Không là bậc Cao tăng, không là Quốc sư trong những triều đại rực rỡ Lý - Trần nhưng ông vẫn xứng đáng là vị Đại sư với công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe dân tộc và được người đời tụng tôn là Thần y đất Việt. Từ ngôi chùa cổ nơi xứ Đông, danh tiếng ông đã lan tỏa đến kinh đô Thăng Long, và không chỉ trong phạm vi bờ cõi nước Việt mà còn lừng vang cả Trung Quốc. "Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa/ Thánh sư dược diệu trấn Nam bang" là câu đối ở đền Bia quê ông nói lên điều đó. Tuệ Tĩnh có còn sống không? Tuệ Tĩnh có còn thiền nữa không? Ngàn năm Phật giáo Thăng Long lại trầm vang câu hỏi ấy. Tuệ Tĩnh vẫn còn sống. Tuệ Tĩnh vẫn còn thiền. Nhưng theo một cách thức khác. Tuệ Tĩnh sống trong tinh thần hậu thế, trong những trước tác di cảo ông để lại, trong cuốn “Hồng Nghĩa giác tư y thư” hay pho sách “Nam dược thần hiệu”.
Tuệ Tĩnh sống trong những con đường dãy phố mang tên ông, trong các cư xá đông y với những phương thuốc chữa bệnh mà ông nghiên cứu, phát hiện ra từ cây cỏ nước Nam. Ông vẫn sống trong các ngôi trường về y học cổ truyền với những bài thuốc ông để lại giờ thành giáo trình cho sinh viên hiện thời. Và ông vẫn trở về đâu đây quanh các cây thuốc nơi khuôn viên sau mỗi làn hương khi chúng ta thắp lên nén nhang trong Y Miếu Thăng Long, trong các ngôi đền miếu ở Hải Dương cố hương ông: đền Thánh thuốc Nam (thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng), đền Bia (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn), Văn Miếu Mao Điền, miếu Nghè chùa Giám (xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình)…
Để tiếp tục cứu nhân. Để tiếp tục độ thế. Ông vẫn còn sống bởi ông đã tận sống trong mỗi thời khắc của cuộc đời mình hiện hữu trên trần gian bé nhỏ nhưng nhiều khổ đau bất an này. Và ông vẫn đang thiền. Thiền trong tư thế im lặng nhìn đời, an lặng nhập thế, yên lặng trị bệnh cứu người. Thân thể ông đã nhập diệt từ lâu, di cốt ông đã vùi sâu trong tấc đất Giang Nam (Trung Quốc) nhưng hơi thở thiền của ông vẫn truyền đến ngày sau, bằng phương thức riêng của nó. Ông vẫn thiền bởi cái tâm của ông đâu có bị mất đi. Ông đã biết sống với y lý, y thuật, y đạo của mình, hài hòa với cỏ cây thiên nhiên xung quanh mình mà trở thành đại danh y nước Việt.
Suốt cuộc đời mình ông sống không phải để phấn đấu trở thành một đại danh y. Sống, với việc biết nghề y và được truyền y thuật từ nhỏ, ông trước hết và sau cuối chỉ nghĩ đến và thực hiện việc làm sao cứu chữa được người bệnh, làm sao có thể chăm lo sức khỏe cho người dân. Nhờ tài danh chữa bệnh bằng cỏ cây dân gian, dập tắt được trận dịch nổi lên khắp nơi mà Tuệ Tĩnh được coi là Thần y, vì thế mà dừng được chuyện khởi binh xâm lược của nhà Minh vì vua Minh lo sợ đó là điềm báo xấu. Nhưng cũng chính vì tiếng thơm đồn đại như vậy mà ông bị bắt cống nạp cho triều đình nhà Minh, để rồi phải sống tha hương và chết nơi đất khách quê người. Sống, không vì chữ danh, dù rằng phải thật tài giỏi mới đạt được, nhưng khi đã có danh thì trọng cái danh ấy. Tuệ Tĩnh đã giữ trọn thanh danh cũng như y đạo của mình.
Sống ở trên đời là một điều khó. Kiếp người có mấy ai thoát được bốn chữ sinh lão bệnh tử đâu. Bản chất cuộc sống vốn dĩ biện chứng và nhiều quan hệ nhân quả, nhất là trong một thế giới nhiều tương tác như hiện nay, thì một cánh bướm bay ở nơi này có thể tạo thành cơn vũ bão ở nơi kia. Với thời đại toàn cầu hóa, một cái hắt hơi ở Mexico đã có thể tạo thành trận đại dịch cúm ở trên khắp địa cầu. Vì thế cứu chữa người, dập tắt dịch bệnh là một việc không hề đơn giản. Câu nói hình tượng đầy ẩn dụ ở trên cũng thật đúng về sự tương tác đôi khi rất mạnh mẽ giữa con người và môi trường thiên nhiên. Hiểu được giá trị của cỏ cây, nắm bắt được thuộc tính của cây cỏ để chữa bệnh cho con người, hỏi có mấy ai được như Tuệ Tĩnh.
Nhớ về ông và các bậc danh y trong lịch sử tôi tự hỏi Tuệ Tĩnh có còn sống không? Hoa Đà Biển Thước còn sống không? HơJun (Cao Ly) còn sống không? Hypocrat còn sống không? Nếu hiểu sống trong nghĩa sinh học của từ này thì câu hỏi trên trở nên thật ngớ ngẩn. Dù không thuộc tiểu sử các ông thì ai cũng biết các vị thần y đó sống cách chúng ta nhiều trăm năm rồi. Điểm chung nhất của tất cả các vị thần y đó là gì? Là y tài, y đức, y đạo của các vị ấy trở thành tấm gương sáng cho những người hành nghề y noi theo trên con đường y nghệ của mình. Chính điều đó làm cho họ còn sống đến ngày nay và còn sống mãi. Vượt qua cái hữu hạn của thể xác và thời gian.
Sống, theo nhân sinh quan Phật giáo, là ngập tràn trong bể khổ. Nhưng được sinh ra làm người cũng đã là hạnh phúc. Vì thế, chữa bệnh cứu người càng là thiên chức cao quý. Với thiên chức ấy Tuệ Tĩnh là một trong những người được chọn. Từ thuở nhỏ vì mồ côi cha mẹ (lúc 6 tuổi) mà ông được Hòa thượng ở chùa Hải Triều nuôi cho ăn học. Ông đã được học văn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh cùng với các nhà sư trong chùa quê ông và chùa Giao Thủy, Sơn Nam (nay thuộc Nam Định). Năm 22 tuổi, thi Hương trúng nhất bảng, nhưng không ra làm quan mà ở chùa, đi tu, lấy pháp hiệu Tuệ Tĩnh và quay về với nghề y của phận mình, tiếp tục việc bốc thuốc chữa bệnh giúp dân và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, rồi huấn luyện y học cho các tăng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc. Năm 45 tuổi thi Đình đậu Hoàng giáp nhưng ông vẫn không ra làm quan mà theo đuổi việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đường quan trường thênh thang công danh bổng lộc nhưng không quyến rũ được ông như chữ y, chữ thiền. Bị bắt đi cống sang triều Minh Trung Hoa khi đã 55 tuổi và giữ chức y tư cửu phẩm trong Thái y viện cũng chỉ vì hay thuốc nức tiếng vượt khỏi biên giới trời Nam.
Tuệ Tĩnh còn hành thiền nữa không? Ông đã từng thiền sau những buổi khám chữa bệnh cho chúng dân để lấy lại cân bằng và sức lực. Hay ông đã từng thiền sau những lúc trồng cây thuốc trong vườn chùa Hải Triều, Giao Thủy... Để hòa mình vào cỏ cây thiên nhiên xanh mát. Để an tĩnh lại tâm hồn mình sau những mỏi mệt của cuộc sống dương thế. Cuộc đời ông đã đứng trước nhiều sự kiện buộc phải có lựa chọn. Lựa chọn giữa việc quyết định ra làm quan hay trọn kiếp tu hành. Lựa chọn giữa việc chữa bệnh sản hậu cho Vương phi nhà Minh hay tìm cách hồi cố hương sau bao nhiêu năm bị bắt đi cống. Lựa chọn thứ nhất có phần dễ dàng hơn bởi trong lòng Tuệ Tĩnh chữ quan bao giờ cũng nhẹ hơn chữ thiền. Với lựa chọn thứ hai, chắc ông phải đấu tranh nội tâm ghê gớm lắm mới có được quyết định đau đớn như thế: ở lại chữa bệnh cứu người để rồi cơ hội được trở về quê cha đất tổ vuột mất, để rồi phải chết nơi đất khách quê người mà hiện giờ di cốt ông vẫn còn ở Giang Nam, Trung Quốc. Còn nếu thỏa niềm hồi hương cho bản thân mình sau đằng đẵng biền biệt thì ông sẽ mãi mãi day dứt nỗi lòng không tròn y đạo. Dù đã chữa thành công một ngàn con bệnh mà nay bỏ mặc thì không thể nói về y tâm, chứ chưa nói đến y đạo. Thế nên bây giờ ông vẫn đang phiêu thiền để trở về cố hương trong tâm tưởng mình?
Tuệ Tĩnh còn có nỗi niềm gì không? Ông đã đi qua đời sống này, đã cứu nhân độ thế. Trong 30 năm hoạt động ở nông thôn ông đã xây dựng 24 ngôi chùa và biến các ngôi chùa này thành y xá. Ông cũng đã từng sử dụng 74 ngôi chùa làm nơi chữa bệnh. Ông có biệt tài tìm ra các loại dược liệu, là cây cỏ chung quanh nơi nhân dân cư trú, làm thuốc chữa trị các bệnh cho người Việt, chứ không chuộng các vị thuốc Bắc, vừa đắt tiền vừa không hợp phong thổ, thời khí. Ông thu thập các bài thuốc dân gian, các vị thuốc Nam và viết sách truyền bá y học. Người đời tôn tụng ông là tổ sư nghề y dược nước Việt, vị thánh thuốc Nam.
Là bậc đại y sư mở đường cho sự nghiên cứu thuốc Nam, Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền móng của y học cổ truyền dân tộc một cách toàn diện, bao gồm lý, pháp, phương dược với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc Nam theo phương châm Nam dược trị Nam nhân và đường hướng dưỡng sinh chú trọng giữ gìn tinh khí thần để nâng cao tuổi thọ. Ông đã để lại những bài thuốc kinh nghiệm quý báu, gây phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn đền chùa và thu trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời. Truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được người đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển y học dân tộc.
Y đạo đã tròn, Phật sự viên mãn, Tuệ Tĩnh còn khắc khoải điều gì nữa không? Tuệ Tĩnh có còn mong mỏi điều gì nữa không? Ông đau đáu niềm cố hương. Không cần danh vị Đại Y thiền sư mà vua Minh ban cho, không cầu chức tước trong Thái y viện, không thiết bổng lộc, không màng tới bài vị trong Y miếu Thăng Long, tâm ông vẫn chỉ mong nắm xương tàn của mình được mang trở về quê hương. Từng con chữ khắc trên mộ phần ông là lời di nguyện ấy: Có ai về nước Nam, cho tôi về với! Sao mà thê lương thế, Tuệ Tĩnh ơi!
Lê Bảo Âu Long