Bàn về chữ "nhàn" trong thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

alt

 

Trong một vài cuộc hội thảo khoa học về Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đây, ý nghĩa chữ "nhàn" trong thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm được bàn cãi khá sôi nổi.

Bàn cãi như vậy đâu phải là câu chuyện trà dư tửu hậu của những người hay nói chữ, sống nhàn rỗi, mà bàn cãi như vậy là để tìm xem trong khái niệm "nhàn" mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cao, thật sự có nội dung tích cực, tốt đẹp, xứng đáng cho con người hậu thế chúng ta học tập bắt chước hay không.

Ở đây có ba vấn đề đặt ra, không nên lẫn lộn:

Một là nghĩa thông thường, mọi người quen thuộc là chữ "nhàn", trong các hợp từ như nhàn hạ, nhàn rỗi hay là nông nhàn tức là thời gian nhà nông rỗi rãi, không có việc gì phải làm ngoài đồng. Hay là trong câu "nhàn cư vi bất thiện", nghĩa là nhàn là điều bất thiện.

Như chúng ta thấy nội dung chữ "nhàn" theo nghĩa thông thường cũng không có gì là xấu, nhất là đối với người có tuổi, trừ phi là ở nhàn, rồi làm điều bậy bạ, bất thiện.

Hai là nghĩa chữ "nhàn" trong văn chương Nho giáo. Trước hết, cần nói rằng, chữ Hán "nhàn" có thể viết hai cách: một là chữ môn là cửa ở ngoài, trong là chữ nguyệt là mặt trăng. Hai cũng là chữ môn ? ngoài, và chữ mộc là gỗ ở trong. Cả hai chữ đều đọc là nhàn, với nghĩa nhàn rỗi, nhàn hạ. Với ý nghĩa đó, cả hai chữ đều không có ý nghĩa xấu, nhưng trong các đoạn "nhàn đàm", "nhàn ngôn", "nhàn ngữ", ý tứ là nhân lúc nhàn rồi ngồi nói chuyện chơi.

Trong LuậnNgữ của Khổng Tử có câu "đại đức bất du nhàn".

Chữ nhàn ở đây có nghĩa là phép tắc, quy cũ. Nghĩa của câu trong Luận Ngữ là người có đức lớn không vượt khuôn phép, quy cũ.

Ba là chữ nhàn trong văn chương của Đạo gia. Trong các thành ngữ quen thuộc, như "nhàn vân dã hạc" có nghĩa là mây trói con hạc giữa đồng, nói lên con người sống nếp sống Đạo gia, không bị câu thúc ràng buộc gì. Hay là thành ngữ "nhàn tỉnh, dật trí", nói lên phong cách của Đạo gia sống an tịnh, siêu thoát.

Bốn là chữ "nhàn" trong văn chương Phật giáo. Nghĩa là chữ nhàn trong văn chương Phật giáo rất quan trọng, như chúng ta biết, Nguyễn Bỉnh Khiêm khi về hưu, chọn cho mình tự hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. Từ cư sĩ, lần đầu tiên được dùng trong văn chương Phật giáo trong bộ kinh Đại thừa quan trọng "Duy-ma-cật" với nghĩa là người Phật tử tri thức tại gia, tu hạnh Bồ-tát cứu nhân độ thế. Nói một cách khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự xem mình là Bồ-tát, với lý tưởng suốt đời cứu nhân độ thế. Nhưng muốn suốt đời phụng sự lý tưởng cứu nhân độ thế, vị Bồ-tát phải biết hy sinh lợi ích nhỏ của tự thân, phải hoàn toàn quên mình, quán triệt lý vô ngã, không còn vấn vương danh lợi, tài sắc thế tục, chứ không phải là bàng quan đối với thế sự, không phải là lánh đời. Bởi vì nếu lánh đời, thì làm sao để cứu đời, làm tròn sự nghiệp của Bồ-tát?. Hơn nữa, đã lánh đời thì làm sao có thể hiểu đời và ngõ đạo. Không nên quên rằng, một trong mười danh hiệu của Phật là Thế Gian Giải, nghĩa là hiểu biết thế gian, tức là hiểu đời. Có hiểu đời là vô thường thì mới ngộ được đạo lý bất tử. Có biết đời là khổ, mới chứng được cảnh giới Niết-bàn an lạc, sung sướng.

Nói tóm lại, "nhàn" trong văn chương Phật giáo hoàn toàn không có nghĩa là nhàn hạ, nhàn rỗi, như là theo nghĩa thông thường, "nhàn" trong Phật giáo là không luỵ công danh, không vướng tài sắc- là những cái ràng buộc rất tầm thường và thế tục, để làm tất cả những việc có thể làm được để lợi lạc quần sanh, để cứu nhân độ thế, cứu người và cứu đời.

Trước Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã có những nhà Phật học Việt Nam dùnng chữ nhàn theo nghĩa như vầy. Như Trần Nhân Tông, vị vua kiêm thiền sư đời Trần, trong bài ca "Đắc Thú Lâm Tuyền Thánh Đạo Ca" viết các câu như:

"Công danh chẳng chuộng,
Phú quý chẳng màng,
Tần Hán xưa nay,
Xem đà nhàn hạ".

Ý của Trần Nhân Tông là người Phật tử không ham muốn gì công danh phú quý đời Tần, đời Hán bên Tàu. Chữ nhàn hạ, trong bản viết Nôm, viết là nhèn hạ, nhưng không hiểu vì sao, có người lại chú giải là hèn hạ, cho nên phiên âm trại đi là nhèn hạ.

Vì vậy, Trần Nhân Tông, định nghĩa nhàn là không màng công danh phú quý, nhàn là hơn tất cả, cho nên trong bài thơ chữ Hán kết thúc bài ca này, ông viết:

"Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim".

Vạn kim là vạn lượng vàng, là giàu sang phú quý. Không thấy ở đâu, sách Phật hiểu nhàn là ngồi không.

Bây giờ, đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng ta hãy xem ông:

    • Hiểu chữ nhàn như thế nào?
    • Thực hiện chữ nhàn ra sao?

Hiểu là lý giải. Thực hiện là hành động. Rất có thể là nơi con người Nguyễn Bỉnh Khiêm, do thời thế và hoàn cảnh, nhận thức về chữ nhàn và hành động, thể hiện chữ nhàn đó trong cuộc sống, không được hoàn toàn nhất trí. Nói cách khác, trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm, hành giải có thể là không nhất trí, không tương ứng. Hay là nói như Nho, hành giả không hợp nhất.

Trong bài "Nhẹ Nhàng Danh Lợi", ông viết:

"Để rễ công danh đổi lấy nhàn,
Am Bạch Vân rồi nhàn hứng,
Dặm hồng trần vắng ngại chen"

Rõ ràng, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận thức chữ nhàn, đối lập với công danh, với hồng trần. Trần là bụi. Hồng trần là bụi hồng, là tất cả những gì ở thế gian làm ô nhiễm thân tâm con người.

Từ hồng trần, biểu trưng cho bụi đời, cũng được ông dùng lại trong một bài thơ khác, với câu:

"Xóm tự nhiên, lều một căn,
Quyết không thay thẩy bụi hồng trần"

Đó là chữ nhàn theo nhận thức của Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn vấn đề thật sự trong nhân tâm của ông có nhàn hay không, hay là còn vấn vương thế tục thì e chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm mới biết và trả lời được. Do đấy, tôi không thể bàn thay ông được.

Giáo sư Minh Chi
Học viện Phật giáo Việt Nam