Ðến đây chúng ta đã nghiên cứu ba trong bốn niệm xứ đó là: Quán sát thân (hay niệm thân), quán sát thọ (hay niệm thọ), quán sát tâm (hay niệm tâm). Bây giờ chúng ta bắt đầu nói đến phần quán sát cuối cùng đó là quán sát pháp (hay niệm pháp).
Quán sát thân hay niệm thân là quán sát cơ thể vật lý hay phần vật chất của cơ thể. Quán sát thọ là quán sát những gì mà tâm kinh nghiệm được: "khổ, lạc, vô ký" của cảm giác vật chất. Quán sát tâm cũng còn được gọi là quán sát những sự việc thuộc về tâm, tâm sở. Quán sát pháp là quán sát cả hai, vật chất cũng như tinh thần. Nếu xét theo ngũ uẩn thì quán thân là quán sát sắc uẩn, quán thọ là quán sát thọ uẩn, quán tâm là quán sát thức uẩn và quán pháp là quán sát cả năm uẩn.
Chữ dhamma được phiên âm là "pháp" chứ không dịch bởi vì thật khó tìm ra một chữ bao trùm trọn vẹn nghĩa của chữ dhamma. Chữ dhamma thường được dịch là những "đối tượng của tâm". Ðiều này không chính xác cũng không rõ ràng bởi vì đối tượng của thiền được nói đến trong Chương này thuộc về hai nhóm thân cũng như tâm. Khi "đối tượng của tâm" có ý nghĩa là đối tượng hay đề mục của tâm, thì cơ thể cũng là đối tượng của tâm, cảm thọ và tâm cũng là đối tượng của tâm. Khi "đối tượng của tâm" mang ý nghĩa là đối tượng thuộc về phần tâm, thì vấn đề là vật chất cũng là một trong những đối tượng quán niệm. Vậy tốt nhất là để nguyên chữ dhamma, đừng dịch; hãy cố gắng hiểu nghĩa chữ dhamma nói đến trong kinh Ðại Niệm Xứ này.
Trong Chương "Niệm Pháp" này, chúng ta sẽ nói đến: "năm chướng ngại", "ngũ uẩn thủ", "sáu căn, sáu trần", "Thất giác chi", "Tứ Diệu Ðế". "Năm chướng ngại" thuộc về tâm. "Ngũ uẩn thủ" thuộc về vật chất và tâm. "Sáu căn, sáu trần" thuộc về vật chất và tâm. "Thất giác chi" thuộc về tâm, và "Tứ Diệu Ðế" bao gồm cả vật chất và tâm.
A. Năm Chướng Ngại
Bất kỳ bạn làm việc gì, bạn đều cảm thấy có một vài loại chướng ngại hay cản trở cần phải vượt qua. Chướng ngại là những yếu tố gây bất lợi cho việc hành thiền. Nó che lấp hay cản trở khiến thiền sinh không thể tập trung tâm ý được.
Ðức Phật đã nói đến chướng ngại như sau :
Ở đây này các tỳ khưu, tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua năm chướng ngại:
Thế nào là thầy tỳ khưu quán pháp trong pháp qua năm chướng ngại? Thế nào là năm chướng ngại?
1. Tham ái
Ở đây, này các tỳ khưu, khi tham ái có mặt thầy tỳ khưu biết rằng: "Có tham ái trong tôi", hay khi tham ái vắng mặt, thầy tỳ khưu biết: "Không có tham ái trong tôi", thầy tỳ khưu cũng biết lý do tham ái chưa sanh được sanh khởi, thầy tỳ khưu cũng biết lý do tham ái đã sanh bị diệt trừ, thầy tỳ khưu cũng biết lý do tham ái đã được diệt trừ không còn khởi sanh trong tương lai.
Phần dạy trên đây của Ðức Phật đã chỉ dẫn cho chúng ta cách thức đương đầu với "tham ái". Tham ái là chướng ngại đầu tiên trong mục này. "Tham ái" có nghĩa là tham luyến, dính mắc vào những đối tượng giác quan. Có thể dùng nhiều danh từ để chỉ trạng thái này như tham ái, dục ái, tham lam, dính mắc, ái dục... Tất cả những chữ trên đều chỉ sự tham luyến vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (pháp ở đây nói đến cả sắc pháp lẫn danh pháp). Khi tham ái hiện khởi trong tâm thiền sinh, thiền sinh biết: "có tham ái trong tôi". Trong lúc hành thiền nếu có những tư tưởng tham lam, tham dục, luyến ái hay dục vọng khởi lên thì bạn phải ý thức sự có mặt của những tham ái này. Bạn phải ý thức rằng đang có tham ái hiện diện trong bạn và ghi nhận hay niệm thầm: "tham lam, tham lam, tham lam" hay "dính mắc, dính mắc, dính mắc" hoặc: "muốn, muốn, muốn".
Chữ "có mặt" ở đây có nghĩa là một vật gì đó đang hiện hữu vì nó đã xảy ra nhiều lần. Ý nghĩ tốt hay ý nghĩ xấu (thiện tư duy hay tà tư duy) không thể xuất hiện cùng lúc. Những tư tưởng này không thật sự có mặt vào lúc thiền sinh ghi nhận hay biết được chúng bởi vì tư tưởng không thể có mặt cùng lúc với sự nhận biết tư tưởng. Nhưng những tư tưởng này được gọi là hiện hữu vào lúc thiền sinh quán sát chúng bởi vì chúng khởi sinh lập đi lập lại nhiều lần. Thực ra vào lúc thiền sinh quán sát các chướng ngại này thì chúng đã ra đi rồi. Chúng tồn tại chỉ trong một thời gian rất ngắn, có thể chỉ một phần giây. "Có mặt" có nghĩa là cái gì xảy ra ngay trong chính sát na đó. Bạn cần phải nhận ra cái gì có mặt, hiện hữu hay lập đi lập lại nhiều lần. Khi tham ái có mặt, thiền sinh biết: "có một loại tham ái như vậy trong tôi". Và khi tham ái vắng mặt, thiền sinh cũng biết: "không có tham ái trong tôi".
"Vắng mặt" ở đây có hai nghĩa: Trước hết, có nghĩa là không hiện hữu vì không xảy ra hoặc đã bị loại bỏ. Thứ hai, có nghĩa đơn giản là không khởi sinh. Hoặc là thoạt đầu nó khởi sinh ở thiền sinh, khi thiền sinh quán sát nó, nó liền biến mất. Khi nó đã biến mất thì có nghĩa là nó vắng mặt. Ðôi khi thiền sinh cảm thấy tham ái vắng mặt, đó chỉ có nghĩa là tham ái không khởi dậy trong tâm thiền sinh. Ðôi lúc thiền sinh cảm thấy có tham ái, thiền sinh bèn ghi nhận tham ái này. Khi ghi nhận như thế tham ái biến mất. Thiền sinh bèn ghi nhận sự biến mất của tham ái. Bởi vậy, ở vào trường hợp nào đi nữa bạn cũng phải chánh niệm ghi nhận sự vắng mặt của tham ái khi tham ái vắng mặt.
Tỳ khưu cũng biết lý do tham ái chưa khởi sinh nay được sinh .
Có những nguyên nhân làm khởi sinh tư tưởng thiện và tư tưởng bất thiện. Chúng ta gọi chúng là "thái độ" hay "quan điểm". Một cách tổng quát có hai loại mà chúng ta gọi là "tư duy " hay "suy nghĩ". Chúng là "chánh tư duy" và "tà tư duy". "Chánh tư duy" dẫn đến tư tưởng thiện và "tà tư duy" dẫn đến tư tưởng bất thiện. "Tà tư duy" là suy tư không thích đáng, suy tư tà vạy. Ðó là loại suy tư cho vô thường là thường còn, cho sự bất toại nguyện là toại nguyện, cho sự vô ngã là hữu ngã, và cho xấu xa là tốt đẹp. Bởi vậy, khi bạn cho rằng một vật nào đó là trường cửu, toại nguyện, có bản chất đẹp đẽ, đáng yêu, đáng quyến luyến thì bạn có sự "tà tư duy". Những sự suy nghĩ trên được gọi là tà vì nó là nguyên nhân khiến cho những tư tưởng bất thiện khởi sinh. Như vậy, tà tư duy là nguyên nhân chính làm khởi sinh tư tưởng bất thiện.
Chánh tư duy là tư duy một cách chánh đáng, thích nghi, đúng theo chánh đạo. Ðây là loại suy nghĩ cho vô thường là vô thường, bất toại nguyện là bất toại nguyện, vô ngã là vô ngã, xấu là xấu, không đáng yêu là không đáng yêu. Ðó là đường lối đúng đắn để nhìn sự vật. Ðức Phật dạy rằng mọi vật đều vô thường, bất toại nguyện và không có bản chất. Bạn không nên dính mắc, tham luyến vào bất cứ vật gì. Khi bạn nhìn sự vật theo cách này thì bạn có chánh tư duy, suy niệm có trí tuệ hay có sự suy nghĩ chơn chánh, sáng suốt. Ðó là suy nghĩ một cách đúng đắn, chính xác hay có một quan niệm đúng đắn về sự vật.
Tham ai khởi sinh trong bạn bởi vì bạn có " tà tư duy" hay có sự suy tư không sáng suốt. Có những đối tượng làm điều kiện hay tạo duyên cho tham ái phát sanh. Khi bạn nhìn một vật mà bạn cho là đẹp, khả ái, rồi bạn tham luyến, dính mắc vào vật này thế là tham ái phát sinh. Tham ái này phát sinh vì bạn có thái độ sai lầm về sự vật. Bạn đã suy tư không đúng đắn về vật này. Bởi vậy, mỗi khi tham ái phát sinh trong tâm thiền sinh, thiền sinh phải ghi nhận rằng đang có tham ái khởi sinh trong ta bởi vì ta suy tư không chính đáng. Vì có quan điểm sai lầm về các đối tượng của giác quan nên thiền sinh nghĩ rằng chúng trường cửu, toại nguyện, có bản chất và đẹp đẽ. Khi hành thiền, thiền sinh phải ghi nhận điều này và ý thức về chúng: "Bởi vì ta suy nghĩ không sáng suốt nên tham ái này mới khởi sinh trong tâm ta".
Thầy tỳ khưu cũng biết lý do tại sao tham ái đã sanh bị diệt trừ.
Tham ái có thể bị loại trừ bằng hai cách: Bằng cách quán sát tham ái và bằng cách tạo ra một sự suy tư sáng suốt về đối tượng, cho rằng đối tượng có bản chất ô trược. Nghĩa là quán sát hay suy tư sáng suốt rằng đối tượng có bản chất ô trược. Thiền sinh có thể đạt được các tầng thiền nhờ quán sát sự ô trược.
Ðức Phật dạy rằng cơ thể này chẳng đáng yêu, không tốt đẹp. Suy tư một cách sáng suốt trên cơ thể này giúp ta loại bỏ tham ái. Khi thiền sinh đạt được các tầng thiền lấy ý niệm ô trược làm đề mục cũng có thể loại bỏ được tham ái. Trong Thiền Minh Sát, bạn chỉ cần chuyên tâm chánh niệm thì tham ái cũng bị loại trừ. Khi ý thức được sự vắng mặt của tham ái, bạn biết được nguyên nhân của sự biến mất tham ái này: "Nhờ ta có sự suy tư sáng suốt, có thái độ đúng đắn hay có quan niệm đúng đắn về đối tượng này nên tham ái sẽ biến mất".
Ðôi khi thiền sinh ghi nhận nguyên nhân của sự biến mất tham ái rồi thì thiền sinh cũng biết được lý do tại sao tham ái đã được loại trừ này không xuất hiện nữa trong tương lai. Ðiều này có nghĩa là khi thiền sinh trở thành một vị Alahán thì tham ái đã được loại trừ sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Thầy tỳ khưu cũng biết lý do tham ái đã được diệt trừ không còn khởi sanh trong tương lai.
Thiền sinh biết rằng nhờ đạt được đạo tâm, do nguyên nhân đạo tâm, những phiền não đã bị loại trừ sẽ không bao giờ trở lại nữa. Nhờ đạt đạo tâm, tham ái hoàn toàn bị tận diệt. Ðiều này xảy ra khi thiền sinh đã đắc quả Alahán. Thế nên, khi thiền sinh có tham ái, thiền sinh sẽ biết tại sao tham ái phát sinh. Thiền sinh biết được lý do tại sao tham ái biến mất và thiền sinh cũng biết được lý do tại sao tham ái đã bị loại trừ trong sát na hay loại trừ tạm thời.
Bạn phải làm gì khi tham ái phát sinh? Bạn hãy lấy tham ái này làm đề mục hành thiền. Bạn trú trên tham ái . Bạn ghi nhận tham ái này. Chỉ bằng cách ghi nhận thôi, tham ái sẽ biến mất. Chú giải đã ghi ra sáu cách giúp cho thiền sinh loại trừ tham ái. Thiền sinh có thể áp dụng sáu cách này khi thiền sinh không hành Thiền Minh Sát:
1. Thiền sinh có thể dùng đề mục "cơ thể ô trược", quán sát xác chết hay niệm ba mươi hai thể trược. Thiền sinh học hỏi rồi thực hành tốt đẹp loại thiền này thì có thể loại bỏ tham ái.
2. Thiền sinh có thể "thực hành đề mục ô trược cho đến khi thiền sinh đạt được các tầng thiền". Khi thiền sinh đạt được các tầng thiền, thiền sinh có thể loại trừ được tham ái .
3.Thiền sinh có thể "chế ngự lục căn". Nghĩa là thiền sinh chế ngự mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm để không có một tư tưởng bất thiện nào có thể khởi sinh qua sáu cửa này.
4.Thiền sinh "Tiết độ trong vật thực". Tiết độ trong vật thực sẽ giúp thiền sinh diệt trừ được tham ái. Khi bạn ăn quá nhiều bạn sẽ có nhiều tham ái dục. Bạn cũng sẽ có nhiều tham muốn về thực phẩm nữa. Bởi vậy, thiền sinh được khuyên nên ăn vừa đủ. Còn khoảng bốn năm bụm nữa sẽ no, thiền sinh hãy ngừng lại đừng ăn. Nhiều xứ Á Châu tỳ khưu thường ăn bằng tay. Một nhúm tay thức ăn được gọi là một bụm, thay vì ăn thêm bốn năm bụm nữa, thiền sinh sẽ uống nước để thế vào. Ðiều này có nghĩa là khi ăn tỳ khưu đừng dồn đầy bụng mà để chỗ cho nước. Ăn chừng đó đã có đủ sự thoải mái để tỳ khưu tu hành đạt đến Niết Bàn.
5.Thiền sinh cần có một "người bạn tốt". Người bạn tốt đúng nghĩa là người đi với ta trên đường giác ngộ. Người Tây Phương gọi đó là "bạn tinh thần". Có bạn tốt là điều rất cần thiết, vì người bạn tốt có thể khuyên bảo khuyến khích ta, ta có thể học hỏi từ bạn và lấy bạn làm mô mẫu cho mình noi theo. Bởi thế, một người bạn tốt, không có tham ái, sẽ giúp thiền sinh loại trừ tham ái.
6. Thiền sinh phải "có lời nói thích hợp". Muốn loại bỏ tham ái, thiền sinh nên nói đến sự ô trược của cơ thể, nên nói đến những hậu quả xấu xa của lòng tham ái...
2. Sân Hận
Sân hận ở đây có nghĩa là nóng nảy, giận dữ, cũng còn có nghĩa là sự sợ hãi băn khoăn, phản kháng và không kiên nhẫn.
Khi sân hận có mặt, thầy tỳ khưu biết, "có sự sân hận trong tôi". Khi sân hận vắng mặt, thầy tỳ khưu biết "sân hận vắng mặt trong tôi".
Có hai loại tư duy. Khi tư duy không sáng suốt, bạn sẽ có sân hận. Khi tư duy sáng suốt bạn sẽ không có sân hận. Trong lúc hành thiền, sân hận thường phát sinh nơi thiền sinh. Thiền sinh có thể sân hận với chính mình hoặc sân hận với người khác. Chẳng hạn có ai làm ồn khiến thiền sinh không thể tập trung tâm ý được thì chẳng bao lâu thiền sinh sẽ bị bất an hay sân hận. Ðôi khi sân hận hay ác tâm nổi lên bởi vì bạn nghĩ đến một người nào đó mà bạn đã gây gỗ trước đây, và bạn cảm thấy tức giận người đó. Bởi vậy, mỗi khi có những mối cảm xúc khởi sinh, thiền sinh phải ý thức sự hiện diện của tâm sân hận này và ghi nhận: Ta đang có sự sân hận hay chỉ ghi nhận "sân hận, sân hận, sân hận". Khi ác tâm khởi sinh thì bạn ghi nhận: "ác tâm, ác tâm, ác tâm". Bạn có thể ghi nhận sự ghét hay đôi khi sự sợ hãi bằng cách ghi nhận: "sợ, sợ, sợ". Bởi vì bạn đang ghi nhận sự sân hận và đang niệm ba, bốn lần nên sân hận biến mất. Khi sân hận đã biến mất, bạn phải ý thức sự biến mất này và ghi nhận: không còn có sân hận nữa...
Tỳ khưu cũng biết được lý do sân hận chưa sinh khởi nay được sinh .
Hãy suy tư một cách sáng suốt: "Mọi vật đều vô thường. Ðối tượng của sự sân hận này cũng vô thường". Khi thiền sinh hiểu biết và suy tư một cách sáng suốt trên sự vô thường của các đối tượng sân hận này thì thiền sinh sẽ không còn sân hận chúng nữa. Nhưng khi thiền sinh suy tư không sáng suốt, thì thiền sinh sẽ bị những đối tượng này chi phối. Bởi vậy, trong lúc hành thiền, bạn phải ghi nhận: "Ta có sân hận bởi vì ta đã suy tư không sáng suốt, có thái độ sai lầm đối với sự vật, có quan điểm sai lầm về sự vật". Khi bạn ý thức được điều này tức là bạn ý thức được nguyên nhân phát sinh sân hận.
Tỳ khưu cũng biết được lý do những sân hận đã sinh được loại trừ.
Khi bạn có sự sân hận và ghi nhận sự sân hận này thì đồng thời bạn cũng quán sát sự biến mất của nó. Khi sân hận biến mất bạn ý thức được sự biến mất của sân hận. Bạn biết được rằng sân hận biến mất nhờ bạn ghi nhận nó. Cũng vậy, khi bạn suy tư một cách sáng suốt, đặc biệt là hành thiền từ ái (mettaa), thì sân hận cũng biến mất. Như vậy, suy tư sáng suốt là nguyên nhân diệt trừ sân hận.
Ngoài Thiền Minh Sát, còn có sáu cách thực hành để loại trừ sân hận:
1. Tập "hành thiền từ ái" hay niệm tâm từ, tức là rãi tâm từ ái, thân thiện đến tất cả chúng sanh.
2. "Thực hành thiền từ ái cho đến khi đạt được các tầng thiền", khi thiền sinh đạt được các tầng thiền, thiền sinh có thể loại bỏ được sân hận.
3. Suy nghĩ đến: "Nghiệp là gia tài của chúng ta". Suy nghĩ đến nghiệp là gia tài của chúng ta là một sự suy tư rất quan trọng với nhiều lý do. Khi bạn sân hận, bạn có thể tự nhủ: "Ta đang giận dữ ai đây?". Bạn sinh ra trên thế gian này là do kết quả của nghiệp trong quá khứ. Bạn cũng sẽ tái sinh sau này tùy theo nghiệp mà bạn đã tích lũy trong hiện tại. Bởi thế chúng sanh được sanh ra và chết đi tùy theo nghiệp của họ. Bởi vì tùy theo nghiệp của mình mà chúng sanh sinh ra hay chết đi nên bạn không có lý do gì để giận dữ người nào. Người giận dữ chẳng khác nào kẻ đang cầm hòn sắt nóng đỏ để ném người khác; chính người giận dữ sẽ bị đau khổ trước khi làm cho người khác đau khổ. Thế nên, thiền sinh hãy suy tư đến nghiệp của chính mình để nhận lấy trách nhiệm. Ðời sống của chúng ta được sắp xếp tùy theo nghiệp lực của chúng ta đã tạo.
4. Hãy "suy tư đến sự tốt đẹp, lợi ích của lòng từ ái (mettaa) và sự xấu xa nguy hại của tâm sân hận". Nghĩa là cố gắng nhìn thấy những lợi ích mà lòng từ ái đã đem lại và những bất lợi do sự nóng giận gây ra. Suy tư đến sự tốt đẹp, lợi ích của lòng từ ái và sự xấu xa nguy hại của tâm sân hận sẽ giúp thiền sinh loại bỏ được sân hận, nóng giận, ác tâm.
5. "Có bạn lành" (kalyaa.na mitta). Người bạn lành luôn giúp ta loại bỏ những tư tưởng bất thiện, ở đây là loại bỏ những tư tưởng sân hận. Một người có đầy lòng từ ái có thể ảnh hưởng đến người khác khiến họ cũng có lòng từ ái như mình. Bởi thế, khi thân cận với một người bạn hay với một người đầy lòng từ ái thì ta có thể loại trừ được tính nóng giận của mình. Ta có thể lấy người bạn tốt làm mô mẫu cho mình noi theo.
6. "Nói lời thích hợp". Là nói đến lòng từ ái, nói đến những lợi ích do lòng từ ái đem lại và những tai hại do sự sân hận gây ra. Lời nói thích hợp sẽ giúp loại bỏ sân hận.
Tỳ khưu cũng biết lý do những sân hận đã sinh được loại trừ, tỳ khưu cũng biết được lý do những sân hận đã được loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Ðoạn trên liên quan đến lúc thiền sinh đạt Ðạo Tâm. Khi thiền sinh đạt được tầng Thánh thứ ba thì sân hận sẽ được loại trừ hoàn toàn.
3. Dã dượi buồn ngủ
"Dã dượi buồn ngủ", hay gọi một cách đơn giản là buồn ngủ có thể đến với thiền sinh bất kỳ lúc nào. Mọi người chúng ta đều trải qua dã dượi buồn ngủ trong lúc hành thiền.
Khi dã dượi buồn ngủ có mặt tỳ khưu biết "có dã dượi buồn ngủ trong ta", hay dã dượi buồn ngủ vắng mặt tỳ khưu biết "dã dượi buồn ngủ vắng mặt trong ta".
Khi thiền sinh cảm thấy buồn ngủ thì thiền sinh phải cảnh giác và ghi nhận sự buồn ngủ này. Thông thường chỉ cần ghi nhận thì buồn ngủ sẽ biến mất. Khi buồn ngủ biến mất, thiền sinh cũng phải ý thức sự biến mất này: "không có dã dượi và buồn ngủ trong ta, dã dượi và buồn ngủ đã biến mất".
Tỳ khưu cũng biết nguyên nhân khởi sinh của dã dượi buồn ngủ chưa sinh khởi.
Ở đây một lần nữa sự suy tư không sáng suốt về tình trạng chán nản, lười biếng, uể oải và trì trệ của tâm là nguyên nhân gây ra dã dượi buồn ngủ. "Suy tư không sáng suốt" có nghĩa là nghĩ rằng chán nản, trì độn, làm biếng, lề mề... không đem lại tai hại gì cả. Thiền sinh có sự suy tư sáng suốt và có thái độ đúng đắn đối với sự tinh tấn có thể loại bỏ được dã dượi buồn ngủ. Bởi vậy, khi bạn buồn ngủ bạn phải làm hai việc, trước tiên là ghi nhận sự buồn ngủ của bạn: "buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ". Tiếp đến là đẩy mạnh tinh tấn hay chú tâm vào đề mục hành thiền. Nhờ tinh tấn, dã dượi buồn ngủ có thể bị loại trừ. Khi dã dượi buồn ngủ đã được loại trừ hay vắng mặt, thiền sinh biết rằng dã dượi buồn ngủ đã bị loại trừ hay vắng mặt.
Tỳ khưu cũng biết lý do của dã dượi buồn ngủ chưa sanh khởi nay khởi sinh. Tỳ khưu cũng biết được lý do loại trừ dã dượi buồn ngủ đã sinh, và Tỳ khưu cũng biết được lý do dã dượi buồn ngủ đã được diệt trừ sẽ không khởi sinh trong tương lai.
Dã dượi buồn ngủ được loại trừ hoàn toàn khi đạt quả Alahán. Chỉ khi nào đắc quả Alahán, thiền sinh mới hoàn toàn loại trừ dã dượi buồn ngủ. Thiền sinh ý thức rằng dã dượi buồn ngủ đã được loại trừ bởi vì thiền sinh đã thực sự đạt được tầng Thánh cuối cùng này.
Dã dượi buồn ngủ là hai dây trói buộc, hai tâm sở khác nhau nhưng chỉ kể là một chướng ngại vì chúng có cùng công năng, cùng nguyên nhân và cùng sự đối kháng. Dã dượi và buồn ngủ có cùng công năng là "lười biếng", có cùng nguyên nhân là "sự trì độn, biếng nhác", có cùng sự đối kháng là "tinh tấn".
Có sáu cách để tạm thời loại trừ dã dượi buồn ngủ:
1. "Nhìn thấy nguyên nhân của dã dượi buồn ngủ là do ăn quá no". Nghĩa là bạn phải biết rằng khi ăn quá no bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ. Khi bao tử đầy thức ăn thì nó sẽ cần nhiều máu hơn nên lượng máu đưa lên não phải chạy vào bao tử vì thế mà bạn cảm thấy choáng váng và buồn ngủ. Biết được điều này bạn sẽ có tiết độ trong sự ăn uống, và nhờ thế bạn có thể loại trừ dã dượi buồn ngủ.
2. "Thay đổi tư thế". Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ trong khi đang ngồi bạn có thể thay đổi tư thế. Bạn có thể đứng dậy và hành thiền trong tư thế đứng hay bạn có thể đi tới đi lui. Như vậy, do thay đổi tư thế bạn có thể loại trừ dã dượi buồn ngủ .
3."Suy nghĩ đến ánh sáng". Bạn có thể cố gắng để thấy ánh sáng trong tâm bạn, ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, ánh sáng của các ngôi sao hay ánh sáng của đèn điện... Suy nghĩ đến ánh sáng sẽ giúp bạn loại bỏ sự buồn ngủ. Bạn chỉ cần nhắm mắt lại và cố gắng nghĩ đến ánh sáng hay cố gắng nghĩ đến những vật gì sáng sủa. Bằng cách này bạn có thể loại trừ dã dượi buồn ngủ.
4."Ở nơi khoáng đãng". Bạn có thể cảm thấy buồn ngủ khi bạn ở trong nhà, nhưng khi bạn đi ra ngoài ngồi dưới gốc cây hay ngồi ở một nơi khoảng khoát trống trải thì dã dượi buồn ngủ sẽ biến mất.
5."Có bạn tốt". Một người bạn không thích ngủ nhiều hay người bạn không buồn ngủ. Khi bạn thân cận với một người tinh tấn, không bị dã dượi buồn ngủ chi phối, bạn có thể loại bỏ được dã dượi buồn ngủ .
6."Nói lời thích hợp". Bạn nhận ra được sự thiệt hại của buồn ngủ và những lợi ích do sự tỉnh táo đem lại.
Trong kinh bạn có thể tìm thấy nhiều lời khuyên liên quan đến sự buồn ngủ. Ðại Ðức Mục Kiền Liên, một trong hai vị trưởng đệ tử của đức Phật, trước khi đắc quả Alahán, trong khi hành thiền thường bị buồn ngủ. Ðại Ðức Mục Kiền Liên cứ gục lên gục xuống mãi, không thể giữ tâm trên đề mục thiền. Ðức Phật biết được điều này bèn dạy Ðại Ðức Mục Kiền Liên cách chinh phục dã dượi buồn ngủ. Những lời dạy của Ðức Phật được ghi trong Tăng Chi Bộ Kinh (A"ngutara Nikaaya):
Ðức Phật hỏi:
-"Mục Kiền Liên, thầy đang gục phải không?"
Mục Kiền Liên trả lời:
-"Vâng con đang buồn ngủ".
Ðức Phật bèn nói:
-"Ðược, này Mục Kiền Liên, khi những tư tưởng buồn ngủ đến với thầy, thầy không nên để tâm đến chúng. Như vậy thì buồn ngủ sẽ biến mất".
Bởi vậy khi bạn nghĩ đến điều gì khiến gây ra sự buồn ngủ thì bạn hãy tránh tư tưởng đó. Ðây là lời khuyên thứ nhất.
Lời khuyên thứ hai là:
-"Nếu đã làm như vậy mà buồn ngủ vẫn không biến mất thì phải suy nghĩ đến những lời dạy mà thầy đã từng nghe và từng học. Thầy phải chú tâm trên những lời dạy này suy xét chúng một cách cặn kẽ. Có nghĩa là thầy phải nghĩ đến giáo pháp thầy đã học và giáo pháp thầy đã nghe, phát triển đức tánh tìm tòi, học hỏi và suy tư sâu xa về giáo pháp. Làm như thế thì buồn ngủ có thể tan biến. Khi đã chăm chú suy tư giáo pháp, xem xét giáo pháp một cách kỹ càng trong tâm, thì thầy sẽ tỉnh táo trở lại và có thể loại trừ được dã dượi buồn ngủ.[12]
Sau đó Ðức Phật dạy tiếp năm cách nữa, có thể tóm lược như sau:
- Nếu đã làm như vậy mà vẫn chưa hết buồn ngủ thì phải dùng đến cách thứ ba là "lập lại từng chi tiết những lời dạy mà thầy đã nghe và đã học". Có nghĩa là bạn phải tụng đọc những lời dạy của Ðức Phật. Khi bạn đã học thuộc lòng một điều gì, bạn phải tụng đọc lại điều đó. Nhờ tụng đọc những gì bạn đã học, bạn có thể loại trừ được dã dượi buồn ngủ.
- Nếu đã làm như vậy mà vẫn không hết buồn ngủ thì bạn phải dùng đến cách thứ tư là "kéo tai" và "chà sát tay chân" để tỉnh táo trở lại. Làm như thế sẽ loại trừ được sự buồn ngủ.
- Nếu đã làm như vậy mà sự buồn ngủ vẫn không biến mất thì phải dùng đến cách thứ năm là "đứng dậy đi rửa mắt". Bạn nên nhìn khắp các hướng sau khi đã rửa mắt. Làm như thế thì sự buồn ngủ có thể biến mất.
- Nếu đã làm như vậy mà sự buồn ngủ vẫn không biến mất thì phải dùng cách thứ sáu là "chú tâm vào ánh sáng", tạo trong tâm một ý niệm về ánh sáng ban ngày. Dầu bạn đang hành thiền ban ngày hay ban đêm bạn cũng phải tưởng tượng là mình đang hành thiền ban ngày và suy nghĩ đến ánh sáng. Làm như thế bạn có thể đuổi được dã dượi buồn ngủ.
- Nếu đã làm như vậy mà sự buồn ngủ vẫn không biến mất thì phải dùng cách thứ bảy là "đi tới đi lui". Với tâm hướng vào bên trong không hướng ra ngoài, bạn đi tới đi lui. Vậy mỗi khi buồn ngủ, hãy đứng dậy đi kinh hành. Trong khi đi tới đi lui hãy chánh niệm ghi nhận bước đi và những giai đoạn của bước đi. Bằng cách đi tới đi lui và ý thức sự đi tới đi lui này bạn có thể đuổi được dã dượi buồn ngủ.
- Nếu đã làm như vậy mà sự buồn ngủ vẫn không biến mất thì bạn có thể nằm xuống như cách nằm của con sư tử, nghĩa là nằm nghiêng bên phải, chân này đặt lên chân kia, biết rõ ràng những gì mình đang làm và nghĩ đến lúc thức dậy sau này: "Ta sẽ thức dậy vào giờ này giờ kia vào buổi sáng". Bởi vậy khi bạn muốn thức dậy vào buổi sáng mà không cần đồng hồ báo thức thì bạn có thể làm một quyết định trước khi đi ngủ: "Ta sẽ thức dậy vào sáng sớm". Khi bạn có việc gì quan trọng phải làm vào buổi sáng thì bạn sẽ thức dậy đúng giờ. Bạn thức dậy đúng giờ vì tâm bạn đã quyết định rằng bạn sẽ dậy vào giờ đó. "Giữ trong tâm tư tưởng thức dậy" có nghĩa là quyết định thức dậy vào một giờ nào đó. Khi thức dậy, bạn phải ngồi dậy ngay. Vào lúc nghe chuông báo thức bạn hãy thức dậy và tự nhủ: "Ta không được nằm ráng thêm hay để tư tưởng mê ngủ lôi cuốn ta". Làm như thế bạn sẽ tránh được dã dượi buồn ngủ.
Ðó là bảy phương pháp chống lại dã dượi buồn ngủ. Có thể một trong bảy cách trên thích hợp với bạn, giúp bạn tỉnh táo trở lại.
4. Bất An và Hối Hận
Bất an là tâm không đủ khả năng nằm trên đối tượng. Bất an tiếng Paa.li là Uddhacca, có nghĩa là "lay động ở bên trên", tâm không nằm trên đối tượng mà nằm lơ lững bên trên đối tượng. Hối hận có nghĩa là cảm thấy tội lỗi về những việc xấu hay sai lầm mình đã làm, và những việc tốt mà mình không làm. Nguyên nhân phát sinh hối hận là "suy tư không sáng suốt về sự giao động của tâm", như nghĩ rằng: "Tâm giao động này chẳng làm hại gì cho ta cả... ".
Muốn loại trừ hối hận phải suy tư một cách sáng suốt về sự thanh tịnh của tâm. Khi bạn có sự suy tư sáng suốt về sự an tịnh tĩnh lặng của tâm thì bạn có thể loại bỏ được bất an và hối hận. Bởi vậy, khi bạn có bất an và hối hận thì bạn phải biết rằng bất an và hối hận đang có mặt. Khi bất an và hối hận biến mất thì bạn biết rằng bất an và hối hận đã vắng bóng. Ðiều này có nghĩa là bạn hãy lấy bất an này làm đề mục hành thiền và ghi nhận "bất an, bất an, bất an". Hay khi bạn có hối hận hãy ghi nhận "hối hận, hối hận, hối hận". Nếu bạn tinh tấn, chánh niệm ghi nhận vài lần thì bất an và hối hận sẽ biến mất. Khi chúng đã biến mất thì hãy ý thức sự biến mất của chúng và ghi nhận: "biến mất, biến mất, biến mất". Hối hận sẽ được hoàn toàn loại trừ khi bạn đắc quả thánh thứ ba, và bất an sẽ được hoàn toàn loại trừ khi bạn đắc quả thánh thứ tư. Khi đắc quả thánh thứ ba thiền sinh sẽ ý thức sự biến mất hoàn toàn của hối hận. Khi đắc quả thánh thứ tư thiền sinh sẽ ý thức sự biến mất hoàn toàn của bất an.
Bất an và hối hận là hai dây trói buộc, hai tâm sở khác nhau, nhưng chỉ kể là một chướng ngại vì chúng có cùng công năng, cùng nguyên nhân và cùng sự đối kháng. Bất an và hối hận có cùng công năng là "sự không an tịnh", có cùng nguyên nhân là suy nghĩ điều này điều nọ và suy nghĩ đến thân quyến, có cùng sự đối kháng là sự an tịnh. Khi tâm bất an và hối hận thì bạn bị giao động và không còn an tịnh nữa. Khi bạn suy nghĩ, liên tưởng, hồi tưởng đến thân quyến hoặc suy nghĩ điều này điều nọ thì tâm bạn giao động, bất an. Khi nghĩ đến những việc sai lầm mà bạn đã làm trong quá khứ hay những việc tốt đẹp mà bạn chưa làm bạn sẽ cảm thấy hối hận.
Chú giải có ghi sáu cách loại trừ bất an và hối hận:
1."Ðạt đến khả năng hiểu biết thâm sâu giáo lý của Ðức Phật". Thiền sinh phải cố gắng học hỏi để có một kiến thức thâm sâu về Phật Pháp.
2."Tìm hiểu điều gì nên làm và điều gì không nên làm". Khi làm việc gì sai trái bạn sẽ cảm thấy hối hận hay ân hận. Muốn tránh làm điều sai lầm bạn phải hiểu điều gì cần làm và được phép làm, điều gì không nên làm và không được phép làm. Là một vị tỳ khưu thì phải biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Biết được điều gì nên làm và điều gì nên tránh sẽ giúp thiền sinh không làm điều sai lầm. Khi không làm điều sai lầm sẽ không bị hối hận dày vò.
3. "Hiểu rõ giới luật". Hiểu rõ giới luật là bổn phận của thầy tỳ khưu. Hiểu rõ ràng và trọn vẹn giới luật của nhà sư thì thầy tỳ khưu sẽ không làm điều gì sai lầm. Bởi thế, thầy sẽ không bị bất an hay hối hận chi phối.
4."Thân cận với người nhiều kinh nghiệm và người lớn tuổi" để học hỏi đạo đức, như giới luật chẳng hạn.
5. "Có bạn lành". Người bạn lành có thể giúp ta loại bỏ bất an và hối hận.
6. "Nói lời thích hợp". Nói đến những bất lợi của bất an, hối hận và lợi ích của sự thanh tịnh trang nghiêm.
5. Hoài nghi
Khi hoài nghi có mặt, thầy tỳ khưu biết hoài nghi có mặt trong ta, khi hoài nghi vắng mặt, thầy tỳ khưu biết hoài nghi vắng mặt trong ta.
Hoài nghi, có thể là hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng, về việc hành thiền và đề mục thiền. Tất cả những điều đó là đối tượng của sự hoài nghi. Nguyên nhân phát sinh hoài nghi là suy tư sai lầm về sự vật. Nguyên nhân loại trừ hoài nghi là có sự suy tư rõ ràng đúng đắn về sự vật. Suy tư đúng đắn đem lại sự tốt đẹp và an vui. Suy tư sai lầm khiến phát sinh hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng. Khi có suy tư đúng đắn bạn sẽ không có những hoài nghi này. Khi có hoài nghi khởi sinh trong tâm, hãy ý thức và ghi nhận: "hoài nghi, hoài nghi, hoài nghi". Ghi nhận chừng ba bốn lần, hoài nghi sẽ biến mất. Khi hoài nghi biến mất, phải ghi nhận sự biến mất của chúng bằng cách ghi nhận: "biến mất, biến mất, biến mất". Khi đạt từng thánh thứ nhất, thiền sinh sẽ loại trừ tất cả hoài nghi và thiền sinh biết rằng mình đã loại trừ được tất cả hoài nghi. Theo chú giải có sáu cách loại trừ hoài nghi ngoài việc hành Thiền Minh Sát.
1. "Hiểu rõ giáo pháp của Ðức Phật". Hãy cố gắng trở thành người hiểu biết thông suốt giáo pháp của Ðức Phật. Khi hiểu rõ giáo pháp thì ta sẽ không còn thắc mắc, nghi ngờ.
2. "Tìm hiểu Ân Ðức Phật, Pháp, Tăng". Hãy đặt câu hỏi về Tam Bảo khi có hoài nghi phát sinh. Người Tây phương thường đặt rất nhiều câu hỏi. Hỏi nhiều câu hỏi là việc làm tốt đẹp giúp trí tuệ phát sinh và hoài nghi tan biến.
3. "Hiểu rõ giới luật". Ðiều này dành cho tỳ khưu. Khi hiểu rõ giới luật thầy tỳ khưu biết điều gì cần làm và điều gì không nên làm, do đó sẽ không bị hoài nghi chi phối.
4. "Xác tín chân lý Tam Bảo". Có nghĩa là phát triển đức tin bằng cách hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng.
5. "Có bạn lành". Người bạn lành có đức tin trong sạch vào Tam Bảo sẽ giúp bạn chấm dứt hoài nghi.
6. "Lời nói thích hợp". Là nói đến những bất lợi của hoài nghi và những ích lợi của sự loại bỏ hoài nghi.
Khi bạn hành thiền mà hoài nghi đến quấy nhiễu thì hãy lấy hoài nghi làm đề mục hành thiền, ghi nhận: "hoài nghi, hoài nghi, hoài nghi"; đặc biệt là khi bạn nghi ngờ hiệu quả của việc hành thiền này thì cần phải tinh tấn ghi nhận mỗi khi hoài nghi phát sinh. Vậy khi hoài nghi đến hãy lấy hoài nghi làm đề mục hành thiền và niệm: "hoài nghi, hoài nghi, hoài nghi" cho đến khi hoài nghi biến mất.
Chúng ta có bao nhiêu chướng ngại? Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy. Tất cả đều không phải. Một cách tổng quát, thì chúng ta nói đến năm hay bảy chướng ngại. Thật ra, có rất nhiều chướng ngại nhưng không được kinh điển gọi là chướng ngại. Một số là sự suy nghĩ, như phóng tâm chẳng hạn. Khi bị phóng tâm hay vọng tâm thì bạn không tập trung tâm ý được. Phóng tâm không được xếp loại vào chướng ngại, nhưng phóng tâm cũng là chướng ngại vì nó cãn trở sự tập trung tâm ý. Phóng tâm hay vọng tâm mặc dầu không mang tên là chướng ngại nhưng khi chúng hiện diện thì phải chánh niệm bằng cách ghi nhận: "phóng tâm, phóng tâm, phóng tâm".
Sau khi đã loại trừ năm chướng ngại này, dầu cho tạm thời, tâm bạn sẽ định hơn. Và với sự định tâm bạn có thể hiểu rõ và thông suốt được bản chất của thân và tâm. Khi thiền sinh quán sát những chướng ngại này của mình thì được gọi là "quán sát bên trong", và khi thiền sinh bỗng nhiên nghĩ đến những chướng ngại của người khác: "Những chướng ngại trong ta là vô thường thì những chướng ngại của người khác cũng như vậy", thì được gọi là "quán sát bên ngoài". Ðôi khi thiền sinh quán sát chướng ngại của mình rồi lại liên tưởng đến chướng ngại của người khác, lui tới như vậy thì gọi là "quán sát bên trong và quán sát bên ngoài". Khi thiền sinh ý thức những chướng ngại và thấy rõ bản chất của chúng thì thiền sinh sẽ nhận ra rằng chẳng có gì để nắm giữ hay bám víu vào.
Không dính mắc vào bất cứ vật gì trên thế gian do ngũ uẩn hợp thành.
Ðó là cách thiền sinh quán sát pháp trong pháp qua năm chướng ngại.
(Xem Phần kế tiếp)