Đứng trước những bức bích hoạ kỳ lạ của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở Đôn Hoàng tôi như nhìn thấy giấc mơ xưa của mình về một người đàn bà trong cuộc đời, giấc mơ về một cái đẹp toàn mỹ của một thời trai trẻ.
Tôi cũng nhận diện, cảm chứng được một điều không mới: mọi tôn giáo, mọi thể chế tâm linh chỉ có thể duy trì, phát triển những lý tưởng cao cả của mình khi biết thích nghi, chuyển hoá trong những môi trường niềm tin mới. Bên cạnh Thích Ca có một Quan Thế Âm Từ Tây An, sau khi vượt một chặng đường dài gần 2.000km chỉ có sa mạc khô cằn và dãy núi Kỳ Liên miên man tuyết trắng cuối cùng tôi cũng đã tới núi Minh Sa, bên sa mạc Taklamakan để diện kiến những hang động Mạc Cao đầy huyền thoại. Một bảo tàng Phật giáo cổ nhất và nổi tiếng thế giới được xây dựng qua 10 triều đại vua Trung Hoa, bắt đầu từ năm Kiện Nguyên thứ hai thời Tiền Tần (năm 366) kéo dài đén tận đời nhà Thanh (1644 - 1911). Hiện Mạc Cao có 249 hang động dài 1.600m, chứa hơn 4.500m2 những bức tranh bích hoạ cùng 245 bức tượng lưu dấu những gương mặt, biểu tượng của Đức phật. Thật là một kỳ duyên khi hoà thượng Lạc Tăng đã nhìn thấy vùng đất này toả kỳ quang lạ lùng giống như hàng vạn vị Phật hiển hiện. Ông cho rằng đây là vùng đất thánh nên dừng chân, khoét đá làm hang tu luyện. Quả thật những gì trực cảm từ sa mạc Đôn Hoàng hôm nay là vô cùng tráng lệ với những kẻ phàm và hấp dẫn, mãn nguyện vô cùng đối với những bậc cao tăng muốn siêu thoát.
Tác giả Xuân Bình trước khu hang động Mạc Cao. |
Những mái chùa, dãy tường, lan can làm từ đời nhà Thanh tuy có hơi xấu xí nhưng cũng chẳng bõ bèn gì với dung mạo của tự nhiên. Những mái cát xoà xuống con sông băng trắng loá, những cành dương trơ lá, những vạt lau lách vàng như màu cát rực lên trong nắng đủ làm phông nền của những hang đá nhỏ to khoét vào lòng núi. Trong đó đức Phật Thích ca, Anan, Ca Diếp, Văn Thù, Phổ Hiền và... Quan Thế Âm - người đàn bà của tôi lặng lẽ toả sáng thứ quyền lực đa diện, siêu nhiên, vô nhiễm và vô cùng gần gũi của Phật giáo. Những hình tượng Đức Phật trong hình hài con người thực ra không xuất hiện ngay từ ngày đầu của lịch sử phát triển Phật giáo ở Ấn Độ. Khởi thuỷ là những hình ảnh rất tượng trưng như chú nai chín sắc, những cây cột, cái ngai, chiếc bánh xe, phù đồ, cây cổ thụ. Lạ kỳ thay khi Phật giáo có phần suy vi ở Ấn Độ và trên lộ trình tìm đường lan truyền sang phương Đông nó lại tỏa sáng và trở thành một trào lưu tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở châu Á trong suốt 2.500 năm phát triển. Lạ kỳ hơn khi bị Ấn Độ giáo xâm lấn ngay trên quê hương nhưng nó lại không hề dừng bước trước trước sự đàn áp và cạnh tranh của đạo Khổng. Lạ kỳ hơn nữa, trên đất nước 5.000 năm bảo thủ, khắc kỷ, Phật lại hiển hiện với vẻ quang minh, sự sung mãn của xu hướng nhục cảm vốn là thị hiếu thẩm mỹ nằm sâu trong tiềm thức của người Ấn.
Theo cá nhân tôi, vượt lên trên tất cả mọi thần linh, gần gũi nhất, có ảnh hưởng lớn nhất với đời sống Trung Hoa chính là Quan Âm Bồ Tát. Bà không gắn mình với đài cao, điện đường như Thích Ca, không khắc khổ như Anan mà bước ra khỏi đài sen trang nghiêm, cung kính để tới mọi ngõ ngách chúng sinh, đồng cảm cùng trăm họ, cứu tinh, giải ách, giải nạn cho muôn dân... Như Bồ Tùng Linh từng viết trong Liêu Trai Chí Dị: Trong đạo Phật chỉ có Quan Thế Âm, trong đạo tiên chỉ có Lã Động Tân, trong thần đạo chỉ có Quan Công, ba vị thánh này quyền lực to lớn, họ đều muốn phổ độ tam thiên thế giới, dứt sạch mọi khổ não, để từ đó có thể giải được điềm lành ở con ngựa báu thường lẫn trong dân gian, rất gần gũi với người. Những bức hoạ của sùng kính Tuy vẫn ảnh hưởng thẩm mỹ nhục cảm của người Ấn và không được thể hiện hoàn toàn bởi những danh hoạ Trung Hoa nhưng những bức bích hoạ Đôn Hoàng vẽ Quan Thế Âm đều đạt đến độ tinh thông lục pháp (chữ của danh hoạ Tạ Hách thời Nam Tề - 490). Đó là tạo được sắc thái, không khí sống động như thật, được cấu trúc bằng nét bút, tả được hình tướng sự vật đúng như chúng vốn có, màu sắc, bố cục thích hợp và tiếp thu được tinh hoa của tiền nhân.
Khác với những thế cảnh hoan lạc trong những tác phẩm vẽ Dạ Xoa thời Shunga khoảng 100 năm trước CN ở Ấn Độ. Không giống như những bức tranh vẽ thần Dâkini ở trần thể hiện chân lý không che đậy ở Tây Tạng, chẳng nồng nàn như Phổ Hiền cùng bạn nữ trong hình thức Tây Tạng của Phật nguồn gốc, nhưng rõ ràng những nhát thần bút của hoạ sĩ vô danh nào đó thể hiện Quan Âm mềm mại trong tư thế tượng trưng cho sự thuyết giảng ở hang số 71 cứ làm cho tôi liên tưởng đến những thần linh nam nữ trong trạng thái tính giao theo mô típ Yab-yum thường thấy ở Tây Tạng hay những điêu khắc của Apganixtan về Yashi (Dạ Xoa hay nữ thần sông) trong dáng vẻ loã thể... Trong số 33 cách thể hiện Quan Thế Âm ở hang động Mạc Cao, Đôn Hoàng ít thấy những hình ảnh nghìn mắt nghìn tay, không thấy trên đầu Quan Âm có nhiều tầng, nhiều cái đầu thể hiện kết quả trạng thái Phật, không thấy trong lòng tay ngài mang một con mắt... Chỉ có một dấu hiếu quan trọng nhất là ngài cầm một bông sen biểu hiện quyền năng kỳ lạ của Đấng chí tôn luôn hướng vào những nỗi khổ cực của thế gian. Trước một Bồ Tát kiều diễm tôi thấy mình đến gần Đức Thích Ca Mâu Ni hơn một chút.
Bài và ảnh: Xuân Bình
Nguồn: Dân Trí