Những năm gần đây, cụm từ “Phật giáo nhập thế” được nhắc đến nhiều. Điều này đôi khi khiến người ta nghĩ rằng Phật giáo nhập thế là một hình thái Phật giáo mới đang được cổ xúy, hoặc rằng Phật giáo từ xưa đến nay chưa từng nhập thế, hay rằng có một giai đoạn nào đó Phật giáo đã không nhập thế hoặc không được nhập thế, và nay cần phải nhập thế.
Sự thực vấn đề Phật giáo có phải là một tôn giáo nhập thế hay không đã từng là đề tài tranh luận của nhiều người, ở Việt Nam cũng như ở những nước khác. Người thì cho rằng Phật giáo xưa nay vốn là một tôn giáo ẩn dật, không nghĩ đến những vấn đề xã hội và xa lánh cuộc đời. Nhưng có nhiều người không đồng ý với cách nghĩ ấy, lên tiếng cho rằng lối nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm và không hiểu gì về Phật giáo. Vậy thì Phật giáo có phải là một tôn giáo nhập thế năng động, có phải luôn là một tôn giáo dấn thân tích cực trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội?
Chúng ta biết rằng mục đích tu tập của Phật giáo là để đạt đến an bình nội tâm ngang qua kinh nghiệm giác ngộ; điều này được mô tả như là sự chứng đạt giải thoát hay Niết-bàn. Thuật ngữ Niết-bàn, thường được hiểu như là một trạng thái “dập tắt”, đề cập đến việc đoạn trừ những chướng ngại tâm thức khác nhau mà về bản chất sanh khởi từ ba độc tham, sân và si. Giải thoát, có một viễn kiến phần nào rộng rãi hơn khi nó đề cập không chỉ việc đoạn trừ những trạng thái tâm cấu nhiễm và trói buộc, mà còn giải thoát khỏi những trói buộc của xã hội và lịch sử.
Bởi vì Phật giáo thường nhấn mạnh vào việc giải thoát cá nhân, nên nhiều người cho rằng nó là một tôn giáo ẩn dật, trang trọng hơn thì bảo đó là một tôn giáo xuất thế. Tuy nhiên chúng ta biết, đức Phật dù không đề cập nhiều đến những vấn đề xã hội thì Ngài không bao giờ không quan tâm đến đời sống của tha nhân. Sau khi giảng dạy cho các đệ tử đầu tiên và giúp họ chứng đạt giác ngộ, đức Phật đã thúc giục họ lên đường giảng dạy cho những người khác: “Này các tỳ-kheo, hãy lên đường vì an lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng từ bi với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người.” Những Phật tử đã hiểu thông điệp này có nghĩa rằng đức Phật khuyên những đệ tử của mình nên đi vào đời để truyền bá giáo pháp, và lợi ích mà dân chúng có được sẽ thông qua việc thực hành theo những giáo pháp ấy. Nhưng thông điệp này cũng có nghĩa rằng, các đệ tử của đức Phật cần phải ra đi khắp nơi để làm việc vì người khác.
Nhưng các Tỳ-kheo làm việc bằng cách nào khi tham dự vào đời? Vấn đề chính vẫn là giảng dạy giáo pháp, tuy nhiên không chỉ những giáo pháp đưa đến dứt trừ khổ đau nội tâm qua việc tu tập tự thân, mà còn những lời dạy liên quan đến những vấn đề xã hội, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến đẳng cấp, phụ nữ, bố thí, nhiệm vụ của một người trị vì đất nước, những mối quan hệ trong xã hội, những khía cạnh đạo đức, v.v… Nhưng dù kinh điển có hàm chứa những giá trị nhập thế như vậy, thì việc tu hành theo Phật giáo trong buổi đầu vẫn chú trọng vào việc giải thoát tự thân, và liên kết xã hội giữa các Tỳ-kheo và công chúng hầu như chỉ dừng lại nơi việc thuyết giảng.
Phát triển qua thời gian, khi Phật giáo càng cách xa bối cảnh xã hội ban đầu thì người tu sĩ cần có những việc làm mang tính xã hội ngoài việc tu tập tự thân để qua đó có thể phổ biến và thích ứng giáo pháp dễ dàng hơn, và đây chính là lý do giáo lý Bồ-tát xuất hiện với sự ra đời của các tập Bổn sinh. Sự ra đời của các tập Bổn sinh (thời kỳ phân chia bộ phái) đã miêu tả sống động những tiền thân của đức Phật trong những hiện thân Bồ-tát và nêu bật lên tinh thần dấn thân vì lợi ích của con người, và phần nào cho thấy rằng việc thành tựu Phật quả không chỉ là việc đoạn trừ lậu hoặc trong hiện tại, mà còn dựa trên những phước thiện được gieo trồng từ vô lượng kiếp qua việc phụng sự chúng sanh. Như vậy, sự giải thoát của mỗi cá nhân không hề tách khỏi sự cứu độ chúng sanh.
Lý tưởng Bồ-tát đã phát triển sâu rộng hơn trong giáo lý Đại thừa Phật giáo, khi việc thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát được đặt cơ sở trên việc hoàn thiện sáu ba-la-mật, mà trong đó đã bao hàm đầy đủ việc tu tập tự thân và cứu độ. Bố thí là ba-la-mật đầu tiên trong sáu ba-la-mật, và cũng là ba-la-mật duy nhất mà qua đó một vị Bồ-tát thực thi những việc làm mang tính xã hội.
Bồ-tát thực hành hạnh bố thí vì nhận thấy rằng đó không chỉ là một pháp môn tu tập nhằm phát khởi lòng từ bi và thực hành hạnh xả ly, mà còn nhận ra rằng, giữa Bồ-tát và chúng sanh luôn đan kết hỗ tương và không hề tách rời nhau, tức là việc giác ngộ bản thân không thể tách khỏi việc cứu độ tha nhân, việc chữa bệnh cho bản thân thông qua việc chữa bệnh cho người, tức Bồ-tát đã đồng nhất bệnh khổ của chúng sinh với bệnh khổ của mình. Chúng ta tìm thấy điều này trong kinh Duy-ma-cật, “Tôi bệnh bởi tất cả chúng sanh bệnh; khi bệnh của tất cả chúng sanh được chữa khỏi thì bệnh của tôi cũng sẽ được chữa khỏi.” Vì lý do này, Bồ-tát đã hoãn lại việc chứng ngộ và chọn lựa tái sanh trở lại nhiều lần cho đến khi mọi người đạt được giải thoát. Giá trị tâm linh của việc chọn lựa này tạo nên một mối liên hệ xã hội tích cực, cho thấy rằng xã hội chỉ là việc mở rộng kinh nghiệm của chúng ta: “Chính vì bản thân có bệnh, nên vị ấy cần thương xót tất cả những người mắc bệnh. Vị ấy thấu rõ khổ đau từ vô lượng kiếp quá khứ, vì vậy cần nghĩ đến việc làm lợi ích tất cả chúng sanh. Vị ấy cần suy niệm về đời sống thanh tịnh. Thay vì sinh buồn khổ phiền não, vị ấy cần thường xuyên phát khởi sự tinh tấn.”
Đối với chư Bồ-tát, kinh nghiệm khổ đau không phải là một yếu tố cản trở mà là một chất xúc tác, mà chức năng cuối cùng của nó là làm phát khởi tâm bồ đề để thực hiện con đường tâm linh. Ý thức về sự khổ đau của cuộc đời và sự nối kết không thể tách rời giữa bản thân với tất cả chúng sanh, Bồ-tát vừa tu tập nhưng cũng vừa tăng trưởng thệ nguyện cứu độ: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Như vậy, Phật giáo rõ ràng không thờ ơ với tha nhân và không hề bỏ qua những vấn đề xã hội. Tuy nhiên những trình bày ở trên chỉ là vấn đề lý thuyết, vậy còn trong thực tế thì tinh thần ấy có trở thành một học thuyết xã hội được ứng dụng một cách có hiệu quả hay không? Tất nhiên có. Nếu tìm hiểu về những hoạt động xã hội của vua Asoka, ta thấy tất cả những việc làm của ông đều được dựa trên những lời dạy của đức Phật. Ở Trung Quốc, vào những thời đại bất ổn chính trị, thì là thời điểm lý tưởng Bồ-tát và học thuyết Tịnh Độ được xiển dương mạnh nhất. Riêng ở Việt Nam, tinh thần nhập thế ấy cũng được ứng dụng vào các triều đại như Lý, Trần một cách hiệu quả và thiết thực (điều này đã được nói nhiều).
Tuy nhiên ngày nay, vấn đề nhập thế lại mang một ý nghĩa có phần rộng hơn, vì bên cạnh việc xoá bỏ giai cấp, giải phóng phụ nữ, khuyến khích bố thí, v.v... thì còn có nhiều vấn đề khác được nhắc đến như nhân quyền, phân phối tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường, luật pháp công bằng… Và Phật giáo phần nào đã thiếu vắng những học thuyết cụ thể cho những vấn đề mới này. Nhưng tất nhiên không riêng gì Phật giáo ở trong tình trạng này, hầu hết tất cả những hệ thống triết học và tôn giáo cổ đại đều ít chú ý đến những vấn đề này trong ý nghĩa hiện đại. Sự thực, chỉ từ thế kỷ 18, những vấn đề như công bằng xã hội, nhân quyền… mới nổi lên như một vấn đề quan trọng trong tư tưởng chính trị và triết học xã hội ở phương Tây.
Nhưng một tôn giáo để tồn tại và phát triển, hẳn phải cần đến sự uyển chuyển và linh động, phải tự “điều chỉnh” để cho thích hợp với những bối cảnh mới, điều mà nhà Phật thường hay gọi là “tùy duyên”. Chúng ta thấy, sự hình thành và phát triển của một tôn giáo luôn gắn chặt và tương tác với bối cảnh lịch sử xã hội. Và sự thực, những phong trào Phật giáo nhập thế cũng không phải khởi xuất một cách ngẫu nhiên. Chúng sinh khởi bởi những thúc đẩy và thách thức của xã hội, cụ thể khởi xuất từ thời kỳ những nước Phật giáo Á châu đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân và sự tấn công mạnh mẽ của trào lưu hiện đại Tây phương mà nó luôn được kết ghép với việc bành trướng Thiên chúa giáo.
Trước sự thách thức văn hoá và tôn giáo, các nước Phật giáo Á châu đã phải tỉnh giấc, nhận ra được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ văn hoá truyền thống, nỗ lực triển khai những khía cạnh khác nhau của giáo pháp để nhằm thích ứng với những vấn đề xã hội mới; và bản thân của rất nhiều Phật tử tại gia cũng như xuất gia, đã trực tiếp dấn thân vào công tác xã hội bằng những hoạt động cụ thể.
Những phong trào nhập thế có thể được chia thành hai khuynh hướng chính. Khuynh hướng thứ nhất có thể được gọi là khuynh hướng “chủ động”, tức là những phong trào trực tiếp dấn thân chống lại những áp bức, bất công xã hội, và trở thành một đối trọng trong việc ngăn chặn sự làm dụng quyền lực từ phía nhà nước, đòi tự do dân chủ và công bằng xã hội cho người dân, lên tiếng mạnh mẽ về những vấn đề môi trường, bảo vệ và đòi quyền sống cho những người ngoài lề xã hội, kêu gọi tự do chính trị, vận động cho việc phát triển một xã hội dân sự, v.v... Nổi bật trong khuynh hướng này là đức Đạt-lai Lạt-ma của Tây Tạng, Maha Ghosananda ở Cam-bốt, Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, Sulak Sivaraksa ở Thái Lan, B. R. Ambedkar ở Ấn Độ…
Một khuynh hướng nhập thế khác được gọi là khuynh hướng dấn thân “thận trọng”, bao gồm những tổ chức chuyên về công tác từ thiện và giáo dục. Những tổ chức này thường đứng ra mở bệnh viện, trường học, cứu trợ nạn nhân thiên tai, tặng học bổng, và cả những đề án phát triển nông thôn. Nổi bật trong nhóm này là phong trào Sarvodaya Shramadana ở Srilanka do A.T. Ariyaratne thành lập; Hội Từ thiện Từ Tế (Tzu Chi) của Ni sư Chứng Nghiêm ở Đài Loan; Amida Trust ở Anh quốc; The Buddhist Peace Fellowship ở Hoa Kỳ...
Cần phải trình bày sơ qua vấn đề Phật giáo nhập thế như vậy trước khi đi vào vấn đề từ thiện Phật giáo, bởi vì hoạt động từ thiện luôn gắn chặt với tinh thần nhập thế. Và bởi vì để hiểu được ý nghĩa của hoạt động từ thiện Phật giáo, cũng cần đặt nó trên những khía cạnh Phật giáo nhập thế.
TỪ THIỆN
Từ thiện, theo Phật giáo, thường được hiểu là bố thí (dāna). Vào thời đức Phật, bố thí chủ yếu bao gồm việc cung cấp những vật dụng cần thiết cho hàng tăng lữ, ban phát thực phẩm cho người nghèo, thức ăn nước uống cho chim muông… Đến thời vua Asoka thì từ thiện ngoài việc thực thi những điều trên còn có những hoạt động mang tính xã hội cao hơn như đào giếng công cộng cho dân chúng, trồng cây tạo bóng mát hai bên đường, mở bệnh viện chữa trị bệnh cho cả người lẫn thú… Về sau bố thí được định nghĩa theo một cách thức đa nghĩa hơn, gồm tài thí, pháp thí và vô uý thí.
Từ ba yếu tố chính này, nhiều vấn đề đã được triển khai thêm. Như tài thí không chỉ là việc bố thí của cải vật chất, mà đôi khi còn bố thí cả những bộ phận trên thân thể và thậm chí cả thân mạng. Điều này được tìm thấy rất nhiều trong các Jataka. Cách hiểu này khiến các Phật tử dấn thân tích cực hơn trong hoạt động từ thiện của mình. Và vì hiểu tài thí như vậy nên mới có sự hình thành những tổ chức từ thiện Phật giáo mở ngân hàng lưu trữ tuỷ, kêu gọi Phật tử hiến máu, hay hiến thân sau khi chết cho khoa học…
Pháp thí không còn chỉ được hiểu là đem giáo pháp đến với người khác, mà còn là việc truyền trao hay định hướng nghề nghiệp (theo tinh thần Phật giáo), trực tiếp hướng dẫn làm vơi giảm những tệ nạn xã hội… Điều này đưa các Phật tử đến việc mở trường học, những nơi dạy nghề, những trung tâm tư vấn và huấn luyện, những trung tâm xã hội… Pháp thí như vậy không chỉ dừng lại ở việc trước tác kinh sách, thuyết giảng giáo lý, sang phát băng đĩa Phật pháp… mà còn là những hoạt động xã hội tích cực khác.
Vô uý thí là giúp người khác không còn sợ hãi, hay nói cách khác là đem đến cho người khác sự yên bình. Vô uý thí cũng thường được hiểu là bao gồm trong tài thí và pháp thí. Chẳng hạn như một người sợ hãi vì tình cảnh túng thiếu của mình, có người đem tài vật bố thí cho vị ấy khiến vị ấy không còn sợ hãi, thí đó vừa là tài thí những cũng vừa là vô uý thí. Hoặc một người sợ hãi cái chết, có người đem giáo lý vô thường vô ngã giảng dạy cho anh ta, khiến anh ta thấy được sinh tử là một vấn đề tất yếu của cuộc sống, qua đó không còn sợ hãi nữa, vậy cũng vừa là pháp thí mà cũng là vô uý thí.
Nhưng vô uý thí cần phải được giải thích thêm nữa, dù việc giải thích thêm có thể là điều có người không đồng ý. Tức là vô uý thí ngoài những việc làm như trên, còn là những hành động trong việc giúp đỡ những nạn nhân, những người đau khổ bởi do thiên tai, áp bức, chiến tranh, dám cất lên tiếng nói bênh vực cho những giá trị con người đã không được tôn trọng,… nhằm mục đích giảm bớt nỗi sợ hãi của những nạn nhân đó.
Trong Phật giáo, mục đích của hoạt động từ thiện được hiểu theo nhiều cách. Thứ nhất, thực hành từ thiện là làm những việc lành nhằm gieo trồng những phước đức cho hiện tại và tương lai, mong muốn có một tương lai hay đời kế tiếp tốt đẹp, nếu không được giải thoát mà sanh vào lại cõi người thì cũng là hạng người có uy quyền giàu sang xinh đẹp và sức khỏe tốt. Thứ hai, làm từ thiện vì lòng từ bi và để thực hành hạnh xả ly. Mang thêm lý tưởng Bồ-tát thì vì đó là cơ sở để Bồ-tát hành Bồ-tát đạo, vì sự giác ngộ của Bồ-tát không hề lìa khỏi việc cứu độ chúng sanh. Và thứ nữa, bố thí nhằm san sẻ tài sản để qua đó làm giảm bớt sự bất công xã hội.
Nếu như đứng trên tinh thần Bồ-tát Đại thừa, bố thí nhưng không chấp vào việc bố thí, không mong cầu vào phần thưởng của việc làm ấy, xem người bố thí, vật thí và người nhận thí đều không, mục đích là giải thoát hoàn toàn mọi sở chấp, thì đối với xã hội ngày nay nó còn có một ý nghĩa xã hội khác cũng không kém phần quan trọng.
Bởi vì cứu người là cứu mình. Sự suy thoái đạo đức và đánh mất nhân tính của một bộ phận người do nghèo đói gây ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn lao đến cả một xã hội. Sự bố thí kịp thời trong việc làm vơi giảm sự đói nghèo là để ngăn chặn sự lan tràn có hệ thống đối với những vấn đề xã hội do nghèo đói gây ra. Điều này đã thể hiện rõ nơi bài kinh Chuyển luân Thánh vương Sư Tử Hống (Cakkavatti-sihanada Sutta).
Trong bài kinh này, đức Phật kể về một vị vua đời quá khứ, vì không thực hiện việc bố thí kịp thời như một hoạt động từ thiện làm giảm bớt sự đói nghèo nên đã dẫn đến một sự suy thoái xã hội: bắt đầu từ đói nghèo tràn lan, dẫn đến trộm cướp gia tăng, đến việc sử dụng vũ khí gia tăng, dẫn đến giết người gia tăng, và cuối cùng là sự suy thoái xã hội trên mặt tổng thể.
Điều này không chỉ là vấn đề lý thuyết, khi ngày nay người ta hiểu rằng, sự đói nghèo nơi này có thể ảnh hưởng đến nơi khác, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận người có thể ảnh hưởng đến một bộ phận người khác, sự khổ đau của quốc độ này có thể tạo bất an cho quốc độ khác. Như vậy, sự dấn thân làm từ thiện không chỉ vì từ bi không thôi, mà bởi trí tuệ nhận thấy rằng cứu người cũng là đang cứu mình.
Bố thí ở một góc độ khác còn là một giải pháp của Phật giáo đối với vấn đề công bằng xã hội. Dù việc thực hành bố thí vì tin sẽ có được phước quả hay vì lòng từ bi hay tu tập hạnh xả ly, thì nó không chỉ là một vấn đề thuộc phương diện tu tập mang tính tôn giáo, mà còn là một giải pháp gián tiếp nhằm phân phối lại tài sản của một xã hội; hay nói rõ ra là thông qua bố thí, tài sản của người có nhiều của cải hơn (tất nhiên có ngoại lệ) sẽ được phân chia bớt cho người có ít hoặc không có tài sản.
Như trên đã nói, từ thiện là một hoạt động không thể tách rời việc nhập thế. Vì thế, khi một tổ chức tôn giáo thực thi những công tác từ thiện thì hành động đó được xem là một việc làm nhập thế. Tuy nhiên không phải tất cả mọi việc làm từ thiện luôn được coi là những việc làm nhập thế, nếu hiểu nhập thế là hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hoạt động từ thiện không chỉ đơn giản là việc quyên góp tiền bạc theo sự vận động để thỉnh thoảng đem đi ban phát, mà khác hơn những gì được quyên góp phải được triển khai thành những đề án. Đề án đó nhằm phát triển xã hội ở lĩnh vực nào thì tùy theo từng tổ chức.
Đối với các nước, nơi đã có mặt xã hội dân sự và việc hình thành nên những tổ chức phi chính phủ và sự hành hoạt của chúng có thể dễ dàng, thì những hàm nghĩa của bố thí như trên mới mong có cơ hội được thể hiện đầy đủ. Còn ở nơi mà để làm được một công việc từ thiện phải qua hai ba lớp trung gian thì từ thiện trước sau cũng chỉ dừng lại nơi việc quyên góp tiền của đem đi ban phát, mà đôi khi đến những nơi cần được một phần, phần còn lại thì đến những nơi khác.
Và bởi vì các nhóm làm từ thiện của Phật giáo Việt Nam không thể hoạt động như những tổ chức Phi chính phủ đúng nghĩa, nên công tác từ thiện chỉ giới hạn trong phạm vị cứu trợ thiên tai, hỗ trợ những đợt chữa bệnh, thăm nuôi các trại mồ côi, dưỡng lão, v.v… mà không thể tiến xa hơn được vào những lĩnh vực khác.
Như đã nói ở phần bố thí, vì trong bố thí có vô úy thí, mà nếu vô uý thí được giải thích trong ngữ cảnh hiện đại là bao gồm cả tiếng nói bênh vực cho những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, công bằng xã hội, thì hoạt động bố thí đã phần nào bị giới hạn. Không những ở những lãnh vực trên, ngay cả một số lĩnh vực như giáo dục, y tế… chúng ta vẫn không được “dấn thân”, trong khi tại các nước khác như Thái Lan, Srilanka, Đài Loan, Nhật… những tổ chức Phật giáo đã tham gia đầy đủ vào những lãnh vực này.
KẾT LUẬN
Đưa cả hai vấn đề vào trong một bài viết ngắn thì quả thực là ôm đồm. Nhưng bởi nếu nói đến từ thiện Phật giáo mà không nhắc đến “tinh thần nhập thế” của Phật giáo thì từ thiện thường vẫn là quyên góp tiền của đem đi bố thí, mà hiệu quả của nhiều đợt bố thí có khi chỉ đem đến cho người khác một bữa ăn ngon. Đem đến cho người khác một bữa ăn ngon không phải là không tốt, nhưng từ thiện cần phải vượt qua khỏi cái khung đó để vươn đến một tầm mức xa rộng hơn.
Trong Phật giáo, từ bi phải đi kèm với trí tuệ. Từ thiện phát xuất từ lòng từ bi, nhưng từ thiện cũng phải có sự dẫn dắt của trí tuệ. Khi có sự kết hợp của bi và trí, từ thiện sẽ thoát ra khỏi sự giới hạn làm theo sự cổ động, theo sự động lòng bất chợt, theo những mảnh giấy người tốt việc tốt hay tuyên dương công đức. Và việc làm từ thiện sẽ không chỉ nhằm đến việc đem lại cho người khác một bữa ăn, mà hơn thế là giúp cho người khác tự làm ra một bữa ăn.