Có một tấm lòng khắc khoải trong thơ

Lần đầu tiên dạo trên con đường thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên, người đọc ngỡ như lạc vào chốn mê cung của một trời cảm xúc. Thật khó để thẩm thấu được cái thần thái tâm trạng trong thơ anh. Xưa nay, người ta vẫn gọi tên xúc cảm của con người bằng bấy nhiêu từ: hỉ, nộ, ái, ố, bi, ai, lạc. Song, với thơ Hoàng Nguyên, mớ ngôn từ kia gần như bế tắc.

Thơ anh không có giận, không có ghét, chưa hẳn buồn. Và nhớ, thương, yêu cũng chưa bao giờ tường tỏ. Từng lời thơ, câu, chữ chỉ là những lay chạm rất khẽ, rất khẽ vào cung bậc tình cảm luyến nhớ, yêu thương. Hay hồn thơ anh mới chỉ ở bờ ranh giới giữa các miền xúc cảm ấy chứ chưa một lần chạm khẽ đến chúng? Thật khó để nắm bắt! Chỉ biết rằng, từng dòng tâm trạng cảm xúc ấy nửa như day dứt, khắc khoải, nửa như dịu dàng buông lơi, cứ dìu dặt, dìu dặt, ám ảnh khôn nguôi tâm hồn người đọc.

Nhẹ nhàng rót vào lòng ta là thế giới thiên nhiên hữu tình trong thơ anh. Thi phẩm nào của Hoàng Nguyên cũng thấp thoáng bóng dáng cỏ cây, hoa lá, hay trăng trời, gió mây, sông biển… Một điều đặc biệt mà ta khó tìm thấy trong thi ca của các tác giả khác là cái thần thái, cái hồn thiên nhiên ở đây động mà như tĩnh, cứ miên man, khắc khoải, chất chứa những nỗi niềm không thể gọi thành tên.

Con dế thơ ngây gáy vào cơn ngủ
Nắng câu Kiều thơm gió những vòm đêm

Bình minh bay từ khung cửa sổ
Dòng sông trôi từ khung cửa sổ
Đa – Nuýp
Xanh
sắc cốm Vòng.
Những mảng trầm thiêm thiếp giấc đông
Bỗng mở mắt cài hoa lên tháng

(Có một phố vừa đi qua phố)

Anh trút lòng nơi những bến mây
Nhưng mây trắng, nên mây chưa biết khóc
Anh đứng bên trời
Thấp thoáng mây trôi…
(Trắng
)

Không hiểu sao, tôi mê cái từ “trắng” kia đến thế. “Nhưng mây trắng nên mây chưa biết khóc”. “Trắng” đâu giản đơn chỉ một sắc màu! Vì vế sau của câu thơ đã hé mở điều đó. Người đọc có thể tự khám phá độ sâu của lời thơ, của ngôn từ.

Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Hoàng Nguyên luôn giao hòa với con người. Người và hoa, người và cây hay người và trăng sao, mây gió không chỉ đứng cạnh nhau mà lồng vào nhau, sáng trong nhau. Đôi lúc, thiên nhiên chỉ là điểm nền chấm phá để tôn lên vẻ đẹp của con người.

Nơi sông Hồng cong mình trên bờ vai thành phố
Người quang gánh gánh hồn làng về phố
Mùa nước đỏ mắt người cũng đỏ
Mỗi mảnh trăng phôi trên mỗi mảnh đời
(Có một phố vừa đi qua phố
)

Mặt trời lặn trên triền sông
Mặt trời lặn trong bờ mi
Dòng sông đỏ, mắt em mầu tím
(
Sau bài ca)

Em vén tóc qua mưa
Vầng trăng lam trên trán
Em đong mưa trong mắt
Ta đong em trong mưa
(
Cơn mưa pha màu)

Đôi khi hình bóng con người và thiên nhiên nhập nhòa làm một, thủ pháp lồng so sánh với ẩn dụ rất tài hoa, rất “ma thuật”, hình ảnh thơ vì thế có thể khiến người đọc khó hiểu và dễ nhầm lẫn, ngỡ như tác giả tả thiên nhiên, kỳ thực nhà thơ lại đang khắc họa nét người.

Bỗng nghe tiếng em cười trong quá
Trăng pha lê vỡ giữa đêm rằm
Anh gắn lại chưa tròn
Con trăng sao vội trốn?
Đôi mảnh vàng trăng rớt giữa tranh anh

Vàng thả tóc bay phai động trong trời
Mắt vàng lặng như mùa thu nín thở...


Ô kìa!...
Con trăng… con trăng lại vỡ

(Anh vẽ)

Bãi bồi xanh mướt ngô non là khuôn mặt em
Nổi giữa dòng sông tóc
Bãi bồi ngủ trong lòng anh
Dòng sông tóc em cũng đổ về lòng anh dịu dàng cửa biển

Cửa biển lòng anh vẫn rợi bóng trăng.

(Có một dòng sông)

Hẳn bạn trẻ mê thơ tình đều biết đến Xuân Diệu, vầng thi dương sáng nhất trong thế giới thơ tình Việt Nam. Tình yêu trong thơ ông là một tình yêu “vô biên” và “tuyệt đích”, song, nó không khó gì để ta có thể dễ dàng cảm nhận được. Tiếng yêu tràn ngập, lồng lộng trong thơ Người, như một vườn xuân phơi muôn vàn hương sắc. Quá quen với những gì đã trở nên thân thuộc, gũi gần nên khi bắt gặp thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên, ta bỗng choáng ngợp trước một miền đất lạ. Điều đặc biệt thú vị là thơ anh không hề lộ một chữ “yêu” nhưng biển tình trong thơ cứ mênh mang, dìu dặt, trải dài, ngân sâu. Thế nên, ngay cả với những bài tỏ nhiều xúc cảm của “anh” dành cho “em” nhất, người đọc cũng ít khi nghĩ thơ anh là thơ tình! Gõ tiếng nhạy cảm lên hồn mình để thẩm thấu hồn thơ, bạn sẽ nhận được những tình thi viết rất sâu bởi một cây bút không ồn ào, dữ dội. Tất cả thật đằm thắm, êm dịu, thiết tha.

Gió đã đẫm bao ngày trời động
Những chân đá đứt lìa giữa sóng
Cơn giông xa xô xác xác tầu
Anh về náu tóc em hiền hậu
Khi sóng lặng là khi có thể nhìn sâu.

(Có một dòng sông)

Em
Nơi mười ngón xương xao
mùa thu mắc võng
Ta đã vỡ sau rất nhiều mơ mộng
Bỗng hóa thơ ngây êm lịm giữa tay mềm.
(Em
)

Có thể nói, cái tình trong thơ Hoàng Nguyên là nụ tình còn chúm chím, không ồn ào, không rạo rực, không phô sắc khoe hương. Một thoáng duyên ngầm rất riêng, rất Hoàng Nguyên. Không nói nhớ, không nói yêu mà tình cứ rung ngân, khắc khoải, lòng cứ trải nhẹ miên man như lớp lớp sóng tràn ngày biển lặng. Và thế giới tình ấy mở ra rất xa. Tình yêu, tình người, tình đời đều lắng sâu, yên dịu, gõ vào hồn ta một nốt lặng mênh mang.

Phố...
Đoàn quân
Im lìm
chuyển mình lên biên giới
Những giọt máu hai mươi hợp thành dòng, xa phố
Ngọn đèn
Tim
sáng thâu sương.
Bên cửa ô, người cha tiễn con
mắng vợ mình mau nước mắt
Nhưng đêm ấy là đêm
mờ mưa, sao tắt
Gò má người cha
mọng
thắp
ánh sao...

Vỉa hè
Đứa trẻ không nhà
Lang thang
Trèo sấu trèo me đi bán
Sau cơn mưa
gẫy rắc
cành me...
Có người đàn ông
Nước mắt không rơi suốt thời chinh chiến
Bỗng mặn mòi se giọt, giữa vành môi.

(Có một phố vừa đi qua phố
)

Hai mươi năm trôi…
Tiếng chuông rụng thành rêu trong kẽ ngói.
Những bóng người bước vội
Đâu kịp nhìn hoa bay…
Rồi ai sẽ ôn câu chuyện hôm nay?!
Thành phố cấm rồi, gánh hàng rong đã vắng
Lối quen xao xác trắng
Vụn tiếng rao còn thắc thỏm giữa tâm hoa
(Đêm hoa sấu
)

Andecxen – trang sách cũ mở ra
Cô bé bán diêm
Chết đêm mùa đông xứ tuyết.
Giọt nước mắt tuổi thơ anh lau vội quá
Giờ soi mình trong giọt nước mắt em.
Cũng một góc mùa đông khi thành phố giăng đêm
Có người đàn bà giấu bóng mình trong tối
Ánh đèn cao áp sáng
Nỗi bẽ bàng lặng thêm.
(
Những nốt mùa đông)

Lướt qua triền sông quen, ngược về miền đất lạ, thơ Hoàng Nguyên đã níu giữ hồn ta. Chúc anh ngày càng có nhiều thi phẩm đẹp để dâng tặng cho đời, cho người. Cùng đón đợi bạn nhé!

Thi Phan