Ông Thầy tu danh tiếng, tích cực lo cho Hoà Bình, Thích Nhất Hạnh

Người là hiện thân cho một thứ đạo Bụt dấn thân


Ngọn gió tâm linh thổi xuyên qua

vùng ruộng nho và đồi mận

“Ở Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới, đạo Bụt phải được làm mới. Hiện nay ở Việt Nam phần đông thiên hạ nghĩ rằng đạo Bụt là để dành cho các vị xuất gia và cho những ông bà cụ già. Tuy nhiên chính những người trẻ lại đang rất cần có một nếp sống tâm linh, nếu không họ sẽ bị lạc lối. Nhưng nếu đạo Bụt không trao truyền được cho người trẻ những phép tu tập có thể đáp ứng lại những nhu yếu của họ, thì họ sẽ ruồng bỏ truyền thống tâm linh của cha ông họ.” Thầy Thích Nhất Hạnh đã giải thích như thế. Sau 39 năm sống lưu vong, vị thiền sư Việt Nam định cư trên đất Pháp đã trở về thăm quê hương đất nước của ông, hồi đầu năm vừa qua. Ông được chính quyền Cộng Sản cho thuyết pháp ở những nơi công cộng. Trong các thính đường, ở các nơi trình diễn công cộng và tại các chùa, chỗ nào thiền sư tới giảng cũng đầy ắp người. Ba trăm thanh thiếu niên, nam và nữ đã theo Thầy để xuất gia, thành lập hai tu viện ở hai nơi trên đất nước Việt Nam, theo thể thức tổ chức tu viện Làng Mai của thiền sư ở Pháp.

Thiền sư nói rõ thêm: “ Những điều tôi chia sẻ đã gợi hứng cho nhiều người, bởi vì tôi truyền trao một thứ Phật giáo dấn thân trong cuộc đời, gần gũi với những thao thức của mọi người, một loại Phật giáo đã được làm mới lại, nhờ ba mươi năm tu tập và giảng dạy ở Tây Phương.”

“Muốn thương ai ta phải có mặt, cả thân và tâm, cho người đó”

Rõ ràng là người Việt Nam đã không nhầm lẫn. Người Pháp cũng thế. Mùa Xuân năm nay, như các mùa Xuân mỗi năm, 700 người Pháp đã về Làng Mai để dự khóa tu trọn một tuần lễ do Thiền Sư dạy bằng tiếng Pháp. Phần đông từ 25 đến 55 tuổi, đến từ khắp mọi miền nước Pháp. Cũng có một số đến từ Bỉ hay Thụy Sĩ, từ Ý và Tây Ban Nha. Có những người đã chịu bay từ Montréal – Gia Nã Đại. “Nhà tôi đã biết được Thầytừ Gia Nã Đại. Những điều Thầy dạy đã khiến cô ấy quá mến phục nên đã thuyết phục được tôi cùng đi ”. Vị thiền sinh người Gia Nã Đại đã thú thật với tôi như thế khi ông đặt chân đến Làng Mai - một góc trời Việt Nam nho nhỏ nằm ở tam biên các tỉnh Dordogne, Lot& Garonne và Gironde. Từ năm 1982 Thầy Nhất Hạnh cùng một số đệ tử của Thầy đã chọn làm quê hương góc trời nhỏ giữa những ruộng nho và những đồi mận này.

Rồi từ từ, khi mà những điều dạy dỗ của Thầy đã xuất hiện qua nhiều cuốn sách của Thầy trong các hiệu sách Pháp và các nước nói tiếng Pháp, với những quyển sách càng ngày càng nổi tiếng ấy, số người đến tu học càng lúc càng đông, các vị xuất gia đã mua thêm một nông trại, rồi hai nông trại, rồi một góc Xã cho đến cuối cùng là có bảy xóm tất cả, làm thành một Làng. Làng có tên là Làng Mai vì họ có trồng 1250 cây mai ăn trái. Tiền bán trái mai (mận) sẽ để dành nuôi trẻ em thiếu ăn tại Việt Nam và các nơi khác.

Rải rác đây đó là những hồ sen, những tượng Bụt được dựng lên và những tháp chuông, dưới mỗi tháp mái cong là một quả chuông thật to. Tiếng chuông trầm hùng thỉnh lên mỗi giờ một lần, suốt cả ngày. Khi chuông thỉnh lên thì mọi người dừng lại, từ ánh mắt đến cử chỉ, lời nói. Nhìn cỏ cây, lắng nghe chim hót hay cảm nghe làn gió nhẹ mơn man trong không gian. Rồi sự sống lại tiếp tục diễn tiến. Những điều dạy của Thầy Nhất Hạnh nằm nơi bí quyết đó. Sự có mặt thật tình trong phút giây hiện tại mà Thầy gọi là “ chánh niệm” và mọi người - người tới tu tập hay người chỉ mới bước chân tới thăm Làng Mai lần đầu - tất cả đều nếm được sự dừng lại với hình ảnh đó.

Các thiền sinh về đây tu học được chia thành từng nhóm, nhóm đây không phải là nhóm người chỉ mê sống theo thiên nhiên, họ cũng không là những người hoài niệm thời híp-pi. Bất cứ ai về đây, tất cả đều phải chấp nhận hay tạm chấp nhận sống chung phòng với những người lạ chứ không còn cách nào khác. Tất cả đều phải chấp nhận ăn những bữa ăn chay chung, theo lối Việt Nam, chấp nhận tham dự những buổi thiền làm việc, có khi gọi là chấp tác, nhặt rau hay xắt gọt dưa, khoai, hay lau nhà vệ sinh v.v... Nhưng không ai than phiền cả. Không khí thật bình an và tươi vui, rất khác xa với những mẫu mực có sẵn của những nhóm Phật tử nghiêm nghị và khắc khổ. Suốt một tuần lễ, mọi người đều phải thức dậy từ lúc 5 giờ 00 sáng để ngồi thiền sáng vào lúc 5g 30, hướng dẫn bởi một thầy hay một sư cô của Chùa thuộc xóm mình ở - mỗi xóm có khoảng 50 sư cô và vài trăm thiền sinh trong đó có mươi sư cô Tây phương. Các sư cô mặc áo nâu, đầu cạo nhẵn, ngồi trên những chiếc gối tọa thiền, hướng dẫn thiền sinh định tâm vào hơi thở vào... hơi thở ra.., ý thức toàn thân… buông thư toàn thân..., an trú thâm sâu trong phút giây hiện tại. Vào 9 giờ 00 sáng tất cả từ trẻ con đến người lớn đều tập trung vào thiền đường lớn. Mọi người ngồi yên tới nỗi người ta có thể nghe cả tiếng ruồ i bay. Họ ngồi để chuẩn bị nghe pháp thoại của Thầy.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn giảng với giọng nói thật nhẹ nhàng, bằng một thứ tiếng Pháp tuyệt hảo, thanh lịch, không cần chêm những chữ chuyên môn khó hiểu, cũng không cần dùng những từ đặc biệt Phật giáo cầu kỳ.

Thầy nói: “Muốn thương thì phải “có mặt”, cả thân và tâm. Bằng hơi thở chánh niệm. Để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra, cái tâm nhờ thế không đi lung tung, được đưa trở về lại với thân, và do đó ta có mặt cho chính ta và cho người ta thương. Món quà quý nhất cho người mình thương là sự có mặt thật tình cho người đó : Mẹ (hay Ba) thương ơi, con có mặt cho mẹ (ba) đây ! Hay là: Anh thương ơi, em có mặt cho anh đây. Hay là: em thương ơi, anh có mặt cho em đây. Hay là: con của mẹ ơi, con của cha ơi, cha (hay mẹ) đang có mặt cho con đây!” Không bị thời gian tàn phá, gương mặt thanh lịch của ông Thầy tu tỏa rạng sự bình an.

Suốt một tuần lễ, nữ luật gia Nathalie, trong những bộ áo có vẻ thời trang, đến từ miền Alpes Maritimes, đã bỏ hẳn văn phòng luật sư của cô, chồng cô và đứa con tám tuổi để đến đây tu học. Chúng tôi ngồi đàm đạo trong thiền đường với câu bút pháp: “Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương”. Khi chia sẻ với các bạn thiền sinh khác, cô Nathalie cảm động nói: “Các điều Thầy dạy sáng nay tiếp tục âm vang trong tôi. Đơn giản vô cùng nhưng thật thâm sâu và không dễ thực tập để mà sống được như vậy. Thầy đang thật tình có mặt cho chúng ta; tôi cảm nghe như Thầy đang hướng dẫn từng bước cho chúng ta đi. Thầy dạy ta nhìn kỹ, nhận diện từng chiếc bóng của chính chúng ta tận mặt, mà không cần có mặc cảm tội lỗi. Như thế ta tiếp xúc được với phần thương tích của chính mình bằng tất cả lòng từ bi, khi nhận diện sự có mặt của thương tích trong ta thì ta có thể hiểu và thương được cách hành xử của người khác vì họ cũng đã từng bị thương tích như mình.”

Như phần đông những người tu tập ở Làng Mai, Nathalie không tự nhận cô là Phật tử. Nhưng từ khi khám phá được sách của Thầy, cô đã tới Làng Mai học với Thầy để có thể có nếp sống đẹp, lành mạnh và hạnh phúc hơn. Những người khác thì xin quy y với Thầy. Là đệ tử tại gia của Thầy, họ tự hứa và hứa với tăng thân Làng Mai trong một buổi lễ quy y là sẽ sống đời sống hằng ngày theo tiêu chuẩn năm giới, trình bày theo cách của Thầy. Họ sẽ tập tìm hiểu sâu thêm giáo lý Bụt dạy và tập thiền quán. Đó là trường hợp cô Marianne 52 tuổi, cố vấn về quản trị xí nghiệp nên biết rất rõ những nhịp độ công tác và những đòi hỏi cấp bách, những điều kiện bức xúc trong các hãng xưởng. “Pháp môn dạy dỗ của Thầy giúp tôi biết nắm lấy những gì thiết yếu nhất.” Cô Marianne tới tu học ở Làng Mai từ nhiều năm nay. Lần này cô mời được mẹ cô cùng về. Bà cụ là người theo đạo Thiên Chúa rất thuần thành. Bà cụ nói “Tôi rất may mắn mà thuộc về một giáo xứ rất cởi mở và nhờ vậy đã được phép thuật lại cho giáo dân nghe những gì tôi học được khi đi tu học ở Làng Mai về. Giáo lý đạo Bụt mà Thầy dạy không có gì chống đối với những điều tôi học trong Thánh Kinh. Ngược lại, những ngày sống ở Làng Mai giúp tôi có nhiều bình an khiến tôi thấy con tim mình mở ra, hiểu Chúa Ky Tô và những người khác nhiều hơn.”

“Ban đầu người Pháp tưởng là họ cần phải mặc áo ki mô nô...”

Nhóm quần chúng đủ màu sắc này, thiền sư Nhất Hạnh đã hiểu khá rõ tâm tư họ nên Thầy đã giúp họ được rất nhiều.

Sư Cô Chân Không, tới Pháp vào những năm cuối thập niên 1960 để phụ giúp thiền sư lo các chương trình cứu trợ nạn nhân chiến tranh và kêu gọi hòa bình, đã vui vẻ nhắc : “ Ban đầu người Pháp tưởng là họ cần phải mặc áo ki mô nô, ăn cơm bằng đũa thì mới trở nên Phật tử được! Thầy mới bảo với họ rằng những điều Bụt dạy là một nghệ thuật sống trong bình an và sâu sắc. Với nghệ thuật sống đẹp đó, quý vị là người Pháp thì nên xây dựng một đạo Bụt Pháp có màu sắc văn hóa Pháp”. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị Thầy hiếm có, rất lão thông văn hóa Pháp. Trong những bài thuyết giảng, ông hay hóm hỉnh thuật về triết gia Pháp Descartes hay đọc thơ của thi hào Victor Hugo. Người cũng rất giỏi Thánh Kinh. Thiền Sư xác nhận như sau : “ Khi đọc Thánh Kinh hay khi tiếp xúc với các bạn Ky Tô Giáo, tôi nhận thấy rằng thỉnh thoảng hai đạo này giao thoa rất kỳ diệu với nhau và nhìn cho kỹ thì một số tín hữu Ky Tô lại có nhiều Phật tính hơn một số Phật tử. Bởi vì khi bạn hành xử với lòng bao dung và từ bi thì bạn đã là Phật tử rồi !”

Tuần báo LA VIE ra ngày 29 tháng 6 năm 2006

ký giả Isabelle Francq
Sư cô Chân Không chuyển ngữ