thấy và biết thì không có giác ngộ, không có giác ngộ thì không có giải thoát, Niết bàn. Có người đặt câu hỏi, tại sao trong giáo lý nhà Phật cũng thường đề cập niềm tin, như ngũ căn, ngũ lực...đều có “tín” cả. Cần lưu ý, niềm tin trong đạo Phật, được xem như là bước đầu tiên trong tiến trình giải thoát, và cần phải xác định đối tượng mà mình tin, để bước vào các giai đoạn kế tiếp là tinh tấn (nỗ lực) niệm, định và tuệ. Như vậy, mục đích của niềm tin là để thành đạt trí tuệ, không phải dừng ở niềm tin.
Khái niệm “thượng” trong câu (c) “Có khả năng hướng thượng” được chỉ cho sự giác ngộ, giải thoát, Niết bàn. Ở đây đức Phật xác định nội dung giáo lý của Ngài đều hướng đến mục đích giác ngộ và giải thoát, diệt trừ tham sân si, tránh xa phiền não, không phải là pháp làm tăng trưởng phiền não. Thật vậy, nếu chúng ta nghiêm túc tìm hiểu bất cứ kinh nào trong cả Phật giáo Đại thừa lẫn Tiểu thừa cũng đều thấy đề cập đến sự giác ngộ và giải thoát. Chính vì giác ngộ và giải thoát là đặc tính tiêu biểu, là mục đích của đạo Phật nên trong cuộc sống hằng ngày của mỗi Phật tử, mỗi tăng sĩ, hay các đoàn thể Phật giáo…, nếu có lời nói hay hành vi nào đi ngược lại tinh thần giác ngộ và giải thoát, thì dù núp dưới hình thức nào, nhân danh tổ chức nào cũng không được xem là lời nói hay hành vi Phật pháp.
Câu cuối (d)“được người trí tự thân giác hiểu” xác định rằng những gì mà đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy cũng được những người tri thức hiểu biết chấp nhận, không phải là lời nói ảo tưởng siêu hình, không có giá trị, vô chứng cứ. Điều này cũng gợi ý rằng, những gì chúng ta đang nói đang làm cần tham khảo ý kiến của những người tri thức, xem họ có đồng tình không. Nếu như giới tri thức không đồng tình, chúng ta phải kiểm tra lại lời nói và hành vi của mình, và cần phải thay đổi nếu thấy không phù hợp với Phật pháp, không phù hợp thế gian.
Như vậy, bản chất của Phật pháp là thiết thực hiện tại, không bị chướng ngại bởi không gian và thời gian; là pháp để hiểu và thực hành. Khi hành trì sẽ đoạn trừ tham lam sân hận và si mê, dẫn đến giác ngộ và giải thoát, pháp ấy đã được đức Phật giác ngộ và giải thoát, được người trí chấp nhận và tán thán. Có lẽ chính vì vậy mà không ít Bà la môn khi nghe Phật giảng xong đều thốt lên rằng:
“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”[4]
Nội dung đoạn kinh này, Bà la môn Sang?rava sau khi nghe đức Thế Tôn giải thích về thần thông, ông đã hiểu Phật pháp và nói lên tâm trạng của mình. Ông cảm thấy lời Phật dạy rất thực tế rõ ràng và dễ hiểu, không giống như những gì mà ông học tập được từ Bà la môn, nên ông đã ví “Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống”. Cây cờ được dựng lên và lá cờ bay phất phới trước gió biểu thị cho sự chiến thắng sự thành công. Như vậy, câu nói này ẩn chứa hai nghĩa: thứ nhất, biểu thị thái độ sụp đổ của ông về tôn giáo mà ông đã theo. Thứ hai, trước sự thất vọng đó, Thế Tôn chính là người đã thắp sáng niềm hy vọng, chính là người chỉ ra những ưu khuyết điểm vốn bị che dấu, giống như người lạc đường được người hướng dẫn chỉ đường một cách cặn kẽ, như người cầm đèn đi trong đêm tối. Có thể nói, đây là những lời nhận định của những người ngoại đạo, khi chính họ được nghe đức Thế Tôn thuyết giảng. Điều đó chứng tỏ rằng bản thân Phật pháp không mù mờ, ngược lại rất trong sáng, rất thực tế và có chức năng giúp con người loại bỏ lòng tham lam sân hận và ngu si, tăng sự hiểu biết và có tấm lòng bao dung độ lượng. Từ ý nghĩa này, gợi ý cho chúng ta kiểm tra lại những gì mà chúng ta đang làm, Phật pháp mà chúng ta đang giới thiệu đến mọi người có đúng với tinh thần Phật pháp không và phát triển theo chiều hướng nào. Đây là một trong những vấn đề chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ.
2. Những nguyên nhân làm cho Phật pháp suy yếu
Như trên vừa trình bày, Phật pháp là pháp thiết thực hiện tại, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, pháp ấy là pháp để hiểu biết và thực hành, có tác dụng giúp con người đoạn tận tham sân và si, đạt đến giác ngộ và giải thoát. Tuy bản thân Phật pháp có chức năng như vậy, nhưng thực trạng Phật giáo hiện nay quả thật đã để lại những hình ảnh và cảm nghĩ không mấy lành mạnh cho xã hội và ngay cả người Phật tử. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Theo tôi vấn đề không khó hiểu, đó là kết quả tất yếu khi chúng ta cùng nhau ca ngợi “những hư danh” mà bản thân đức Phật đã từng từ bỏ và xa lánh; ngược lại bổn phận trách nhiệm của người xuất gia là tu học Phật pháp, phát huy chánh tri chánh kiến, là điều đáng được ca ngợi và phát huy, chúng ta lại không ca ngợi và phát huy. Ông Phật bên ngoài thì chúng ta tô sơn thếp vàng, hoa quả cúng hằng ngày, nhưng ông Phật trong lòng thì bụi bám trăm lớp, thì làm sao Phật pháp không rơi vào hiện tượng này. Hoằng dương Phật pháp là làm thế nào để cho giáo lý trí tuệ và từ bi của Ngài được phát huy ở xã hội, ở trong mỗi con người chúng ta, nhất là hàng xuất gia và Phật tử. Không phải cùng nhau ca ngợi Phật pháp là siêu việt, hay dựa vào ông Phật thếp vàng bảo rằng Phật pháp hưng thịnh. Ông Phật thếp vàng là biểu hiện thái độ kính ngưỡng của chúng ta đối với đức Phật, ước muốn thành Phật, nhưng điều đó không đồng nghĩa khi ông Phật bên ngoài được sáng đẹp thì Phật bên trong cũng được trong sáng như thế, vì chất liệu làm sáng tỏ hai vị Phật này khác nhau. Phật bên ngoài chúng ta có thể dùng vàng ngọc... trang sức làm cho sáng đẹp, nhưng ông Phật bên trong không thể dùng chất liệu này, mà phải dùng chất liệu của trí tuệ và từ bi, thiếu hai chất liệu này, Phật trong lòng khó trong sáng. Chính ông Phật trong lòng không trong sáng thì làm sao có thể làm cho Phật pháp hưng thịnh ở thế gian. Chúng ta có thể vay mượn hình dáng ông Phật bằng vàng ngọc bên ngoài làm phương tiện để dẫn dụ mọi người hiểu ông Phật bên trong, nhưng tuyệt đối không nên làm người khác nhầm lẫn hai ông Phật này là một. Bằng không, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy tàn Phật pháp, như đã được Thế Tôn phân tích:
“Này Ca-diếp, thí như lúc kiếp sắp muốn hoại, tuy vật báu thật chưa diệt mất, nhưng vật báu ngụy tạo tương tợ lại xuất hiện ở thế gian. Khi vật báu ngụy tạo đã xuất hiện, vật báu thật sẽ mất. Cũng vậy Ca-diếp, Chánh pháp Như Lai lúc sắp muốn diệt, lại có tượng pháp tương tợ sanh ra; khi tượng pháp tương tợ đã xuất hiện ở thế gian rồi, thì Chánh pháp sẽ bị diệt.
Thí như trong biển cả, nếu thuyền chở nhiều trân bảo, chắc sẽ nhanh chóng bị đắm chìm. Chánh pháp Như Lai không như vậy, mà sẽ bị tiêu diệt từ từ. Chánh pháp của Như Lai không bị đất làm hoại, không bị nước, lửa, gió làm hoại đi. Cho đến lúc chúng sanh ác xuất hiện ở thế gian, thích làm các điều ác, muốn làm các điều ác, thành tựu các điều ác; phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp; phi luật nói là luật; bằng pháp tương tợ mà cú vị thịnh hành. Bấy giờ Chánh pháp Như Lai mới chìm mất.”[5]
Nội dung bài kinh này đức Phật giải thích nguyên nhân đưa đến chánh pháp bị hủy hoại, Ngài nói: Đất có thể vùi lấp bất cứ vật gì trên thế gian, nhưng đất không thể vùi lấp Phật pháp; nước có thể cuốn trôi nhận nhìm mọi vật, nhưng nước không thể cuốn trôi hay nhận chìm Phật pháp; lửa có thể thiêu rụi mọi vật trên thế gian, nhưng lửa không thể đốt cháy Phật pháp; gió (cuồng phong) cũng có thể thổi bay mọi vật, nhưng gió không thể thổi bay Phật pháp. Đất, nước, lửa, gió là những loại rất nguy hiểm có khả năng phá hoại tất cả mọi vật, nhưng chúng không phải là vật có thể phá hoại Phật pháp. Ngài lại phân tích, thuyền chở các vật châu báu, là những nguyên nhân có thể làm chìm thuyền vì nặng hay bị cướp bóc, nhưng giáo pháp của Như Lai không bị những thứ đó có thể làm hoại diệt; chỉ có “pháp tương tợ”, là những pháp có hình dáng, ý nghĩa tương tợ, giông giống pháp của Như Lai, chính pháp ấy mới có thể hủy diệt giáo pháp của Ngài. Đây chính là ý nghĩa câu: “vật báu thật chưa diệt mất, vật báu ngụy tạo tương tợ lại xuất hiện ở thế gian. Khi vật báu ngụy tạo đã xuất hiện, vật báu thật sẽ mất.” Ở đây, đức Phật gọi “vật báu thật” chỉ cho Phật pháp hay chánh pháp; “vật báu ngụy tạo” chỉ cho những cái ngụy tạo, giả danh Phật pháp. Thế thì pháp nào là pháp bị giả danh? Pháp giả danh là những pháp giông giống với Phật pháp, nhưng bản chất của Pháp đó không liên hệ đến giác ngộ giải thoát, cản trở phát triển trí tuệ, tăng trưởng phiền não, tạo thành sự nhầm lẫn giữa Phật pháp và phi pháp, không phân biệt đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp; đâu là thiện pháp, đâu là ác pháp, lấy phương tiện làm cứu cánh, lấy cứu cánh làm phương tiện.... Những cái ngụy tạo, giả danh này không những làm lu mờ giáo lý giác ngộ và giải thoát của Thế Tôn, mà còn làm cho chính bản thân người đó phải thọ nhận khổ đau, vì nếu không phân biệt, không nhận thức rõ tà pháp và chánh pháp, tưởng tà pháp là chánh pháp, lấy tà pháp tu tập thì làm sao có kết quả an lạc hạnh phúc, lấy tà pháp giảng dạy giới thiệu cho người khác thì làm sao Phật pháp không suy tàn. Sự dễ dãi trong việc nhận người xuất gia, buông thả việc quản lý, và thiếu sự giáo dục, ắt hẳn Phật giáo không sao tránh khỏi trường hợp này. Từ thực tế sinh hoạt của Tăng già hiện nay chúng ta có thể thấy điều đó rất rõ ràng. Nếu như người mới xuất gia không được đào tạo một cách nghiêm túc, không được học Phật pháp, không biết bổn phận và trách nhiệm đối với tự thân và Phật pháp, thì khi trở thành Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, vị ấy lấy gì để tu tập và lấy gì để giảng dạy cho đàng hậu thế và Phật tử? Khi ấy chắc chắn sẽ phát sinh “pháp tương tợ”. Sẽ càng nguy hiểm hơn nếu như vị đó làm trụ trì, hay giữ một vị trí quan trọng nào của Giáo hội, cũng lại lấy kiến thức “tương tợ” về Phật pháp ấy điều hành ngôi chùa, hay điều hành Giáo hội. Nếu vậy Phật pháp sẽ đi về đâu khi giáo lý “nhân quả” rất công bằng và minh bạch, không thể trồng đậu sinh quả dưa, gieo nhân lành mà gặp quả ác? Cũng thế, người xuất gia không tu học Phật pháp mà có thể hoằng dương Phật pháp là điều đó khó có thể xảy ra, ngược lại đạo lý nhân quả. Nếu không biết Phật pháp mà dạy Phật pháp thì pháp đó là pháp tương tợ, là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn Phật pháp. Đây chính là ý nghĩa câu: “Chánh pháp Như Lai lúc sắp muốn diệt, lại có tượng pháp tương tợ sanh ra; khi tượng pháp tương tợ đã xuất hiện ở thế gian rồi, thì Chánh pháp sẽ bị diệt.”Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ.
Một vấn đề được nêu lên ở đây, ai là người có thể tạo ra “Pháp tương tợ”? Câu trả lời không ai khác hơn là đệ tử của Như Lai. Chỉ có đệ tử của Như Lai mới đủ điều kiện tạo ra pháp tương tợ. Giả như ngoại đạo có cố tình muốn phá hoại Phật pháp bằng cách tạo ra “pháp tương tợ”, nhưng nếu đệ tử của Như Lai là người có trí, hiểu rõ Phật pháp, thì bất cứ một pháp giả mạo xuất hiện trong đạo Phật cũng sẽ bị vạch trần. Không có một Phật tử nào lại tin người ngoại đạo mà không tin đệ tử của Phật.
Chỉ có người xuất gia mà không biết Phật pháp lại tưởng pháp tương tợ là Phật pháp, cho rằng đó là Phật pháp, mới có đủ điều kiện tạo ra “pháp tương tợ”. Vì với hình tướng của người xuất gia, với tư cách là thành viên của tăng già, là một trong ba ngôi báu cho hàng Phật tử tại gia nương tựa, là vị thầy của thế gian, nên đã làm cho Phật tử tin tưởng. Đây chính là ý nghĩa của câu “sư tử trùng thực sư tử nhục”, có nghĩa là chỉ có loài trùng sư tử mới có thể ăn thịt sư tử. Tại sao lại xảy ra điều này? Trong “Kinh Tăng Chi” đức Thế Tôn giải thích:
“Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp không được an trú lâu ngày? Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn trọng, không vâng lời bậc Ðạo sư; sống không tôn trọng, không vâng lời Pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời chúng Tăng; sống không tôn trọng, không vâng lời học pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời lẫn nhau. Do nhân này, do duyên này, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không được an trú lâu ngày.”[6]
Ở đây đức Phật giải lý do khiến Phật pháp sớm suy tàn, chính là không tôn trọng vâng lời bậc Đạo sư, không tôn trọng vâng lời Pháp. Phật là người đã giác ngộ tìm ra chân lý, là pháp giúp mọi người giác ngộ và dẫn đến giải thoát, đoạn trừ phiền não, nhưng Phật đã nhập Niết bàn, không còn ở thế gian. Tuy Ngài đã nhập Niết bàn, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn còn đó, bất cứ ai y cứ vào pháp đó thực hành cũng sẽ được giác ngộ và giải thoát. Nếu ai theo Ngài làm đệ tử xuất gia hay tại gia, mong muốn được giác ngộ và giải thoát như Ngài, nhưng không làm theo lời chỉ dạy của Ngài mà đôi khi làm ngược lại thì không thể nào được giác ngộ giải thoát, Phật pháp không thể nào hưng thịnh. Những người này đức Phật gọi là những người đối với Ngài với tâm hận thù, như Ngài nói:
“Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với ta, với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch, và như vậy các ông sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài. Và như thế nào là các đệ tử đối xử vị Ðạo sư với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu?Ở đây, này Ananda, vị Ðạo sư ấy với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, mong cầu hạnh phúc cho họ, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Ðây là hạnh phúc cho các ông, đây là an lạc cho các ông". Nhưng các đệ tử của vị ấy không chịu nghe theo, không chịu lóng tai, chú tâm vào hướng khác (annan), ngược lại, họ đi xa lời giảng dạy của vị Ðạo sư. Như vậy, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo sư, với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu.”[7]
Ở đây đức Phật xác định, mục đích nói pháp của Ngài, vì thương chúng sanh chìm trong đau khổ, muốn họ nghe và làm theo sự chỉ dẫn của Ngài để tự mình được hạnh phúc an lạc. Tuy nhiên, có không ít người theo Ngài làm đệ tử của Ngài, nhưng họ không chịu thực hành theo lời chỉ dẫn của Ngài mà lại làm theo một hướng khác. Đức Thế Tôn gọi những người đó là những người có tâm thù nghịch với Ngài, không phải là người hoằng dương giáo pháp của Ngài. Có liên quan đến vấn đề này, trong “Kinh Thừa Tự Pháp” đức Phật lại đề cập:
“Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp.”[8]
Gia tài lớn nhất của thế gian là tài sản và địa vị, vì vậy khi về già cha mẹ phải làm di chúc tài sản đó cho ai đó trong những người con. Thời phong kiến, người có địa vị như vua cũng phải chỉ định ai đó thay thế mình, nếu không thì anh em có thể tranh giành, cãi cọ, thậm chí chém giết nhau. Do vậy, gia tài và địa vị là hai thứ rất quan trọng ở thế gian. Ngược lại, trong Phật pháp, tài sản danh vọng không là cái quan trọng mà quan trọng nhất là “Pháp” (dhamma). Pháp ở đây không phải là cái “y” hay “bình bát”, cũng không phải “kinh điển” đức Phật để lại, mà chính là chúng ta thực tế hành trì lời dạy của Thế Tôn. Ngài khuyên cần phải đoạn trừ tham sân si, nếu tỷ kheo nào thực sự tu tập đoạn trừ tham sân si, thì tỷ kheo ấy đã kế thừa giáo pháp của Phật. Ngược lại, tỷ kheo nào dù có y bát, kinh điển của Ngài, nhưng tham sân si không từ bỏ, thì tỷ kheo ấy cũng không thể gọi là người kế thừa, vì gia tài của Ngài chính là sự giác ngộ giải thoát, không phải là y bát, tài sản.... Với Ngài, tài sản như y bát tự viện...chỉ là phương tiện cho tỷ kheo thuận tiện trong việc tu tập cho mình và cho người khác, không phải là gia tài của Phật, do vậy chúng ta không nên xem việc phát triển hình thức là sự hưng thịnh Phật pháp, cũng như thấy sự thiếu thốn cơ sở vật chất cho rằng Phật pháp suy tàn.
Trong thời đại ngày nay, tiền tài vật chất có thể nói là yếu tố không kém phần quan trọng trong việc hoằng pháp lợi sanh, nhưng nó không đồng nghĩa có tiền tài có cơ sở vật chất, là Phật pháp sẽ hưng thịnh. Có cơ sở vật chất nhưng thiếu người có tấm lòng và hiểu biết Phật pháp để hoằng pháp, thì Phật pháp cũng không có điều kiện hưng thịnh. Đôi khi sự phát triển cơ sở vật chất không hợp tình hợp lý sẽ có tác dụng ngược lại, lịch sử đã chứng minh điều đó. Đây chính là lý do tại sao đức Phật nói: nếu các Ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, (sẽ bị)...người ta nói: Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp...”. Theo tôi, đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý, không nên xem thường những vấn đề liên quan đến vật chất. Dân gian Việt Nam có câu: “Tiền tài là huyết mạch”. Khi tiền tài đã trở thành huyết mạch, thì nó chiếm vị trí rất quan trọng trong lòng người. Cần phải thận trọng khi sử dụng chúng, nếu không nó trở thành “con rắn độc” không những nó cắn chết mình mà còn tổn thương Phật pháp.
Thích Hạnh Bình
(Xem tiếp)
[1] Thích Đức Thắng, “Kinh Tạp A hàm” số: 262, 335, 348, 369.
[2] Thích Hạnh Bình, “Triết học có và không của Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Phương Đông, 2007.
[3] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”, tập 1, “Kinh Đoạn Tận Ái”, Viện NCPHVN ấn hành, 1992, trang 581.
[4] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1996, trang 309.
[5] Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm” số: 906. http://www.tuechung.com/kinh/TapAHamKinh/quyen32.htm#_LM-4
[6] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành, năm 1996, trang 707.
[7] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, năm 2001, trang 314.
[8] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1993, trang 31-32.