TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (TUẦN THỨ TƯ THÁNG 2, 2010)



NHẬT BẢN: Thành phố Nara tổ chức hội thảo Nhật-Uzbek

Một cuộc hội thảo Nhật-Uzbek có chủ đề "Các nền văn minh và Tôn giáo cổ đại tại Uzbekistan: Tìm các Nguồn gốc của Nền văn hoá Nhật Bản" đã được tổ chức tại trường Đại học Nara vào ngày 17 - 2 - 2010.

Cuộc hội thảo tập trung vào lễ kỷ niệm 1.300 năm của thành phố Nara, kinh đô đầu tiên của Nhật Bản. Các nhà tổ chức sự kiện này gồm Quỹ Hội thảo, Đại học Nara, Đoàn khám phá khảo cổ Nhật-Uzbek tại Uzbekistan và Viện Khoa học Uzbekistan.

Thành phố Nara được xem là một thánh địa của Nhật Bản. Nó là cổng vào  dẫn đến các nền văn minh cổ của Con đường Tơ lụa Vĩ đại. Nara tiếp tục là một thành phố quan trọng về lịch sử, là nơi đã đón nhận nền văn hoá và nghệ thuật Phật giáo cổ xưa từ Trung Á.

Hội thảo Nhật-Uzbek có mục đích cung cấp thông tin cho những người tham dự về di sản lịch sử phong phú, các truyền thống, nền văn hoá và nghệ thuật cổ xưa của hai nước này và các nền văn minh cổ của Con đường Tơ lụa Vĩ đại.

Uzbekistan, với vai trò là một trung tâm các nền văn hoá tôn giáo cổ đại, là đất nước có nhiều đền thờ Phật giáo cổ. Những di tích này và những tài liệu tìm được về khảo cổ là rất quan trọng đối với Nhật Bản. Và điều này chứng minh rằng nền văn hoá và triết học Phật giáo đã từ Uzbekistan du nhập Nhật Bản qua Con đường Tơ lụa.

Hội thảo quốc tế này gồm các cuộc thảo luận về tầm quan trọng và tình trạng hiện nay của các di tích Phật giáo cổ tại Uzbekistan, về nghiên cứu các mối quan hệ giữa những di tích tại Nara với các tài liệu phát hiện tại thành phố Termez (Uzbekistan), cũng như về sự đa dạng của các nền văn hoá và tôn giáo của thế giới.

(UzReport - February 22, 2010)

BANGLADESH: Chính phủ sẽ xây lại các nhà cầu nguyện bị phá huỷ trong cuộc bạo động

Chính phủ Bangladesh cho biết sẽ xây dựng lại 4 nhà cầu nguyện đã bị đốt phá trong hai ngày bạo động chống các bộ tộc theo Phật giáo tại vùng đồi Chittagong.

Dipankar Talukdar, bộ trưởng phụ trách khu vực của người bản xứ này nói rằng việc tái xây dựng sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt. Ông cũng hứa trong vòng 7 ngày sẽ hành động chống lại những kẻ đã gây ra sự vụ này.

Trong vụ tấn công đốt phá vào ngày 20 - 2- 2010, đã có ít nhất 4 nhà cầu nguyện bị thiêu rụi bởi những cư dân Hồi giáo tại khu vực Gangaram Mukh và các làng lân cận thuộc tiểu khu Baghaichhari.

Một đền thờ Hồi giáo và một nhà thờ tại Gangaram Mukh, một ngôi chùa ở Maitreepur và một ngôi chùa khác tại cụm làng thuộc tiểu khu Baghaichhari đã bị đốt cháy.

Tăng sĩ Sumonalanka Mohathero nói rằng có khoảng 40 đến 50 thanh niên Bengali với vũ khí tự tạo đã tấn công khu vực này và đốt cháy ngôi chùa vào chiều ngày 20 - 2. Các vị lãnh đạo tôn giáo và môn đồ đã chạy thoát sau một vụ xung đột giữa những người bản xứ và lực lượng an ninh.

Phật tử Jyotsna Chakma, một phụ nữ bản xứ ở khu vực Gangaram Mukh, nói rằng không những một nhà thờ và một tịnh xá Phật giáo mà cả một đền thờ Hồi giáo cũng bị đốt . Bọn tội phạm còn cướp đi những vật quý giá từ chùa và nhà thờ.

(Bangladesh News Net - February 22, 2010)

ẤN ĐỘ: Hội chợ Phật giáo Tsechu tại bang Himachai Pradesh

Hàng nghìn Phật tử từ Ấn Độ và nước ngoài đã tập trung về hồ Rewalsar ở quận Mali, bang Himachai Pradesh, để dự hội chợ Tsechu. Đay là hội chợ được tổ chức trong 2 ngày để kỷ niệm ngày sinh của Đại sư Padma Sambhava.

Một nhà tổ chức nói, "Hàng nghìn Phật tử đã tề tựu tại Rewalsar để tham dự hội chợ Tsechu nổi tiếng bắt đầu vào thứ Tư (ngày 24 - 2). Từ nhiều thế kỷ nay, hội chợ được tổ chức vào ngày mồng mười của tháng giêng mỗi năm mới, theo lịch Tây Tạng".

Hội chợ kỷ niệm ngày sinh của Padma Sambhava, người đã từ Ấn Độ qua Nepal để đến Tây Tạng và truyền giảng đạo Phật tại đó vào năm 747 sau Công nguyên. Ông đã tham thiền trong nhiều năm bên bờ hồ Rewalsar, cách thủ phủ của bang Himachai Pradesh khoảng 200 km.

Các quận Lahaul, Spiti và Kinnaur ở Hiamchai Pradesh có rất đông cư dân theo đạo Phật.

Và vào năm 1959, vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma khi cùng hàng nghìn tín đồ của ngài trốn thoát khỏi Tây tạng đã tị nạn tại khu Dharamsala của bang này và thành lập một chính phủ lưu vong.

(India Gazette - February 25, 2010)

THÁI LAN: Chương trình cai nghiện tại Tu viện Thamkrabok

Tu viện Thamkrabok tại Saraburi, Thái Lan, điều hành một chương trình cai nghiện. Tại đây các con nghiện người Thái cũng như người ngoại quốc được trải nghiệm một sự tiếp cận rất tự nhiên với Phật giáo để cai nghiện. Người ta chỉ được theo chương trình này một lần và phải lập một lời tuyên thệ thiêng liêng (Sajja) rằng không sử dụng những chất gây nghiện. Trong 5 ngày đầu tiên, các con nghiện được uống một loại thảo dược giúp cho việc giải độc nhanh, do thuốc này gây nôn mửa tức thì. Sau khi tuyên thệ, các con nghiện được dự kiến sẽ ở tại tu viện này trong ít nhất là một tuần. Nhưng họ được khuyến khích sống tại tu viện lâu hơn nữa, cho đến khi họ cảm thấy đã được thanh tẩy về tinh thần và thể chất.

(denverpost.com - February 25, 2010)

AFGHANISTAN: Phần hồi ký về các tượng Phật Bamiyan bị Taliban phá huỷ

Từng làm đại sứ tại Pakistan, Abdul Salam Zaeef là gương mặt được công chúng biết đến nhiều nhất của Afghanistan vào thời Taliban cai trị nước này.

Zaeef đã viết trong cuốn hồi ký "Đời tôi cùng Taliban" của ông ta -vừa được xuất bản tại Hoa Kỳ - rằng: Nhật Bản là nước năng động nhất trong việc can ngăn chế độ Taliban đừng phá huỷ các pho tượng Bamiyan 1.500 năm tuổi vào năm 2001. Một phái đoàn chính thức từ Nhật, cùng với một nhóm Phật tử từ Tích Lan, đã đề nghị di dời từng phần nhỏ các pho tượng này và ráp chúng lại ở nước ngoài. Họ cũng đưa một đề nghị khác là muốn che kín các tượng từ đầu đến chân, để không ai nhận ra rằng chúng đã từng tồn tại ở đó trong khi họ bảo tồn chúng từ bên dưới.

Bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ của quốc tế, Taliban đã dành một tháng để dùng súng phòng không, rồi sau đó dùng thuốc nổ để phá huỷ các tượng Phật vì nói rằng đạo Hồi cấm sự sùng bái thần tượng.

Zaeef nói ông ta tin rằng việc phá huỷ này là đúng với luật sharia của Hồi giáo. Nhưng ông ta viết rằng quyết định đó đã có "cách chọn thời cơ tồi tệ", vì nó làm xấu đi các mối quan hệ ngoại giao của Taliban.

Vài tháng sau, phe Taliban bị liên quân do Hoa Kỳ đứng đầu đánh bại. Zaeef bị cầm tù tại trại giam của Hoa Kỳ ở vịnh Guantanamo (Cuba) và hiện nay ông ta sống tại Kabul, Afghanistan.

(AFP - February 28, 2010)

Diệu Âm lược dịch