CHÁNH ĐẠO

 
Hôm nay chúng ta sẽ nói với nhau về đề tài Chánh Đạo. Vì sao ta nói chuyện về Chánh Đạo? Bởi vì trên đời này có hai loại đạo: một là Chánh đạo, hai là Tà đạo.
Chánh đạo là đạo đúng đắn mà nếu ta tu theo được Chánh đạo đó thì ta sẽ làm những điều đúng, cuộc đời ta được hạnh phúc, Thần Thánh ở trên cao sẽ phù hộ cho ta để cuộc đời ta có nhiều may mắn, được phát triển, được giàu sang, được mọi điều tốt đẹp,… và thậm chí khi ta chết đi rồi ta sẽ được về nơi rất hạnh phúc, an lành.
Còn Tà đạo là gì? Tà đạo là những đạo sai lầm, dạy cho ta sai lầm, làm cho ta đối xử với mọi người xấu, ác thế là sau này ta mắc Quả báo làm cuộc đời ta không may mắn, Thần Thánh không phù hộ cho ta, đời ta gặp nhiều đau khổ và thậm chí khi ta chết đi rồi ta sẽ về một nơi rất đau khổ.
Cho nên sống trên đời này ai cũng cần có một đạo để đi theo và quan trọng là phải tìm cho ra một Chánh đạo để đi theo, đừng bao giờ để lầm mà đi theo Tà đạo.
Thường ta sẽ nghe nhiều người giới thiệu về đạo, khi đạo này khi đạo kia, và quan trọng là khi người đi giảng đạo họ cũng thường tự xưng họ là Chánh đạo. Mình nghe họ xưng họ là đạo đúng, là Chánh đạo cho nên đôi khi mình cũng không phân biệt được ai là Chánh đạo, Tà đạo; mình tưởng rằng ai cũng là Chánh đạo nhưng sự thật không phải vậy. Người nào cũng tự xưng mình là Chánh đạo, miệng nói Chánh đạo nhưng bên trong họ là Tà đạo. Đây là điều mà người Phật tử ta phải cẩn thận, phải tinh tế để nhận ra cái gì là Chánh đạo, cái gì là Tà đạo.
Ví dụ mình ở trong buôn làng, có một người đi tới để truyền đạo, họ cũng nói đạo của họ là cao siêu nhất, là chân chính nhất và nếu mình không có bản lĩnh, không có trí tuệ, gặp ai mình cũng tin thì có lẽ một lúc nào đó mình sẽ theo lầm một Tà đạo. Và nếu theo lầm Tà đạo rồi thì cuộc đời mình sẽ rơi xuống vực thẳm, coi như chìm trong hố sâu, xem như vứt vào giỏ rác luôn. Nhưng mình không biết, mình cứ tưởng mình đi con đường đúng, đi con đường hay. Nên vì vậy, người Phật tử phải có con mắt sáng, phải có trái tim sáng, phải có đôi tai rất thính để khi nghe người ta nói, nhìn người ta làm thì tâm mình hiểu ra ai là Chánh đạo, ai là Tà đạo. Chánh đạo là những cái đúng, cái hay, cái sâu xa mang lại lợi ích, hạnh phúc cho đời này và những đời sau. Còn Tà đạo, mới nói nghe có vẻ hay nhưng khi ta theo Tà đạo đó rồi, ta sẽ dần trở nên hung hăng, dữ tợn, chia rẽ rồi ta làm những điều xấu xa để khi ta chết đi rồi ta sống đều vào những nơi đau khổ. Nên quan trọng của cuộc đời con người chính là tìm ra một Chánh đạo để đi theo.
Vậy đạo Phật có phải là Chánh đạo không ạ? Đạo Phật là Chánh đạo nhưng đừng tưởng ai theo đạo Phật cũng đều là chân chính. Tại sao vậy? Bởi vì giữa danh nghĩa bên ngoài và thực chất bên trong của một con người là khác nhau. Nên có khi danh nghĩa bên ngoài là tốt nhưng cá nhân con người là xấu.
Ví dụ mình nói Nhà Nước ta tốt hay xấu? Nhà Nước ta tốt! Nhưng có phải ai cũng tốt không? Có những cán bộ vì động cơ cá nhân nên đã làm những chuyện sai quấy, thậm chí nhiều khi ăn hiếp dân. Vì vậy ta phải hiểu cái lớn là như thế, cái nhỏ là như thế mà không buồn. Ví dụ ta biết Nhà Nước ta là tốt, là Chánh đạo nhưng có một, hai cán bộ có những sai lầm như họ đến la mắng mình, ăn hiếp mình thì mình biết cá nhân con người này tuy là người của Nhà Nước nhưng cá nhân họ không phải là Chánh đạo, coi chừng người này là Tà đạo.
Đừng tưởng bên ngoài đúng thì cái gì cũng đúng hết. Ví dụ đạo Phật ta là Chánh đạo nhưng có phải ông thầy tu nào cũng chân chính không? Không! Có những ông thầy tu cũng phạm những sai lầm! Vì vậy ta đi theo con đường Chánh đạo nhưng không phải cá nhân nào ta cũng tin vì còn có người sai, người đúng lẫn lộn ở trong đó rất nhiều. Thấy họ xưng họ là Chánh đạo nhưng việc làm của họ nhiều khi lại là Tà đạo cho nên ta phải sáng mắt nhìn cho rõ! Ví dụ như có người vào buôn làng cho ta gạo, cho ta tiền, họ nói ngọt với ta, họ nói họ thương ta. Như vậy họ có phải là Chánh đạo không? Hành động thì rất giống Chánh đạo, vì khi ta đang thiếu thốn họ lại cho ta mấy chục ký gạo, cho tiền, nói tôi thương bạn lắm,… nhưng ta phải cẩn thận. Trên đời, giữa Chánh đạo và Tà đạo rất khó phân biệt! Họ cho mình tiền, họ nói thương mình nhưng sau đó lại xúi mình làm chuyện bậy thì đó chính là Tà đạo. Còn những người nào ban đầu họ cho mình gạo, cho mình tiền,… nhưng sau đó lại hướng dẫn mình làm những chuyện đúng với luật pháp quốc gia, đúng với đạo lý mà ông bà ta từ ngàn xưa để lại, họ hướng dẫn ta sống có đạo đức để sống với xã hội này yên vui thì ta biết đó là Chánh đạo. Tức hành động của họ là chân chính, tâm họ sáng nên hướng dẫn mình làm những điều đúng, còn những người ban đầu có vẻ như Chánh nhưng hành động về lâu về dài lại là Tà. Vì vậy ta phải rất cẩn thận!
Và nhiều khi những điều nào dễ hiểu coi chừng cũng không phải là Chánh đạo! Ví dụ như ngày xưa khi Đức Phật tu hành sau 6 năm khổ hạnh, rồi Ngài ngồi kiết già dưới cội bồ đề, 2 chân bắt chéo, 2 tay để lên lòng như vậy, bất động, lưng thẳng, mắt nhắm, Ngài nhập định, không ăn, không ngủ, không đi tới, đi lui suốt 49 ngày. Lúc đó ma ở trên trời hiện xuống phá Ngài, đầu tiên nó hiện thành những cô gái đẹp để dụ Ngài nhưng Ngài không động tâm, không nhúc nhích; sau nó hiện ra những tên cướp lấy cung tên đâm Ngài nhưng Ngài không nhúc nhích, cung tên không xâm phạm, không đụng vào cơ thể Ngài được. 49 ngày Ngài ngồi không nhúc nhích, Ngài đắc được thần thông cao siêu, hào quang chiếu sáng cả trời đất, khi Ngài đắc đạo rồi Ngài mới thấy hết trời đất vũ trụ này là như thế nào, lòng thương yêu của Ngài phủ trùm khắp chúng sinh trong cõi đời này nhưng Ngài cứ ngồi yên như vậy.
Lúc đó ông trời mới thấy Ngài đắc đạo rồi, hào quang chiếu sáng từ cõi đất lên đến cõi trời thì ông mới đến, chắp tay quỳ xuống thỉnh Ngài: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Thế Tôn đã đắc đạo rồi mà chúng sinh còn u mê tăm tối, không hiểu thế nào là Chánh đạo, chúng sinh nhiều người còn bị Tà đạo làm mê muội cho nên con kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp đem lại Chánh đạo cho chúng sinh để chúng sinh được sáng mắt, được mở lòng mà đi theo con đường Chánh đạo, nhờ đi theo con đường Chánh đạo này mà chúng sinh không bị rơi vào hầm lửa, không rơi vào hầm chông, không rơi vào nước sôi, không rơi vào đau khổ”.
Đức Phật mới nói thế này: “Này Phạm Thiên, Chánh đạo mà Như Lai đắc được rất là khó hiểu đối với chúng sinh”. Đúng là như vậy, đạo lý cao siêu khó mà hiểu được! Lúc đó ông trời mới quỳ xuống và chắp tay với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Đúng là Chánh đạo rất khó hiểu nhưng mà kính bạch Đức Thế Tôn, có những chúng sinh căn cơ cao cũng giống như hoa sen còn chìm trong mặt nước, sắp sửa vươn lên khỏi mặt nước, nếu Thế Tôn thuyết giảng Chánh đạo này thì chúng sinh đó cũng giống như hoa sen vượt khỏi mặt nước mà nở ra thành một đóa hoa đẹp ngời tỏa hương thơm ngát. Có những chúng sinh căn cơ thấp cũng như mụt sen còn nằm dưới sình nhưng mà nhờ Chánh đạo của Thế Tôn thuyết giảng sẽ từ từ ló lên khỏi bùn sâu, vươn lên từ từ trong ao nước, một ngày nào đó, một vài trăm năm sau, một vài ngàn năm sau cũng có thể vươn lên khỏi mặt nước trở thành một đóa hoa sen thơm ngát. Kính xin Đức Thế Tôn hãy vì chúng sinh mà cất lên lời thuyết pháp”. Phạm Thiên nói hay quá, Thế Tôn mỉm cười chấp nhận, giây phút Thế Tôn mỉm cười chấp nhận thuyết pháp thì đất trời rung động, Phạm Thiên mừng quá nên đảnh lễ Đức Thế Tôn 3 lạy, đi vòng quanh Thế Tôn 3 vòng để bày tỏ lòng tôn kính rồi biến mất trở về cõi trời để quan sát, theo dõi Đức Phật suốt 45 năm sẽ đi thuyết pháp như thế nào. Và đúng như vậy, 45 năm sau Đức Phật thuyết pháp tạo thành Chánh đạo mà ngày hôm nay ta gọi là đạo Phật và đạo Phật lan truyền suốt mấy nghìn năm nay.
Thế tại sao giáo Pháp là khó hiểu, không phải chúng sinh nào cũng có thể hiểu được? Bởi vì sự thật rất khó hiểu!
Ví dụ như khi ta còn bé ta thấy mưa trên trời rơi xuống ta mới hỏi ba mẹ ta “mưa từ đâu rớt xuống?”, người cha người mẹ không biết trả lời mới nói là ông trời khóc. Ta trả lời vậy cho nhanh, cho gọn.
Hỏi nước sông, nước suối ở trên nguồn từ đâu mà chảy mãi? Trả lời “ông trời nhổ nước miếng đó con|”.
Ví dụ như có một đứa bé đi ngoài đường bị tai nạn giao thông chết, hỏi sao bị xe tông chết vậy thì trả lời rằng ông trời sai xe cán nó chết… Cứ đổ thừa cho ông trời hoài! Vậy tại sao chuyện gì ta cũng đổ thừa tại ông trời? Bởi vì điều đó dễ trả lời! Nhưng cái gì dễ trả lời là cái đó sai, không đúng!
Bây giờ ta có thể trả lời mưa từ đâu rơi xuống. Ngày hôm nay ta biết rằng mưa là từ mây, mây gặp không khí lạnh đọng lại thành nước rơi xuống. Thế tại sao có nước sông chảy? Vì mưa rơi xuống, thấm vào rừng, rừng ứa vào mạch, mạch tập trung chảy vào một nguồn, một dòng tuôn xuống buôn làng ta để cho ta có nước tưới cá phê, tưới rẫy. Rồi bây giờ tại sao đứa bé bị xe tông cán chết? Tại ông tài xế lái xe ẩu mà cứ đổ thừa cho ông trời! Cho nên cái gì dễ trả lời là không đúng sự thật. Bởi vậy, Đức Phật chúng ta nói mọi chuyện trên đời do Nhân Quả, Nhân là hột, Quả là trái. Đức Phật dạy ta Nhân Quả này nghe khó hiểu hơn rất nhiều nhưng nó là Chánh đạo, là sự thật!
Nhân nào Quả nấy là như thế nào? Ví dụ khi ta trồng ớt thì ta phải có được trái ớt, ta trồng được hạt dưa thì ta có được trái dưa, ta trồng cà phê thì ta hái hạt cà phê. Cũng vậy, ta gieo xuống cuộc đời này hạt thương yêu thì cuộc đời ta gặp toàn thương yêu, đi đến đâu cũng được người ta thương yêu. Khi ta gieo hạt giúp đỡ thì mình sẽ hái được trái giúp đỡ, nghĩa là mình thấy ai khổ mình đến giúp, mình thấy ai bệnh mình phụ chữa bệnh người ta thì khi mình đi đến đâu cũng sẽ được người ta giúp đỡ, người ta không bỏ mình.
Ví dụ mình có việc gì đó mà lại bị lỡ đường, xe bị bể bánh, hết xăng, đứng chơ vơ giữa đồng ruộng, bụng thì đói, hoàn cảnh như vậy nhưng do phước mình đã gieo khi giúp đỡ hàng xóm trong buôn làng nên giờ trổ ra Quả báo khiến cho tự nhiên có người chạy qua hỏi mình “Anh làm sao mà đứng đó, trời thì bắt đầu tối, anh có vẻ xanh xao,...” Họ biết hoàn cảnh mình và giúp đỡ đưa mình về tới nhà. Như vậy, do mình gieo hạt giúp đỡ mọi người nên ngày nay mình được người khác giúp lại!
Quý Phật tử có mua vé số chưa? Có trúng số lần nào chưa? Nếu mình lỡ trúng số thì có phải ông trời cho mình trúng không? Không phải! Đó là tại Nhân gì đó mình đã gieo, hạt giống nào đó mình đã trồng dưới đất ngày xưa, khi mình thấy ai khổ quá mình đã đem cho người ta tiền hoặc trong làng mình có cái ổ gà, người ta đi ngang qua lại cứ bị té hoài, bữa đó mình không đi làm rẫy nữa mà lấy đất lấp cái hố đó lại cho con đường nó bằng phẳng để người ta đi qua đi lại bình an không té. Nhờ có một lần mình đã làm điều tốt nên mua vé số được trúng.
Nhân Quả đó là của chính mình, Phật cũng không cho mình, trời cũng không cho mình mà đó là luật Nhân Quả công bằng.
Ta gieo hạt gì ta sẽ hưởng trái đó, đó lá Chánh đạo.
Nhưng Chánh đạo này rất là khó hiểu. Ví dụ có một lần mình thấy hai người gây lộn với nhau rất ghê, có thể đánh nhau, mình đến can ngăn nhưng cuối cùng lại bị người ta đánh cho 2 cái. Mình nghĩ can người ta là tốt nhưng tại sao lại bị người ta đánh? Đây là do Nhân Quả mình đã gieo, đời xưa nào đó hoặc là kiếp trước cũng có một lần mình đánh ai đó 2 cái cho nên kiếp này mình can người ta đừng đánh lộn nhưng bị người ta đánh lại. Cho nên cái gì cũng có Nhân có Quả, mà Nhân Quả kéo từ nhiều kiếp, từ kiếp này qua kiếp kia.
Kiếp này qua kiếp kia là sao? Nghĩa là khi cha mẹ sanh ta ra bồng trên tay, chúng ta lớn lên từ từ rồi già chết là một kiếp. Nhưng một kiếp không phải là hết mà trước kiếp này ta cũng đã từng có một kiếp, ta cũng được sinh ra, lớn lên rồi già chết. Cứ hết kiếp này đến kiếp khác, ta được sinh ra, lớn lên già rồi chết. Điều đó đạo Phật gọi là luân hồi tái sinh. Ta cứ tái sinh từ kiếp này qua kiếp kia mãi như thế và đó là luân hồi vô tận rất là buồn chán. Mà trong luân hồi đó ta gieo Nhân nào lại gặt Quả đó… Nhưng kiếp này tái sinh qua kiếp kia rất là khó hiểu vì Chánh đạo là khó hiểu! Còn những ai giảng đạo cho ta nói những cái gì đơn giản, dễ hiểu coi chừng cái đó không phải Chánh đạo mà rất dễ rơi vào Tà đạo. Cho nên ai nói gì dễ hiểu quá ta đừng tin, mà phải hiểu Chánh đạo có gì đó khó khó đằng sau!
Ví dụ khi có ai đem tiền, đem gạo đến cho ta. Ta hãy suy nghĩ sao lại dễ như vậy, ở đâu có người đem gạo, đem tiền đến cho mình, nói thương mình? Cuộc đời không dễ như vậy! Chánh đạo không dễ như vậy! Ta phải cẩn thận vì đằng sau đồng tiền, bao gạo đó còn có cái gì nữa hay không? Cái phía sau đó mới là cái đáng sợ, mới là cái quan trọng mà ta phải hết sức cẩn thận! Cũng vậy, nếu ta trồng hạt giống thù ghét sẽ mọc lên cây thù ghét và ra trái thù ghét, nghĩa là nếu trong đời của ta, ta ghét người này, ghét người kia thì sau này khi đi đâu cũng bị người khác ghét bỏ mình bởi vì mình đã nuôi thù ghét ở trong lòng.
Nếu có người nào đó đến xúi ta, nói rằng: mình là người dân tộc, mình phải ghét người Kinh. Nếu ta tin theo họ, ta đã gieo hạt giống thù ghét xuống đất, hạt sẽ mọc lên cây thù ghét, mai mốt ta sẽ ăn trái thù ghét, nghĩa là đời ta đi đâu cũng bị người ta xua đuổi, thù ghét mình. Nếu ta gieo hạt giống đánh giết thì nó mọc lên cây đánh giết, nó sẽ mọc lên cây đánh giết, mai mốt ta sẽ phải ăn trái đánh giết đó, nghĩa là nếu ta hung hăng dữ tợn, gặp ai cũng đánh hoặc là tay ta cầm dao ta chém người nào, tay ta cầm súng bắn người nào, ta cầm trái nổ để quăng vào chỗ nào đó để ta giết người thì như vậy ta đã gieo hạt giống đánh giết xuống, sau này ta phải ăn trái đánh giết đó nghĩa là chính ta, gia đình ta sẽ bị khiến có người khác chém ta, bắn ta bù lại để trả lại Quả báo đó. Vì vậy, người đệ tử Phật không bao giờ được gieo Nhân đánh giết, không bao giờ mình cầm dao, cầm súng để bắn giết ai hết.
Lúc nào ta cũng nói chuyện bằng pháp luật, nói chuyện với nhau bằng tình thương yêu, có chuyện gì khúc mắc không bằng lòng với nhau thì gặp nhau mà bàn. Ví dụ như “bữa hôm trước con bò của tui qua nhà anh sao mà không biết giờ nó bệnh chết, giờ anh phải đền cho tui”, mình chỉ nói chuyện với nhau vậy thôi chứ không được cầm dao qua nhà người ta bắt đền con bò chết hôm trước rồi chém, giết người ta.
Không được gieo Nhân đánh giết một cách thô bạo mà phải bằng lời nói “không biết con bò nhà tui qua nhà anh rồi bị sao, giờ anh đền con bò cho tui”. Ban đầu người kia sẽ cãi “tui đâu biết, con bò nhà anh bịnh chết, sao anh qua đây bắt đền tui?”, nếu hai bên nói chuyện với nhau không được thì mình nên nhờ một già làng, một người lớn tuổi đứng ra phân xử dùm để xử làm sao cho công bằng chứ tuyệt đối không được cầm dao, cầm cây qua đánh người ta, vì như vậy là mình đã gieo Nhân đánh giết, sau này đi đâu mình cũng sẽ bị người ta đánh, người ta đập, người ta giết và đó là điều hoàn toàn không tốt tí nào. Đó là đau khổ! Vì vậy, mình không bao giờ được cầm vũ khí để đánh người, để giết người.
Tệ nhất là nếu người nào đó đưa cho mình khẩu súng, họ chỉ cho mình cách bắn, họ nói mình “Tập bắn đi! Ban đầu bắn thú rừng, sau này tìm người nào đó mà bắn!” thì đó là người cực ác, người đó là người rất ác độc, những người như vậy mình không được giao tiếp với họ, nếu cần mình phải báo chính quyền. Và ở giữa cuộc đời này có một người gieo Nhân đánh giết, xúi người ta giết nhau, đó là một người ác. Ta không được như vậy! Ta là đệ tử Phật, ta không được đánh giết ai! Ta là công dân của nước Việt Nam, ta chỉ muốn sống trong hòa bình, trong thương yêu, ta không bao giờ dại khờ mà gieo Nhân đánh giết lẫn nhau làm cho đời đau khổ và làm cho chính ta sau này sẽ bị Quả báo đau khổ.
Cũng như nếu ta gieo hạt giống đoàn kết, nó sẽ lên cây đoàn kết, mọc trái đoàn kết và ta sẽ hưởng trái đoàn kết đó cả đời. Nghĩa là nếu ta thấy ai chia rẽ, người này ghét người kia, người kia ghét người nọ, ta hãy đến và nói thế này “Sống trên đời, đừng ghét nhau, con người phải biết thương nhau, ở trong cùng làng cùng xóm là phải biết thương nhau, mà người khác làng cũng phải biết thương nhau, cả đất nước này phải thương nhau, phải đoàn kết với nhau, đừng ghét nhau, đừng chia rẽ với nhau”.
Nếu ta kêu gọi mọi người thương yêu nhau, đoàn kết với nhau như vậy, sau này ta hưởng trái phúc, ta hưởng trái đoàn kết là bạn bè ta đông vui, đi đâu ta cũng gặp người đông vui với mình chứ không bao giờ phải sống heo hút, cô độc. Ví dụ, có ông kia, miệng rất xấu, đi đâu cũng chia rẽ người ta, qua nhà người này nói xấu người kia, qua nhà người kia nói xấu người nọ, ông làm cho cả làng ghét nhau, không ai chơi với ai hết, tức là ông gieo Nhân chia rẽ, cô độc làm mọi người ghét nhau, không ai muốn nhìn mặt nhau hết. Lần đó, Quả báo đến với ông, ông nghe người ta rủ lên thuyền, ra biển chơi rất là thú vị, ông mua vé mất mấy triệu đồng; không ngờ Quả báo đến lúc trổ ra, bão tới đánh vỡ tàu, mỗi người trôi không sao, bão lắc làm tàu nghiêng, những người khác người ta bám vào tàu cứu được, ông đứng trên boong tàu, bão tới thổi ông bay xuống biển và còn bay thêm cái phao, ông ôm cái phao, trời gió bão làm tàu bay đi mất, ông ngồi bập bềnh trên phao trôi dạt vào một hoang đảo ở một mình trên đó. Trên hoang đảo đó, không một bóng người, ông phải đi tìm mạch nước, hứng nước mưa uống, bắt ốc ăn tầm bậy tầm bạ sống qua ngày. Mãi cho đến bốn năm sau, ông gầy yếu gần chết, mới có tàu đi ngang, ông kêu cứu, người ta thả phao vào cứu ông, ông phải trả Quả báo đó 4 năm như vậy là vì trong thời gian sống ở buôn làng ông đã làm người ta chia rẽ nhau.
Chúng ta cũng vậy nếu như mình gây chia rẽ làm người này ghét người kia, người kia ghét người nọ thì sau này ta cũng phải trả Quả báo là phải sống cô độc nơi rừng sâu, nơi hoang đảo. Còn nếu ta kêu gọi mọi người yêu thương nhau thì sau này bên cạnh ta lúc nào cũng có bạn bè yêu thương, cuộc sống ta tràn đầy niềm vui.
Nếu ta là cha, là mẹ, có con cái thì cũng phải dạy con mình Chánh đạo, mình nói rằng “Con bị chuyện gì xui thì đừng đổ thừa cho ông trời, ông trời không làm gì hết, mà con phải biết rằng xui hay hên là do Nhân Quả mà con đã gieo. Vì vậy con phải gieo hạt giống tốt để đời con được Quả báo tốt, con phải xúi mọi người thương yêu nhau, con phải giúp đỡ mọi người trong làng, trong xóm mình”.
Khi mình dạy con mình như vậy thì cuộc đời con mình sau này hạnh phúc, sung sướng. Chứ nếu thương con mình mà nghĩ rằng “mình để cho con mình nhiều mẫu rẫy, để cho con mình nhiều tiền” nhưng thật sự khi không để cho con mình trồng cây lành thì nó sẽ không được hưởng trái lành, dù để bao nhiêu đất nó cũng sẽ bán hết, dù mình có để tiền bao nhiêu nó cũng đánh bài hết. Vì vậy, thương con là biết dạy con Chánh đạo, đó là gieo Nhân gì sẽ hưởng Quả đó, phải gieo hạt thương yêu để được thương yêu, phải gieo hạt giúp đỡ để đi đâu nó cũng được giúp đỡ, phải gieo hạt đoàn kết để được đoàn kết, thương yêu chứ không bị sống cuộc đời lẻ loi, cô độc.
Bây giờ, sau một ngày ta lao động vất vả, ta ngoài đồng cuốc đất, trồng cây, nhặt củi, … làm việc rất vất vả. Đêm xuống ta trằn trọc không ngủ được, qua hôm sau ta sẽ rất mệt vì ngủ ngon mới có sức khỏe để nuôi gia đình, ông bà, vợ chồng, con cái ta. Mà tại sao lại không ngủ được? Có phải vì ta trồng cà phê không? Bởi vì Nhân nào Quả đó, trồng cây ‘làm người ta mất ngủ’ nên giờ mình không ngủ được! Nhưng có một điều làm ta mất ngủ dễ sợ, đó chính là tâm thù ghét!
Ta ghét người, ta sẽ không ngủ được, còn khi ta thương người đêm ta sẽ ngủ ngon. Mỗi tối khi đi ngủ, mình nên nhớ trong đầu lúc nào cũng “mình thương yêu hết tất cả mọi người”, như vậy mình sẽ chìm vào giấc ngủ ngon lành. Ông bà mình cũng có dạy:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Nhiễu là tấm vải, điều là màu nâu, nhiễu điều ở đây có nghĩa là một tấm vải màu nâu. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, thường bàn thờ ông bà ta có để một tấm gương, trên bàn thờ có treo một tấm vải màu nâu lên trên đó tức là khi ta nhìn lên bàn thờ tổ tiên ta có che một tấm vải màu nâu có nghĩa là tượng trưng cho ông bà tổ tiên ta, đất nước ta, Tổ quốc ta, mọi điều thiêng liêng trong đời của ta ở đó nên ta phải nhớ một điều “Người trong một nước phải thương nhau cùng” cho nên dù là người Kinh hay người dân tộc, ta đều là người Việt Nam, ta cùng ở chung trong đất nước này, đó là đạo lý từ ngàn xưa để lại, đó là đạo lý từ lương tâm của ta thôi thúc ta, ra lệnh cho ta. Cho nên trong cuộc sống này, có khi người đồng bào dân tộc ta có những điều khó khăn, có những điều chưa biết thì người Kinh phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ cho đồng bào dân tộc ta làm ăn, mua bán chứ đừng bao giờ mà ép mua rẻ, bán mắc.
Lúc nãy, ta nói người chết rồi chưa phải là hết mà phải chờ bao nhiêu năm để đầu thai qua kiếp khác, sanh ra làm em bé rồi già chết, ta cứ tái sinh luân hồi vậy hoài, như vậy ông bà ta khi chết rồi là chưa hết mà cứ lẩn quẩn đâu đó, vô nhà hay ra ngoài sân, cha mẹ ta chết rồi có khi đầu thai qua làng bên cạnh mà mình không biết được, con mắt mình không thấy được mà chỉ có những người đắc đạo, các bậc Thánh mới thấy được. Nhưng trong khi ông bà ta chưa đi đầu thai thì ông bà cha mẹ ta còn ở gần bên ta, vì vậy ta cần phải thờ cúng ông bà cha mẹ ta, trong nhà ta phải có bàn thờ tổ tiên. Ngoài thờ Phật, phải có bàn thờ tổ tiên, trong mỗi bữa ăn phải có một chén cơm nhỏ nhỏ, gắp một ít thức ăn và khấn “mời ông bà, cha mẹ về ăn cơm với con”, đó là để bày tỏ lòng hiếu thảo của ta mà cũng là thực tế khi ông bà ta chưa đi đầu thai chắc chắn đang ở đâu đó. Đó là Chánh đạo!
Cho nên nếu ta dẹp bàn thờ tổ tiên, dẹp bàn thờ Tổ quốc thì ta là Tà đạo! Nếu trong nhà ta chưa có bàn thờ tổ tiên ông bà, phải lập bàn thờ tổ tiên để cho ông bà cha mẹ ta dẫu mất rồi vẫn thấy vui lòng, vẫn thấy ấm lòng vì biết con cháu mình vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn kính mình. Chứ đừng có kiểu cha mẹ mình mất rồi, mình không thèm thờ cúng. Đó là con bất hiếu. Sau này, mình mất rồi, sẽ bị Quả báo lặp lại, con cháu mình bỏ bê mình, không thờ cúng mình, không cho mình ăn, mình phải làm con ma đói. Mình cũng chỉ cần cúng ngày một lần vào bữa ăn chính là buổi trưa, không cần cúng buổi sáng và tối, đó là tục lệ thờ cúng mà cũng là Chánh đạo!
Bây giờ, trong gia đình ta nên có bao nhiêu người con? Sau này, Nhà Nước mình thấy rằng gia đình nào đông con thì gia đình đó nghèo khó, vì nuôi một đứa con rất cực khổ, phải cho nó ăn, phải nuôi dạy nó thành người. Mình đông con quá thì sẽ nuôi dạy không xuể, bỏ nó lăn lóc nên nó ốm nhom nhách, nuôi không đành hoàng, dạy không đàng hoàng nên nó không biết đến Chánh đạo. Cuộc sống con mình sai lầm, không có hạnh phúc thì mình cũng đau khổ, cũng buồn theo. Nên chỉ cần ít đứa nhưng nuôi dạy cho đàng hoàng, phải dạy cho nó Chánh đạo để nó sống cho đàng hoàng, và nhờ vậy, sau này nó hạnh phúc, giàu sang thì mình cũng được vui lây.
Khi Nhà Nước thấy đông con làm gia đình nghèo nên Nhà Nước mới nói “Thôi, nhà mình sanh 2 đứa thôi để dễ nuôi, dễ dạy”. Mình dạy con mình thế này: “Con phải biết trồng cây phước đức để sau này con được hưởng trái phước đức, con phải thờ ông bà vì có hiếu với ông bà thì ông bà mới phù hộ, con phải thờ Phật để Phật dạy cho mình Chánh đạo. Hàng xóm cất nhà, con phải qua con phụ với người ta, sống trên đời phải có tình làng nghĩa xóm, con đường ở làng mà có hư thì con không cần phải đợi ai rủ, ai nhắc nhở, con phải ra sửa lại cho bà con mình được đi an toàn chứ không thôi, buổi đêm tối trời, người ta không thấy đường chạy xe, sẽ bị té ngã tội nghiệp”.
Người mà thấy đường bị hư, bị ổ gà vội ra lấp lại thì sau này sẽ không bao giờ bị tai nạn, cuộc sống sẽ luôn luôn được nhiều may mắn, hạnh phúc.
Thấy cái cầu đi qua suối mà bị hư thì phải bắc cầu qua suối cho người ta đi, phải bắc cầu cho chắc, cho an toàn chứ không được để dang dở giữa chừng vì khi mình làm dở dang thì sau này khi đi máy bay sẽ bị rớt giữa chừng. Cho nên mình phải bắc cầu đến nơi đến chốn và cho mọi người được đi an toàn, làm điều lợi ích như vậy thì những người đó sẽ được Quả báo sau này đi đâu hay được đi bằng máy bay, và đi cũng an toàn chứ không bị rớt máy bay giữa chừng. Nếu mình xây cầu lớn một chút thì sau này sẽ được Quả báo có máy bay riêng luôn.
Khi mình phụ cất nhà cho hàng xóm sau này mình sẽ được nhà cao cửa rộng! Còn những người phụ cất chùa cũng rất có phước vì chùa là nơi thờ Phật, là nơi quý thầy quý cô ở, là nơi Phật tử đến đây tu hành, sau này họ sẽ xây được nhà lầu. Cho nên ai ở đây mà có nhà lầu thì phải biết rằng trong kiếp xưa mình đã từng phụ giúp cất chùa. Đây là điều chắc chắn đúng, vì đó là Nhân Quả! Cho nên mình cần phải dạy cho con mình làm những điều phúc thiện và dạy con mình yêu nước.
Con mình từ nào đến giờ không biết đến đất nước Việt Nam của mình lớn như thế nào, lịch sử của 4.000 năm cha ông mình đã dựng lên như thế nào, đã bảo vệ đất nước này hào hùng như thế nào cho nên là cha mẹ ta phải dạy “Nè con! Đất nước Việt Nam ta rộng lớn chứ không chỉ có cái làng của ta đây, không chỉ có cái Đắc Lắc, cái Buôn Mê Thuộc này mà thôi, không phải chỉ có Đắc Nông, Gia Lai này mà thôi, mà nó từ miền Bắc xa xôi đến miền Nam thăm thẳm. Khi nào lớn lên, con có tiền, con hãy đi một chuyến thăm đất nước của mình, con hãy đến miền Bắc thăm thủ đô Hà Nội, về đến miền Nam thăm thành phố Hồ Chí Minh, về đến mũi Cà Mau xem mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, con sẽ thấy đất nước mình lớn lao, tươi đẹp như vậy và chúng ta là con của đất nước này. Một đất nước yêu thương mà cha ông ta đã phải khó khăn giữ gìn, xây dựng thì ngày nay ta cũng phải thương yêu, giữ gìn, xây dựng đất mước này cho con cháu ta được sống trong hòa bình, trong thịnh vượng”.
Phải dạy con mình tấm lòng yêu nước như vậy! Vì sao? Vì có những kẻ ác độc, Tà đạo đến xúi giục ta đừng yêu nước. Và trước khi những kẻ này đến xúi giục con ta, ta đã kịp dạy con ta lòng yêu nước, yêu đồng bào “người Kinh ở kia cũng là đồng bào với ta, người dân tộc ở đây cũng là đồng bào với ta người Việt Nam ở xa xôi miền Bắc cho dù ta chưa bao giờ gặp cũng là đồng bào của ta, người ở miền Nam xa xôi ta chưa bao giờ đặt chân tới cũng là đồng bào của ta, đất nước ta như thế, dân tộc ta như thế, đồng bào ta như thế, anh em ta như thế, con phải biết thương yêu đồng bào mình, đất nước mình”. Như vậy, khi có bất cứ ai xúi giục con ta làm điều ác, con ta sẽ không làm những việc Tà đạo, sai lầm được.
Phật dạy ta thế này: “Có những điều mắt ta thấy được, nhưng tâm ta bên trong không thấy được”. Thấy cái tâm mới khó, chứ mắt ta thấy bên ngoài rất dễ. Ví dụ như có con đường bị hư, mắt ta nhìn thấy ngay, thế là ta sửa lại cho bằng phẳng, mọi người dễ đi. Hay nóc nhà ta dột ta nhìn thấy được nên ta lấy tranh ta che lại cho đừng bị dột nữa, cái cây ngã xuống chận đường đi ta cùng rủ mọi người kéo cây qua một bên để thông con đường cho mọi người dễ đi, cái áo ta rách ta vá lại... Cái sai ở bên ngoài thì mắt ta thấy được, ta sửa được nhưng tâm ta thì ta không thấy, mà cái tâm ở đây mới khó. Hễ tâm ta ác, tâm ta xấu thì ta sẽ là con người xấu, con người ác, ta làm điều bậy bạ để sau này ta bị mắc Quả báo đau khổ, cho nên Phật dạy ta phải biết nhìn trong tâm mình để sửa cái tâm mình, cái mà ta không thấy nhưng ta biết ta sai chỗ nào, đúng chỗ nào để ta sửa cho chính xác. Đó là cái rất là khó!
Ở đây, ban đầu ta làm phước bên ngoài, cái gì sai ta thấy ta sửa nhưng Phật dạy ta phải tu ở trong tâm. Cho nên khi ông trời xuống quỳ trước Phật và thỉnh Đức Phật thuyết pháp thì Phật mới nói là “Giáo pháp này, Chánh đạo này rất khó hiểu! Bởi vì nói chuyện ở trong tâm, trong trái tim mình, trong lòng mình mà những cái đó mắt không thấy, chúng sinh không thấy thì không sửa được”.
Ông trời mới nói thế này: “Kính thưa Thế Tôn! Tuy tâm này không thấy được, rất là khó thấy để sửa được nhưng có nhiều chúng sinh có trí tuệ có thể thấy được, có thể sửa được. Cho nên xin Phật hãy giảng dạy giáo pháp để chúng sinh nhìn thấy tâm mình và sửa”.
Hôm nay khi ta ngồi nói với nhau về Chánh đạo và Tà đạo thì ta cũng phải nhắc lại lời Phật dạy để biết sửa ở trong tâm mình. Ví dụ tâm mình có cái nóng nảy là mình hay nổi xung lên chửi mắng, còn tâm mình có cái hiền lành là ai nói nặng nhẹ gì mình cũng không giận, mình cười trả lời nhỏ nhẹ. Nhìn vào tâm mình, mình phải biết là nóng nảy hay hiền lành, mỗi khi nóng lên có biết đó là nóng nảy, là sai không? Có dễ thấy tâm mình không ạ? Rất khó thấy, đúng như vậy!
Người nào mỗi khi giận lên biết tâm mình đang nóng, tâm mình đang giận, tâm đó sai, bỏ liền thì đó là người con ngoan của Phật, người đệ tử giỏi của Phật. Vì sao vậy? Vì người con ngoan của Phật, người đệ tử giỏi của Phật là người thấy được tâm mình, tâm mình như thế nào thấy đúng như vậy để kịp thời sửa liền. Cho nên, trí tuệ của một người đệ tử Phật xuất sắc là thấy được tâm mình! Ngay lúc nó vừa sai là thấy, sửa được liền, ví dụ người ta nói mình, mình nóng lên định chửi người ta, mình biết “à, tâm tui đang nóng đây, tui đang muốn chửi người ta đây, tâm này sai rồi, bỏ xuống, bỏ xuống, bỏ xuống”, nghĩa là mình bỏ cái nóng giận lại, chỉ cười trả lời nhẹ nhàng.
Ví như có người nào đó đập cửa nhà mình nói là sáng nay họ đi vắng, nhà họ bị mất gạo rồi nghe người này người nọ nói là mình lấy nên giờ họ qua đập cửa nhà mình mà đòi, trong khi mình đâu có ăn cắp đâu, mình là đệ tử Phật mình đâu có ăn cắp, mình biết ngay là người này đang nói bậy, ngay lúc đó mình nổi nóng lên định chửi lại rồi nhưng mình biết nóng lên chửi lại là cái sai, Phật dạy “phải nhìn thấy tâm mình”, mình thấy tâm mình nóng lên nên mình dằn xuống, buông xuống, bỏ xuống, mình mới trả lời rằng: “Anh bớt giận, tui không có ăn cắp của anh” trong khi ông kia cứ chửi tiếp: “Mày ăn cắp của tao, có người nói cho tao biết”, mình mới nói: “Đừng! Anh đừng giận! Tui là đệ tử Phật, tui không có ăn cắp của ai. Nếu nhà anh kẹt quá không có gạo tui sẽ chia bớt phần gạo cho anh nấu bữa nay, chứ tui thề với Đức Phật, tui không hề ăn cắp của ai, đây là bàn thờ của ông bà tui, tui thề với ông bà tui là tui không hề ăn cắp của ai”. Nói nhỏ nhẹ lại và người kia dịu xuống và cái phước của mình sẽ lớn lên, mình được trời Phật thương mình, phù hộ cho mình.
Còn khi mình nóng lên mà mình không biết mình nóng, mình chửi lại người ta, mình đánh lại người ta thì ông trời, Phật bỏ mình luôn, không thương mình nữa. Nên vì vậy phải nhìn thấy cái tâm của mình, phải sửa tâm nóng giận của mình thành tâm hiền lành.
Ví dụ tâm tham lam cũng vậy, mình thấy người ta mua được một chiếc xe đẹp, mình cũng muốn có chiếc xe nhưng thay vì làm ăn, dành dụm để có tiền mua xe, còn ở đây mình muốn cướp chiếc xe của người ta, ở đây khi mình khởi tâm đó lên thì mình là muốn giành chiếc xe của người ta thì đó là tâm tham lam, tâm ác, cái tâm đó vừa khởi lên ở trong bụng mình là mình bỏ liền, thấy liền, bỏ xuống, mình nói “không được tham lam tài sản của người khác, nếu muốn tự mình làm mà có, đừng tham, bỏ cái tâm tham lam đó xuống liền” thì ngay khi cái bụng mình vừa tham bỏ liền thì ở trên ông trời, Đức Phật thấy liền và thương mình. Cho nên ta phải thấy được tâm mình, người nào thấy được tâm mình thì người đó có trí tuệ!
Ví dụ trong làng trong xóm có người kia bệnh, có người nọ nghèo, con đường nọ hư, mình không để ý. Hỏi sao mình không để ý? Nói tui mắc đi làm ăn, tui mắc làm rẫy, tui mắc làm kiếm tiền nuôi gia đình tui nên tui không để ý, ai bệnh kệ, ai nghèo kệ, đường hư kệ thì mình biết nagy người này bị tâm ích kỷ. Tâm ích kỷ là tâm chỉ biết cho mình, chỉ lo cho mình mà không quan tâm đến những người xung quanh mình, đó là tâm xấu nên ta phải nhìn thấy liền.
Nếu ta sống qua một thời gian mà chỉ thấy mình chỉ lo cho mình, không lo cho ai hết, nhà kia hàng xóm bệnh mà sao mình không qua thăm, nhà kia làm hoài mà không thấy có ăn, quần áo rách rưới mà sao mình không qua thăm, mình biết như vậy tâm mình còn ích kỷ, bụng mình còn hẹp hòi, như vậy mình mới sửa mình , bỏ đi tâm xấu, mình đến chùa lạy Phật “bụng con nào giờ ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, cho gia đình mà không quan tâm đến người bà con, làng xóm cho nên hôm nay con xin sám hối là từ giờ cái bụng con sẽ không hẹp hòi nữa mà từ đây bụng con sẽ mở lớn ra cho hết làng hết xóm này, con sẽ để ý đến những người chung quanh con sống như thế nào, ai nghèo thì con sẽ tới hỏi thăm, nếu giúp được gì thì con sẽ giúp, người bệnh thì con sẽ tới hỏi thăm xem con có thể đi hái thuốc hoặc mua thuốc được về cho người ta hay không hoặc nếu nhà người ta không có ai thì con sẽ đến nhà người ta nấu dùm người ta miếng cơm, miếng cháo” khi mình lạy Phật và nói như vậy thì mình dần không còn ích kỷ nữa, mà sẽ tốt lên từ từ. Đó là thấy được cái tâm mình để mà sửa!
Hoặc trong làng mình có một người đi học, lâu lâu về thăm nhà, người ta ghé qua thăm mình mà trong lòng mình ghét người đó vì người ta thì được đi học trong khi mình phải làm rẫy vất vả, mình nghĩ xấu cho người ta. Nhưng vì mình là đệ tử Phật nên khi tâm ghét của mình vừa khởi lên, mình thấy liền và biết cái ghét này là cái sai, Phật dạy mình không được ghét ai, ai mình cũng phải thương, con cháu mình đi học ở xa mình phải cầu cho nó học giỏi, học thành tài để nó được thành bác sĩ, kỹ sư. Mình phải dặn lòng “phải thương, phải thương, không được ghét”. Cho nên người nào thấy được tâm mình, thấy được tâm mình thì người đó có trí tuệ! Những người này khi chết sẽ được lên cõi trời!
Miệng của ta là nơi để ta đưa vào, đưa ra. Ta đưa vào thức ăn, nước uống nhưng đưa ra điều gì? Bây giờ nếu ta nói xấu người khác, nếu ta chửi bậy, nếu ta phản lại đạo của mình, nếu ta phản lại đất nước của mình ta sẽ đưa ra tội. Nếu ta bảo mọi người thương yêu nhau, chúng ta kêu gọi mọi người tin Nhân Quả, gieo Nhân gì gặt Quả đó, nếu ta kêu gọi mọi người hãy thờ kính Phật, thờ ông bà thì ta đưa ra phước. Có người chỉ đưa ra cái tội, còn ta là đệ tử Phật, dứt khoát ta chỉ đưa ra những phước, không đưa ra tội, chỉ nói những điều tốt tốt đẹp, kêu gọi mọi người thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, tin vào Nhân Quả.
Tay ta cũng đưa vào và đưa ra. Ví dụ như tay ta đưa tiền vô, đưa ra có khi tội có khi phước. Nếu tay ta cầm súng, cầm dao giết người thì tay này đưa ra tội mà hễ khi tay này đưa ra tội thì kiếp sau ta bị chặt tay, không có tay nữa vì tay này phí lắm, vì tay này đã cầm đồ bậy bạ, còn những người nào mà tay chỉ làm điều phước, không bao giờ cầm vũ khí, tay này chỉ để bắc cầu cho người ta đi, chỉ để đắp đường, chỉ để chắp tay lại để mà lạy Phật thì người này mang phước ra cho cuộc đời, người này sẽ đời đời được giàu sang sung sướng, chết được lên cõi trời. Đó là Chánh đạo!
Ta nhớ thế này, người mà cùng là người Việt Nam ta gọi là đồng bào, người cùng đạo Phật ta gọi là đồng đạo. Như vậy, chúng ta ngồi đây có thể tay ta không có đồng tiền, tay ta không có đồng hồ nhưng chắc chắn chúng ta có 2 cái đồng, đó là tình đồng bào, đồng đạo ngồi chung quanh ta, và đó chính là niềm thương yêu, là hạnh phúc của ta trong suốt cuộc sống này và đó là Chánh đạo mà ta muốn nói với nhau. Nếu người nào yêu thương được hết đồng bào của mình, yêu thương được hết đồng đạo cảu mình thì người đó là người đi theo con đường Chánh đạo, khi chết rồi sẽ được đầu thai vào làm con torng 1 gia đình giàu có sung sướng hoặc sinh lên cõi trời. Còn người nào không có đồng đạo, không có đồng bào, ghét người này, ghét người kia thì người đó chết rồi đi về nơi đau khổ, khi đầu thai cũng sẽ vào nơi đau khổ hoặc còn sống trên đời cũng là đau khổ.
Hôm nay, ta nói với nhau bài Chánh đạo, Tà đạo là để hiểu rằng cái Chánh đạo hay Tà đạo là do tâm mình, trong tâm mình không có thù ghét, trong tâm mình không có giận hờn, không có ích kỷ, đó chính là Chánh đạo. Ai trong tâm cũng giống như vậy thì đó là Chánh đạo! Ngay cả khi người nào đó nói thương ta nhưng ta thấy trong tâm họ còn thù ghét thì ta biết người đó là Tà đạo, trong đời của ta, ta chỉ đi theo Chánh đạo mà thôi, dứt khoát không đi theo con đường Tà đạo vì đi theo Tà đạo là đi về nơi đau khổ.
Hôm nay trong mùa đông đã về chúng ta có nhân duyên về chùa Bửu Thắng này, gặp nhau để nói với nhau về vài đạo lý yêu thương của Chánh đạo. Xin chúc cho quý Phật tử được nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống, luôn luôn vững bước đi trên con đường Chánh đạo, không đi lầm vào Tà đạo! Xin chúc cho sư cô trụ trì chùa Bửu thắng làm được nhiều Phật sự từ thiện có ý nghĩa để cho Phật tử được về đây nương tựa! Xin chúc cho tất cả chúng sinh yêu thương nhau và cùng đi theo Chánh đạo!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bài giảng tại chùa Bửu Thắng, Krong Buk, Daklak

 

TT Thích Chân Quang