Người con gái Yên Tử

Vào một buổi chiều, cuối thế kỷ 13, trong hoàng cung nhà Trần. Lệnh truyền xuống tam cung. Tất cả các cung phi, ngự nữ đã hầu hạ thượng hoàng (Trần Nhân Tông) được triệu vào nội cung gặp đương kim hoàng thượng. Tất cả có gần một trăm cung phi, mỹ nữ đang quỳ chầu ở nội điện. Tất cả quỳ sát nhau, không ai nói với ai một lời nào. Dường như họ đã linh cảm một điều hệ trọng sắp xảy ra. Lời truyền lệnh của đương kim hoàng thượng rất khác với thường ngày, khi rất nhiều cung phi mỹ nữ cùng được truyền gọi.

Đương kim hoàng thượng bước ra, ngài bệ vệ trên bệ rồng, bên dưới những cung phi, mỹ nữ đang quỳ chờ đợi. Không khí yên lặng bao trùm khắp nội điện, nghe thấy cả tiếng sột soạt của ngự bào.

“Các khanh đã biết chuyện gì xảy ra chưa, hôm qua thượng hoàng đã rời hoàng cung và nhằm hướng Yên Tử. Các khanh đều đã hầu hạ bên thượng hoàng lâu ngày. Trẫm rất đau buồn, cả triều đình chấn động vì việc này. Thượng hoàng muốn đi tu ở Yên Tử, trẫm muốn các khanh hãy ngăn việc đó lại...”.

Các cung nữ nhìn nhau. Họ đã nghe nói đến ý định của thượng hoàng, ai nấy đều nghĩ rằng sau khi ngài đến Vũ Lâm (Ninh Bình) thì ngài sẽ quay về, ai ngờ... Thượng hoàng đã nhất quyết con đường tu hành thì các cung phi biết đi về đâu. Thượng hoàng ơi, khi ngài quyết định xuất gia, ngài có nghĩ đến những cung nữ đang mòn mỏi trong hậu cung. Tuổi thanh xuân, sắc đẹp, son phấn, ham muốn trần tục, tất cả sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Đương kim hoàng thượng dừng một lát.

“Ta muốn ngay ngày mai, sau khi đã chuẩn bị tư trang, các khanh rời ngay kinh thành để đến Yên Tử. Ta muốn các khanh dùng mọi cách để ngăn thượng hoàng lại, các khanh không được chậm trễ và nếu như không ngăn được thượng hoàng, các khanh đừng quay về nữa. Các khanh đã rõ điều ta nói chưa, tuyệt đối không được tiết lộ điều này cho bất cứ ai, kể cả thượng hoàng. Các khanh phải tình nguyện sống chết vì thượng hoàng”.

Lệnh vua đã ban ra, tất thảy phải được thi hành. Trong hậu cung tràn ngập một nỗi u ám, phiền muộn. Ngày mai các cung nữ bắt đầu phải thực hiện một nhiệm vụ nặng nề mà ai cũng biết rằng đến chín phần thất bại. Nhưng dù chỉ có một phần hi vọng cũng cần phải sẵn sàng. Các cung nữ nhanh chóng chuẩn bị để khởi hành thật sớm, họ không được phép ngừng nghỉ để kịp ngăn bước chân thượng hoàng. Trong đám cung nữ ấy có một người con gái mới mười sáu tuổi, tên nàng là Lâm Nhi, nàng đến từ chân dãy Yên Tử. Nàng không nước mắt ròng như những cung nữ khác vì ngày mai nàng sẽ được về nơi có cha mẹ và những đứa em thân yêu của nàng. Những ước mong, dự định nơi cung cấm cũng vì thế mà sẽ không thành. Trong lòng nàng vui buồn lẫn lộn.

Canh ba, trời giá lạnh, đoàn người rời cung. Tất cả lặng lẽ ra khỏi hoàng thành từ hướng đông. Lần rời cung này không có rượu tiễn đưa, không lời chúc tụng, chỉ có vài người tay áo chấm nước mắt, nghẹn lời.

Kinh thành mờ dần sau lưng. Các cung nữ đi không ngưng nghỉ mấy ngày đêm, tất cả lặng thầm hướng về Yên Tử. Các cung nữ xiêm áo dính đầy bụi đường, cành khô, gai sắc cứa vào da thịt. Sắc diện các cung nữ không còn hồng hào, hoa phấn như khi ở trong cung, thiên lý gập ghềnh khiến cho họ rã rời nhưng tất cả vẫn phải vội vã, hi vọng. Nhiệm vụ đang còn ở trước mắt, thượng hoàng vẫn đang ở phía trước và số mệnh của họ đang còn ở trước mắt. Lâm Nhi thì khác, nàng vẫn hồn nhiên, vui cười. Nàng là người con của núi rừng Yên Tử, nàng đến Yên Tử là trở về quê hương của mình. Rừng núi là nơi nàng hái hoa bắt bướm, là tuổi thơ của nàng. Những con đường gập ghềnh là hành trình quen thuộc của nàng.

Nhưng có lẽ còn nửa ngày đường nữa mới theo kịp bước chân thượng hoàng. Lâm Nhi đã dò hỏi người đi đường, nàng rất biết địa thế vùng Yên Tử, nàng biết con đường thượng hoàng sẽ đi qua để đến Yên Tử nhanh nhất.

Kia rồi, phía trước có một toán người. Trong bọn họ có người gồng gánh, người tay nải khoác vai. Lên trên đỉnh con dốc kia là bước vào địa phận Yên Tử, đích thị là thượng hoàng và một số đệ tử, gia nhân theo hầu. Lâm Nhi cùng một số cung nữ trẻ bứt lên phía trước, họ muốn là những người đầu tiên nhìn thấy thượng hoàng trước khi ngài vượt qua con dốc bước vào địa phận Yên Tử.

Lâm Nhi chạy lên phía trước, nàng đã nhìn thấy thượng hoàng, mặc dù thượng hoàng trong trang phục thường dân nhưng dáng vẻ của ngài, thần thái của ngài thì không thể che giấu được.

“Cung nữ Lâm Nhi xin vấn an thượng hoàng” - nàng quỳ ngay chân dốc và ngước nhìn mặt rồng.

“Nàng là ai mà đến đây? Nàng nhầm rồi, ta không phải là thượng hoàng, ta là khách qua đường đang tìm đến Yên Tử. Người con gái như nàng đi giữa rừng núi hoang sơ thế này nguy hiểm lắm, nàng hãy về đi”.

“Không, thượng hoàng không giấu được thiếp đâu. Thiếp là cung nữ trong cung Chi Mai, thiếp chưa một lần được ngài ân sủng, nhưng diện mạo của ngài thì không thể nhầm sang người khác được. Xin thượng hoàng hãy dừng bước để thiếp trần tình, ở dưới kia còn có cả trăm cung nữ đang đến đây tìm thượng hoàng”.

Thượng hoàng không thể chối được nữa. Cả trăm cung nữ đã chạy đến nơi, tất cả quỳ dưới chân ngài, cầu xin ngài quay trở lại kinh thành.

“Các khanh làm khó ta quá, nhưng bây giờ ta không còn là thượng hoàng nữa rồi. Các khanh hãy về đi, ý ta đã quyết rồi, ta không thể thay đổi được nữa. Ta đã chọn Yên Tử là nơi tu hành cho mình. Các khanh hãy quay về mà vui vẻ với cuộc sống trong hoàng cung đi”.

Lâm Nhi đứng dậy.

“Thượng hoàng đi thì chúng khanh không còn được vui vẻ nữa rồi. Chúng khanh được đưa vào cung để hầu hạ hoàng thượng, bây giờ là thượng hoàng. Thượng hoàng đi rồi thì chúng khanh biết hầu hạ ai nữa, vui vẻ với ai nữa đây? Xin thượng hoàng hãy nghĩ lại, xin hãy vì thượng hoàng, vì non sông Đại Việt và vì cả chúng khanh nữa”.

Vua Trần ngạc nhiên.

“Nàng vừa xưng là Lâm Nhi đúng không, ta không ngờ nàng còn trẻ mà đối đáp trôi chảy như vậy. Một người con gái như nàng thì có ích cho non sông lắm. Những điều nàng nói làm ta xúc động, nhưng bậc quân vương thì không thể nói hai lời. Ý ta đã quyết rồi, chúng dân cũng đã biết rồi, các nàng hãy quay về để ta yên lòng tu hành nơi Yên Tử. Núi rừng Yên Tử đang chờ ta, ta đi đây”.

Lâm Nhi gạt nước mắt mà thưa rằng:

“Thượng hoàng vẫn quả quyết mà đi ư, thượng hoàng không biết rằng chúng thần đã nguyện sống chết cùng thượng hoàng, nếu thượng hoàng không quay về thì xin cho chúng thần ở lại với ngài ở Yên Tử”.

“Ta không thể quay về, cũng không thể cho các khanh ở lại đây được. Đây là nơi tu hành, ta đã quyết định xuất gia, các khanh là nữ nhi trần tục không thể chung sống cùng nhau được. Các khanh hãy quay về đi, các khanh không cản được ta đâu”.

Nhất loạt cung nữ đều quỳ xuống mà van rằng:

“Nếu chúng thần không ngăn được thượng hoàng dừng bước thì chúng thần xin lấy cái chết để tạ ơn. Chúng thần không đành lòng mà quay về kinh thành nữa rồi”.

Nói rồi các cung nữ chạy xuống dưới chân dốc, nhất loạt xô mình xuống con suối nước lạnh đang chảy dữ dội. Dòng nước cuốn các cung nữ trôi đi, bao nhiêu xiêm áo đủ màu như những cánh bướm trôi phấp phới. Thượng hoàng ra lệnh cho đám gia nô, đệ tử đi cùng tức tốc nhảy xuống cứu vớt các cung nữ. Gần một trăm cung nữ, số chết đuối quá nửa. Trong đám cung nữ sống sót có Lâm Nhi. Đôi môi nàng nhợt đi vì nước lạnh, xiêm áo dính chặt vào cơ thể, nàng như một con công, con bướm bị nhúng xuống nước nhưng đôi mắt nàng vẫn long lanh nhìn về phía trước. Thượng hoàng không cầm được lòng mà ôm lấy nàng.

“Sao các khanh lại dại dột đến thế, ta đi tu ở Yên Tử thì có phiền toái các nàng nhiều đâu. Một người con gái tài sắc như nàng mà chết thì ta cũng cảm thấy có tội”.

Lâm Nhi gượng cười mà nói với thượng hoàng rằng:

“Lâm Nhi trẫm mình xuống suối nhưng biết mình chưa chết được đâu. Lâm Nhi đã nhìn thấy ánh mắt thượng hoàng khi nãy và biết phận mình chưa hết. Ngài biết không, núi rừng Yên Tử chính là quê hương của thiếp. Được quay về quê hương lòng thiếp vui lắm, dù không ngăn được thượng hoàng nhưng Lâm Nhi đã nguyện lòng rồi”.

“Các khanh đã chết vì lòng trung thành của mình, ta sẽ cho an táng và lập miếu thờ tử tế. Còn những người còn sống, ta phải tính sao đây?”.

Lâm Nhi gắng gượng mà tâu rằng:

“Thần thiếp khi bước vào cung đã tâm nguyện rằng sống chết để hầu hạ hoàng thượng. Nay hoàng thượng và thượng hoàng đã không cần những người như thần thiếp nữa thì cúi xin thượng hoàng cho chúng thần một đặc ân. Hãy cho phép chúng thần không phải trở về kinh thành nữa”.

“Không trở về kinh thành nữa các nàng sẽ đi đâu và sống thế nào? Từ trước đến nay các nàng đều được cung phụng trong cung. Để các nàng đi, lòng ta không yên tâm”.

“Thượng hoàng không nhớ sao, trước khi trở thành cung nữ chúng thần đều là những người con gái bình thường. Chúng thần cũng biết cày cấy, dệt vải để kiếm sống. Chúng thần sẽ không chết đói, chết khát đâu. Chính Lâm Nhi đã từng đi rừng hái củi và tắm dưới dòng suối này”.

“Vậy nàng định thế nào?”.

“Thượng hoàng đã cứu chúng thần, coi như chúng thần không phải tội chết. Xin cho thần thiếp giãi bày”.

“Nàng cứ nói”.

“Chúng thần được tuyển vào cung để hầu hạ ngài, nhưng cung nữ trong cung quá nhiều. Chúng thần, rất nhiều người, đâu mong có ngày được ngài ân sủng. Nay ngài đã xuất gia rồi, xin ngài hãy cho chúng thần ở dưới chân Yên Tử để sinh cơ lập nghiệp ở đây và cũng có cơ hội được nhìn thấy ngài một ngày nào đó”.

“Nhưng nơi đây rừng thiêng nước độc, các khanh biết lấy gì để sinh sống?”.

“Yên Tử là quê hương của thần thiếp, thiếp biết dưới chân Yên Tử có một dải đất màu mỡ, chúng thần sẽ ở đấy mà khai khẩn”.

“Nhưng các khanh là nữ nhi chân yếu tay mềm, biết có làm được không?”.

“Thượng hoàng không biết rồi, vùng này có rất nhiều thanh niên trai tráng, nghèo hàn không lấy được vợ, chúng thần ở lại đây coi như một sự ân sủng của triều đình với họ rồi. Có họ, thượng hoàng sẽ không phải lo cho chúng thần nữa. Trong lòng thiếp đã rất muốn có một ngày nào đó được hầu hạ ngày đêm bên hoàng thượng, nhưng điều đó không được nữa rồi. Thiếp sẽ trở thành vợ hiền của một lực điền, thiếp sẽ trở thành đàn bà như đúng nghĩa của nó và có rất nhiều con. Điều mà ở trong cung cấm thiếp gần như vô vọng”.

“Khanh thật ghê gớm, nếu khanh ở trong cung thì đã bị trị tội rồi”.

“Thiếp biết mình đã thoát tội chết rồi. Thiếp biết bơi nhưng thiếp đã không bơi để được ngài cứu. Thiếp yêu ngài và muốn được ngài yêu. Nếu thiếp không chết đuối thì thiếp biết thiếp sẽ không phải chết nữa. Hôm nay dù sao thiếp cũng là người của thượng hoàng, thiếp muốn là người của ngài trước khi ngài lên Yên Tử”.

“Ta đã quyết định xuất gia từ khi ở Vũ Lâm và từ lâu đã không ham muốn điều đó rồi, nàng hãy dành cho người chồng của nàng”.

“Vậy thiếp xin đội ơn thượng hoàng. Nhà thiếp ở gần đây, kính mong thượng hoàng hãy vào nghỉ ngơi, ăn một bữa cơm chay trước khi lên Yên Tử. Thiếp sẽ nhờ người trong làng lo toan cho những cung phi gặp nạn”.

“Mọi việc ta giao cho khanh lo liệu. Khanh nhớ bảo ban mọi người cho cẩn thận. Các cung nữ trẫm mình sẽ được lập miếu thờ ngay tại dòng suối này. Miếu ấy sẽ được hương khói hăng ngày”.

Sau bữa cơm chay tịnh trong nhà Lâm Nhi, Trần Nhân Tông lên Yên Tử, lấy phật hiệu là Điều ngự giác hoàng và chuyên tâm tu hành. Lâm Nhi sau khi lo liệu mọi việc êm thấm, nàng lấy một chàng trai người Tày lực lưỡng, người bạn từ thuở ấu thơ của nàng. Những cung nữ khác cũng ở đó mà sinh cơ lập nghiệp. Ngôi làng mà họ lập ra được gọi là làng Nương, làng Mụ. Miếu thờ và dòng suối nơi các cung nữ trẫm mình được gọi là Giải Oan. Tương truyền con gái từ hai ngôi làng dưới chân Yên Tử đều rất xinh đẹp vì có dòng dõi là các cung nữ năm xưa. Trong các làng bản, người ta vẫn kể câu chuyện về nàng Lâm Nhi xinh đẹp, người con gái có công trong việc dựng xây làng bản và làm trù phú mảnh đất dưới chân Yên Tử.

 

Truyện ngắn của UÔNG TRIỀU

 

Tên thật của tác giả là Nguyễn Xuân Ban, giáo viên tiếng Anh một trường THPT nhưng lại đam mê văn học. Bút danh Uông Triều được ghép từ hai địa danh Uông Bí và Đông Triều của vùng than Đông Bắc, vùng đất nhiều trầm tích văn hóa đã gợi cảm hứng cho cây bút sinh năm 1977 này xuất hiện trên văn đàn với những truyện ngắn tựa vào lịch sử và truyền thuyết rất ấn tượng. Riêng về Trần Nhân Tông, vị vua chói sáng triều Trần - cũng là tên ngôi trường anh đang công tác, Uông Triều đã dồn tâm huyết viết nên hai truyện: Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân (Văn Nghệ Quân Đội tháng 11-2009) và Người con gái Yên Tử mà độc giả được đọc dưới đây.

Chuyện bắt nguồn từ một truyền thuyết sầu bi về những cung nữ theo thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử. Truyền thuyết là thế, nhưng trong Người con gái Yên Tử của Uông Triều có một người con gái đã dám nói lên sự thật trước bậc quân vương về những kiếp người bị giam cầm trong lầu son gác tía. Khi đã nếm trải nỗi cay đắng của vinh hoa, con người mới khát khao thứ hạnh phúc thường dân vợ chồng hái củi, trồng dâu, dệt vải... Chủ đề truyện không mới nhưng được minh chứng bằng một thực tế sinh động là có một “làng cung nữ” - làng Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngôi làng của những cung phi thoát kiếp đã kết hôn với những chàng trai người Dao - để hậu duệ của họ ngày nay đã tạo nên một “miền gái đẹp” dưới chân Yên Tử.

ĐỖ TIẾN THỤY

Nguồn: Tuổi Trẻ