Báu vật lưỡng quốc

Khi chư thiền sư Hayashi Kyoichy vén tấm vải nhung óng ánh, hé lộ một phần phiên bản bức tranh tượng Phật Thác Kiên Quan Thế âm, hết thảy quý vị quan khách, các nhà sư… cùng lặng phắc.

 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh bên bức tranh cùng Chư thiền sư Kyoichy tại chùa Jomyo (ảnh chụp tháng 9-2009 tại chùa Jomyo.  Ảnh: Hồ Thảo Nguyên

400 năm dâu bể, từ Jomyo đến Tam Thai, dù không phải là bản chính quốc bảo, nhưng bức song sinh của báu vật lưỡng quốc này vẫn là một trong những minh chứng của sự giao hảo lâu đời Việt – Nhật…

Chẳng phải vô cớ mà các sử gia ghi lại rằng, tuổi đời của bức họa tượng Phật Thác Kiến Quan Thế âm - được xem là quốc bảo của đất nước hoa anh đào tại ngôi chùa Jomyo (Tình Diệu Tự) trong thành phố Nagoya đã là 400 năm - gần như trùng với thời gian mà ngôi cổ tự Tam Thai ngự trên Thất Sơn (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng).

Và cũng không hẳn chỉ vậy, những gì còn ghi lại được trong ngày hôm nay trên tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ngay trong động Hoa Nghiêm (hòn Thủy Sơn) cũng làm sống dậy ký ức xa xưa.

Trước khi chính tay mình trao phiên bản bức tranh tượng Phật quý cho thượng tọa Thích Thiện Nguyện – trụ trì chùa Tam Thai, chư thiền sư Hayashi Kyoichy – trụ trì chùa Jomyo, kể:

Tại chùa chúng tôi còn lưu giữ bức tranh “Giao Chỉ quốc mậu dịch hải đồ”, đó là một bức tranh màu nước, đồ sộ, cao 78cm, dài 498cm. Theo chư thiền sư Kyoichy, trải qua 400 năm thăng trầm, bức tranh “Giao chỉ quốc mậu dịch hải đồ” đã mất đi một phần, còn lại 3 phần chính, gồm  bốn cảnh quan đều ghi đậm dấu ấn giao thương giữa người Nhật và người Đại Việt Đàng Trong từ thế kỷ 16.

“Bốn cảnh quan trong bức tranh cổ này phản ánh đầy đủ một chuyến đi dài giao thương buôn bán của một thuyền nhân Nhật, ngay từ khi xuất bến cho đến lúc trở về.

Đầu tiên là cảnh thuyền Châu Ấn rời quần đảo Nagasaky đi Giao Chỉ và cập bến Hội An (Quảng Nam ngày nay - PV) rồi sau đó là cảnh một thuyền nhân người Nhật dâng lễ vật cho Chúa Nguyễn, sau đó là cảnh phố Nhật ở Hội An và cuối cùng cảnh một ngôi chùa lớn” - Chư thiền sư Kyoichy kể lại.

Theo vị trụ trì Tình Diệu Tự này, thời gian đã làm mất đi một phần bức tranh, và hiện nay, dù các chư thiền sư ở chùa Jomyo đã nhiều lần cất công tìm hiểu, nhưng phần đó vẫn là một bí ẩn.

“Từ 400 năm trước, người Nhật chúng tôi đã giao lưu văn hóa cũng như quan hệ buôn bán với đất nước các bạn, bức tranh quý này thêm một minh chứng giá trị lớn về lịch sử và mỹ thuật, vì nó miêu tả sinh động cảnh quan một đô thị cảng của Đại Việt 400 năm trước” – Thiền sư Kyoichy nói.

Thật ra, trước khi đoàn 30 chư thiền sư chùa Jomyo tới Việt Nam, trước khi vị trụ trì Hayashi Kyoichy nói đến bức “Giao Chỉ quốc mậu dịch hải đồ” thì tại phố cổ Hội An ngày nay, có quá nhiều minh chứng cũng như công trình, kiến trúc ghi đậm dấu ấn bang giao Việt- Nhật. Chùa Cầu ngày nay, vẫn còn đó hình hài, kiến trúc cổ xưa Nhật Bản.

 

Chư thiền sư Hayashi Kyoichy trao phiên bản bức Thác Kiến Quan thế âm cho Thượng tọa Thích Thiện Nguyện.  Ảnh: Nam Cường
Tại Hội An ngày nay, ngoài chùa Cầu còn có 3 ngôi mộ cổ các thương nhân Nhật Bản có niên đại 400 năm. Đó là các phần mộ của thương gia Banjiro (lập năm Ất Tỵ, 1665) tại thôn Trường Lệ (Cẩm Châu), mộ của thương gia Tani Yajirobei quê ở Hirabo (gần Nagasaky), lập năm Đinh Hợi, 1647.

Ngôi mộ thứ ba là của thương gia người Nhật giàu có bậc nhất Hội An thời bấy giờ là Gu Sikukun. Nhiều tài liệu ghi lại rằng, Sikukun giữ chức Thị trưởng phố Nhật ở Hội An trong một thời gian.

Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại rằng, Chúa Nguyễn cuối thế kỷ 16 hồi đó là Nguyễn Phúc Nguyên đã thực hiện chính sách mở cửa Đàng Trong. Bên kia bờ biển, Nhật Bản cũng cấp phép cho các thuyền buôn xuất dương quan hệ với Đại Việt.

Trở lại với bức tranh “Giao chỉ quốc mậu dịch hải đồ”, theo Chư thiền sư Hayashi Kyoichy, cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho chúa Nguyễn gần như chắc chắn đó là chúa Nguyễn Phúc Nguyên, bởi chính sách mở cửa Đàng Trong hồi đó của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã khiến Hội An thông thoáng, gần như là một “đặc khu kinh tế” của Đại Việt cuối thế kỷ 16.

Không rủi ro bị mất một phần như bức “Giao chỉ mậu dịch hải đồ”, bức tranh tượng Phật quý Thác Kiến Quan Thế âm vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, sau 400 năm, nhằm giúp chùa Tam Thai có một bức tranh như vậy để lưu giữ, chùa Jomyo đã làm một phiên bản thứ  2.

“Cả hai bức tranh đối với Nhật Bản chúng tôi xem đó là quốc bảo. Từ nay, với phiên bản bức Thác Kiến Quan Thế âm, chùa Tam Thai và chùa Jomyo đều cùng có báu vật. Đó là báu vật lưỡng quốc”- Chư thiền sư Kyoichy nói.

Theo vị trụ trì Jomyo, bức tranh tượng Phật được chúa Nguyễn Phúc Nguyên thỉnh từ một ngôi chùa trên Ngũ Hành Sơn, tặng lại cho thương nhân Araki Sotaro (dòng họ Chaya) trong một lần ông này đến yết kiến Chúa Nguyễn.

Như một cơ duyên thiên định, thương nhân Araki Sotaro trở thành phò mã của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông dòng dõi samurai ở Nagasaki. Khi yết kiến Chúa Nguyễn, Sotaro bày tỏ sự thành kính của người Nhật đối với đức Phật, nhất là những thương nhân đi biển.

Vì thế, Chúa Nguyễn đã thỉnh bức tranh này tặng cho ông. Rồi sau đó, đứa con gái yêu của Chúa Nguyễn là công chúa Ngọc Vạn được gả cho Sotaro, sau được đặt tên Nhật là Okakutome. Bốn thế kỷ, bụi thời gian che mờ, những kẻ đi sau như tôi chẳng dám chắc rằng có một tình yêu bất diệt giữa họ.

Nhưng sau 400 năm, giờ đây bức tranh quý của chồng công chúa – thương nhân Araki Sotaro vẫn hiển hiện ở đây, như chứng minh tình lân bang vĩnh cửu. Tôi may mắn có bức ảnh chụp bức tranh gốc của Thác Kiến Quan Thế âm ở chùa Jomyo.

400 năm, nàng Vạn Ngọc hay đức lang quân Sotaro đã là cổ xưa; Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng trở thành lịch sử Đại Việt, nhưng bức tranh quý vẫn còn đây. Chư thiền sư Hayashi Hyoichy xúc động: “Đó là cơ duyên lịch sử”.

Một ngày sau khi Phật giáo Đà Nẵng cung nghinh phiên bản bức tranh Thác Kiến Quan Thế âm, tôi lên chùa Tam Thai, hầu trà Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, để lắng nghe ông kể về tấm bia ký lừng danh, bảo vật ở Ngũ Hành Sơn ghi lại tình thâm giao Việt - Nhật, khi trên tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ghi lại những đóng góp công đức của các thương nhân Nhật sống ở vùng Nagoya để xây dựng chùa Tam Thai.

“Bia ký ghi rõ 16 người Nhật, trong đó có cả thảy 5 gia đình Việt – Nhật ở phố Hội An góp sức xây chùa. Tấm bia được được nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640.

Hội An giờ đây là di sản văn hóa thế giới, nhưng trong dáng trầm mặc rêu phong bảng lảng, dáng dấp của 400 năm trước vẫn chẳng thể phai mờ dù trải qua bao khắc nghiệt của chiến tranh và thời gian. Phải! bằng chứng là bức tranh quý vẫn còn đây, dù tất cả đã lùi xa trong dĩ vãng…

 

“Theo sử sách, từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 (thời kỳ này, phía Nhật thường gọi thuyền buôn là Châu Ấn thuyền – Shuisen), số thuyền được cấp giấy phép chính thức đến buôn bán ở Đại Việt từ năm 1604 đến 1635 là 120, trong đó 47 thuyền đến Đàng Ngoài và 73 thuyền đến Đàng Trong. Thông qua các lái buôn, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đều có thư từ chính thức với Mạc phủ Tokugawa trao đổi về việc tăng cường quan hệ buôn bán giữa hai nước. Tuy nhiên, do chính sách cởi mở và ưu ái của chính quyền Đàng Trong, người Nhật chủ yếu đến buôn bán ở Hội An. Tại đây, người Nhật được phép lập phố riêng của mình.

Nam Cường

Theo tienphong