Sống Trẻ

15. Happiness is here and now
Bao nhiêu là trẻ? Bao nhiêu là già?

Sáng nay thức dậy, pha một bình trà, thắp một ngọn nến, ngồi yên, tôi cảm thấy vui vui, vui làm sao ấy khi nghĩ về các bạn trẻ. Bao nhiêu tuổi là trẻ? Bao nhiêu tuổi là già? Khó mà phân định được cái ranh giới ấy. Khi nào thấy mình còn yêu đời, còn đầy nhiệt huyết, đầy chí khí, muốn làm gì đó cho đời thì khi đó biết mình còn trẻ. Khi nào thấy mệt mỏi, rã rời, chẳng muốn làm gì cả, muốn nằm xuống buông xuôi, hay tìm một góc nào đó cho yên thân thì khi đó biết mình đã già rồi. Đôi khi tôi cũng thường nói với mình là mình đã già rồi. Cái già và trẻ đôi lúc chỉ đến với nhau trong gang tấc, hay trong một khoảnh khắc nào đó thôi. Không cần thời gian. Không cần phải đợi vài năm sau mình mới già. Đôi khi mới hôm qua đây thôi mà nay mình đã khác đi rồi.

Mới hồi sáng thấy tinh thần sảng khoái, chí khí ngất trời, làm gì cũng được, mình có thể học hành, phụ người này, giúp người kia. Làm bất cứ việc gì. Thế mà chiều lại đã thấy mình xìu xuống như bánh bao chiều. Mệt mỏi, chán chường, không muốn làm gì cả. Đừng nói gì từ sáng đến chiều, đôi khi chỉ giây trước giây sau thôi là mình đã biến từ trẻ sang già rồi. Nhưng nhờ vậy mà mình phục hồi rất nhanh. Đôi khi thấy mình già cả, mỏi mệt, không muốn làm gì cả, thế rồi phép lạ đến. Mình tiếp xúc với ai đó hay tình cờ đọc được trang sách nào đó... tự nhiên thấy mình phấn chấn, tinh thần sảng khoái, đầy nhuệ khí. Muốn bắt tay vào làm một cái gì đó. Thế là mình được hồi sinh trở lại thành một con người mới. Con người của yêu thương, con người của tuổi trẻ. Đầy tự tin. Đầy nhiệt huyết. Có bao giờ các bạn thấy mình được hồi sinh trở lại không? Nếu các bạn đang mệt mỏi, chán chường thì cũng đừng lo. Phép lạ sẽ đến với các bạn.


Lấy đi cái không thích ra khỏi người mình.

Có những người may mắn, sinh ra và lớn lên được tiếp xúc với những cái đẹp, cái lành. Một số người khác thì lại ít may mắn hơn, sinh ra là đã tiếp xúc với những cái không đẹp, không lành. Nhưng chúng ta làm sao để cái không đẹp, không lành đó không xâm chiếm đời mình.

Lúc nhỏ tôi không yêu thơ văn lắm. Nói không yêu là một cách tế nhị thôi chứ thực ra là ghét nữa. Vì cái tư tưởng nhà văn thì ưa chi nói nấy, không biết từ đâu đi vào tôi và ở mãi đó. Tôi chẳng muốn học tí nào. Tới giờ văn tôi nói không có bài học. Thế nhưng tôi vẫn còn may mắn. Tôi đọc được vài quyển sách của Sư ông. Trước đó, tôi chưa bao giờ đọc sách ai mà mỗi trang sách tôi đều dừng lại thở để cho những lời lẽ trong sách đi vào tôi. “Trái tim mặt trời” là quyển sách đầu tiên tôi đọc bằng cách ấy. Đọc xong mỗi trang, tôi đều dừng lại thở để cho những lời trong sách đi vào tôi mà chiêm nghiệm. Tôi thấy ngay cả chuyện đóng cửa, mở cửa, Sư ông cũng có thể nói được một cách rất khoan thai, nhẹ nhàng. Tôi thật ngạc nhiên trước những lời lẽ bình dị đó. Tôi thường thắc mắc, tại sao? Nếu đọc sách của một số người khác, có thể những trang sách như thế tôi sẽ lướt qua, lướt qua thật nhanh. Nhưng sách Sư ông thì không. Lúc đó, tôi tự hỏi, nếu mình viết một trang sách về chuyện đóng cửa và mở cửa thì người đọc có chán không? Chắc chắn là chán. Thế rồi tôi khám phá ra trong văn thơ của Sư ông có sự sống. Sư ông đã đưa sự sống của mình vào những trang sách, những ngôn từ ấy. Tôi chợt nhận ra rằng thơ văn chẳng có tội tình gì cả. Ăn thua là người sử dụng nó mà thôi. Thế là tôi hết ghét văn thơ. Tôi cứ để cho nó đi vào mình một cách tự nhiên. Không phản ứng, không chống đối. Thế là những hạt giống văn thơ trong tôi được từ từ tưới tẩm, những câu văn của tôi từ từ được gọt rửa chút chút, trơn tru hơn phần nào. Mình chỉ cần lấy cái tư tưởng không thích ra thôi thì những cái hay cái đẹp trong mình được tưới tẩm. Cái không thích tuy là vô hình nhưng nó lại dựng lên một bức tường kiên cố ngăn mình tiếp xúc với những cái hay, cái đẹp và không cho mình tiếp xúc với thực tại.

Viết đến đây tôi nhớ mình thật là dại. Lúc còn đi học, vì không thích một thầy giáo hay cô giáo nào đó rồi ghét luôn cả bộ môn ấy, mà đâu phải là mình không có khả năng. Vì vậy mà mình chỉ cần lấy cái không thích ra khỏi người mình thôi thì tự nhiên mình sẽ giỏi. Đó là kinh nghiệm nho nhỏ mà tôi thường tự nhắc mình và tập làm như thế.
Có người khi tiếp xúc với một thầy, một sư cô nào đó đang hành xử không đẹp rồi cho là đạo Bụt không hay. Như vậy thì tội cho đạo Bụt quá phải không? Đạo Bụt bao giờ cũng đẹp, đẹp như văn thơ vậy. Ăn thua là người hành trì nó mà thôi. Nếu bạn đang có cái không thích đó thì hãy lấy nó ra để cho những cái hay cái đẹp có cơ hội đi vào lòng mình. Sống trong tăng thân đôi khi tôi cũng bắt gặp những hình ảnh không đẹp đó, nhưng tôi không cho là đạo Bụt không hay, tăng thân không đẹp. Đó chỉ là cá nhân của người đó thôi mà. Cái tinh chất của nó vẫn luôn còn đó, vẫn luôn đẹp.

Tập thói quen mới

Tôi không nhớ nhờ đâu mà khi còn đi học, mỗi lần có một sự kiện nào đó làm tôi bất an, như trước giờ kiểm tra bài cũ, trước giờ thi… là tôi thở ba hơi thật sâu, thật mạnh. Khi thở ra, tôi có cảm tưởng như mình đang đẩy ra tất cả những thán khí trong cơ thể của mình, đẩy ra tất cả những lo lắng, băn khoăn, run sợ. Tôi làm như thế thành một thói quen. Tôi bớt run, bớt sợ và bình tĩnh hơn. Chẳng qua là thói quen thôi. Cái gì cũng do thói quen mà ra cả. Chỉ cần bỏ thói quen cũ, học thói quen mới là mình đã trở thành một người mới rồi. Mà thói quen nào lại không do mình luyện tập. Ban đầu thì có vẻ cực nhọc nhưng riết rồi cũng quen. Tôi cũng tự tập cho mình có những thói quen mới.

Tôi có duyên may rất lớn là mới đi tu được ba năm thì mẹ tôi qua Làng thăm. Thăm Làng, thăm tôi. Tôi thường xuống phòng mẹ chơi. Mỗi lần sắp đến phòng là tôi đi nhanh hơn. Có lần mẹ tôi bảo: “Mỗi lần con đi xuống, ngồi trong này là mẹ đã nhận ra con từ xa. Con đi làm sao mà khi con đến phòng, mẹ không biết đó là ai hết thì mới giỏi”. Tôi hơi mắc cỡ nhưng rồi cũng tập lại những bước chân của mình. Tôi thấy không những chỉ xuống phòng mẹ tôi thôi mà sau giờ thiền hành, hay sắp về cư xá là bước chân của tôi cũng nhanh hơn. Đó là do tâm hành nôn nóng thúc đẩy tôi. Tôi ý thức điều đó và tập bước chậm lại, ý thức vào hơi thở và bước chân của mình. Bước trước và bước sau phải như nhau. Tôi tập đi từ từ, nhẹ nhàng trở lại, tập đi không gây tiếng động, không hấp tấp, vội vàng. Tôi cảm ơn mẹ đã giúp tôi bỏ được một thói quen cũ và học được thói quen mới. Tôi thường nhìn lại chính mình, xem mình có bao nhiêu thói quen không tốt để bỏ đi. Có những thói quen dễ bỏ, nhưng cũng có những thói quen khó bỏ lắm, cũng trần ai lắm. Mất nhiều thời gian lắm mới bỏ được. Trong kinh Bụt cũng có nói, có những vị chứng A La Hán rồi mà tập khí vẫn còn. Tôi thường tự nhắc mình hãy kiên trì, đừng nản lòng, đừng nôn nóng và cũng đừng bỏ cuộc. Mỗi lần vấp phải những tập khí cũ, tôi thường tự nhắc mình bắt đầu lại từ đầu nhưng cái từ đầu hôm nay không giống với cái từ đầu của hôm qua, của những năm về trước. Nhẹ nhàng hơn, bình an hơn. Tôi tập cho mình những thói quen mới. Thường xuyên trở về theo dõi hơi thở và mỉm cười. Tập nhìn lại chính mình, buông thư toàn thân. Tập buông bỏ mọi thứ qua một bên khi ngủ. Tập ngồi yên vào mỗi sáng... Những gì hay, những gì đẹp tôi tập làm thường xuyên để tạo cho mình có một thói quen tốt. Tôi thấy người mình có đổi thay!

Ngồi yên

Mỗi sáng làm biếng, tôi thích dậy sớm và ngồi yên. Ngồi như thế nuôi dưỡng tôi rất nhiều, có khi suốt ngày, có khi vài ngày, có khi cả tuần...
Các bạn không cần bắt chước sở thích của tôi đâu. Sở thích của mỗi người sẽ từ từ thay đổi. Lúc mới đi tu ngày làm biếng là ngày cho tôi ngủ bù. Nếu trong tuần có những lúc buồn ngủ quá, muốn ngủ tiếp mà không muốn đi công phu, tôi lại tự bảo thứ hai làm biếng ngủ bù. Thế là tôi đi công phu. Bây giờ làm biếng thì tôi thích dậy sớm để có một buổi sáng dài thật dài. Nhưng ngủ bù hay dậy sớm tôi cũng thích được ngồi yên trong những ngày này. Nếu các bạn có ngày nghỉ cuối tuần, không đi làm, không đi học, các bạn cũng có thể dùng nó như ngày làm biếng của tu viện vậy. Mở đầu một ngày bằng những giây phút bình yên thì thật là quý. Tôi mong có dịp được ngồi yên với tất cả các bạn. Ngồi yên để nhìn lại mình, để nhìn rõ nhau hơn. Ngồi yên để lắng nghe những băn khoăn trăn trở của mình, để ôm ấp một nỗi đau hay để nuôi dưỡng một niềm vui. Ngồi yên để ngắm trời, ngắm đất, để yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, để học được những bài học từ thiên nhiên và cuộc sống quanh mình. Yên rồi sẽ thấy cuộc sống thật nhiệm mầu!

Thưởng thức cái đẹp

Có bao giờ các bạn thấy con đường mình đi học, đi làm đẹp hơn không? Nhà mình đẹp hơn không? Phòng học mình đẹp hơn không? Đẹp hơn không phải vì mình mua thêm đồ đạc hay trang trí thêm vật gì. Mà đẹp hơn vì lòng mình hân hoan hơn, bình an hơn.

Tôi nhớ có lần Sư Ông hỏi tôi: “Xóm Thượng bây giờ đẹp không con?” - Lúc đó mấy thầy trò đang ngồi ở cốc Ngồi Yên, nhìn ra cánh rừng trước mặt - “Dạ con thấy cũng vậy”. Sư Ông nói: “Đẹp hơn nhiều chứ.” Tôi thắc mắc, có gì đẹp hơn đâu, có gì đổi thay đâu, có gì mới mẻ đâu? Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Khi tâm mình an hơn, hạnh phúc hơn thì mình sẽ thấy cảnh vật đẹp hơn. Cho nên không có câu hỏi nào của thầy mình là câu hỏi bâng quơ. Chỉ cần hai chữ: “cũng vậy” là biết tâm mình đang như thế nào rồi.

Mỗi lần ngồi vào bàn học, tôi cảm thấy thích thú, dù bàn học của tôi rất đơn sơ. Có khi không phải để ngồi học mà chỉ để được ngồi yên. Ngồi yên thưởng thức làn khói toả ra từ một thỏi trầm. Nhẹ nhàng lắm! Thanh thoát lắm! Tôi rất thích thưởng thức vẻ đẹp của đất trời. Con đường làng, bãi cỏ xanh, ánh trăng ngà, bầu trời trong... đều là những vẻ đẹp điểm tô cho cuộc đời, cho chính mình. Thế mà lắm lúc vì bận rộn, chúng ta đã không nhận ra. Vẻ đẹp ngàn đời luôn còn đó, vấn đề là mình làm sao để tận hưởng tất cả những mầu nhiệm ấy.
Ba thế hệ chung một tăng thân

Sống trong Tăng thân có nhiều người làm tôi mến phục. Gia đình sư ngoại có ba thế hệ đi tu trong một tăng thân. Sư ngoại, con sư ngoại là sư cô Đắc Nghiêm, con sư cô Đắc Nghiêm là thầy Pháp Uyển. Sư ngoại đã hơn tám mươi tuổi rồi mà tâm hồn lúc nào cũng vui vẻ. Sư ngoại thường quét lá đều đặn mỗi sáng, ai cũng thích. Ai cũng thích nghe tiếng chổi, thích cái cung cách giản dị mà bình an của sư ngoại. Ai nhìn vào cũng thấy hạnh phúc. Những lúc sư ngoại về thăm nhà ai cũng cảm thấy thiếu vắng, thiếu vắng tiếng chổi của sư ngoại. Tiếng chổi ấy không ai có thể thay thế được. Chính vì vậy mà ai cũng bảo sư ngoại là thiên thần quét lá. Sư cô Đắc Nghiêm là con của sư ngoại, cũng lớn tuổi rồi nhưng lúc nào cũng tươi vui, lúc nào cũng giữ lòng hoan hỷ. Ở đâu có người trẻ là ở đó có sư cô. Sư cô làm việc chẳng khác nào một sư cô trẻ. Nhìn sư cô, tôi thấy được nuôi dưỡng. Sư già Gia Nghiêm, đã 73 tuổi rồi mà leo núi rất ngầu, hơn cả những người trẻ như chúng tôi. Khi hỏi tuổi tôi thường đùa là sư già mới 37 tuổi thôi. Và tôi ước ao lúc về già, tôi cũng khỏe mạnh như sư già vậy. Hầu như khóa tu nào sư già cũng tình nguyện chăm sóc các em trẻ, sinh hoạt, đùa vui với các em.

Tuổi tác đôi khi không nói lên được tính cách già hay trẻ của một con người. Tuy số tuổi chồng chất nhưng những người này vẫn có tâm hồn trẻ trung. Ai cũng vui vẻ và hoan hỷ. Thực ra mình đâu cần phải làm một người khác, mình đâu cần phải làm gì khác. Mình chỉ cần là mình, làm những gì mình đang làm và giữ lòng hoan hỷ, tâm hồn vô tư là mình thành người trẻ rồi. Nếu có nghệ thuật thì ta sẽ không tạo khoảng cách giữa thế hệ này với thế hệ khác. Ông bà, cha mẹ, con cái cũng thế mà thôi. Vấn đề là nghệ thuật.
Ở trong chúng, mà có lẽ ở đâu cũng vậy, người nào cũng có cái hay cái đẹp riêng, nếu biết cách thì mình được thừa hưởng rất nhiều.

Tưới tẩm hạt giống tốt

Tôi thích chơi với người trẻ, hay nói đúng hơn là tiếp xúc với những đức tính trẻ trung trong mỗi người. Vì người trẻ hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Chơi với người trẻ tôi cũng được ảnh hưởng những tính ấy. Hạt giống hồn nhiên, vô tư, trong sáng trong tôi cũng được tưới tẩm. Mình làm sao để biến những người chung quanh mình thành người trẻ hết. Hồn nhiên, vô tư, trong sáng, đầy nhiệt huyết. Đó là nghệ thuật của các bạn mà tôi muốn mỗi người tự khám phá lấy. Tôi cũng đang mày mò để khám phá ra khả năng đó nơi mình. Tôi ý thức là cây phải cần nước, cần sự quan tâm, chăm sóc của mình. Có như vậy cây mới lớn lên, mới tươi tốt được. Những hạt giống tốt trong người mình cũng thế, phải được tưới tẩm thường xuyên và liên tục thì nó mới biểu hiện tròn đầy.

Chết bình an

Có bao giờ các bạn muốn chết không? Có một sư em đến hỏi tôi: “Chị, có người muốn chết.” Tôi bảo: “Ừ thì chết”. Sư em cười: “Không, người ta kìa, không phải em đâu. Có người viết thư hỏi trang nhà Làng Mai đó.” Tôi bảo: “Người ta cũng thế. Ai không một lần chết. Nhưng chết làm sao cho có bình an.” Tôi không ngạc nhiên khi có ai đó muốn chết. Bởi đôi khi cuộc sống quá bận rộn, quá khó khăn, quá căng thẳng, quá khổ đau... người ta chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng chết làm sao cho có bình an. Tôi rất thích bình an. Sống bình an, chết cũng bình an. Tôi không biết khi sắp cận kề cái chết, tôi sẽ phản ứng ra sao. Sợ hãi hay thích thú? An hay bất an? Trầm tĩnh hay lo lắng...? Tôi không biết! Tuy nhiên cũng có lúc tôi muốn chết, muốn ngủ một giấc dài để quên đi những mệt mỏi, chán chường. Nhưng chết như thế nào cho có bình an? Tôi nằm theo dõi hơi thở, buông thư toàn thân, để học chết bình an. Theo dõi hơi thở một hồi rồi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay. Sáng mai thức dậy thấy mình vẫn còn sống. Còn sống thì phải thở, phải nói, phải làm, phải học... Đôi khi phải vác xác đi, đi công phu, đi chấp tác... Đâu phải lúc nào mình cũng vui, mình cũng hạnh phúc, cũng phơi phới như diều gặp gió. Có lúc cũng buồn, cũng khó khăn, cũng đau khổ... Nhưng mình cứ nắm lấy hơi thở và tập mỉm cười, ý thức là mình có hăm bốn giờ để sống và thực tập theo bài kệ:

Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.


Thì dần dần cái buồn chán sẽ đi qua. Bỗng dưng mình có sinh khí trở lại, sống hăng say trở lại. Nếu trong các bạn có ai muốn chết thì cứ thử đi. Đừng vội vã, đừng nôn nóng. Hơi thở thật mầu nhiệm! Trở về với hơi thở đi rồi sẽ thấy. Chư Bụt, chư Tổ, hồn thiêng sông núi sẽ che chở cho chúng ta.

Trở về

Đối với tôi, cho đến bây giờ, hơi thở là cái căn bản nhất, làm nền tảng cho đời sống của mình. Hơi thở có khả năng giúp ta trở về. Trở về quê hương đích thực của chúng ta. Ở nơi ấy chúng ta có khả năng chữa lành những thương tích và nuôi lớn hạnh phúc của mình. Đi tu không thiếu khó khăn và đau khổ. Ai bảo rằng đi tu không khổ? Không khó khăn? Ai cũng vậy. Người nhỏ có khó khăn của người nhỏ, người lớn có khó khăn của người lớn. Bây giờ ngồi nhìn lại những khó khăn của mình thời sa di mới thấy buồn cười, chẳng là gì cả. Tuy vậy, mình đâu dám cười những khó khăn của các em đang đi qua vì mình ý thức rằng các em cũng đang lần mò, cựa quậy để chui ra khỏi cái vỏ kén của mình. Ai đó đã nói: “Ai nên khôn không khốn một lần?” Tuy thế, chúng ta vẫn không thiếu bình an, không thiếu hạnh phúc, không thiếu những nụ cười... Đó là nhờ chúng ta biết nương nơi hơi thở để trở về chăm sóc cho những vết thương của ta. Tâm ta tuy là vô hình nhưng nó vẫn có một nơi chốn để trở về. Và hơi thở sẽ đưa đường chỉ lối cho chúng ta. Có những niềm đau, nỗi khổ không hết một lần. Nó đến rồi đi, đi rồi lại đến nhưng mình cứ trở về, trở về thì mình sẽ chữa lành mọi thương tích. Trở về không những vết thương trong ta được chữa lành mà niềm vui cũng được nuôi dưỡng. Chúng ta sẽ chạm được cái gì đó rất tươi mới, rất thâm sâu và rất bình lặng.

Gây niềm cảm hứng

Khi làm một điều gì mà có cảm hứng tôi thấy mình đi nhanh hơn và xa hơn. Bởi vì mình có niềm vui và hạnh phúc làm bạn đồng hành. Vì thế, tôi tập tạo cho mình nguồn cảm hứng trong sự thực tập và trong cuộc sống. Tôi thích làm, thích thực tập, thích chơi, thích đủ thứ cũng bằng niềm cảm hứng ấy. Tôi đi ngồi thiền là vì tôi thích ngồi yên, thích tập cho tâm tư mình lắng đọng, định tĩnh, thích nhìn sâu và lắng nghe cái âm thanh yên lặng trầm hùng... Đi thiền hành là vì tôi thích tiếp xúc với thiên nhiên, với cỏ cây, hoa lá, thích tập cho mình có những bước chân ung dung, nhẹ nhàng... Làm việc là vì tôi thích góp một chút gì đó cho chúng, thích giúp người này, người kia. Thích ngắm nghía và thưởng thức những gì mình đang làm... Vì vậy, trong đời sống hằng ngày nếu có gì chưa thích tôi cũng muốn tự mình tìm ra những điểm mình thích để gây niềm cảm hứng cho mình. Trời đâu phải lúc nào cũng xanh, mây đâu phải lúc nào cũng trắng, cũng thong dong, biển đâu phải lúc nào cũng lặng sóng, đời đâu phải lúc nào cũng điểm tô bằng màu hồng... Mọi chuyện đến với mình cũng thế. Không phải lúc nào cũng suôn sẻ, hanh thông. Vì thế mà mình phải tạo cho mình nguồn cảm hứng. Tôi cũng mong cho tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, các sư em của mình sống và thực tập với sự hưng phấn của mình. Đối với các sư em của tôi, tôi không muốn bắt các em phải thực tập như thế này hay như thế khác. Tôi chỉ mong mình gây được một chút hứng thú nào đó trong đời sống hằng ngày của các em. Được như thế là tôi thấy đã vui, đã quý lắm rồi.

Lục ân

Một sư chị của tôi đã nhiều lần khuyến khích tôi viết bài “lục ân”. Trong kinh có dạy về tứ ân, Sư Ông thêm một ân nữa là “ân sư con” (ân học trò), thành năm ân. Sư chị tôi thêm một ân nữa là “ân sư em”, thành sáu ân. Thật sự các sư em nuôi dưỡng tôi rất nhiều. Các em đem đến cho tôi nhiều niềm vui trong cuộc sống. Đã mấy lần tôi định viết về đề tài này, nhưng chưa biết phải mở đầu như thế nào nên chưa viết được. Hôm nay, tôi nói lên điều này thay lời biết ơn của tôi đến với các sư em của mình, cùng tất cả các bạn trẻ. Các bạn trẻ, các sư em đã góp thêm nguồn cảm hứng trong sự thực tập và trong đời sống hằng ngày của tôi.

Ngồi đây viết những dòng này cho các bạn, tôi thấy mình như được trẻ lại. Tôi thấy mình như một em bé đang thả diều trên những con đường làng hay đang tung tăng đùa vui trên lối cỏ. Tôi thấy mình như những em học sinh cấp hai, cấp ba, vô tư trong sáng đang đuổi bắt nhau hay đang chuyện trò trong giờ ra chơi, trên đường đi học về... Tôi thấy mình may mắn quá. Xin gởi đến tất cả lời tri ân của tôi. Cám ơn tất cả các bạn trẻ, các sư em đã góp sức xây dựng nên tôi.
Sư cô Hội Nghiêm
(langmai.org)