Những báu vật độc đáo giữa đời thường

Bà con dân tộc Tày bản Bình Lâm (xã Phú Linh, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) lâu nay vẫn biết quả chuông đồng trong chùa ở bản mình là vật quý hiếm nhiều đời để lại, nhưng những dòng chữ khắc trên thân chuông thì không ai đọc được.

Báu vật của bản

Bà con dân tộc Tày bản Bình Lâm (xã Phú Linh, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) lâu nay vẫn biết quả chuông đồng trong chùa ở bản mình là vật quý hiếm nhiều đời để lại, nhưng những dòng chữ khắc trên thân chuông thì không ai đọc được. Mới đây có một cụ tuổi tám mươi, lặn lội từ Hà Nội lên, do tinh thông chữ Hán mà cụ đã phát hiện được nhiều điều bất ngờ.
Điều thứ nhất, quả chuông được đúc vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi 1295, tại mái hiên Viện Đại Bi, thành Hà Giang. Quả chuông này được treo tại chùa Bình Lâm, trường Phú Linh, tức là đến mùa xuân Canh Dần này quả chuông đã 705 tuổi và hai địa danh làng, xã ở đây đã có ít nhất là trên 700 năm. Điều thứ hai, chuông còn khắc một câu chuyện luân lý, làm quan phải biết cách xử sự như “Con lân đời nhà Chu”.
Theo truyền thuyết từ phương Bắc, lân là con vật nom bề ngoài kềnh càng, dữ tợn mà tính thì hiền khô, khi đi rón rén không dám dẫm nát cỏ hay côn trùng dưới chân. Tiền nhân muốn căn dặn người cầm quyền địa phương thời nào cũng vậy, phải thành tâm tôn trọng mọi điều lớn nhỏ trong cuộc sống của muôn dân.

Cụ già từ Hà Nội đến bản là nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng (bút danh Phạm Hồng), nguyên đại tá, phóng viên báo Quân đội nhân dân.

Cây đa “vua”

Tại Fetival sinh vật cảnh tại TPHCM, cây đa lông búp đỏ của nhà Thu Châu ở xóm Cầu (xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), được giới sành chơi cây cảnh cả nước nhất trí gọi là đa “vua”. Bởi nó đạt được cả ba tiêu chuẩn cao về cổ - kỳ - mỹ. Cổ- trải 3 đời, đến nay ước tính trên 120 năm. Kỳ- tán mâm xôi tròn trịa, các nhánh chính uấn lượn tựa thân rồng kỳ vĩ. Mỹ- vẻ đẹp cân đối, hài hoà. Mùa xuân này, đã có người đến trả tới 5 tỷ đồng mà gia chủ chưa gật đầu.

Ở hiền gặp lành

Tiến sĩ địa chất Hồ Vương Bính vốn nặng tình với quê hương Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Trong ngày giỗ đầu anh rể, bà chị dâu mua ngoài chợ 10 con ốc hương to để tặng những người ở xa đã tận tình giúp đỡ lúc tang gia bối rối. Riêng phần ông Bính, mãi hàng tuần sau ông mới về lấy. Ông vứt bỏ phần ruột đã rữa, định giữ lại cái vỏ làm kỷ niệm, vừa dốc ruột ra, bỗng thấy một viên ngọc màu vàng cam tuyệt đẹp rơi ra.
Theo giám định của Viện Đá quý trang sức Việt Nam, thứ ngọc được hình thành, tích tụ lâu năm trong con ốc rất quý hiếm, tên khoa học là “Melo”. Một ông phó giám đốc ngân hàng của I-ta-li-a tại Hà Nội biết tin, đã đến trả 30.000 USD để được sở hữu viên ngọc đó.

Phạm Quang Đẩu

Báo Gia đình & Xã hội Xuân Canh Dần