Hôm qua, dạo trang nhà Vạn Hạnh, thấy bài thơ Ðất của Tịnh Nguyện. Cái tựa ngắn gọn, cũng như bài thơ làm tôi chú ý. Ðọc rồi, ghi lại một ít ý nghĩ.
hãy quán thân như đất
mặc cho người đạp chà
kham nhẫn mà vui sống
như ngọc nằm trong đá
sẽ một ngày tinh khôi
hãy quán thân như đất
bao dung và nuôi dưỡng
cho tất cả mọi loài
dù gió mưa giông bão
đất vẫn là đất thôi.
Qua bài thơ này, chúng ta nghĩ là chúng ta có thể dùng ÐẤT như một hạnh để tu tập. Vì nhìn chung, chúng ta nhận ngay là đất chấp nhận tất cả. Như vậy, đất không có phân biệt, không so đo, và từ đó, dĩ nhiên đất không có kiến chấp và không có bản ngã.
Vậy trước hết, chúng ta phải tìm hiểu những đặc tính của đất.
Trước hết, đất nằm ở vị trí thấp nhứt. Nó thấp nhứt vì cây cỏ lúc nào cũng muốn vượt lên qua mặt nó. Con người lúc đầu (thời cổ) còn bò hoặc đi đứng lung thung gần mặt đất, bây giờ đã thẳng lưng đi lại, mà còn muốn vượt ra ngoài sức hút của đất. Ở vị trí này, tuy thấp kém, nhưng đất kham chịu, mặc cho người đạp chà, mà dung chứa và chấp nhận tất cả. Lại còn bao dung và nuôi dưỡng cho tất cả mọi loài. Ðó là cái hạnh quên mình phục vụ cho người khác. Thí dụ như chúng ta (đất) trong một đoàn thể. Chúng ta lấy cái tập thể làm trọng hơn là cá nhân của mình. Như vậy, lở nếu có gì không vừa ý, không vui cho cá nhân mình, thì mình cam chịu để duy trì cái tập thể. Lấy cái chung trên cái riêng.
Kế tiếp, đất chấp nhận tất cả, từ cái tốt lẫn cái xấu. Tức là, đất không so đo không kiến chấp. Những cái tốt thì dễ, còn những cái xấu như rác, như những phế thải, những bài tiết... của con người…! Thế mà đất ‘kham nhẫn mà vui sống’, chấp nhận không than vãn. Như trong một đoàn thể, chúng ta (đất) dù không được coi như một thành viên như mọi thành viên khác mà còn bị hạ thấp xuống hơn, thế mà vẫn vui, vẫn hòa hợp trong đoàn thể.
Nói tóm lại, đất âm thầm cam chịu tất cả. Ðó là cái tánh hiền lành, cái tánh nhẫn nhục. Chữ ‘nhẫn’ ở đây không có nghĩa là tiêu cực, tức là chịu nhục. Như nhẫn là thua, vì thua nên nhục. Trong nhà Phật, chữ nhẫn chỉ sự chịu đựng, một sức an nhẫn. An nhẫn ở mình, an nhẫn trước những gì đến từ bên ngoài. Như có ai làm mình không vừa ý, mình giận. Sức an nhẫn tạo cho mình sự tự chủ, để kèm cơn giận không bột phát. Trong kinh Pháp cú có nói: ‘thắng một vạn quân không bằng thắng mình’. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta gặp nhiều điều không vừa ý, nếu không tu tập để có sẵn sự an nhẫn này, thì chúng ta sẽ bực bội, không an vui, không tự tại. Ðó là nhẫn với người, còn phải nhẫn với mình nữa. Nhẫn với mình để kềm chế sự đòi hỏi của thân, thèm cái này cái nọ, những sự thụ hưởng mà mình biết là sai.
Ngoài những cái hạnh chịu đựng như nói trên, bây giờ chúng ta tìm xem những hạnh tốt đẹp khác của đất. Nhờ đất, chúng ta có những vườn hoa xinh tươi, làm dịu những căng thẳng của đời sống hàng ngày, làm xuất phát những ý thơ, những gì tốt đẹp…Ðất tạo ra sự tốt đẹp. Như chúng gặp người hiền lành (Phật tử tu hạnh đất), chúng ta dễ tiếp xúc, dễ hòa hợp…, để cùng có sự vui trong đời sống. Ðất tạo ra thức ăn cho người cho loài vật.
hãy quán thân như đất
bao dung và nuôi dưỡng
cho tất cả mọi loài
Còn những người không có hạnh đất, thì họ không cam chịu những gì trái ý họ, họ rất dể ‘nỗi cơn’, khó mà lường trước ! Sự hòa hợp nếu có, cũng không lâu.
Ðất nhận lãnh tất cả. Rác là những gì mà không ai ưa thích, chối bỏ… Thế mà đất nhận tất, để rồi làm thành phân có lợi ích. Ðó cũng là một hạnh đáng thêm vào. Ðất nhận cái phế thải để rồi chuyển thành lợi ích. Tức là từ những chướng ngại, chướng duyên, người tu hạnh đất biến chúng thành thắng duyên, mà tu tập. Thí dụ cái nghèo, có ai thích nó đâu. Thế mà người tu hạnh đất không vì vậy mà tối ngày than thở, trách móc. Họ an phận vui sống như bình thường, coi cái nghèo như một thắng duyên để tu tập. Thí dụ bị nhục mạ, bị bỏ rơi, người khiêm hạ lợi dụng cơ hội để rèn sự nhẫn nhục của mình. Như vậy, họ không bị vướng vào duyên. Còn những người không có hạnh đất, gặp những chướng duyên như vậy, họ chỉ ngồi than thở, chứ không lo đổi thành thắng duyên.
dù gió mưa giông bão
đất vẫn là đất thôi.
Trong đạo Phật, con người là một giả hợp của tứ đại. Trong tứ đại, đất thì thô, còn ba thứ kia (khí, nước, và lửa) thì vi tế. Phàm những gì mà thể của nó vi tế thì năng động, biến chuyển không ngừng. Còn những gì thô thì ít di chuyển. Người tu Phật là người tìm tạo cho tâm mình thanh tịnh, không vấy động. Người tu được hạnh đất là người có tâm không dấy niệm, họ không dính mắc vào trần cảnh. Dĩ nhiên, họ an vui, thanh thản, không bức xúc, ray rức, trăn trở….
Ðất bao la, rộng lớn. Ở đâu cũng có đất, có sự tiếp nhận của đất. Ðây có thể xem như một tánh khoan dung độ lượng, không ghét ai, không bỏ ai, thương mọi người. Người tu hạnh này dần dần sẽ đi đến hạnh từ bi của đạo Phật.
Như chúng ta thấy từ đất thoát ra sự sống (cây, cỏ…), cũng như từ sự khiêm hạ của những người tu hạnh đất sẽ có sự sống, sự hòa hợp, sự xum dầy đoàn tụ của con người, tức là xã hội. Còn những nơi không có đất, như trên những đỉnh núi cao, toàn là đá, không có cây mọc, tức là không có sự sống. Ðó là sự cô đơn của những người (đá) không tu hạnh đất. Ngay như chúng ta chưa tu hạnh đất, chúng ta cũng cảm thấy mình dễ hòa nhập vào những người dễ tánh, hiền lành hơn những người có cá tánh (tánh sắt đá). Nói rộng ra một chút, đến với những người bằng hình thức bề ngoài của họ, chúng ta không ở lâu với họ. Còn nếu chúng ta đến với ai bằng cái căn bản (như đất) của con người bình thường, thì sự xum hợp có thể lâu hơn. Tức là cái hình dáng bên ngoài không bền lâu như những nề nếp căn bản của con người.
Như đã thấy, những người tu hạnh đất là những người thấp nhứt (mứt của mặt đất). Thế mà có những người muốn củng cố địa vị, danh vọng của họ, họ sẵn sàng hạ thấp hơn mứt thấp nhứt. Họ tạo cho người khác thấy họ thấp kém (dưới cái bình dân). Chúng thử nhìn một ông chủ tịch tỉnh đi thăm đồng bào bị nạn, nước lụt chẳng hạn. Họ ôm hun người bị nạn dễ dàng, họ khuân vác gạch ngói…, những sự việc mà họ không làm chỗ không có óng kính quay phim. Họ càng hạ thấp, thì địa vị của họ càng củng cố cho nhiệm kỳ sau. Như những tòa nhà càng cao, thì cần có những nền mống càng sâu để củng cố. Nói thì có vẽ ‘vơ đủa cả nắm’, nhưng chắc phần đông là như vậy!
Chúng ta thường thấy biển cả bao la đẹp như thế nào, sông ngòi uốn khúc nên thơ… Dưới biển, dưới sông là đất. Chúng ta nhìn sông biển, nhưng không thấy lòng sông, lòng biển. Tức là chúng ta không thấy đất. Vậy trong cái đẹp của sông của biển, có ẩn chứa cái cũng đẹp không kém, mà chúng ta không thấy. Như cái hạnh của người tu hạnh đất không phải dễ gì mà cảm nhận. Nhưng không sao, có ngày chúng ta sẽ nhận ra. Nó ‘như ngọc nằm trong đá/ sẽ một ngày tinh khôi’.
Trần Chánh Trực