Đại lượng, từ bi là những gì cả người trong cuộc và người ngoài cuộc nên thấu hiểu cho nhau. Sự hưng phế của đạo Phật – đó mới là câu hỏi cốt tử cần những Phật tử thành tâm chung tay giải đáp.
Những ngày qua, câu chuyện Xá lợi Phật được đưa về Việt Nam trong một lễ rước tưng bừng đã gây dư luận trái chiều. Họa sỹ Lê Thiết Cương và Đại đức Thích Thanh Thắng đã luận bàn về điều này trong hai bài báo gần đây. Song dường như cả hai bên đã nhìn một sự việc từ những góc khác nhau, nên khó tìm được điểm chung.
Dư luận chung cần thông cảm
Bất cứ sự việc nào, muốn hiểu tại sao nó diễn ra và tại sao người khác lại nghĩ về sự việc đó như thế, thì người ngoài cuộc phải đặt mình vào vị trí người trong cuộc và người trong cuộc phải đặt mình vào vị trí người ngoài cuộc để cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
Nhìn từ phía Giáo hội Phật giáo VN nói riêng và chư Phật tử nói chung, đây không những là sự kiện trọng đại của Phật giáo trong nước mà còn là sự kiện có tính ngoại giao. Đã là sự kiện lớn của tôn giáo, văn hóa, ngoại giao thì cần phải trang trọng, đàng hoàng bởi nó không chỉ thể hiện lòng kính trọng của người nhận đối với người tặng Xá lợi, mà còn góp phần làm nên thể diện quốc gia.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ trao xá lợi để tôn trí. Ảnh: VNN |
Ngoài ra còn phải kể tới các yếu tố khác như an ninh trong quá trình đón rước, hay yêu cầu chuẩn xác về thời gian cho đúng lịch trình. Khi xét tất cả những yêu cầu đó, thì việc rước Xá lợi Phật bằng chuyên cơ riêng và dùng xe hơi hạng sang để đưa Xá lợi Phật về chùa Bái Đính, cũng không phải là chuyện quá mức xa hoa.
Sự kiện này không phải là việc riêng của một vài nhà sư hay vài vị Phật tử mà được cả xã hội quan tâm nên nếu trường hợp ngược lại xảy ra (như vẫn thường thấy ở nhiều cuộc đón rước khác) - tổ chức lộn xộn, thiếu quy củ, muộn giờ do lỡ chuyến bay, xe đưa rước tồi tàn (giống như gần đây chiếc xe đưa vua Lê Dụ Tông về quê an táng bị dư luận chê là quá xấu) - khi đó tất yếu sẽ có những lời trách móc khác.
Nên chăng dư luận chung cần thông cảm với chuyện này và không nên căn vặn quá nhiều việc tiền ấy từ đâu ra hay thậm chí trách móc người cung tiến vì người ta "tham phúc"(!). Dù sao, cái quan trọng không ở lễ đưa rước - vốn cần phải trang trọng, an toàn, lịch sự - mà ở cái tâm của chư tăng, Phật tử với Xá lợi Phật.
Điều họa sỹ Lê Thiết Cương lo lắng, cũng là nỗi lòng của nhiều người có tâm, có lẽ không phải ở tiểu tiết mấy chiếc xe hơi hay một chuyến chuyên cơ, mà là sự trong sáng và hưng vong của Phật giáo VN. Về điều này, có lẽ không chỉ Đại đức Thích Thanh Thắng cần lưu tâm mà chư tăng, Phật tử cũng phải bình tĩnh suy xét cho thấu đáo.
Sự hưng phế của đạo Phật mới là câu hỏi cốt tử
Xây chùa to, tô tượng đẹp, đón rước tốn kém, nhân dân nô nức đổ đến các chùa chiền là biểu hiện của sự hưng hay phế của Phật giáo? Sẽ thật đáng mừng nếu khi xây chùa, tô tượng, đón rước, khói hương người ta nghĩ đến Đức Phật, nghĩ đến giáo lý của Ngài phổ độ chúng sinh, mong con người thoát khỏi khổ nạn. Nhớ được rằng hạnh phúc khổ đau là do mình tự gây ra, nhớ được rằng làm việc thiện mới giúp lòng người thanh thản chứ không phải cứ sống trong tham, sân, si rồi đến chùa thắp dăm ba nén hương, đọc vài câu kinh Phật là có thể được giải thoát.
Nhưng cũng đáng lo nếu người ta làm những việc đó mà không nghĩ đến Phật và nghĩ đến bản thân mình. Nếu đua nhau xây chùa, đua nhau cung tiến chỉ để mong đức Phật phù hộ những mưu cầu danh lợi, hay danh hiệu "to nhất" thì đó thực sự là hiểm họa của đạo vì đó là hành vi hối lộ Trời Phật, là sự sai lạc của những người lẽ ra phải thực sự là chính đạo.
Thiết nghĩ, một người đến một chùa nhỏ mà thành tâm hướng Phật để rồi cảm được con đường tự giải thoát khỏi khổ đau, sân hận thì còn đáng quý hơn một trăm người đổ đến hàng chục ngôi chùa to nhưng trong đầu chỉ mong cầu vinh hoa phú quý, thăng quan tiến chức. Khi ra khỏi chùa vẫn điềm nhiên làm điều ác, điều thất đức, vẫn vui vẻ xả thịt thú rừng mang về làm quà. Khi đó, đạo tất sẽ suy cho dù được phủ nghi ngút khói hương kim tiền.
Đức chân tu ở xã hội chúng ta đang đứng ở đâu? Chúng ta có kiểm soát được không, có biến được sự mộ chuộng của con người thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo? Hay tất cả cùng nhau rơi vào vòng xoáy "phú quý sinh lễ nghĩa" để rồi biến cửa Phật thành nơi mua bán duyên, tiền, tài, lộc? Tôi nghĩ mối lo của họa sỹ Lê Thiết Cương là ở chỗ đó, và nó thực sự đáng báo động chứ không thể làm ngơ.
Ảnh: VNN |
Ngoài ra, trong lễ rước này phần hát xướng, ca vũ có lẽ không phù hợp và gây phản cảm. Sẽ vẹn toàn hơn nếu nhân lễ rước Xá lợi Phật, Giáo hội Phật giáo VN mở một cuộc chẩn tế cho dân nghèo, hoặc lập đại chay đàn cầu quốc thái dân an nhân dịp đầu xuân năm mới. Có lẽ ý nghĩa của lễ rước sẽ sâu sắc, chân thiện hơn, và bớt gây tranh cãi khi "quan trên trông xuống, người ta trông vào".
Chưa hiểu nhiều về giáo lý Phật pháp, tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện xưa cũ. Một sư thầy, một chú tiểu đi đến bờ suối gặp một cô gái xinh đẹp đang đứng trông sang bên kia mà không thể lội qua. Thấy hai thầy trò đi đến, cô ngỏ lời nhờ được cõng qua suối. Chú tiểu từ chối để giữ nghiêm giới luật, sư thầy không nói, chỉ gật đầu đồng ý. Đi được một quãng xa, chú tiểu mới hỏi sư thầy vì sao dám phá giới luật, chạm vào nữ sắc. Nhà sư điềm tĩnh trả lời: "Ta đã bỏ lại cô ấy ở bờ suối bên kia, sao con còn mãi mang cô ấy trong lòng?"
Thiết nghĩ nếu chuyện đón rước xá lợi là thành tâm, thành ý, vô tư lợi thì những người có liên quan nên gác lại nó từ lâu; đeo đẳng chuyện ấy sẽ chỉ giống như chú tiểu chưa quên được cô gái bên bờ suối. Đại lượng, từ bi là những gì cả người trong cuộc và người ngoài cuộc nên thấu hiểu cho nhau. Sự hưng phế của đạo Phật - đó mới là câu hỏi cốt tử cần những Phật tử thành tâm chung tay giải đáp.
Khương Duy (tuanvietnam)