Kẻ quán sát

 

Hành thiền có lúc dễ, có lúc khó. Dù dễ hay khó, chúng ta cũng phải giữ tâm mình vững vàng, không nghiêng ngã. Khi hành thiền được dễ, chớ có bằng lòng tự mãn. Hễ mình ỷ y tự mãn thì mọi thứ sẽ bắt đầu lỏng lẻo. Như xe bị lỏng ốc, sau một thời gian thì mọi thứ sẽ bắt đầu lúc lắc và rơi rụng. Đồng thời, khi hành thiền khó, chớ có buồn bực. Nguyên tắc thứ nhất là trong bất cứ trường hợp nào cũng giữ tâm vững vàng, không chồng chềnh nghiêng ngã. Hãy giữ vững ý thức của kẻ quán sát, phần tâm thức chỉ đơn thuần theo dõi những gì đang diễn ra, và hãy đồng nhất với phần tâm thức đó được nhiều chừng nào tốt chừng ấy.

kequansat-1.jpg

jaan Suwat có lần kể rằng, khi mới đến ở với Ajaan Mun, tâm của ngài còn đang phân tán. Ngài ngồi thiền mà vẫn suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, và ngài sợ không dám kể với Ajaan Mun, vì sợ thầy chê. Nhưng rồi ngài nhận ra "Mình đến đây để học", liền đến gặp Ajaan Mun xin chỉ dạy phương cách để tâm không bị tán loạn lúc ngồi thiền.

Câu trả lời của Ajaan Mun là: "Tốt, ít nhất là thầy biết được những gì đang xảy ra. Như vậy tốt hơn là không hay không biết gì về sự tán tâm của mình". Rồi Ajaan Mun đọc một câu trong kinh Niệm Xứ: "Khi tâm tán loạn, biết tâm tán loạn, đó là một trong những cơ sở của niệm".

Ajaan Suwat đã vận dụng bài học rất hay. Ngài hiểu rằng Ajaan Mun không phải khen ngợi mà chỉ an ủi, khích lệ mình. Ngài không nói rằng chỗ Ajaan Suwat đang ở đó là tốt rồi, mà nhắc rằng đó không phải một thất bại hoàn toàn, rằng việc Ajaan Suwat đang hành thiền vẫn tốt hơn là không hành thiền gì hết.

Điều này hay xảy ra với mọi người khi tập thiền không được suôn sẻ, tốt đẹp cho lắm. Người ta thường nói: "Tối nay mình thiền không được. Thôi, mình nghỉ tốt hơn". Không hành thiền không phải là giải pháp. Cho dù sự hành thiền không được dễ chịu đi nữa, thì ngồi qua một thời thiền không hiệu quả còn đỡ hơn là không tập thiền. Có thể có một lúc nào đó trong thời thiền, mình tỉnh lại, thấy được điều trước đây chưa từng thấy. Đó là lý do vì sao ý thức của một quán sát viên rất quan trọng.

Kinh tạng Pali có nói đến một người cầm chắc đề mục thiền trong tay, và hình ảnh được dùng là một người ngồi nhìn một người đang nằm, hay một người đứng nhìn một người đang ngồi. Nói một cách khác hơn, mình đặt mình lên trên những gì đang xảy ra và ngắm nó. Mình lùi lại để nhìn những gì đang diễn ra từ một góc cạnh khác hơn, để biết tâm mình đang mất quân bình chỗ nào, để quan sát những gì mình đang làm, và để suy nghĩ xem mình có thể làm gì khác hơn chăng. Chính xác là hãy tìm hiểu xem tại sao sự hành thiền của mình lại tệ như vậy? Đang thiếu cái gì? Ajaan Fuang có lần khuyên hãy lưu ý đến bảy yếu tố mà Ajaan Lee đã đề ra trong phương pháp của ngài, rồi đem so với sự hành thiền của mình, xem thử cái gì đang thiếu. Nếu mình có đủ bảy yếu tố đó, thì tâm chắc chắn sẽ an định: niệm, kiên cố, và tĩnh lặng. Vậy hãy xem cái gì đang thiếu. Có phải mình không thấy rõ độ dài của hơi thở? Có phải mình không thấy rõ hơi thở có thoải mái hay không thoải mái? Có phải mình không làm cho lan tỏa các cảm giác dễ chịu từ hơi thở? Có phải mình không có chỗ cho tâm, cho hơi thở trong thân an trụ? Cứ ghi cho hết danh sách, và nếu thấy yếu tố nào còn thiếu thì hãy tìm cách bổ túc cho sự thiếu sót đó.

Và một lần nữa, để làm việc này, mình cần phải có ý thức của kẻ quán sát, một người bàng quan đứng ngắm, không bất mãn với những gì đang xảy ra, cũng không bị lôi kéo theo chúng, mà chỉ nhìn một cách hoàn toàn khách quan, không thiên vị. Khi mình có khả năng ngắm nhìn như vậy, thì một buổi thiền không hiệu quả cũng không đến nỗi thất bại hoàn toàn. Mình xem đó như là một thách đố. Buổi thiền tối nay có thể hơi khác với buổi thiền tối qua. Buổi thiền tối qua khá tốt, còn buổi thiền tối nay mới bắt đầu với mọi sự có vẻ không được khá gì cho lắm. Thay vì bối rối, bất an, hãy hỏi: "Có phải là tại thân không? Hơi thở có gì sai không? Mức năng lượng của mình có gì trục trặc không? Có phải là mình đang hăng quá? Hay đang trầm trệ quá?". Ở đây có thể có nhiều yếu tố đang tác động, các yếu tố hoặc ở trong tâm, hoặc ở trong thân. Nếu mức năng lượng của mình đang quá thấp, mình có thể đổi cách thở để bồi thêm sinh lực cho mình. Nếu mức năng lượng của mình đang quá cuồng, mình có thể thở như thế nào để làm cho mình dịu lại.

Hãy cố gắng để quán sát càng tinh tường càng tốt. Nhiều lúc trong thiền tập, cái làm nên thay đổi lại là những chi tiết, những cái nho nhỏ mà nếu không để ý kỹ, chỉ phớt phớt ngang qua, mình sẽ bỏ mất rất nhiều. Mình có thể bỏ qua những cái quan trọng, mặc dù nó có vẻ như nhỏ nhặt, không đáng kể. Hãy tập nhìn vào từng khía cạnh một cách thật tỉ mỉ, tập quán sát cho tinh ý, sâu sát với khả năng quán sát của mình.

Tiếng Thái có từ ‘thii’ (giống như chữ ‘nhặt’ trong nhặt thưa, nhặt khoan của tiếng Việt), dùng để chỉ độ khít của mỗi chuỗi gì đó, chẳng hạn như răng lược hay phên hàng rào. Từ này cũng được dùng để chỉ tần số của một làn sóng phát thanh. Tần số càng cao thì mức độ xuất hiện càng gần, càng nhặt. Mình muốn hành động chánh niệm, thì hành động tỉnh giác của mình phải thật nhặt (miên mật): san sát bên nhau, không có chỗ hở. Bằng không, nếu mình để nhiều kẽ hở chính giữa, thì sẽ có nhiều thời gian để tâm mình hạ màn xuống. Đội ngũ sau hậu trường có thể đổi phông, đổi cảnh, và khi màn kéo lên lại thì mình đã ở một nơi khác rồi. Nhưng nếu chánh niệm của mình miên mật, thì lực lượng này không có thời gian để hạ màn xuống. Nếu chúng đổi phông, mình thấy được ngay chuyện đó, và điều này làm tiêu tan ảo tưởng có thể đã lôi cuốn mình nếu mình không hay không biết.

Vậy thì, bất kể cái gì xảy ra trong lúc hành thiền, hãy luôn dừng lại và kiểm xem: "Kẻ quán sát ở đâu lúc này?" - nghĩa là, phần tâm thức có khả năng quán sát đơn thuần và không bị chuyện gì làm cho dao động. Chúng ta quá quen sống trong phần tâm thức bị thường xuyên xô dạt bởi hết chuyện nọ tới chuyện kia, cho đến nỗi mình cảm thấy dường như có lỗi nếu mình lùi lại, sống trong phần tâm thức không bị bất cứ chuyện gì làm cho dao động, mà chỉ quán sát, nhận biết những gì đang xảy ra. Bao giờ trong tâm cũng có vùng không gian đó. Hãy nhận diện và làm quen với nó. Hãy tập lấy đó làm chỗ đứng của mình, để dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa, mình vẫn thấy sự việc một cách rõ ràng, như tự thân của chúng. Mình thấy rõ được sự liên hệ giữa nhân và quả. Và do vậy, mình ở trong vị trí có thể dùng sự khéo léo của mình để mang lại thay đổi, điều chỉnh chỗ này chỗ kia, thử cái này cái kia. Và cho dù cái mình thử nghiệm không đi đến đâu chăng nữa, thì mình cũng học được một điều gì đó. Mình học được rằng, chiến thuật này không có hiệu lực ở đây, và đó là điều đáng biết.

Nếu mình áp dụng thái độ này, thì hành thiền dù có hay đến mấy hoặc dù có dở đến mấy, bao giờ cũng là một cơ hội để học.

Bhikkhu Thanissaro - TN. Chân Giải Nghiêm dịch ( Nguyệt San Giác Ngộ số 169)