Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 4

http://files.myopera.com/traihatinh/albums/825659/thumbs/Copy%20of%20Hoa%20sen%202.jpg_thumb.jpg

ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ BA
(TRI TÚC THỦ ĐẠO)

1, Chánh văn:

弟 三 覺 知 Đệ tam giác tri
心 無 厭 足 Tâm vô yểm túc
唯 得 多 求 Duy đắc đa cầu
增 長 罪 惡 Tăng trưởng tội ác
菩 薩 不 爾 Bồ tát bất nhĩ
常 念 知 足 Thường niệm tri túc
安 貧 守 道 An bần thủ đạo
唯 慧 是 業 Duy tuệ thị nghiệp

2, Dịch nghĩa:

Thứ ba biết rằng:
Tâm không biết đủ
Một mực tham cầu
Thì làm tăng trưởng
Những điều tội ác.
Bồ tát chẳng vậy,
Thường nhớ biết đủ
Cam chịu phận nghèo
Giữ đạo trong sạch
Chỉ lấy trí tuệ
Làm nghiệp giải thoát.


3, Giải thích:

Điều giác ngộ thứ ba cho chúng ta biết dục vọng của con người không bao giờ biết đủ, không bao giờ biết dừng lại, mà ta vẫn thường nghe ông bà mình nói là “lòng tham vô đáy”. Vì lòng tham không có đáy, không có giới hạn nên có bao nhiêu cũng không biết đủ, chưa có thì muốn cho có, có rồi muốn có thêm nữa, vì vậy mà gây nên tội ác, ngày mỗi tạo nghiệp thêm lớn, thêm nhiều. Muốn chấm dứt nghiệp chướng, không muốn tạo thêm điều ác, muốn giữ gìn đạo nghiệp thì chúng ta phải biết đủ (tri túc), và lấy trí tuệ làm sự nghiệp.

3.1. Trước hết, lòng tham muốn, dục vọng của con người không bao giờ biết đủ. Đối với các đối tượng của lòng tham muốn, tức những tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp… con người không bao giờ biết nhàm chán, không bao giờ biết thoả mãn với những gì mình đã có được, ngược lại, còn tham muốn nhiều hơn. Vì sao vậy? Bởi vì trong những đối tượng của dục nó có vị ngọt. Chẳng hạn, hương vị ngọt ngào của tình yêu. Tình yêu nó có một sức hấp dẫn lạ thường, khiến cho con người ta say đắm, si tình, ghen tuông… Lý ra, cái chất liệu ngọt ngào của tình yêu có thể làm cho con người có hạnh phúc, nhưng vì con người không biết thoả mãn, không biết dừng lại, không biết đủ, cho nên mới tạo ra những cảnh tượng thương tâm, những nghiệp chướng sâu nặng như chém giết, tranh giành, gia đình đổ vỡ…

Mỗi một con người đều sống vì một mục đích, một lý tưởng nào đó. Mà một khi, những tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, sắc đẹp… trở thành đối tượng của mục đích, của lý tưởng, của sự nghiệp… thì họ đeo đuổi đến cùng, không bao giờ dừng lại. Càng thành công càng muốn vươn lên nữa, càng thành đạt càng muốn thành đạt hơn nữa. Và vì vậy, họ không ngừng tạo ra những điều tội lỗi, những âm mưu, những lừa dối, lường gạt…
Trung A-hàm, Kinh Tứ Châu ghi rằng, có lần tôn giả A-nan suy nghĩ: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết”. Sau khi suy nghĩ như vậy, tôn giả trình bày với Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đồng ý quan điểm đó, rồi kể chuyện tiền thân.

Trong quá khứ, có vua tên gọi Đảnh Sinh, có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc, có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Vậy mà Đỉnh Sinh không thoả mãn, mong muốn có thêm châu Cù-đà-ni. Sau khi chiếm được châu Cù-đà-ni, ông lại muốn có châu Phất-bà-tì-đà-đề, rồi lại muốn có thêm châu Uất-đan-viết. Khi đã chiếm và ngự trị cả bốn châu, ông lại muốn vào nhà Chánh pháp của Chư Thiên. Vào được nhà Chánh pháp của Chư Thiên, ông được Thiên đế Thích nhường cho một nửa chỗ ngồi, vậy mà Đảnh Sinh vẫn chưa thỏa mãn, còn nảy sinh ý nghĩ đuổi Thiên đế Thích đi, cướp lấy phân nửa chỗ ngồi còn lại để làm vua loài trời và loài người, để được tự do tự tại.

Trớ trêu thay, khi ý nghĩ đó vừa khởi lên thì Đảnh Sinh bị rơi xuống châu Diêm-phù, mất hết như ý túc, nhuốm bệnh, đau đớn nguy kịch. Đến lúc lâm chung, ông trăn trối với các đại thần rằng: Vua Đảnh Sinh đã hưởng đầy đủ các đặc tính của năm thứ dục lạc, sắc, thanh, hương, vị, xúc; nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn.

Thật đáng sợ thay lòng tham muốn của chúng sinh, cho đến chết mà vẫn chưa thoả mãn sự khát khao mong cầu.

Nuôi dưỡng lòng tham muốn như uống nước muối, càng uống càng thấy khát. Dục vọng ngự trị trong tâm thì có bao nhiêu cũng không thấy vừa lòng. Dục vọng làm cho mình mờ mắt, mất bình tĩnh và không sáng suốt để nhận thấy hạnh phúc đang ở xung quanh ta, cho nên dù ở trên đỉnh cao danh vọng, đứng trên núi vàng biển bạc cũng không thấy hạnh phúc. Đó là chưa nói đến vì dục vọng mà gây tạo nghiệp xấu. Gây nghiệp xấu ác thì ngay trong hiện tại tâm hồn bất an và nhiều đời sau bị đoạ đày thống khổ. Đó là cái nhân khiến cho chúng sinh trôi lăn trong đêm dài sinh tử luân hồi không dứt.

Nói tóm lại, mọi khổ đau, mọi cuộc chiến tranh đổ máu… đều xuất phát từ lòng tham muốn, từ dục vọng không dừng nghỉ của con người. Vì vậy, người có trí tuệ, có sự tỉnh thức, nhìn thấy được sự nguy hiểm của dục vọng, họ quyết dứt trừ. Bằng cách nào? Bằng cách:

Thường niệm tri túc
An bần thủ đạo
Duy tuệ thị nghiệp


3.2. Tri túc là thái độ sống, là nghệ thuật sống mầu nhiệm đã đưa Thế tôn đến giác ngộ, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Thật vậy, bài pháp thoại đầu tiên đức Phật tuyên thuyết tại vườn Nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như chính là bài pháp về đạo lý “Trung đạo”, con đường Ngài đã khám phá, mà cũng là tinh hoa của giáo lý nhà Phật. Mở đầu bài pháp, đức Phật khuyên năm vị đạo sĩ khổ hạnh nên xa lánh hai lối tu cực đoan là hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác, vì cả hai không thể dẫn đến trạng thái tuyệt đối thanh bình, an lạc và giải thoát. Lợi dưỡng tức ham thích cuộc sống hưởng thụ, buông lung, làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh làm giảm suy trí thức. Đức Phật chỉ trích cả hai vì chính bản thân Ngài đã tích cực sống theo lối cực đoan ấy và kinh nghiệm rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh. Rồi Ngài vạch ra con đường vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích. Đây là con đường duy nhất dẫn đến tình trạng trong sạch hoàn toàn và tuyệt đối giải thoát: Con đường Trung đạo.

Trung đạo là con đường tám nhánh (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định). Nhưng trong ý nghĩa đơn giản nhất, mà cũng là ý nghĩa sâu sắc nhất, đó chính là lối sống, nghệ thuật sống đi ra ngoài, hay vượt ra khỏi hai cực đoan hưởng thụ và khổ hạnh. Nên nhớ, Trung đạo không có nghĩa là con đường đi giữa hai cực đoan. Bởi vì còn đi giữa hai cực đoan ấy là còn ít nhiều hệ luỵ, và rõ ràng không phải là đi trên con đường tám nhánh. Trung đạo đích thực là con đường vượt ra ngoài đời sống hệ luỵ dương trần, vượt ra ngoài mọi sự kiềm toả, chi phối của ngũ dục và tà kiến, vô minh. Vượt ra ngoài lối sống hưởng dục và khổ hạnh chính là đời sống tri túc.

Thường niệm tri túc. Luôn luôn nhớ nghĩ đến cái nguyên tắc sống biết đủ, đó là thái độ sống, là nghệ thuật sống của bậc Bồ-tát. Vì biết rằng lòng tham muốn của con người không bao giờ biết đủ, một mực tham cầu sẽ làm tăng trưởng tội ác, cho nên bậc Bồ-tát luôn luôn nhớ nghĩ cái nguyên tắc sống biết đủ này để chặn đứng mầm móng phát sinh tội lỗi. Với nguyên tắc sống này bậc Bồ-tát cảm thấy rất thanh thản, bình dị. Tuy ở dưới gốc cây, trong bãi tha ma hay trong ngôi miếu hoang với ba tấm y bằng chất liệu “thô sơ ma bố” và chiếc bình bát đất mà tâm hồn luôn thanh thản, tiết hạnh thanh cao, đạo đức ngời sáng, xứng đáng được chư thiên và loài người cúng dường. Vui sống trong cảnh thanh đạm mà giữ đạo. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao, không nhà cao cửa rộng, không chùa to Phật lớn mà đạo pháp vẫn luôn được giữ gìn. Bởi đạo không nằm trong chùa to Phật lớn, đạo không phải ở trong những nhà giàu có, mà đạo nằm ở chỗ vô tham, vô sân, vô si, vô dục, vô cầu.

An bần không có nghĩa là chủ trương sống cuộc sống nghèo khổ, bần cùng hoá xã hội. Mục tiêu của đạo Phật là xây dựng một cuộc sống an lạc hạnh phúc, mà là an lạc và hạnh phúc chân thực, chân chính. Niềm an lạc, hạnh phúc chân thực không xuất phát từ yếu tố vật chất mà ở cái tâm an tịnh, cái tâm không tham lam, sân hận, si mê, ở cái tâm không chấp thủ, không tham dục.

Thật vậy, hồi đức Phật còn tại thế, Ngài cùng với chúng Tăng an trú trong một khu rừng. Nửa đêm, đang thiền định, các Tỳ kheo chợt nghe tiếng la ‘Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!’ của một Tỳ kheo mới vào đạo, làm động chúng. Sáng ra, các Tỳ kheo thưa với đức Phật. Đức Phật cho gọi Tỳ kheo ấy đến và hỏi nguyên do. Vị Tỳ kheo ấy trả lời. “Quả thật hồi đêm con có la lớn tiếng làm động chúng, con xin sám hối, nhưng con la lên như vậy không phải vì con luyến tiếc tài sản, vợ con, nhà cửa, quyền lực của con ở ngoài đời, như các sư huynh con nói. Con còn nhớ lúc con ở ngoài đời, hằng ngày con có quân lính canh gác hầu hạ, mỗi bữa đều có vợ con tôi tớ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ… nhưng không lúc nào con có cảm giác hạnh phúc an lạc, tuy con giàu có, quyền lực nhất làng. Thế mà giờ đây, con không có gì cả, không có gì để sở hữu, không có ai canh gác, hầu hạ, lại ngồi dưới một gốc cây trong khu rừng giữa đêm khuya thanh vắng thế này, mà con lại cảm thấy an lạc, hạnh phúc quá. Niềm hạnh phúc, niềm hỷ lạc ấy toả ra từ miền tâm thức định tĩnh trong khi con hành thiền, làm cho con sung sướng quá không kiềm chế được nên mới la lên Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!”

Mặt khác, giàu và nghèo, hạnh phúc và khổ đau là các cảm thọ của con người, nó tuỳ thuộc vào tâm ý. Không hẳn người giàu có mới có cảm giác hạnh phúc và người nghèo hèn nhất định phải chịu cảm giác khổ đau. Giàu nghèo, khổ đau hạnh phúc đều tuỳ thuộc vào cái tâm của con người. Trong kinh Di giáo đức Phật dạy: “Người biết đủ dù nằm trên đất cũng thấy an lạc, con người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý” (Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý). Hiện thực của cuộc sống trong xã hội cũng đã chứng minh điều đó. Cho nên, an bần chính là tri túc, là vui sống trong hiện tại, an trú trong hiện tại, gọi là hiện pháp lạc trú.
3.3 An bần thủ đạo là chấp nhận cuộc sống nghèo khổ một chút chứ quyết không vì miếng cơm manh áo hay chút danh lợi bọt bèo mà đánh mất phẩm chất đạo đức. Cũng như “thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”, hay “nghèo cho sạch, rất cho thơm”. Đức Phật cho biết hy hữu lắm chúng ta mới được làm thân người, khó khăn lắm mới được gặp chính pháp, do đó cho dẫu thế nào đi nữa mình cùng đánh mất giá trị làm người và cơ hội phụng sự Tam bảo, đó là ý nghĩa của “an bần thủ đạo”.

Người quân tử học theo đạo Thánh hiền còn có tiết khí “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng quất”, nghĩa là giàu sang không làm cho mình trở nên buông lung trác táng, nghèo khổ không làm cho mình thay đổi cốt cách nhân phẩm, quyền lực không làm cho mình khuất phục cúi đầu. Đạo Thánh hiền nhà Nho dạy người trong cõi đời còn có tiết khí như thế huống là đạo của Phật vốn ra ngoài ba cõi há lại vì danh văn lợi dưỡng mà quay lực với Tam bảo chăng?

3.4 An bần, tri túc không có nghĩa là chủ trương cuộc sống thụ động, xa lánh cuộc đời. Mỗi một con người trong xã hội đều có vai trò, trách nhiệm và sự nghiệp của mình. Sự nghiệp của người xuất gia là trí tuệ. Người đời thì lấy tài sản, địa vị, quyền lực, danh vọng… làm sự nghiệp. Còn người xuất gia theo đạo Phật thì lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Nên nhớ, trí tuệ ở đây không phải là thứ kiến thức thu thập được từ học đường, từ sách vở và gói vào trong mảnh văn bằng, học vị tiến sĩ, cử nhân… Những thứ ấy không dính dáng gì đến cái gọi là trí tuệ trong nhà Phật. Trí tuệâ ở đây là sự hiểu biết tất cả các pháp, thấy rõ được bản chất của các pháp. Nói cách khác là thứ trí tuệ thấy được bản chất vô thường, duyên sinh và vô ngã của các pháp. Trí tuệ này là động lực đưa chúng ta tìm cầu cái không sinh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm. Trí tuệ giải thoát.

Cũng cần nói thêm rằng, lấy trí tuệ làm sự nghiệp không phải là lấy chút ít hiểu biết Phật pháp để đi thuyết giảng làm kế sinh nhai, đi cúng đám để kiếm tiền, lập đạo tràng tu tập để xây dựng chùa tháp… Cho nên, tất cả những ai đang theo đuổi con đường học Phật hãy thức tĩnh để xác định mục đích học tập của mình. Học Phật vì cái gì? Vì để trở thành pháp sư nỗi tiếng, vì để có vị trí trong giáo hội, vì để có một chút danh vị, lợi dưỡng nào đó… thì xin dừng lại, và xin thành thật khuyên rằng, ra ngoài đời mà đua đòi với người ta. Trong đạo, những thứ ấy có, nhưng mà chẳng có gì lấy làm hảnh diện đâu, nếu không muốn nói là nhục. Xin hãy xác định lại, lấy trí tuệ làm sự nghiệp chính là sự nghiệp giác ngộ giải thoát.

Mong thay!

Thích Nguyên Hùng