Đạo sĩ am mây

Xưa có một đạo sĩ sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc đầy mây phủ nọ. Rau rừng, nước suối, quạt gió, đèn trăng tuy đạm bạc nhưng khá đầy đủ đạo vị đối với con người tri túc cắt đứt duyên trần như đạo sĩ.

image

Trở ngại duy nhất của nhà tu là các chú chuột nhắt trong hang động, thường quấy phá gậm nhấm bất kể đêm ngày.

Ngày lại tháng qua bọn chuột cứ sinh sôi nảy nở đông đúc và ngày một lộng hành chịu hết nổi. Ðạo sĩ đành mang một chú mèo về ở chung, nhờ sự cảm hóa của đạo sĩ, chú mèo chỉ hăm he lũ chuột nhắt chứ riêng chú hoàn toàn trường chay khổ hạnh. Lâu ngày mèo chỉ còn da bọc xương. Chạnh lòng, đạo sĩ phải hạ sơn đi xin sữa bò về bồi dưỡng cho ân nhân, cũng là bạn đồng hành trên đường cầu đạo.

Ðể tránh tối thiểu chuyện đi lại thường làm gián đoạn công phu tu tập, đạo sĩ xin một con bò sữa về nuôi để lấy sữa cho mèo uống. Nhân vật mới này thật là ngu như bò... ả ta cứ nhởn nhơ đi dạo khắp vùng núi ẩn cư và thường quên lối về... Một chú mục đồng được vời đến để trông nom con bò và vắt sữa mỗi ngày. Rừng núi hoang sơ xem chừng không mấy thích hợp lắm với một chàng trai mới lớn và nặng lòng trần tục... Ðạo sĩ đành mượn sợi tóc nữ nhi cột chân chàng trai trẻ... Bằng cách đó chẳng bao lâu vùng núi ẩn dật biến thành một thôn trang trù phú với đông đảo những tập đoàn chuột, mèo, bò, đàn ông, đàn bà và con nít...

Không ai biết đạo sĩ đắc đạo khi nào, tịch ở đâu và truyền pháp cho ai... Lâu dần người ta cũng quên mất tên tuổi ông và chỉ gọi nhà tu là “Ðạo sĩ am mây.”

Em thân mến!

Như vậy không phải là khi không khi khổng mà đức Phật dặn hàng tu sĩ chúng ta nên tu hạnh “thiểu dục tri túc” tức là hãy bằng lòng với tình trạng vật chất hiện có của mình... Lâu lâu có lẽ chúng ta nên kiểm kê tài sản một lần xem nó đã sinh sôi nảy nở đến đâu rồi, kẻo mà “cái sẩy nó nảy cái ung” biết đâu

Thích Nữ Như Thủy