Nếu chỉ còn một ngày để sống…

Đã nhiều lần tôi thử đặt ra giả thiết ấy cho mình và cũng tự trả lời là mình sẽ thế nào khi cầm chắc thời gian ngắn ngủi: 24 giờ được tồn tại! Tôi đã đưa ra những gạch đầu dòng cho giả thiết mà mới nghe qua ai cũng bảo là… lo xa quá, còn trẻ mà !

 

SCN.jpg

Ảnh minh họa

Ừa, thì tôi vẫn còn trẻ, mới 26 tuổi, nhưng có biết bao những người trẻ hơn tôi đã ra đi vì những lý do nào đó? Và, còn cả những em nhỏ ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM – nơi mà lâu lâu tôi vẫn có ghé thăm, để nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên trên cơ thể chứa mầm bệnh ung thư của các em. Nghĩ về những điều đó để thấy rằng đôi khi cuộc sống cũng khắt khe với con người, vô tình hoặc cố ý lấy đi sinh mạng của những người rất trẻ, đầy nhiệt huyết! Do vậy, ta phải chuẩn bị cho mình sự bất trắc theo quy luật thường tình của thế gian: có sinh, có tử. Chuẩn bị để chẳng may mình nhận được kết quả “chỉ còn một ngày để sống” và có cách ứng biến như những nhân vật mà mình đã từng gặp trên mặt báo như chị Nguyễn Hồng Công, Lê Thanh Thúy…

Họ đã sống hết mình, đã tỏa sáng trong những thời khắc cam go nhất: đối diện với từng giây phút ngắn ngủi của cuộc đời. Nếu không có nghị lực, không có ý chí và niềm khát khao truyền lửa thì làm sao những người trẻ ấy có thể làm được hành động hơn người trong những tháng ngày cuối đời, ở lứa tuổi thanh xuân, thậm chí là tuổi teen.

Giả thiết tưởng chừng như ảm đạm và bi quan ấy hóa ra lại rất đỗi cần thiết đối với bất kỳ ai nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của nó. Giả thiết để giật mình, rằng những tháng ngày qua mình đã sống như thế nào? Có sống hoài, sống phí, có buông lung theo hoàn cảnh, chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm, bỏ quên tuổi trẻ…? Chắc là có, vì chúng ta còn trẻ nên chúng ta hay ỷ lại, cứ nghĩ rằng mình khoẻ, mình có khả năng nên cứ “quên đời đi nhé”, say trong men rượu và men tình, trong những cuộc vui mà sau khi hả hê ta sẽ thấy trống rỗng, và cứ thế chạy theo những cuộc vui ấy đến lúc giật mình: ta đã đánh mất quá nhiều thứ…

Không ít người trẻ đã… giá như sau những ngày tháng trôi lăn trong hơi rượu, thuốc lắc… vì mình đã sống không hết mình, đã để tuổi trẻ ngắn lại, cho đến khi “chỉ còn một ngày để sống”.

Tôi giả thiết và tôi trả lời, khe khẽ: tôi sẽ thở và mỉm cười với sự thật mà mình đang đối diện là còn một ngày để sống. À, thì phải vậy thôi, bởi ta có lo lắng thì sự thật cũng đến, là sau ngày ấy cái chết sẽ hiện hữu.

alt

Ảnh minh họa

Tôi sẽ gọi điện, và nói với mẹ: con thương mẹ! Câu nói ấy giản dị, nhưng tôi quên hoặc ít nói, mẹ tôi ít nghe quá nên hẳn mẹ sẽ chẳng biết tôi thương mẹ nhiều. Mà có thể khi nhận diện được cái chết đang đến tôi mới biết thương mẹ nhiều hơn tôi tưởng? Có thể lắm chứ!

Tôi sẽ nói với người yêu của mình rằng… tôi yêu em, và em phải vui sống, sống tốt khi tôi không còn nữa, bởi khi đó em sống còn là sống cho cả tôi nữa!

Và nếu được, tôi sẽ nói với những người đồng cảnh ngộ như tôi, những người chỉ còn một ngày sống hãy sống trọn vẹn những yêu thương mà mình muốn sẻ chia với ai đó. Nếu chưa nói lời xin lỗi thì hãy nói đi, nếu chưa bộc bạch yêu thương thì cũng hãy nói đi…

Đình Long (Áo Trắng)