Nhớ Mãi Trường xưa

 
alt
Ai đã một lần đến ngã năm Bình Hoà sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy nơi đây có một ngôi chùa mang sắc thái dân tộc. Với lối kiến trúc từ màu sắc cho đến cách thức trang trí, thờ phụng đều mang một vẻ đẹp hài hòa, thanh thoát, trang nhã và thoát tục.

Ngôi chùa thể hiện tính tôn nghiêm và huyền diệu, cho nên những ai đến chùa đều cảm thấy nhẹ nhàng thanh tịnh, vơi bớt đi những lo âu, phiền muộn giữa cuộc đời đầy những lo toan. Điều ngạc nhiên hơn nữa, nơi đây còn là nơi đào tạo những hàng Như Lai sứ giả với nhiệm vụ đem giáo lý Phật Đà hóa độ chúng sanh. Mái chùa Hòa Khánh đã trở thành chỗ dựa tinh thần và đạo đức cho hàng Tăng, Ni, Phật tử. Là những Tăng, Ni giảng sinh, có lẽ không ai không chạnh lòng khi ngày mai phải xa Thầy, xa lớp, xa mái trường thân thương.
Thời gian như bóng câu qua cửa sỗ, nhớ ngày nào mới bước chân vào lớp học mà giờ đây đã sắp kết thúc khóa học rồi. Nơi đây, quả thật đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó phai. Từng hàng ghế đá, cho đến hàng cây Bồ đề cao lớn trong sân, đâu đâu cũng đong đầy kỷ niệm. Chỉ một ngày thôi mà xác lá đã vương vãi đầy sân. Nhìn chiếc lá rụng, trong tôi dấy lên một ý niệm: “Hoa nở rồi tàn, có hợp ắt có tan”. Hợp tan, tan hợp đều theo định luật nhân duyên. Tuy hoa có tàn, nhưng còn bón cho cây thêm nhựa sống, lá có lìa cành nhưng cũng một thời che mát cho nhân gian. Còn tôi sẽ làm được gì khi ngày mai ra trường? Con nhận thấy, mình chỉ là chú chim non, không thể tạo thành một mùa xuân tươi thắm. Phải nương vào sức sống sinh động của chư tôn đức, tiếp bước chân đi thật bình an và vững chãi, mới tạo thêm hương sắc cho đời. Vì lẽ ấy, tôi tự dặn lòng “Dẫu không làm được vầng trăng sáng, xin làm vì sao bé nhỏ lung linh”, luôn khép mình vào khuôn khổ giới luật, vì rằng: Nơi nào có giới luật, thì chúng Tăng có đời sống an ổn, nơi nào có Lục Hòa, thì nơi đó có đại chúng tiến tu. Có như thế thì những Như Lai sứ giả mới thật sự gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong việc hoằng truyền chánh pháp Đức Như Lai.
alt
Lại nữa, là Tăng Ni giảng sinh, có lẽ không ai có thể quên được ngày đầu tiên lên thực tập diễn giảng. Từng dáng đi, giọng nói đều có hàng trăm thính chúng dõi theo mình. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của Chư Tôn Đức và sự động viên khích lệ của quý huynh đệ, đã giúp tôi làm chủ được trên pháp tòa. Từ đó, tôi mới hiểu rằng, chỉ có sức mạnh của Tăng đoàn mới giúp chúng ta thăng hoa trên con đường đạo nghiệp. Nếu tách khỏi Tăng đoàn, thì mọi việc làm của chúng ta sẽ trở thành ma nghiệp.
“Hổ ly sơn Hổ bại
Tăng ly chúng Tăng tàn”
Cho nên, mỗi Tăng Ni chúng ta muốn trở thành giảng sư giỏi, điều thiết yếu là nên thân cận chúng Tăng. Tăng già cộng trụ, biết lắng nghe để chỉnh đốn tâm tư và hành vi của mình ngày thêm tốt đẹp.
Mái trường Hòa Khánh đã chở che mưa nắng cho hàng Tăng Ni giảng sinh trong suốt khóa học. Giờ đây, mỗi giờ khắc trôi qua là báo hiệu sắp phải khép lại một thời cắp sách đến trường, để mỗi người đi mỗi ngã, đem kiến thức đã học được từ ghế nhà trường làm lợi lạc quần sanh.
Biết bao nỗi niềm còn lắng đọng trong tâm, lời nào để nói và lời nào để quên, tất cả những kỷ niệm vui buồn chỉ con là khoảnh khắc, là dấu ấn không phai. Dẫu ngày mai phải xa Thầy, xa lớp, nhưng lời dạy của Chư Tôn Đức hôm nay và mãi mãi về sau luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc, làm hành trang cho chúng ta trên đường tìm về bảo sở. Nhớ về trường xưa với mọi sinh hoạt nhịp nhàng sinh động, đem lại cho chúng ta niềm an lạc khó quên. Và nó sẽ thực sự đến với ai đã từng ngồi dưới mái trường Hòa Khánh thân yêu.
alt
 
Thích Nữ Chúc Anh
(Kỷ yếu lớp CCGS khóa IV- Phần II: Mái trường lưu dấu)
(banhoangphaptw.com)