Người mẹ buồn thiu.
Chắc không ít lần chúng ta bắt gặp những mẩu đối thoại tương tự như thế, mà đôi khi nghe riết lại trở thành quen, đến mức xem là chuyện bình thường.
Nhưng điều đó đâu có bình thường.
Một lần, trong buổi trò chuyện với khá đông sinh viên, một nhà giáo đã hỏi liệu bao nhiêu bạn trong số những người ngồi đây biết ba mẹ mình thích ăn món gì nhất? Ông chờ đợi mãi, nhìn quanh khán phòng và cuối cùng chỉ nhận những cái lắc đầu hoặc cười trừ quay đi.
Có lẽ không phải tất cả nhưng chẳng mấy khi con cái quan tâm cha mẹ mình đang muốn gì, thích gì. Thậm chí không phải ai cũng nhớ ngày sinh của cha mẹ mình. Nhưng ca sĩ thần tượng, diễn viên yêu thích, ngôi sao nào đấy sinh ngày nào, vừa ra đĩa tên gì, lịch biểu diễn ra sao, thích được tặng hoa gì, thú bông loại nào... lại nhớ vanh vách, rõ như đó chính là sở thích của mình! Điều này hẳn nhiên không lạ gì với các bạn trẻ, nhất là những bạn mới lớn, quen nhận sự chăm sóc của cha mẹ hơn là phải có trách nhiệm quan tâm đến một ai đó.
Còn người yêu thì khỏi phải nói. Nhất cử nhất động đều không lọt khỏi tầm ngắm, những ngày kỷ niệm lúc nào cũng nằm trong bộ nhớ. Có khi ta kể một cách vô tư với cha mẹ đã vất vả ra sao để tìm những món quà tặng không đụng hàng cho cô người yêu ngày sinh nhật. Trong khi ngày mẹ cha bước qua tuổi mới, ta quên cả lời chúc mừng, nói gì đến một cành hoa...
Nhưng cha mẹ thì lúc nào cũng biết rõ, rất rõ từng đứa con mình thích gì và muốn gì để tìm cơ hội thực hiện cho con mà chẳng bao giờ chờ một sự đáp trả...
Một phút. Thử xem: một phút ít ỏi trong ngày chúng ta dành để hỏi thăm cha mẹ một câu. Một phút ngắn ngủi để phụ cha một tay làm cho xong công việc nào đấy. Hoặc một phút không làm gì cả, mà chỉ nghĩ đến đấng sinh thành...
QUỐC NGUYÊN