Đối với môi trường, đạo Phật có cái nhìn rất đặc trưng không giống như những tôn giáo khác. Qua lăng kính duyên khởi, môi trường chính là yếu tố bất khả phân đối với sự sống chúng ta. Cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Nói cách khác, môi trường là một phần không thể thiếu tong hơi thở của chúng ta, cộng tồn với chúng ta một cách khắn khít, môi trường còn thì chúng ta còn, môi trường mất thì chúng ta cũng mất. Do vậy, giữ cho môi trường sạch và xanh đó chính là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, những người sống trên Trái đất này, không hạn chế bất cứ một ai, người nào cũng có bổn phận làm đẹp và bảo vệ môi trường. Bởi vì bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của mình. Ngược lại, muốn bảo vệ sự sống của mình thì chúng ta phải bảo vệ môi trường. Nhưng trên thực tế thì đã có mấy người thực hiện được điều này?. Giờ đây, chúng ta thử tiếp xúc với môi trường thực tế mà chúng ta đang sống để sự việc được rõ ràng hơn.
I. Môi trường hiện tại:
Không cần phải nghiên cứu sâu xa, hay tìm tòi cặn kẽ, chỉ cần chịu khó xem báo đài là cũng có rất nhiều thông tin nóng về môi trường thực tại đang bị ô nhiễm trầm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến cuộc sống của con người.
- Do công nghiệp phát triển ngày càng mạnh nên những nhà máy chế biến mọc lên như nấm trên tất cả các quốc gia. Ngoài nguồn lợi mà ngành công nghiệp đem lại cho con người để phục vụ cho cuộc sống thì những hậu quả sau quy trình sản xuất đó cũng vô cùng tai hại. Chất thải, khí đốt... từ các khu công nghiệp tác động đến không khí trong lành, làm cho nguồn dưỡng khí bị ô nhiễm gây nên những bệnh tật thảm thương cho con người.
- Nguồn tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới đang bị khai thác cùng tận, bất chấp hiểm nguy và di hại của việc khai thác. Các công trình khai thác quặng, mỏ, dầu khí, than...Một khi đã khai thác hết thì số phận của con người cũng không biết đi về đâu.
- Rừng xanh ngày càng bị tàn phá nặng nề, gây hiệu ứng lũ lụt, xói mòn dẫn đến đời sống khó khăn cho người dân.
- Nước ngày càng thiếu hụt vì khí hậu nóng lên tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế và cuộc sống yên bình của con người. Thiếu nước chúng ta sẽ không sống nổi, vì nước là nhân tố rất quan trọng trong sự sống và sự tồn tại của chúng ta. Thiếu nước cây cối cũng không sống được, nhiệt độ tăng lên, đất dai cằn cỗi, mùa màng thất bát, thủy diện chịu thua, thật là nguy hại.
- Nhiệt dộ ngày càng tăng lên, do sản xuất hạt nhân tạo ra những độc tố đốt cháy dưỡng khí. làm cho sự sống của chúng ta càng bức bách. Theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học thì tới năm 2020 sẽ có một nửa lượng người trên thế giới bị thiếu nước. Tại sao như vậy?.
II. Nguyên nhân dẫn đến thực tại:
- Do lòng tham: Lòng tham hưởng thụ thành quả làm cho con người không còn cân nhắc tới hậu quả tồi tệ của nó nữa. Mặc nhiên sản xuất, mặc nhiên tiến tới dù biết rằng phía sau nó là một bãi chiến trường. Lòng tham làm cho chúng ta tự mâu thuẫn, muốn hạnh phúc mà lại tạo ra những điều không đem lại hạnh phúc. Phần nhiều, ngưởi sản xuất chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà không nghĩ đến những tai hại của người sử dụng sản phẩm đó. Cuộc sống cân bình thì mới tồn tại lâu dài, nếu chúng ta chỉ nghĩ cho mình thì kết cuộc rất bi thảm. Nhà máy thì có mà khu xử lý chất thải thì không, chế biến nhiều sản phẩm mà chất lượng thì kém.
- Do thiếu ý thức: Như phần trên đã trình bày, môi trường bị ô nhiễm do rất nhiều yếu tố, trong đó thiếu ý thức là một nhân tố lớn. Chúng ta cứ mặc tình xả rác và phóng uế ở bất cứ ở nơi nào. Bàn luận thì rất sôi nổi mà viêc thực hiện thì thật khiêm tốn. Nói cho hết giấy hết mực rồi đau lại vào đó. Tại sao ý thức chúng ta lại nhu nhược như vậy?. Môi trường là của tất cả chúng ta chứ không phải của riêng ai. Đâu phải chỉ có những người chức trách có sứ mạng còn chúng ta thì không?. Nếu mỗi chúng ta ai cũng nhận thức được điều này thì môi trường chúng ta sẽ tốt thôi.
- Do chiến tranh: Có người nói có chiến tranh mới có phát triển, điều đó không sai, nhưng bên cạnh đó là một khối tổn thất và thiệt hại. Do chiến tranh mới có vũ khí hạt nhân, mà vũ khí hạt nhân là yếu tố gây tác hại ô nhiễm môi trường mạnh nhất và cũng là nguy cơ diệt chủng nguy hiểm nhất. Cho nên chiến tranh thật sự là một sự tổn thất hơn là sự thành tựu, hòa bình nới là nhân tố của cuộc sống an lành.
III. Phương pháp cải tạo và bảo vệ môi trường:
- Trước hết phải chuyển cho mọi người bức thông diệp lý duyên khởi của đạo Phật, để mọi người thấy dược sự quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa chúng ta với môi trường.
- Phải làm mọi cách bằng hình thức tuyên truyền hay thông tin báo đài giúp mọi người ý thức dược trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của mình bằng cách không gây ô nhiễm, sống sạch sẽ, không xả rác bừa bãi, biết giữ gìn văn minh đô thị và tôn trọng sự sống của mọi người.
- Ngăn chặn triệt để sự phá hoại rừng xanh và các di tích thiên nhiên, đặc biệt là phải có chính sách bảo vệ các loài động vật.
- Dù thực hiện bất cứ công trình xây dựng, hay các khu chế xuất nào cũng không được làm ô nhiễm nguồn nước, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người và môi sinh.
- Gần đây, việc cắt giảm vũ khí hạt nhân của các nước phát triển trên thế giới cũng là một động thái lớn bảo vệ môi trường và sự sống còn của con người.
Cực lực lên án và phản đối những kẻ trục lợi làm ô nhiễm môi trường sống, hay khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức.
- Thường xuyên phổ cập thông tin về tình hình môi trường và biến đổi khí hậu đến mọi người trong các buổi giảng và khích lệ mọi người tham gia chương trình môi trường sạch xanh.
- Vấn đề trọng tâm vẫn là lòng người. Nếu chúng ta không kiềm hãm được lòng tham muốn của mình thì dù có hiểu biết tới đâu cũng không bao giờ thực hiện được. Lòng tham giúp đời sống tăng trưởng nhưng lại dễ dẫn đến diệt vong. Do vậy, muốn sống hòa bình an lạc chắc chắn phải bỏ bớt lòng tham lam ích kỷ.
IV. Biện pháp cụ thể:
- Giáo hội nên thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo về cuộc sống và môi trường để giúp mọi người hiểu thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống.
- Thực hiện tuần lễ sạch xanh trong năm hay ngày môi trường trong tháng để khuyến khích mọi người chung tay làm đẹp cho đời.
- Phát triển tâm từ và hạn chế sân hận để bảo vệ sự sống cho muôn người và ngăn chặn chiến tranh chết chóc.
- Khích lệ Phật tử và mọi người sống văn minh, lành mạnh và tham gia hưởng ứng các công tác cải tạo và bảo vệ môi trường.
- Nếu là cá nhân thì mỗi chúng ta sống thật ngiêm túc. Nói không với xả rác bừa bãi, lối sống cẩu thả, dơ bẩn. Dù ở nhà hay đi tàu, xe đều tuân thủ quy tắc không bỏ rác bừa bãi.
- Phổ cập đời sống gần gũi thiên nhiên của đức Phật với mọi người. Người Phật tử thì không được đại tiểu tiện trên cỏ tươi, không khạc nhổ vào dòng nước trong, không chặt cây phá rừng tùy tiện, bảo vệ thiên nhiên cay cỏ.
- Hình ảnh một vị tu sĩ mang bình bát đi khất thực một cách khoan thai, từ tốn giữa sự rộn ràng bề bộn của đời thường cũng cổ súy không nhỏ cho việc làm sạch môi trường.
V. Kết luận:
Trong chúng ta ai cũng mong muốn được sống với một môi trường lành mạnh không ô nhiễm, nhưng chúng ta lại hành động mâu thuẫn với sự mong muốn đó và sự thật muôn đời vẫn là sự thật. Chúng ta tàn phá môi trường chính là tàn phá cuộc sống của chính mình. Một cuộc sống hạnh phúc thật sự không phải chỉ có công nghệ văn minh hay vật chất phương tiện đầy đủ mà nó còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Môi trường sạch đẹp là nhân tố không thể thiếu được đối với đời sống hạnh phúc của chúng ta. Ngày nay, môi trường của chúng ta đang bị đe dọa, chúng ta phải dốc hết sức mình bằng trí tuệ và sự tu tập để giúp môi trường ngày một tốt hơn./.
(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)
Thích Thiện Thông
Đơn vị: Bà Rịa - Vũng Tàu